Đại Hội Trung Ương
Cải Đạo theo Ý Muốn của Thượng Đế
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Cải Đạo theo Ý Muốn của Thượng Đế

Sự cải đạo cá nhân của chúng ta gồm có trách nhiệm phải chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với thế gian.

Tôi biết ơn lời tiên tri kêu gọi mạnh mẽ của Chủ Tịch Russell M. Nelson đối với công việc truyền giáo và các sứ điệp truyền giáo đầy cảm ứng của Chủ Tịch M. Russell Ballard và Anh Cả Marcos A. Aidukaitis hôm nay.

Một sự chỉ định về công việc truyền giáo đến nước Anh vào cuối năm ngoái đã cho phép tôi nhớ lại những sự kiện thuộc linh quý giá là nền tảng cho quyết định của tôi để phục vụ với tư cách là người truyền giáo.1 Khi tôi 15 tuổi, người anh trai yêu quý của tôi, Joe, 20 tuổi—độ tuổi đủ điều kiện để đi phục vụ truyền giáo lúc bấy giờ. Ở Hoa Kỳ, vì chiến tranh Triều Tiên, nên rất ít người được phép phục vụ. Mỗi năm, mỗi tiểu giáo khu chỉ có thể kêu gọi một người truyền giáo.2 Thật bất ngờ khi vị giám trợ của chúng tôi đề nghị Joe tìm hiểu với cha chúng tôi về điều khả thi này. Joe đã chuẩn bị đơn xin vào trường y. Cha chúng tôi là người không tích cực trong Giáo Hội, đã chuẩn bị tài chính để giúp anh ấy và không ủng hộ việc Joe đi truyền giáo. Cha tôi cho rằng Joe có thể làm nhiều việc tốt hơn bằng cách đi học trường y. Đây là một vấn đề gay go trong gia đình chúng tôi.

Trong một cuộc thảo luận đáng kể với người anh trai khôn ngoan và gương mẫu của tôi, chúng tôi kết luận rằng quyết định của anh ấy về việc có nên phục vụ truyền giáo và trì hoãn việc học của mình hay không còn tùy thuộc vào ba câu hỏi: (1) Chúa Giê Su Ky Tô có phải là Đấng thiêng liêng không? (2) Sách Mặc Môn có phải là lời của Thượng Đế? và (3) Joseph Smith có phải là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi không? Nếu câu trả lời cho những câu hỏi này là phải, thì rõ ràng việc Joe mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến với thế gian là tốt hơn việc trở thành một bác sĩ vào thời điểm sớm hơn.3

Đêm đó tôi đã cầu nguyện một cách nhiệt thành và với chủ ý thật sự. Trong một cách mạnh mẽ không thể phủ nhận được, Thánh Linh đã xác nhận với tôi rằng câu trả lời cho cả ba câu hỏi này đều là phải. Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với tôi. Tôi đã nhận thấy rằng mọi quyết định mà tôi sẽ đưa ra trong phần đời còn lại của mình sẽ được tác động bởi những lẽ thật này. Tôi cũng biết rằng mình sẽ phục vụ truyền giáo nếu có được cơ hội. Suốt một đời phục vụ và trải qua những kinh nghiệm thuộc linh, tôi đã tiến đến việc hiểu rằng sự cải đạo thực sự là kết quả của việc chấp nhận có ý thức về ý muốn của Thượng Đế và rằng chúng ta có thể được Đức Thánh Linh hướng dẫn trong các hành động của mình.

Tôi đã có một chứng ngôn về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của thế gian rồi. Đêm đó, tôi đã nhận được thêm một chứng ngôn thiêng liêng về Sách Mặc Môn4 và Tiên Tri Joseph Smith.

