Đại Hội Trung Ương
Đấng Ky Tô Hàn Gắn Những Gì Đổ Vỡ
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Đấng Ky Tô Hàn Gắn Những Gì Đổ Vỡ

Ngài có thể hàn gắn những mối quan hệ tan vỡ với Thượng Đế, những mối quan hệ rạn nứt với những người khác, và những phần khiếm khuyết của chúng ta.

Cách đây vài năm, tại một buổi họp mặt gia đình, cháu trai William 8 tuổi của tôi lúc bấy giờ đã hỏi đứa con trai lớn của chúng tôi, Briton, có muốn chơi bóng với nó không. Briton đã nhiệt tình đáp: “Được! Anh rất thích chơi!” Sau khi chúng chơi được một lúc, Briton ném quả bóng ra xa, và vô tình làm vỡ một trong những chiếc bình cổ của ông bà ngoại nó.

Briton cảm thấy sợ hãi. Khi nó cúi xuống và bắt đầu từ từ nhặt những mảnh vỡ, thì William bước đến bên người anh họ và âu yếm vỗ nhẹ vào lưng anh họ. Sau đó William an ủi: “Không sao đâu, Briton. Có lần, em đã làm vỡ một thứ ở nhà của Ông Bà Ngoại, và Bà Ngoại đã choàng tay ôm em và nói: ‘Không sao đâu, William. Cháu chỉ mới 5 tuổi thôi mà.’”

Briton đáp: “Nhưng, William à, anh đã 23 tuổi rồi!”

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thánh thư về cách Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ giúp chúng ta thành công đối phó với những khó khăn trong cuộc sống của mình, bất kể chúng ta đang ở độ tuổi nào. Ngài có thể hàn gắn những mối quan hệ tan vỡ với Thượng Đế, những mối quan hệ rạn nứt với những người khác, và những phần khiếm khuyết của chúng ta.

Mối Quan Hệ Tan Vỡ với Thượng Đế

Trong khi Đấng Cứu Rỗi đang giảng dạy trong đền thờ, các thầy thông giáo và những người Pha Ri Si đã đem một người đàn bà đến trước Ngài. Chúng ta không biết hết câu chuyện của người ấy mà chỉ biết rằng người ấy đã “bị bắt quả tang về tội tà dâm.”1 Thông thường, thánh thư chỉ đưa ra một phần nhỏ trong cuộc đời của ai đó và dựa trên phần đó, đôi khi chúng ta thường đề cao hoặc lên án. Không ai có thể hiểu được cuộc sống của một người bằng một khoảnh khắc tuyệt vời hay một nỗi thất vọng đáng tiếc trước công chúng. Mục đích của những câu chuyện thánh thư này là nhằm giúp chúng ta thấy rằng Chúa Giê Su Ky Tô là sự giải đáp lúc bấy giờ, và Ngài là sự giải đáp bây giờ. Ngài biết mọi điều về chúng ta và biết chính xác những gì chúng ta phải gánh chịu, cũng như khả năng và những yếu điểm của chúng ta.

Câu trả lời của Đấng Ky Tô cho người con gái yêu dấu của Thượng Đế là “Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.”2 Một cách khác để nói “hãy đi, đừng phạm tội nữa” có thể là “hãy đi đi và thay đổi.” Đấng Cứu Rỗi đang mời gọi người ấy hối cải, thay đổi hành vi, các mối quan hệ của người ấy, cảm nghĩ của người ấy về bản thân mình, lòng mình.

Nhờ vào Đấng Ky Tô, nên quyết định “đi và thay đổi” của chúng ta cũng có thể cho phép chúng ta “đi và chữa lành,” vì Ngài là nguồn chữa lành tất cả những gì đổ vỡ trong cuộc sống của chúng ta. Là Đấng Trung Gian và Biện Hộ vĩ đại đối với Đức Chúa Cha nên Đấng Ky Tô thánh hoá và phục hồi các mối quan hệ đã tan vỡ—quan trọng nhất là mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế.

Bản Dịch Joseph Smith nói rõ rằng người đàn bà đó đã chịu noi theo lời dạy của Đấng Cứu Rỗi và đã thay đổi cuộc đời mình: “Và từ giờ đó trở đi, người đàn bà đã ngợi khen Thượng Đế và tin vào danh Ngài.”3 Thật đáng tiếc là chúng ta không biết tên của người đàn bà ấy, hoặc những chi tiết khác về cuộc sống của người ấy sau thời điểm này, vì cần phải có sự quyết tâm cao độ, lòng khiêm tốn và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để người ấy hối cải và thay đổi. Những gì chúng ta thực sự biết là người ấy là một người đàn bà “tin vào danh Ngài” với sự hiểu biết rằng mình có thể tiếp cận sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu của Ngài.

Các Mối Quan Hệ Rạn Nứt với Những Người Khác

Trong Lu Ca chương 15, chúng ta đọc một câu chuyện ngụ ngôn về một người đàn ông có hai con trai. Người con trai nhỏ đòi cha nó chia gia tài cho nó và đi phương xa, và ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình.4

“Khi đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo thiếu,

“bèn đi làm mướn cho một người bổn xứ, thì họ sai ra đồng chăn heo.

“Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho.

“Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói!

“Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha,

“không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy.

“Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.”5

Tôi tin rằng việc người cha chạy đến chỗ con trai mình là rất quan trọng. Sự tổn thương cá nhân mà người con trai đã gây ra cho cha mình chắc chắn là rất sâu và lớn. Tương tự như vậy, người cha có thể thực sự xấu hổ trước hành động của con trai mình.

