Đại Hội Trung Ương
Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị

Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không?

Anh chị em thân mến, tôi biết ơn biết bao về những sứ điệp kỳ diệu của đại hội này và về đặc ân của tôi để được ngỏ lời với anh chị em bây giờ.

Trong hơn 36 năm tôi làm Sứ Đồ, giáo lý về sự quy tụ của dân Y Sơ Ra Ên đã thu hút sự chú ý của tôi.1 Mọi điều về giáo lý này đều khiến tôi tò mò, kể cả các giáo vụ và tên2 của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp; cuộc sống của họ và vợ của họ; giao ước mà Thượng Đế đã lập với họ và kéo dài suốt dòng dõi của họ;3 sự phân tán của mười hai chi phái; và nhiều lời tiên tri về sự quy tụ trong thời kỳ của chúng ta.

Tôi đã nghiên cứu về sự quy tụ, đã cầu nguyện về nó, nuôi dưỡng mọi thánh thư liên quan, và cầu xin Chúa gia tăng sự hiểu biết của tôi.

Vì vậy, hãy tưởng tượng niềm vui sướng của tôi khi gần đây tôi đã được dẫn dắt đến một sự hiểu biết sâu sắc mới. Với sự giúp đỡ của hai học giả người Hê Bơ Rơ, tôi đã biết được rằng một trong những nghĩa bằng tiếng Hê Bơ Rơ của từ Y Sơ Ra Ên là “hãy để cho Thượng Đế ngự trị.”4 Như vậy, chính cái tên Y Sơ Ra Ên dùng để chỉ một người mà sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình. Khái niệm đó làm cho tâm hồn tôi phấn khởi!

Từ sẵn lòng là rất thiết yếu cho cách giải thích này về Y Sơ Ra Ên.5 Chúng ta đều có quyền tự quyết của mình. Chúng ta có thể chọn để thuộc về Y Sơ Ra Ên hay không. Chúng ta có thể chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình hay không. Chúng ta có thể chọn để Thượng Đế là Đấng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong cuộc đời mình hay không.

Trong một khoảnh khắc, chúng ta hãy nhớ lại một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Gia Cốp, cháu trai của Áp Ra Ham. Tại nơi Gia Cốp đặt tên là Phê Ni Ên (có nghĩa là “gương mặt của Thượng Đế”),6 Gia Cốp đã vật lộn với một thử thách nghiêm trọng. Quyền tự quyết của ông đã được thử thách. Qua cuộc vật lộn này, Gia Cốp đã chứng minh được điều gì là quan trọng nhất đối với ông. Ông đã chứng tỏ rằng ông sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của ông. Để đáp lại, Thượng Đế đã đổi tên của Gia Cốp thành Y Sơ Ra Ên,7 có nghĩa là “hãy để cho Thượng Đế ngự trị.” Sau đó, Thượng Đế hứa với Y Sơ Ra Ên rằng tất cả các phước lành đã được hứa ban cho Áp Ra Ham thì cũng sẽ là của ông.8

Buồn thay, con cháu của Y Sơ Ra Ên đã vi phạm các giao ước của họ với Thượng Đế. Họ đã ném đá các vị tiên tri và không sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của họ. Rồi sau đó, Thượng Đế đã phân tán họ ra bốn phương trời.9 Về sau, với lòng thương xót, Ngài đã hứa sẽ quy tụ họ lại, như Ê Sai đã kể lại: “Vì ta đã bỏ ngươi [Y Sơ Ra Ên] trong chốc lát, nhưng với lòng thương xót vô biên, ta sẽ thu ngươi lại.”10

Với định nghĩa của tiếng Hê Bơ Rơ về Y Sơ Ra Ên trong ý nghĩ, chúng ta thấy rằng sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên còn có thêm ý nghĩa. Chúa đang quy tụ những người sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của họ. Chúa đang quy tụ những người nào chịu chọn để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của họ.

Trong nhiều thế kỷ, các vị tiên tri đã báo trước sự quy tụ này,11 và nó đang diễn ra ngay bây giờ! Là một sự kiện xảy ra trước Ngày Tái Lâm của Chúa, sự quy tụ là công việc quan trọng nhất trên thế gian!

