Đại Hội Trung Ương
“Lúc Đó Ta Sẽ Làm Cho Những Điều Yếu Kém Trở Nên Mạnh Mẽ”
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


“Lúc Đó Ta Sẽ Làm Cho Những Điều Yếu Kém Trở Nên Mạnh Mẽ”

Khi chúng ta tự hạ mình và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì ân điển của Đấng Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội vô hạn của Ngài sẽ giúp chúng ta có thể thay đổi.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã từng chia sẻ câu chuyện về người quản đốc nhà tù Clinton Duffy. “Trong các thập niên 1940 và 1950, [Giám ngục Duffy] rất nổi tiếng về những nỗ lực để cải tạo phục hồi những người đàn ông trong nhà tù của ông. Một nhà phê bình nói: ‘Ông nên biết rằng các con báo không thay đổi đốm đen trên da chúng!’

“Warden Duffy đáp: ‘Ông nên biết rằng tôi không làm việc với các con báo. Tôi làm việc với con người, và con người thì thay đổi mỗi ngày.’”1

Một trong những lời dối trá thâm độc nhất của Sa Tan là con người không thể thay đổi. Lời dối trá này được kể đi kể lại qua nhiều cách khác nhau khi thế gian nói rằng chúng ta đơn giản là không thể thay đổi—hoặc tệ hơn, rằng chúng ta không nên thay đổi. Chúng ta được dạy rằng chúng ta phụ thuộc vào hoàn cảnh của mình. Thế gian bảo rằng chúng ta nên “chấp nhận con người thật của chúng ta, và sống đúng với bản chất của mình.”

Chúng Ta Có Thể Thay Đổi

Mặc dù việc sống chân thực là tốt, nhưng chúng ta nên sống thật với bản ngã của mình, với tư cách là các con trai và con gái của Thượng Đế với thiên tính và số mệnh thiêng liêng để trở nên giống như Ngài.2 Nếu mục tiêu của chúng ta là sống thật với thiên tính và số mệnh thiêng liêng này, thì tất cả chúng ta đều cần phải thay đổi. Sự thay đổi trong thánh thư được gọi là sự hối cải. Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy: “Có quá nhiều người coi sự hối cải là hình phạt—một điều gì đó nên tránh ngoại trừ trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. … Khi Chúa Giê Su yêu cầu anh chị em và tôi phải ‘hối cải,’ thì Ngài đang mời gọi chúng ta phải thay đổi.”3

Điều Kiện của Thượng Đế

Các nhà phát triển phần mềm máy tính sử dụng những câu lệnh có điều kiện để cho máy tính biết phải làm gì. Chúng đôi lúc được đề cập đến như là các câu lệnh nếu-thì. Chẳng hạn như, nếu x đúng, thì y cũng đúng.

Chúa cũng hành động dựa trên các điều kiện: điều kiện của đức tin, điều kiện của sự ngay chính, điều kiện của sự hối cải. Có nhiều ví dụ về các câu lệnh có điều kiện từ Thượng Đế chẳng hạn như:

Nếu ngươi tuân giữ các giáo lệnh của ta và kiên trì đến cùng [thì] ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”4

Hoặc “nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, [thì] Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.”5

Ngay cả tình thương yêu vô tận và hoàn hảo của Thượng Đế cũng tùy thuộc vào các điều kiện.6 Ví dụ:

Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, [thì] sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.”7

Anh Cả D. Todd Christofferson giải thích thêm về lẽ thật phúc âm này khi ông dạy: “Một số người thường nói: ‘Đấng Cứu Rỗi thương yêu tôi vô điều kiện’, và điều đó dĩ nhiên là đúng. Nhưng Ngài không thể đưa bất kỳ ai trong chúng ta vào vương quốc của Ngài nếu không đưa ra điều kiện, “vì không có một vật ô uế nào có thể ở trong đó, hay ở trong chốn hiện diện của Ngài.” [Môi Se 6:57]. Tội lỗi của chúng ta phải được thanh tẩy trước.”8

Những Điều Yếu Kém Có Thể Trở Nên Mạnh Mẽ

Phước lành của việc nhận được quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta thay đổi cũng có điều kiện. Đấng Cứu Rỗi đã phán dạy qua tiên tri Mô Rô Ni trong Sách Mặc Môn: “Và nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”9

Khi tìm hiểu kỹ hơn về điều Chúa đang phán dạy chúng ta ở đây, chúng ta nhận ra rằng trước tiên Ngài phán rằng Ngài ban cho loài người sự yếu kém, là một phần trong kinh nghiệm trần thế của chúng ta với tư cách là những con người sa ngã và trần tục. Chúng ta đã trở thành con người thiên nhiên do Sự Sa Ngã của A Đam. Nhưng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể vượt qua sự yếu kém hoặc bản tính sa ngã của mình.

