Đại Hội Trung Ương
Con Đường Giao Ước: Con Đường Dẫn Đến Cuộc Sống Vĩnh Cửu
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Con Đường Giao Ước: Con Đường Dẫn Đến Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Con đường dẫn đến sự toàn hảo là con đường giao ước, và Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của tất cả các giáo lễ và giao ước.

Một vị vua quyền lực mong muốn cho con trai trị vì một trong các vương quốc của ông. Hoàng tử phải học hỏi và phát triển sự khôn ngoan để ngồi trên ngai vàng. Một ngày nọ, nhà vua gặp hoàng tử và chia sẻ kế hoạch của mình. Họ đồng ý rằng hoàng tử sẽ đi đến một thị trấn khác và học hỏi kinh nghiệm. Hoàng tử sẽ đối mặt với những thử thách cũng như tận hưởng nhiều điều tốt đẹp ở đó. Sau đó, nhà vua gửi hoàng tử đến thị trấn, nơi mà hoàng tử được kỳ vọng sẽ chứng tỏ lòng trung thành của mình với nhà vua và chứng tỏ rằng chàng thích hợp để nhận được những đặc ân và trách nhiệm mà nhà vua đã dành cho chàng. Hoàng tử được tự do lựa chọn để nhận những đặc ân và trách nhiệm này hoặc không, tùy thuộc vào ước muốn và lòng trung thành của chàng. Tôi chắc chắn là anh chị em muốn biết điều gì đã xảy ra với hoàng tử. Hoàng tử có trở lại thừa hưởng vương quốc không?

Các anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta đều là hoàng tử hoặc công chúa. Chúng ta đã được Cha Thiên Thượng nhân từ gửi đến thế gian để vui hưởng phước lành của một thể xác mà sẽ trở nên bất diệt qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta được kỳ vọng phải chuẩn bị để trở về nơi hiện diện của Thượng Đế bằng cách chứng tỏ rằng chúng ta sẽ “làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế [của chúng ta] sẽ truyền lệnh [cho chúng ta]” (Áp Ra Ham 3:25).

Để giúp chúng ta, Đấng Cứu Rỗi đã đến để cứu chuộc chúng ta và cho thấy con đường để trở về với Thượng Đế. Con cái của Thượng Đế được mời gọi đến cùng Đấng Cứu Rỗi và được toàn thiện trong Ngài. Trong thánh thư, chúng ta thấy lời mời gọi đến với Chúa được lặp đi lặp lại hơn 90 lần, và hơn một nửa trong số này là những lời mời gọi cá nhân từ Chúa. Việc chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là dự phần vào các giáo lễ của Ngài và tuân giữ các giao ước của chúng ta với Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6), và Ngài mời gọi tất cả chúng ta “đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài” (2 Nê Phi 26:33).

Việc chúng ta học hỏi và giảng dạy phúc âm làm cho sự cải đạo của chúng ta theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô được sâu sắc hơn và giúp chúng ta trở nên giống Hai Ngài hơn. Mặc dù chưa được mặc khải hết tất cả mọi điều liên quan đến “thời gian và cách thức chính xác mà các phước lành của sự tôn cao [sẽ được] ban cho,” nhưng chúng ta vẫn được bảo đảm về những phước lành đó (M. Russell Ballard, “Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 55).

Thầy tư tế thượng phẩm An Ma, giảng dạy trong xứ Gia Ra Hem La, đã tường thuật lại một lời mời gọi sâu sắc của Chúa Giê Su Ky Tô:

“Này, Ngài gửi lời mời đến tất cả mọi người, vì cánh tay thương xót của Ngài đang dang ra về phía họ, và Ngài phán: Hãy hối cải, rồi ta sẽ thu nhận các ngươi.

“Phải, Ngài phán rằng: Hãy đến cùng ta, rồi các ngươi sẽ được hưởng trái cây sự sống” (An Ma 5:33–34).

Chính Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta đến cùng Ngài và mang ách của Ngài để chúng ta có thể được nghỉ ngơi trong thế giới đầy biến động này (xin xem Ma Thi Ơ 11:28–29). Chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách “thực hành đức tin nơi [Ngài], hối cải hằng ngày, lập giao ước với Thượng Đế khi chúng ta tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao, và kiên trì đến cùng bằng cách tuân giữ các giao ước đó” (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 1.2.1, ChurchofJesusChrist.org). Con đường dẫn đến sự toàn hảo là con đường giao ước, và Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của tất cả các giáo lễ và giao ước.

Vua Bên Gia Min đã dạy rằng nhờ vào các giao ước chúng ta lập, chúng ta trở thành các con trai và con gái của Đấng Ky Tô, là Đấng đã sinh ra chúng ta theo thể thuộc linh, và dưới danh nghĩa của Ngài, chúng ta đã được tự do, vì “không có danh xưng nào khác được ban ra mà nhờ đó sự cứu rỗi đến được” (xin xem Mô Si A 5:7–8). Chúng ta được cứu khi chúng ta kiên trì đến cùng bằng cách “noi gương Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống” (2 Nê Phi 31:16). Nê Phi khuyên bảo rằng tất cả mọi điều đều không chỉ được thực hiện bằng cách bước vào con đường chật và hẹp; mà chúng ta phải “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người” (xin xem 2 Nê Phi 31:19–20).

