Đại Hội Trung Ương
Hãy Nức Lòng và Vui Mừng
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Hãy Nức Lòng và Vui Mừng

Chúng ta được sinh ra vào thời gian này vì một mục đích thiêng liêng, sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên.

Khi phán cùng Thomas B. Marsh, một người mới cải đạo, Chúa đã khích lệ: “Hãy nức lòng và vui mừng, vì đã đến lúc ngươi phải đi truyền giáo” (Giáo Lý và Giao Ước 31:3).

Tôi tin rằng lời mời gọi này có thể là một sự soi dẫn cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội. Xét cho cùng, mỗi người chúng ta đều đã nhận được sứ mệnh quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che từ Cha Thiên Thượng.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Sự quy tụ đó là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay. Không có điều gì khác so sánh được với sự vinh hiển, không có điều gì khác so sánh được với tầm quan trọng, không có điều gì khác so sánh được với vẻ uy nghi này.”1

Chắc chắn là có nhiều chính nghĩa trên thế gian. Không thể nào kể hết tên chúng được. Nhưng anh chị em không muốn tham gia vào một chính nghĩa lớn lao trong tầm với của mình và nơi mà sự đóng góp của anh chị em tạo ra một sự khác biệt quan trọng sao? Sự quy tụ tạo ra một sự khác biệt vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể tham gia vào chính nghĩa này bất kể hoàn cảnh của họ và nơi họ sống. Không có chính nghĩa nào khác trên thế gian toàn diện hơn.

Đặc biệt đối với giới trẻ, Chủ Tịch Nelson đã nói rằng: “Cha Thiên Thượng đã dành riêng nhiều linh hồn cao quý nhất của Ngài— … có lẽ là nhóm người tốt nhất của Ngài—cho giai đoạn cuối cùng này. Những linh hồn cao quý đó—những người lành nghề nhất, những anh hùng đó—chính là các em!”2

Vâng, anh chị em đã được chuẩn bị từ trước cuộc sống này và sinh ra bây giờ để tham gia vào công việc vĩ đại của sự quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che trong những ngày sau này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:53–56).

Tại sao chính nghĩa này lại quan trọng như vậy? Bởi vì “dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao” (Giáo Lý và Giao Ước 18:10). Và bởi vì “kẻ nào tin nơi [Chúa Giê Su Ky Tô] và chịu phép báp têm thì sẽ được cứu; và sẽ thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế” (3 Nê Phi 11:33). Hơn nữa, “tất cả những gì Cha ta có sẽ được ban cho” những người tiếp nhận các giáo lễ của Ngài và tuân giữ các giao ước của Ngài (Giáo Lý và Giao Ước 84:38). Ngoài ra, “con gặt thì ít” (Lu Ca 10:2).

Chỉ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chúng ta mới tìm thấy quyền năng, thẩm quyền, và cách thức để ban một phước lành như vậy cho người khác, cho dù còn sống hay đã chết.

Như Chủ Tịch Nelson đã nói: “Bất cứ lúc nào [anh chị em] làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là [anh chị em] đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Chỉ đơn giản vậy thôi.”3

Mặc dù có nhiều cách để giúp đỡ cho sự quy tụ, nhưng tôi muốn nói về một cách đặc biệt: phục vụ với tư cách là một người truyền giáo toàn thời gian. Đối với nhiều anh chị em, điều này sẽ có nghĩa là trở thành một người truyền giáo giảng dạy. Đối với nhiều người khác, điều này sẽ có nghĩa là trở thành một người truyền giáo phục vụ. Nhưng thế gian cố gắng làm cho giới trẻ sao lãng khỏi trách nhiệm thiêng liêng nhất này bằng cách sử dụng nỗi sợ hãi và bất an.

Một số điều khác mà có thể gây sao lãng là việc trải qua đại dịch, bỏ dở một công việc làm tốt, bỏ dở việc học hành, hoặc có cảm xúc đặc biệt theo cách lãng mạn đối với một người nào đó. Mọi người đều sẽ có những thử thách riêng của mình. Những điều sao lãng như vậy có thể phát sinh vào đúng lúc bắt tay vào công việc phục vụ Chúa, và những lựa chọn dường như hiển nhiên sau này không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy.