Cuộc quy tụ trước thời kỳ ngàn năm này là một câu chuyện cá nhân về việc gia tăng đức tin và lòng dũng cảm thuộc linh cho hàng triệu người. Và với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, hay “dân Y Sơ Ra Ên giao ước ngày sau,”12 chúng ta có nhiệm vụ phải trợ giúp Chúa trong công việc then chốt này.13

Khi chúng ta nói về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che, dĩ nhiên là chúng ta đang đề cập đến công việc truyền giáo, đền thờ và lịch sử gia đình. Chúng ta cũng đang đề cập đến việc xây đắp đức tin và chứng ngôn trong lòng của những người mà chúng ta đang sống với, làm việc với và phục vụ. Bất cứ khi nào chúng ta làm điều gì nhằm giúp đỡ bất cứ ai—ở bên này hoặc bên kia bức màn che—để lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, thì chúng ta cũng đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Cách đây không lâu, một đứa cháu dâu của chúng tôi đang gặp khó khăn về phần thuộc linh. Tôi sẽ gọi nó là “Jill.” Mặc dù có sự nhịn ăn, cầu nguyện và các phước lành của chức tư tế, nhưng cha của Jill cũng đang hấp hối. Jill rất sợ rằng nó sẽ mất cả cha nó lẫn chứng ngôn của nó.

Vào một đêm nọ, vợ tôi, Chị Wendy Nelson, đã kể cho tôi nghe về tình trạng của Jill. Sáng hôm sau, Wendy cảm thấy có ấn tượng nên chia sẻ với Jill về phản ứng của tôi đối với cuộc vật lộn phần thuộc linh của nó gồm vào trong một từ! Từ đó là thiển cận.

Về sau, Jill đã thừa nhận với Wendy rằng lúc đầu nó cảm thấy rất thất vọng trước phản ứng của tôi. Nó nói: “Cháu đã hy vọng là Ông Ngoại hứa với cháu một phép lạ cho ba cháu. Cháu cứ tự hỏi tại sao từ thiển cận lại là từ mà ông đã cảm thấy bắt buộc phải nói.”

Sau khi cha của Jill qua đời, thì từ thiển cận cứ hiện ra trong tâm trí của nó. Nó đã mở lòng ra để hiểu một cách càng sâu sắc hơn rằng thiển cận có nghĩa là “không nhìn xa.” Và suy nghĩ của nó bắt đầu thay đổi. Rồi Jill nói: “Thiển cận đã khiến cho cháu dừng lại, suy nghĩ và được chữa lành. Giờ đây, cái từ đó làm cho cháu tràn đầy bình an. Nó nhắc nhở cháu mở rộng quan điểm của cháu và tìm kiếm các phước lành vĩnh cửu. Nó nhắc nhở cháu rằng có một kế hoạch thiêng liêng và ba cháu vẫn còn sống và yêu thương cùng chăm sóc cháu. Thiển cận đã dẫn cháu đến với Thượng Đế.”

Tôi rất hãnh diện về đứa cháu dâu quý báu của chúng tôi. Trong khoảng thời gian đau khổ này của cuộc đời nó, Jill yêu quý đang học cách chấp nhận ý muốn của Thượng Đế dành cho cha nó, với một quan điểm vĩnh cửu cho cuộc sống của chính nó. Bằng cách chọn để cho Thượng Đế ngự trị, nó đang tìm thấy sự bình an.

Nếu chúng ta chịu để cho điều đó diễn ra thì có rất nhiều cách để sự giải thích về Y Sơ Ra Ên bằng tiếng Hê Bơ Rơ này có thể giúp chúng ta. Hãy tưởng tượng những lời cầu nguyện của chúng ta dành cho những người truyền giáo—và cho nỗ lực của chính chúng ta để quy tụ Y Sơ Ra Ên—có thể thay đổi với khái niệm này trong tâm trí. Chúng ta thường cầu nguyện rằng chúng ta và những người truyền giáo sẽ được dẫn đến với những người đã được chuẩn bị để tiếp nhận các lẽ thật của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi tự hỏi, chúng ta sẽ được dẫn đến với ai khi chúng ta khẩn cầu để tìm kiếm những người sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của họ?