Joseph Smith Là một Công Cụ trong Tay Chúa

Chứng ngôn của anh chị em sẽ được củng cố khi anh chị em biết rõ trong thâm tâm mình qua lời cầu nguyện của anh chị em rằng Tiên Tri Joseph Smith là một công cụ trong tay Chúa. Trong tám năm qua, một trong những chỉ định của tôi trong Nhóm Mười Hai Vị Sứ Đồ là xem lại và đọc tất cả các giấy tờ và tài liệu đặc biệt của Joseph Smith cũng như sự nghiên cứu mà dẫn đến việc xuất bản các tập của sách Saints (Các Thánh Hữu).5 Chứng ngôn và lòng ngưỡng mộ của tôi đối với Tiên Tri Joseph Smith đã được củng cố và tăng lên rất nhiều sau khi đọc những chi tiết đầy cảm ứng về cuộc đời và giáo vụ tiên tri đã được tiền sắc phong của ông.

Việc phiên dịch Sách Mặc Môn của Joseph nhờ vào ân tứ và quyền năng của Thượng Đế là nền tảng cho Sự Phục Hồi.6 Sách Mặc Môn có nội dung nhất quán, được viết rất xuất sắc và chứa đựng các câu trả lời cho những thắc mắc quan trọng của đời sống. Sách ấy là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Joseph Smith là người ngay chính, đầy đức tin và là công cụ trong tay Chúa trong việc cho ra đời Sách Mặc Môn.

Những điều mặc khải và sự kiện được ghi lại trong sách Giáo Lý và Giao Ước mang những chìa khóa, giáo lễ và giao ước cần thiết đến cho sự cứu rỗi và tôn cao. Những điều này không những nêu ra những điều thiết yếu cần phải có để thành lập Giáo Hội mà còn mang đến giáo lý sâu sắc cho phép chúng ta hiểu mục đích của cuộc sống và cho chúng ta một quan điểm vĩnh cửu.

Một trong vô số các ví dụ về vai trò tiên tri của Joseph Smith được tìm thấy trong tiết 76 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Đó là một bản ghi chép rõ ràng khải tượng về thiên thượng, kể cả các vương quốc vinh quang, mà Tiên Tri Joseph và Sidney Rigdon đã được phước để nhận được vào ngày 16 tháng Hai năm 1832. Vào thời điểm đó, phần lớn các giáo hội đang dạy rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi sẽ không mang lại sự cứu rỗi cho hầu hết mọi người. Người ta tin rằng một số ít sẽ được cứu, còn phần lớn sẽ phải chịu diệt vong trong địa ngục và sự đoán phạt, kể cả những cực hình vô tận “với cường độ khủng khiếp nhất và không kể xiết.”7

Điều mặc khải nằm trong tiết 76 cho thấy một khải tượng hiển vinh về các mức độ vinh quang nơi mà phần lớn con cái của Cha Thiên Thượng là những người đã sống dũng cảm trong trạng thái tiền dương thế của họ được ban phước rất nhiều tiếp theo sau sự phán xét cuối cùng.8 Khải tượng về ba mức độ vinh quang, mức độ thấp nhất trong ba mức độ đó “vượt khỏi mọi sự hiểu biết,”9 là sự bác bỏ trực tiếp giáo lý mạnh mẽ nhưng sai lầm lúc bấy giờ rằng đa số sẽ phải chịu diệt vong trong địa ngục và sự đoán phạt.

Khi anh chị em nhận biết rằng Joseph Smith chỉ mới 26 tuổi, trình độ học vấn hạn chế và ít hoặc không tiếp xúc với các ngôn ngữ cổ điển mà từ đó Kinh Thánh được phiên dịch, ông thực sự là một công cụ trong tay Chúa. Trong câu 17 của tiết 76, ông được soi dẫn để sử dụng từ không công minh thay vì sự đoán phạt mà đã được sử dụng trong sách Phúc Âm của Giăng.10

Điều thú vị là 45 năm sau, một vị lãnh đạo Anh Giáo và nhà học giả cổ điển được chứng nhận về mặt học thuật,11 Frederic W. Farrar là người đã dành nhiều năm để viết The Life of Christ [Cuộc Đời của Đấng Ky Tô],12 đã khẳng định rằng định nghĩa của từ sự đoán phạt trong Phiên Bản Kinh Thánh King James là do lỗi dịch từ tiếng Hê Bơ Rơ và tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh.13

Trong thời chúng ta, nhiều người đã chấp nhận quan niệm rằng tội lỗi không có hậu quả theo sau. Họ ủng hộ việc tha thứ vô điều kiện tội lỗi mà không có sự hối cải. Giáo lý được mặc khải của chúng ta không những bác bỏ ý kiến cho rằng hầu hết mọi người sẽ bị kết tội xuống địa ngục và bị đoán phạt mà còn xác minh rằng sự hối cải của cá nhân là điều kiện tiên quyết đã được truyền lệnh để dự phần vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và kế thừa vương quốc thiên thượng.14 Tôi làm chứng rằng Joseph Smith thực sự là một công cụ trong tay Chúa để phổ biến Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài!