Qua kinh nghiệm của mình, tôi biết tâm trí rối bời của một người trẻ tuổi. Khi tôi đang chuẩn bị đi truyền giáo, một số thế lực bất ngờ đã cố gắng làm nản lòng tôi. Một trong số đó là nha sĩ của tôi. Khi ông ấy nhận ra cuộc hẹn của tôi là để tôi có thể trở thành một người truyền giáo, ông ấy đã cố gắng ngăn cản tôi đi phục vụ. Tôi không hề có ý rằng nha sĩ của tôi chống lại Giáo Hội.

Việc gián đoạn học tập của tôi cũng rất phức tạp. Khi tôi xin nghỉ học hai năm chương trình đại học, tôi được thông báo rằng điều này là bất khả thi. Tôi sẽ bị đuổi khỏi trường đại học nếu tôi không trở lại sau một năm bảo lưu. Ở Brazil, điều này rất nghiêm trọng vì tiêu chí duy nhất để được nhận vào một chương trình đại học là một kỳ thi rất khó và đầy cạnh tranh.

Sau nhiều lần nài nỉ, tôi được thông báo một cách miễn cưỡng rằng sau khi vắng mặt một năm, tôi có thể nộp đơn xin ngoại lệ với lý do đặc biệt. Đơn xin đó có thể được chấp thuận hoặc không. Tôi sợ hãi trước ý nghĩ phải thi lại bài thi tuyển sinh khó khăn đó sau hai năm xa rời việc học hành.

Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến một thiếu nữ. Một vài người bạn của tôi cũng đế ý đến cô ấy. Tôi tự nghĩ: “Nếu mình đi truyền giáo, mình sẽ gặp rủi ro.”

Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn soi dẫn tuyệt vời của tôi để không sợ hãi về tương lai khi tôi hết lòng cố gắng phục vụ Ngài.

Ngài cũng có một sứ mệnh để hoàn thành. Ngài đã giải thích theo lời của Ngài: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38). Và sứ mệnh của Ngài có dễ dàng không? Dĩ nhiên là không. Nỗi đau khổ của Ngài, là một phần thiết yếu trong sứ mệnh của Ngài, đã khiến cho Ngài “dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—

“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và [Ngài] đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của [Ngài] cho con cái loài người” (GLGƯ 19:18–19).

Việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian có thể dường như khó khăn đối với chúng ta. Có lẽ điều đó đòi hỏi chúng ta gác lại những điều quan trọng trong một thời gian. Chúa chắc chắn biết điều này, và Ngài sẽ luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.

Thật vậy, trong sứ điệp của họ dành cho những người truyền giáo trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hứa: “Chúa sẽ tưởng thưởng và ban phước dồi dào cho các anh chị em khi các anh chị em khiêm nhường và thành tâm phục vụ Ngài.”4 Đúng là tất cả con cái của Thượng Đế đều được ban phước bằng cách này hay cách khác, nhưng có một sự khác biệt giữa việc được ban phước và được ban phước dồi dào trong sự phục vụ Ngài.

Anh chị em còn nhớ những thử thách mà tôi nghĩ là tôi đã gặp phải trước khi đi truyền giáo không? Nha sĩ của tôi? Tôi tìm một nha sĩ khác. Trường đại học của tôi? Họ đã tạo ra một ngoại lệ cho tôi. Anh chị em nhớ người thiếu nữ đó không? Cô ấy kết hôn với một trong những người bạn tốt của tôi.

Nhưng Thượng Đế thật sự ban phước cho tôi rất dồi dào. Và tôi biết được rằng các phước lành của Chúa có thể đến theo những cách khác với cách chúng ta kỳ vọng. Xét cho cùng, những ý nghĩ của Ngài không phải là ý nghĩ của chúng ta (xin xem Ê Sai 55:8–9).