Chúng ta có thể được dẫn đến với một số người chưa bao giờ tin vào Thượng Đế hoặc Chúa Giê Su Ky Tô nhưng hiện đang khao khát tìm hiểu về hai Ngài và kế hoạch hạnh phúc của hai Ngài. Những người khác có thể đã được “sinh ra trong giao ước”14 nhưng kể từ đó đã lang thang ra khỏi con đường giao ước. Bây giờ họ có thể sẵn sàng để hối cải, trở lại và để cho Thượng Đế ngự trị. Chúng ta có thể phụ giúp họ bằng cách chào đón họ với vòng tay và trái tim rộng mở. Và một số người mà chúng ta có thể được dẫn đến có thể đã luôn luôn cảm thấy có điều gì đó thiếu sót trong cuộc sống của họ. Họ cũng đang khao khát sự trọn vẹn và niềm vui mà đến với những người sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của họ.

Mạng lưới phúc âm để quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán rất rộng lớn. Có chỗ cho mỗi người mà sẽ hoàn toàn chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi người cải đạo trở thành một trong các con cái giao ước của Thượng Đế,15 cho dù đã được sinh ra trong giao ước hay tiếp nhận phúc âm về sau. Mỗi người trở thành người thừa kế trọn vẹn tất cả những gì Thượng Đế đã hứa với các con cái trung tín của Y Sơ Ra Ên!16

Mỗi người chúng ta đều có một tiềm năng thiêng liêng vì mỗi người là con của Thượng Đế. Mỗi người đều bình đẳng trong mắt Ngài. Ý nghĩa của lẽ thật này rất là sâu sắc. Thưa anh chị em, xin hãy lắng nghe kỹ những điều tôi sắp nói. Thượng Đế không yêu chủng tộc này hơn chủng tộc khác. Giáo lý của Ngài về vấn đề này rất rõ ràng. Ngài mời tất cả mọi người đến cùng Ngài, “dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ.”17

Tôi cam đoan với anh chị em rằng vị thế của anh chị em trước mặt Thượng Đế không được quyết định bởi màu da của anh chị em. Việc làm Thượng Đế đẹp lòng hoặc không hài lòng tùy thuộc vào lòng tận tụy của anh chị em đối với Thượng Đế và các giáo lệnh của Ngài chứ không phải vào màu da của anh chị em.

Tôi rất buồn vì các anh chị em Da Đen của chúng ta trên khắp thế giới đã phải chịu đựng sự phân biệt và thành kiến tàn khốc về chủng tộc. Hôm nay tôi kêu gọi các tín hữu của chúng ta ở khắp mọi nơi phải dẫn đầu trong việc từ bỏ thái độ và hành động thành kiến. Tôi khẩn nài với anh chị em hãy khuyến khích sự tôn trọng đối với tất cả con cái của Thượng Đế.

Câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta, bất kể chủng tộc, đều giống nhau. Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có chịu để cho những lời của Ngài, các giáo lệnh của Ngài và các giao ước của Ngài ảnh hưởng đến điều anh chị em làm mỗi ngày không? Anh chị em có chịu để cho tiếng nói của Ngài được ưu tiên hơn bất cứ tiếng nói nào khác không? Anh chị em có sẵn lòng để cho bất cứ điều gì Ngài cần anh chị em làm phải quan trọng hơn mọi tham vọng khác không? Anh chị em có sẵn lòng để cho ý muốn của mình lọt vào trong ý muốn của Ngài không?18

Hãy xem xét sự sẵn lòng đó có thể ban phước cho anh chị em như thế nào. Nếu anh chị em chưa lập gia đình và đang tìm kiếm một người bạn đời vĩnh cửu thì ước muốn của anh chị em để “thuộc về Y Sơ Ra Ên” sẽ giúp anh chị em quyết định hẹn hò với ai và như thế nào.