Nhờ vào Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô nên chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự hối cải lẫn “những việc làm ngay chính.”15 Chúng ta hiểu ý nghĩa bao quát của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi cũng như các giáo lễ và giao ước cứu rỗi của Ngài, kể cả các giáo lễ và giao ước được thực hiện trong đền thờ.

“Những việc làm ngay chính” bắt nguồn từ và là kết quả của sự cải đạo. Sự cải đạo đích thực được thực hiện bởi sự chấp nhận có ý thức và cam kết tuân theo ý muốn của Thượng Đế.16 Nhiều kết quả và phước lành đến từ sự cải đạo là sự bình an đích thực và lâu dài cũng như sự bảo đảm riêng cho hạnh phúc tột bậc17—bất chấp những cơn bão tố của cuộc đời này.

Sự cải đạo theo Đấng Cứu Rỗi thay đổi một con người tự nhiên thành một người được nên thánh, được tái sinh, được thanh tẩy—một tạo vật mới trong Chúa Giê Su Ky Tô.18

Nhiều Người Bị Ngăn Cản Khỏi Lẽ Thật Vì Họ Không Biết Tìm Thấy Lẽ Thật Đâu Cả

Các nghĩa vụ đi theo sau sự cải đạo là gì? Trong Ngục Thất Liberty, Tiên Tri Joseph đã lưu ý rằng nhiều người “bị ngăn cản khỏi lẽ thật vì họ không biết tìm thấy lẽ thật ở đâu cả.”19

Trong lời mở đầu của Chúa trong sách Giáo Lý và Giao Ước, một lời phán bao quát về mục đích của Chúa dành cho chúng ta đã được đưa ra. Ngài phán: “Vậy nên, ta là Chúa, vì biết trước tai họa sẽ đến với dân cư trên thế gian, nên ta gọi tôi tớ Joseph Smith, Jr., của ta, và từ trên trời phán bảo hắn, và ban cho hắn các giáo lệnh.” Ngài chỉ dẫn thêm: “Để cho phúc âm trọn vẹn của ta có thể được những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường rao truyền đến các nơi tận cùng của thế giới.”20 Đó là những người truyền giáo toàn thời gian. Đó là mỗi người chúng ta. Đây phải là một “sự tập trung cao độ” cho những ai đã được ban phước với sự cải đạo theo ý muốn của Thượng Đế. Đấng Cứu Rỗi ân cần mời gọi chúng ta để trở thành tiếng nói và đôi tay của Ngài.21 Tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi sẽ là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta. Đấng Cứu Rỗi đã dạy các môn đồ của Ngài: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân.”22 Và Ngài đã phán cùng Joseph Smith: “Hãy thuyết giảng phúc âm của ta cho mọi người chưa từng nhận được phúc âm này.”23

Một tuần sau khi lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland vào ngày 3 tháng Tư năm 1836, là ngày Chủ Nhật Phục Sinh và cũng là Lễ Vượt Qua, Chúa đã hiện đến trong một khải tượng tuyệt vời cho Joseph và Oliver Cowdery. Chúa đã chấp nhận ngôi đền thờ và phán: “Đây là sự khởi đầu của phước lành mà sẽ được trút xuống đầu dân ta.”24

Sau khi khải tượng này kết thúc, Môi Se hiện đến “và trao cho … những chìa khóa về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên từ bốn phương trời, và về sự dẫn dắt mười chi tộc từ đất phương bắc.”25