Một vài trong số nhiều phước lành dồi dào mà Ngài đã ban cho tôi để phục vụ Ngài với tư cách người truyền giáo toàn thời gian là một đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài và một sự hiểu biết và chứng ngôn mạnh mẽ hơn về những lời giảng dạy của Ngài, để tôi không dễ bị dời đổi bởi “gió của đạo lạc” (Ê Phê Sô 4:14). Tôi đã không còn sợ hãi trong việc giảng dạy. Khả năng của tôi đã gia tăng để lạc quan đối phó với những thử thách. Bằng cách quan sát những người và gia đình mà tôi đã gặp hoặc giảng dạy với tư cách là một người truyền giáo, tôi đã học được rằng những lời giảng dạy của Thượng Đế là chân chính khi Ngài phán rằng tội lỗi không mang lại hạnh phúc đích thực và việc tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế giúp chúng ta được thịnh vượng về mặt vật chất lẫn thuộc linh (xin xem Mô Si A 2:41; An Ma 41:10). Và tôi tự mình biết được rằng Thượng Đế là một Thượng Đế có nhiều phép lạ (xin xem Mặc Môn 9).

Tất cả những điều này là công cụ giúp tôi chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành, bao gồm cả việc kết hôn và làm cha mẹ, phục vụ Giáo Hội, cũng như nghề nghiệp và đời sống trong cộng đồng.

Sau khi phục vụ truyền giáo, tôi đã có lợi ích từ lòng can đảm gia tăng để tự giới thiệu mình với tư cách là một môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài trong mọi hoàn cảnh và với tất cả mọi người, ngay cả việc chia sẻ phúc âm với một người phụ nữ xinh đẹp, là người đã trở thành người bạn đồng hành vĩnh cửu đức hạnh, khôn ngoan, vui vẻ và yêu dấu của tôi, là hạnh phúc của cuộc đời tôi.

Vâng, Thượng Đế đã ban phước dồi dào cho tôi, vượt xa điều tôi tưởng tượng, cũng giống như Ngài sẽ ban cho tất cả những người “khiêm nhường và thành tâm phục vụ Ngài.” Tôi vĩnh viễn biết ơn Thượng Đế về lòng nhân từ của Ngài.

Công việc truyền giáo của tôi đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi đã biết được rằng nỗ lực tin cậy nơi Thượng Đế, tin cậy vào sự thông sáng, lòng thương xót và những lời hứa của Ngài là xứng đáng. Xét cho cùng, Ngài là Đức Chúa Cha của chúng ta, và chắc chắn là Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta.

Các em giới trẻ trên khắp thế giới thân mến, tôi đưa ra cùng một lời mời mà vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Nelson, đã đưa ra cho tất cả các em để “gia nhập đạo quân trẻ tuổi của Chúa để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.” Chủ Tịch Nelson đã nói:

Không có điều gì có kết quả lớn lao hơn cả. Hoàn toàn không có điều gì cả.

“Sự quy tụ này nên là quan trọng bậc nhất đối với các em. Đây sứ mệnh mà vì đó các em đã được gửi đến thế gian.”5

Chúng ta được sinh ra vào thời gian này vì một mục đích thiêng liêng, sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên. Khi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian, đôi khi chúng ta sẽ bị thử thách, nhưng chính Chúa là tấm gương sáng và là Đấng hướng dẫn tuyệt vời của chúng ta trong những hoàn cảnh như vậy. Ngài hiểu công việc truyền giáo khó khăn như thế nào. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể làm những việc khó khăn. Ngài sẽ ở bên cạnh chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:88), và Ngài sẽ ban phước cho chúng ta rất nhiều khi chúng ta khiêm nhường phục vụ Ngài.

Vì tất cả những lý do này, tôi không ngạc nhiên khi Chúa phán cùng Thomas B. Marsh và tất cả chúng ta: “Hãy nức lòng và vui mừng, vì đã đến lúc ngươi phải đi truyền giáo.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.