Nếu anh chị em kết hôn với một người bạn đời đã vi phạm các giao ước của họ, thì việc anh chị em sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình sẽ cho phép các giao ước của anh chị em với Thượng Đế luôn luôn được nguyên vẹn. Đấng Cứu Rỗi sẽ chữa lành tâm hồn đau khổ của anh chị em. Các tầng trời sẽ mở ra khi anh chị em cố gắng biết được cách tiến bước. Anh chị em không cần phải đi lang thang hay băn khoăn.

Nếu có những câu hỏi chân thành về phúc âm hoặc về Giáo Hội, trong khi chọn để Thượng Đế ngự trị thì anh chị em sẽ được dẫn dắt để tìm kiếm và thông hiểu những lẽ thật tuyệt đối, vĩnh cửu mà sẽ hướng dẫn cuộc sống của anh chị em và giúp anh chị em kiên định ở trên con đường giao ước.

Khi anh chị em đối phó với sự cám dỗ—cho dù sự cám dỗ đến khi anh chị em cảm thấy kiệt sức hoặc cô đơn hay bị hiểu lầm—hãy tưởng tượng anh chị em có thể thu hết can đảm khi chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình và khi anh chị em cầu xin Ngài thêm sức cho anh chị em.

Khi ước muốn lớn nhất của anh chị em là để cho Thượng Đế ngự trị, trở thành một phần của Y Sơ Ra Ên, thì nhiều quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, có nhiều vấn đề trở thành không quan trọng! Anh chị em biết cách tốt nhất để được gọn gàng chỉnh tề. Anh chị em biết xem và đọc gì, dành ra thời gian của mình ở đâu và kết giao với ai. Anh chị em biết điều anh chị em muốn đạt được. Anh chị em biết con người mà anh chị em thực sự muốn trở thành.

Giờ đây, anh chị em thân mến, cần phải có đức tin lẫn sự can đảm để cho Thượng Đế ngự trị. Cần phải có sự cố gắng thiêng liêng, kiên định và nghiêm chỉnh để hối cải và cởi bỏ con người thiên nhiên nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.19 Cần phải có nỗ lực kiên định hằng ngày để phát triển các thói quen cá nhân nhằm học phúc âm, tìm hiểu thêm về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, cùng tìm kiếm và hưởng ứng sự mặc khải cho cá nhân.

Trong những thời kỳ khó khăn mà Sứ Đồ Phao Lô đã tiên tri,20 Sa Tan thậm chí đã không còn cố gắng che giấu những cuộc tấn công của nó vào kế hoạch của Thượng Đế nữa. Có rất nhiều ý tưởng xấu xa đầy phổ biến trên thế giới. Vì vậy, cách duy nhất để tồn tại về phần thuộc linh là quyết tâm để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta, học cách nghe tiếng Ngài và sử dụng nghị lực của mình để giúp quy tụ dân Y Sơ Ra Ên.

Giờ đây, Chúa cảm thấy như thế nào về những người sẽ để cho Thượng Đế ngự trị? Nê Phi đã tóm tắt điều đó rất hay: “[Chúa] yêu thương những kẻ nào muốn chọn Ngài làm Thượng Đế của họ. Này, Ngài đã thương yêu tổ phụ chúng ta, và Ngài đã giao ước với họ, phải, với Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp; và Ngài đã ghi nhớ những giao ước mà Ngài đã lập.”21

Và Chúa sẵn lòng làm gì cho Y Sơ Ra Ên? Chúa đã hứa là Ngài sẽ “đánh những trận chiến của [chúng ta], cùng những trận chiến của con cái và con cháu [chúng ta] … cho đến thế hệ thứ ba và thứ tư”!22

Khi anh chị em học thánh thư của mình trong sáu tháng tới, tôi khuyến khích anh chị em nên lập một bản liệt kê về tất cả những gì Chúa đã hứa là Ngài sẽ làm cho dân Y Sơ Ra Ên giao ước. Tôi nghĩ là anh chị em sẽ rất kinh ngạc! Hãy suy ngẫm về những lời hứa này. Hãy nói về những lời hứa này với gia đình và bạn bè của anh chị em. Sau đó hãy sống theo và theo dõi những lời hứa này sẽ được làm tròn trong cuộc sống của chính anh chị em.