Giáo lý của Đấng Ky Tô giúp chúng ta tìm kiếm và ở lại trên con đường giao ước, và phúc âm đã được chuẩn bị để chúng ta nhận được các phước lành đã hứa của Chúa qua các giáo lễ và giao ước thiêng liêng. Vị tiên tri của Thượng Đế, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã khuyên nhủ chúng ta vào buổi phát sóng ngày 16 tháng Một năm 2018, để “tiếp tục ở trên con đường giao ước. Sự cam kết của anh chị em để noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập giao ước với Ngài và rồi việc tuân giữ các giao ước đó sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng dành sẵn cho nam giới, phụ nữ và trẻ em ở khắp mọi nơi. … Mục tiêu mà mỗi người chúng ta cố gắng đạt được là được làm lễ thiên ân với quyền năng trong một ngôi nhà của Chúa, được làm lễ gắn bó với gia đình, trung thành với các giao ước đã được lập trong một đền thờ mà cho chúng ta đủ điều kiện để nhận lãnh sự ban cho lớn nhất của Thượng Đế, đó là sự ban cho cuộc sống vĩnh cửu” (“Khi Chúng Ta Tiếp Tục Cùng Nhau Tiến Bước,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7).

Thượng Đế sẽ không từ bỏ mối quan hệ của Ngài, hoặc từ chối các phước lành đã được hứa của Ngài về cuộc sống vĩnh cửu, đối với bất cứ người nào trung tín tuân giữ giao ước. Và khi tôn trọng các giao ước thiêng liêng, chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Anh Cả David A. Bednar hôm qua đã dạy chúng ta rằng các giao ước và giáo lễ phúc âm hoạt động trong cuộc sống của chúng ta giống như một cái la bàn để ban cho chúng ta sự hướng dẫn cơ bản để đến cùng Đấng Ky Tô và trở nên giống như Ngài hơn.

Các giao ước đánh dấu con đường trở về với Thượng Đế. Các giáo lễ báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, sự sắc phong chức tư tế, và Tiệc Thánh dẫn chúng ta đến đền thờ của Chúa để dự phần vào các giáo lễ tôn cao của Ngài.

Tôi muốn đề cập đến hai điều Đấng Cứu Rỗi đã nhấn mạnh để giúp chúng ta trung tín tuân giữ các giao ước:

  1. Đức Thánh Linh có thể giảng dạy chúng ta, nhắc nhở chúng ta về những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, và ở cùng chúng ta mãi mãi (xin xem Giăng 14:16, 26). Ngài có thể là người bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta để hướng dẫn chúng ta trên con đường giao ước. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng “trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018).

  2. Đấng Cứu Rỗi thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh để chúng ta có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Phép báp têm mở cánh cổng dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, và Tiệc Thánh giúp chúng ta tiếp tục tiến bước dọc trên con đường giao ước. Việc dự phần Tiệc Thánh là một chứng ngôn với Đức Chúa Cha rằng chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Vị Nam Tử của Ngài. Và khi chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thì chúng ta sẽ có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Thêm vào lời hứa này, Chúa tái lập sự xá miễn tội lỗi đã được hứa khi chúng ta khiêm nhường hối cải tội lỗi của mình.

Trong việc luôn trung tín với các giao ước của mình, chúng ta nên cố gắng luôn có Thánh Linh để chuẩn bị cho chúng ta dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, và cũng như vậy, chúng ta thường xuyên dự phần Tiệc Thánh để luôn có Thánh Linh ở cùng chúng ta.

Khi con gái của chúng tôi lên năm tuổi, nó có một chiếc xe ô tô mô hình chạy bằng pin và thích lái xe quanh nhà. Một buổi tối, nó đến với tôi và nói: “Cha ơi, xe của con không chạy được nữa. Chúng ta có thể lấy một chút xăng từ xe của cha và đổ vào để nó có thể chạy lại không ạ? Có lẽ nó cần xăng giống như chiếc xe của cha để chạy.”

Sau đó, tôi quan sát thấy rằng pin đã cạn kiệt, vì vậy tôi nói rằng khoảng một tiếng nữa chúng ta sẽ làm cho nó chạy được. Với niềm phấn khởi quá đỗi, nó nói: “Vâng ạ! Chúng ta sẽ mang xe đến trạm xăng.” Tôi chỉ cần kết nối pin với nguồn điện để sạc, và sau một giờ nó đã có thể lái được chiếc xe ô tô, được cung cấp năng lượng từ pin đã sạc. Sau đó, nó biết được rằng điều quan trọng là phải luôn sạc điện cho pin bằng cách kết nối pin với nguồn điện.

Giống như con gái của chúng tôi biết được mối quan hệ giữa pin và nguồn điện để lái chiếc ô tô đồ chơi của mình, cách chúng ta hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô, Tiệc Thánh và Thánh Linh cũng như vậy. Chúng ta cần Thánh Linh để giúp chúng ta sống trên trần thế khi chúng ta trung tín tuân giữ các giao ước, và chúng ta cần Tiệc Thánh để tiếp thêm năng lượng cho phần thuộc linh của chúng ta. Việc tái lập giao ước báp têm của chúng ta và dự phần Tiệc Thánh thúc đẩy sự trung tín đối với tất cả các giao ước khác. Một kết thúc có hậu được bảo đảm khi chúng ta thành tâm học hỏi và tôn trọng lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi và vui hưởng các phước lành đã được hứa của Ngài. Ngài phán: “Và để các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươi phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 59:9).

Tôi làm chứng rằng những người tuân giữ giao ước được hứa thì “sẽ có được sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (Giáo Lý và Giao Ước 59:23). Tôi làm chứng rằng khi anh chị em thường xuyên dự phần biểu tượng của Đấng Cứu Rỗi qua Tiệc Thánh, thì anh chị em sẽ có Thánh Linh của Ngài hướng dẫn anh chị em trên con đường giao ước và luôn trung tín với các giao ước của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.