Sau đó, Ngài nói rằng ân điển của Ngài là đủ và nếu chúng ta tự hạ mình và có đức tin nơi Ngài, thì Ngài sẽ “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với [chúng ta].” Nói cách khác, khi trước hết chúng ta thay đổi bản tính sa ngã của mình, sự yếu kém của mình, thì chúng ta sẽ có thể thay đổi hành vi, các khuyết điểm của chúng ta.

Những Yêu Cầu để Có được Sự Thay Đổi

Chúng ta hãy xem lại những đòi hỏi để có được sự thay đổi dựa theo mẫu mực của Chúa:

Trước tiên, chúng ta phải tự hạ mình. Điều kiện của Chúa để có sự thay đổi là sự khiêm nhường. Ngài phán: “Nếu họ hạ mình trước mặt ta”10. Trái ngược với khiêm nhường là kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo hiện hữu khi chúng ta nghĩ rằng mình biết nhiều hơn—khi điều chúng ta suy nghĩ hoặc cảm nhận được ưu tiên hơn điều Thượng Đế suy nghĩ hoặc cảm nhận.

Vua Bên Gia Min đã dạy rằng “con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế … và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ khi người ấy … cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, [và] khiêm nhường.”11

Để thay đổi, chúng ta cần phải cởi bỏ con người thiên nhiên để trở nên khiêm nhường và phục tùng. Chúng ta phải đủ khiêm nhường để tuân theo một vị tiên tri tại thế. Đủ khiêm nhường để lập và tuân giữ các giao ước đền thờ. Đủ khiêm nhường để hối cải mỗi ngày. Chúng ta phải đủ khiêm nhường để muốn thay đổi, để “hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế.”12

Thứ nhì, chúng ta phải có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Một lần nữa, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta,”13 thì Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng để vượt qua những khuyết điểm của mình. Sự khiêm nhường, cùng với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ cho phép chúng ta tiếp cận quyền năng trợ giúp từ ân điển của Ngài và các phước lành trọn vẹn có được nhờ Sự Chuộc Tội của Ngài.

Chủ Tịch Nelson đã dạy rằng “sự hối cải thực sự bắt đầu với đức tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng thanh tẩy, chữa lành và củng cố chúng ta. … Chính là đức tin của chúng ta cho phép chúng ta tiếp cận với quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống của mình.”14

Thứ ba, qua ân điển của Ngài, Ngài có thể làm những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ. Nếu chúng ta tự hạ mình và có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì ân điển của Ngài sẽ giúp chúng ta thay đổi. Nói cách khác, Ngài sẽ cho chúng ta quyền năng để thay đổi. Điều này có thể xảy ra bởi vì, như Ngài phán: “Ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả.”15 Ân điển trợ giúp và mang tính củng cố của Ngài cho chúng ta sức mạnh để vượt qua mọi trở ngại, mọi thử thách, và mọi khuyết điểm khi chúng ta tìm cách thay đổi.

Các khuyết điểm lớn nhất có thể trở thành các ưu điểm lớn nhất của chúng ta. Chúng ta có thể được thay đổi và “trở thành những sinh linh mới.”16 Những điều yếu kém thực sự có thể “trở nên mạnh mẽ đối với [chúng ta].”17

Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu để chúng ta có thể thực sự thay đổi, hối cải, và trở nên tốt hơn. Chúng ta thực sự có thể được tái sinh. Chúng ta có thể vượt qua các thói quen, thói nghiện, và ngay cả “ý muốn làm điều tà ác.”18 Với tư cách là con cái của một Cha Thiên Thượng nhân từ, chúng ta có quyền năng tiềm tàng để thay đổi.

Những Ví Dụ của Sự Thay Đổi

Thánh thư có nhiều ví dụ về việc những người nam và nữ đã thay đổi.

Sau Lơ, một người Pha Ri Si tích cực ngược đãi giáo hội Ky Tô Giáo thời xưa,19 đã trở thành Phao Lô, một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

An Ma từng là một thầy tư tế trong triều đình của Vua Nô Ê tà ác. Ông đã nghe được những lời của A Bi Na Đi, và trở thành một trong những người truyền giáo tuyệt vời trong Sách Mặc Môn.