Chủ Tịch Russell M. Nelson, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta ngày nay là người nắm giữ cũng những chìa khóa này, đã dạy hồi sáng này: “Các em là các thanh niên đã được dành riêng cho thời kỳ này khi sự quy tụ Y Sơ Ra Ên đã được hứa đang diễn ra. Khi phục vụ truyền giáo, các em đóng một vai trò then chốt trong sự kiện chưa từng có này!”26

Đối với mệnh lệnh của Đấng Cứu Rỗi là phải chia sẻ phúc âm để trở thành một phần bản tính của con người chúng ta, chúng ta còn cần trở nên cải đạo theo ý muốn của Thượng Đế; chúng ta cần phải yêu thương người lân cận của mình, chia sẻ phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, và mời gọi mọi người đến xem. Là tín hữu của Giáo Hội, chúng tôi quý trọng câu trả lời của Tiên Tri Joseph gửi cho John Wentworth, biên tập viên của tờ báo Chicago Democrat, vào năm 1842. Người này đã hỏi thông tin về Giáo Hội. Joseph kết thúc câu trả lời của mình bằng cách sử dụng “Cờ Hiệu của Lẽ Thật” làm lời tựa cho mười ba Tín Điều. Cờ hiệu này truyền đạt một cách súc tích về những gì cần phải được hoàn thành:

“Không một bàn tay phàm tục nào có thể chặn đứng công việc này tiến triển; những sự ngược đãi có thể ác liệt, các đám đông khủng bố có thể liên kết, những đạo quân có thể tập họp, lời vu khống có thể đưa ra, nhưng lẽ thật của Thượng Đế sẽ thẳng tiến một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập, cho đến khi nó thâm nhập vào mỗi lục địa, đến với mọi xứ sở, lan tràn trong mỗi quốc gia, và thấu đến tai của mỗi người, cho đến khi các mục đích của Thượng Đế đã được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán công việc đã hoàn tất.”27

Đây là lời kêu gọi cho các thế hệ Thánh Hữu Ngày Sau, nhất là những người truyền giáo. Theo tinh thần “Cờ Hiệu của Lẽ Thật,” chúng ta biết ơn rằng ở giữa đại dịch toàn cầu, những người truyền giáo trung tín đã chia sẻ phúc âm. Hỡi những người truyền giáo, chúng tôi yêu thương anh chị em! Chúa phán bảo mỗi người chúng ta phải chia sẻ phúc âm của Ngài bằng lời nói và việc làm. Sự cải đạo cá nhân của chúng ta gồm có trách nhiệm phải chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với thế gian.

Các phước lành của việc chia sẻ phúc âm gồm có việc gia tăng sự cải đạo của chúng ta theo ý muốn của Thượng Đế và để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta.28 Chúng ta ban phước cho người khác để trải qua một “sự thay đổi lớn lao” trong lòng.29 Thực sự có niềm vui vĩnh cửu trong việc giúp mang mọi người đến với Đấng Ky Tô.30 Nỗ lực để cải đạo cho bản thân và người khác là nhiệm vụ cao cả.31 Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Tôi phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Anh từ ngày 1 tháng Chín năm 1960 đến ngày 1 tháng Chín năm 1962.

  2. Các thanh niên khác phải sẵn sàng để thi hành nghĩa vụ quân sự.

  3. Sau khi trở về từ công việc truyền giáo của mình, Joe đã tốt nghiệp trường y và là một bác sĩ thành công. Công việc truyền giáo của anh cũng chuẩn bị cho anh trở thành giám trợ, chủ tịch giáo khu, đại diện khu vực và chủ tịch phái bộ truyền giáo.

  4. Xin xem Mô Rô Ni 10:4. Tôi đã đọc Sách Mặc Môn. Với vấn đề nghiêm trọng này trong gia đình chúng tôi, tôi đã cầu nguyện với chủ ý thực sự.

  5. Xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, quyển 1, The Standard of Truth, 1815–1846 (năm 2018), và quyển 2, No Unhallowed Hand, 1846–1893 (năm 2020).