Vậy tại sao người cha đã không đợi con trai mình nói lời xin lỗi? Tại sao ông ta không chờ để có được một lời đề nghị đền bồi và hòa giải trước khi cho thấy sự tha thứ và tình yêu thương? Đây là điều mà tôi đã thường suy ngẫm.

Chúa dạy chúng ta rằng việc tha thứ người khác là một lệnh truyền chung: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.”6 Việc cho thấy sự tha thứ có thể cần đến lòng can đảm và khiêm nhường lớn lao. Nó cũng có thể cần thời gian. Nó đòi hỏi chúng ta phải đặt đức tin và sự tin cậy của chúng ta nơi Chúa khi chúng ta nhận lấy trách nhiệm về tâm trạng của mình. Đây là ý nghĩa và sức mạnh của quyền tự quyết của chúng ta.

Với phần mô tả về người cha này trong chuyện ngụ ngôn về đứa con trai hoang phí, Đấng Cứu Rỗi đã nhấn mạnh rằng sự tha thứ là một trong những ân tứ cao quý nhất mà chúng ta có thể cho nhau và cụ thể nhất là cho chính chúng ta. Không phải lúc nào cũng dễ dàng trút bỏ gánh nặng khỏi tâm hồn của chúng ta, nhưng nhờ quyền năng cho phép của Chúa Giê Su Ky Tô, điều đó có thể làm được.

Những Phần Khiếm Khuyết của Chúng Ta

Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 3 chúng ta học về một người sinh ra đã bị què và “hằng ngày người ta đem đặt tại cửa đền, gọi là Cửa Đẹp, đặng ăn mày những người vào đền.”7

Người què ăn xin đã hơn 40 tuổi8 và đã dành cả cuộc đời của mình trong trạng thái mong muốn và chờ đợi mà dường như bất tận, vì anh ta phụ thuộc vào lòng rộng lượng của người khác.

Một ngày nọ, người ấy thấy “Phi E Rơ và Giăng vào, thì xin hai người bố thí.

“Phi E Rơ với Giăng ngó chăm người, rồi nói rằng: Hãy nhìn xem chúng ta.

“Vậy, người bèn nhìn chăm chăm hai người, tưởng sẽ được chút gì.

“Nhưng Phi E Rơ nói với người rằng: Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhơn danh Đức Chúa Giê Su Ky Tô ở Na Xa Rét, hãy bước đi.

“Phi E Rơ nắm tay hữu người đỡ dậy. Tức thì bàn chơn và mắt cá người trở nên cứng vững;

“Người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ngợi khen Đức Chúa Trời.”9

Thông thường, chúng ta có thể thấy mình, giống như người què ăn xin ở cổng đền thờ, đã kiên nhẫn—hoặc đôi khi sốt ruột—“trông đợi Chúa.”10 Chờ đợi để được chữa lành về mặt thể chất hoặc tình cảm. Chờ đợi các câu trả lời thấu suốt tận thâm tâm chúng ta. Chờ đợi một phép lạ.

Việc trông đợi Chúa có thể là một nơi thiêng liêng—một nơi mài dũa và tinh luyện mà chúng ta có thể tiến đến việc biết được Đấng Cứu Rỗi theo một cách rất riêng tư. Việc trông đợi Chúa cũng có thể là nơi mà chúng ta tự hỏi: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?”11—một nơi mà sự kiên trì thuộc linh đòi hỏi chúng ta phải thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô bằng cách cố ý chọn Ngài hết lần này đến lần khác. Tôi biết nơi này và tôi hiểu kiểu trông đợi này.

Tôi đã trải qua vô số giờ tại một cơ sở điều trị ung thư, kết hợp trong nỗi đau khổ của tôi với nhiều người đang khao khát được chữa lành. Một số người còn sống; nhưng những người khác thì không. Tôi đã học được một cách rõ ràng rằng sự giải cứu khỏi những thử thách của chúng ta là khác nhau đối với mỗi người chúng ta, và do đó, chúng ta nên tập trung ít hơn vào cách chúng ta được giải cứu và nhiều hơn về chính Đấng Giải Cứu. Chúng ta phải luôn luôn tập trung đến Chúa Giê Su Ky Tô!

Thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô có nghĩa là tin cậy không chỉ vào ý muốn của Thượng Đế mà còn vào kỳ định của Ngài nữa. Vì Ngài biết chính xác điều chúng ta cần và chắc chắn khi nào chúng ta cần. Khi phục tùng theo ý muốn của Chúa, thì cuối cùng chúng ta sẽ chắc chắn nhận được nhiều hơn những gì chúng ta đã mong muốn.

Các bạn thân mến, chúng ta đều có một điều gì đó trong cuộc sống của mình mà bị đổ vỡ cần phải được hàn gắn, sửa chữa hoặc chữa lành. Khi chúng ta hướng tới Đấng Cứu Rỗi, khi chúng ta gắn kết tấm lòng và tâm trí của mình với Ngài, khi chúng ta hối cải, thì Ngài đến với chúng ta “với sự chữa lành trong đôi cánh của Ngài,”12 ôm chúng ta trong vòng tay âu yếm của Ngài và nói: “Không sao đâu. Con chỉ mới 5 tuổi—hoặc 16, 23, 48, 64, 91 tuổi. Chúng ta có thể cùng nhau sửa chữa điều này!”

Tôi làm chứng rằng không có điều gì trong cuộc sống của anh chị em mà đã bị đổ vỡ lại vượt quá quyền năng chữa trị, cứu chuộc và cho phép của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thánh danh và tôn danh của Ngài là Đấng có quyền năng chữa lành, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.