Con trai của ông là An Ma đã dành cả tuổi trẻ của mình để hủy hoại Giáo Hội. Ông ấy từng là “kẻ xấu xa nhất trong số những kẻ phạm tội”20 cho đến khi ông ấy có một sự thay đổi trong lòng và trở thành một người truyền giáo mạnh mẽ bằng chính các nỗ lực của ông ấy.

Môi Se đã được gia đình của Pha Ra Ôn nhận nuôi và sinh trưởng trong nhung lụa như một hoàng tử Ai Cập. Nhưng khi dần hiểu được rằng mình thực sự là ai và biết được vận mệnh thiêng liêng của mình, ông ấy đã thay đổi và trở thành vị tiên tri ban hành luật pháp trong Kinh Cựu Ước.21

Người ông của vợ tôi, James B. Keysor, đã luôn gây ấn tượng với tôi về sự thay đổi lớn lao trong lòng ông.22 Được sinh ra bởi những người tổ tiên tiền phong Thánh Hữu Ngày Sau ở Thung Lũng Salt Lake vào năm 1906, ông mồ côi mẹ khi còn nhỏ và gặp nhiều khó khăn trong suốt thời niên thiếu. Ông xa rời Giáo Hội trong những năm niên thiếu và thành niên của mình; và trong những năm đó ông mắc phải nhiều thói quen xấu. Tuy nhiên, ông đã gặp gỡ và kết hôn với một người phụ nữ trung tín, và họ đã cùng nhau nuôi nấng năm đứa con.

Vào năm 1943, sau những năm khó khăn của cuộc Đại Suy Thoái Kinh Tế và trong Thế Chiến thứ hai, Bud, tên mà gia đình và bạn bè thường gọi ông, đã rời Utah và dọn đến Los Angeles, California để tìm việc làm. Trong thời gian xa nhà, ông đã sống cùng người chị của mình và chồng bà ấy, người đang phục vụ với tư cách là giám trợ trong tiểu giáo khu của họ.

Với tình thương yêu và sự ảnh hưởng của người chị và anh rể của mình, ông đã bắt đầu quan tâm đến Giáo Hội trở lại và đọc Sách Mặc Môn mỗi đêm trước khi đi ngủ.

Một đêm nọ, trong lúc đọc chương 34 trong sách An Ma, ông đã cảm động khi đọc những lời sau đây:

“Phải, tôi mong rằng các người hãy tiến đến và đừng chai đá trong lòng nữa. …

“Vì này, cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế; phải, này, thời gian của cuộc sống này là thời gian cho loài người thực thi những công việc lao nhọc của mình.”23

Khi đọc những câu này, một cảm xúc mạnh mẽ đến với ông và ông biết rằng mình cần phải thay đổi, hối cải, và ông biết ông phải làm gì. Ông bước ra khỏi giường và quỳ xuống để bắt đầu cầu nguyện, cầu xin Chúa tha thứ cho ông và ban cho ông sức mạnh cần thiết để có những thay đổi trong cuộc đời ông. Lời cầu nguyện của ông đã được đáp ứng, và từ đó về sau, ông không bao giờ hối hận. Bud đã phục vụ trong Giáo Hội và vẫn mãi là một Thánh Hữu Ngày Sau trung tín và tận tụy cho đến cuối đời. Ông ấy đã thay đổi về mọi mặt. Tấm lòng, tâm trí, hành động, và bản chất của ông đã thay đổi.

Thưa các anh chị em, vận mệnh và mục đích thiêng liêng của chúng ta là cuối cùng trở thành giống như Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta làm điều này khi chúng thay đổi hoặc hối cải. Chúng ta thụ nhận được “hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi trong sắc mặt [mình].”24 Chúng ta trở nên đổi mới, thanh sạch, khác biệt, và đơn giản là chúng ta tiếp tục cố gắng mỗi ngày. Thỉnh thoảng, có vẻ như chúng ta tiến hai bước và lùi một bước, nhưng chúng ta tiếp tục khiêm nhường tiến bước trong đức tin.

Và khi chúng ta tự hạ mình và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì ân điển của Đấng Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội vô hạn của Ngài sẽ giúp chúng ta có thể thay đổi.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đích thực là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ân điển của Ngài thực sự là đủ. Tôi tuyên bố rằng Ngài là “là đường đi, lẽ thật, và sự sống.”25 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.