  6. Công việc phiên dịch bắt đầu vào ngày 7 tháng Tư năm 1829 và được hoàn tất vào khoảng ngày đầu tiên của tháng Bảy năm 1829. Thật là đặc biệt để nghiên cứu những sự kiện xung quanh việc phiên dịch. Tôi đặc biệt biết ơn đã đọc được bản thảo của nhà in và bản thảo gốc của Sách Mặc Môn được xuất bản thành tập 3 và 5 trong những loạt Revelations and Translations của The Joseph Smith Papers. Cả hai tập này đều là những tập mang ý nghĩa lịch sử.

  7. Frederic W. Farrar, Eternal Hope: Five Sermons Preached in Westminster Abbey, November, and December 1877 (năm 1892), xxii.

  8. Khải tượng gồm có những người không biết về Đấng Ky Tô trong đời này, trẻ em chết trước tuổi phải chịu trách nhiệm, và những người không hiểu biết.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 76:89.

  10. Xin xem Giăng 5:29.

  11. Farrar được đào tạo tại trường King’s College, London, và trường Trinity College, Cambridge. Ông là giáo sĩ của Giáo Hội Anh (Anh Giáo), Phó tế của Tu Viện Westminster, Hiệu trưởng của Canterbury Cathedral, và là tuyên úy của Hoàng Gia.

  12. Xin xem Frederic W. Farrar, The Life of Christ (năm 1874).

  13. Xin xem Farrar, Eternal Hope, xxxvi–xxxvii. Fredrick Farrar cảm thấy thôi thúc phải chỉnh sửa những lời dạy về sự đoán phạt và địa ngục. Ông tuyên bố mạnh mẽ điều mà ông gọi là “những sự việc đơn giản, không thể phủ nhận và không thể chối cãi. … Động từ ‘đoán phạt’ và các từ ghép của nó không một lần nào thấy được trong Kinh Cựu Ước. Không có từ nào truyền đạt bất cứ ý nghĩa nào như vậy được thấy trong Kinh Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp.” Ông tiếp tục giải thích rằng từ sự đoán phạt bị “dịch sai trầm trọng … [và] đầy lỗi cùng làm khó hiểu ý nghĩa thực sự trong lời phán của Chúa chúng ta” (Eternal Hope, xxxvii). Farrar cũng nêu ra rằng sự đề cập nhiều vô kể về Cha Thiên Thượng nhân từ trong suốt Kinh Thánh là một bằng chứng bổ sung rằng những định nghĩa của ngục giớisự đoán phạt được sử dụng trong bản dịch tiếng Anh là không đúng (xin xem Eternal Hope, xiv–xv, xxxiv, trang 93; xin xem thêm Quentin L. Cook, “Our Father’s Plan—Big Enough for All His Children,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 36).

  14. Mối quan hệ giữa sự hối cải và Sự Chuộc Tội được nêu ra trong Giáo Lý và Giao Ước 19:15–18, 20. Ngoài ra, hình phạt vô tận được làm sáng tỏ trong Giáo Lý và Giao Ước 19:10–12.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 59:23.

  16. Xin xem Mô Si A 27:25; Giáo Lý và Giao Ước 112:13; xin xem thêm Dale E. Miller, “Bringing Peace and Healing to Your Soul,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 12–14.

  17. Xin xem Mô Si A 2:41.

  18. Xin xem Dallin H. Oaks, “The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 33; Liahona, tháng Một năm 2001, trang 41; xin xem thêm 2 Cô Rinh Tô 5:17; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cải Đạo.”

  19. Giáo Lý và Giao Ước 123:12.

  20. Giáo Lý và Giao Ước 1:17, 23.

  21. Nếu đó là ước muốn của mình, thì chúng ta được “kêu gọi để làm công việc” (Giáo Lý và Giao Ước 4:3; xin xem thêm Thomas S. Monson, “Called to the Work,” Liahona, tháng Sáu năm 2017, trang 4–5).

  22. Ma Thi Ơ 28:19.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 112:28.

  24. Giáo Lý và Giao Ước 110:10.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 110:11.

  26. Xin xem Russell M. Nelson, “Preaching the Gospel of Peace,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 6–7; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org.

  27. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 444.

  28. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 92–95.

  29. An Ma 5:14.

  30. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:15; xin xem thêm Gia Cơ 5:19–20.

  31. Xin xem An Ma 26:22; Giáo Lý và Giao Ước 18:13–16; xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cải Đạo.”