Anh chị em thân mến, khi chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình thì anh chị em sẽ tự mình cảm nhận rằng Thượng Đế của chúng ta là “một Thượng Đế có nhiều phép lạ.”23 Là một dân tộc, chúng ta là con cái giao ước của Ngài và chúng ta sẽ được gọi bằng danh Ngài. Tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Tôi đã nói về Y Sơ Ra Ên trong ít nhất là 378 trong số hơn 800 sứ điệp mà tôi đã đưa ra trong 36 năm làm Sứ Đồ.

  2. Trong tiếng Hê Bơ Rơ, Áp Ram là một cái tên cao quý có nghĩa là “người cha được tôn cao.” Nhưng khi Thượng Đế đổi cái tên đó thành Áp Ra Ham, thì cái tên đó còn có ý nghĩa quan trọng hơn nữa, có nghĩa là “cha của muôn dân.” Quả thật, Áp Ra Ham là “tổ phụ của nhiều dân tộc.” (Xin xem Sáng Thế Ký 17:5; Nê Hê Mi 9:7.)

  3. Chúa Thượng Đế Giê Hô Va đã lập một giao ước với Áp Ra Ham rằng Đấng Cứu Rỗi của thế gian sẽ được sinh ra trong dòng dõi Áp Ra Ham, một số xứ nào đó sẽ được thừa kế và tất cả các dân tộc sẽ được ban phước qua dòng dõi của Áp Ra Ham (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Áp Ra Ham, giao ước của”).

  4. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên.”

  5. Từ Y Sơ Ra Ên được thấy hơn một ngàn lần trong thánh thư. Từ này có thể áp dụng đến gia đình của Gia Cốp (của Y Sơ Ra Ên) gồm mười hai con trai, cộng với các con gái (xin xem Sáng Thế Ký 35:23–26; 46:7). Ngày nay từ này có thể áp dụng về mặt địa lý như là một chỗ trên hành tinh Trái Đất. Nhưng cách sử dụng từ này theo giáo lý áp dụng cho những người sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của họ.

  6. Xin xem Sáng Thế Ký 32:30; cũng được đánh vần là Phê Ni Ên trong Sáng Thế Ký 32:31.

  7. Xin xem Sáng Thế Ký 32:28.

  8. Xin xem Sáng Thế Ký 35:11–12.

  9. Để nghiên cứu thêm, xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên, Sự Phân Tán của.”

  10. Ê Sai 54:7.

  11. Xin xem Ê Sai 11:11–12; 2 Nê Phi 21:11–12; Mô Si A 15:11.

  12. Xin xem Encyclopedia of Mormonism (năm 1992), “Covenant Israel, Latter-Day,” 1:330–31.

  13. Khi chúng ta tham gia vào sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên, Chúa có một cách tuyệt vời để mô tả những người nào đang được quy tụ lại. Ngài gọi chung chúng ta là “cơ nghiệp riêng” của Ngài (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5; Thi Thiên 135:4), là “cơ nghiệp” của Ngài (Ma La Chi 3:17; Giáo Lý và Giao Ước 101:3), và là một “dân tộc thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:6; xin xem thêm Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:2; 26:18).

  14. Câu này nói tới chính giao ước mà Thượng Đế đã lập với Áp Ra Ham, rằng: “Nhờ dòng dõi của ngươi, mà tất cả các dân trên thế gian này đều được phước” (3 Nê Phi 20:27). “Được sinh ra trong giao ước” có nghĩa là trước khi một người được sinh ra, cha mẹ của người đó đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ.

  15. Một lời hứa như vậy đã được Thượng Đế giảng dạy cho Áp Ra Ham: “Vì tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ được gọi theo tên của ngươi, và sẽ được xem như dòng dõi của ngươi, và sẽ đứng lên chúc phước cho ngươi là tổ phụ của họ” (Áp Ra Ham 2:10; xin xem thêm Rô Ma 8:14–17; Ga La Ti 3:26–29).

  16. Mỗi tín hữu trung thành đều có thể xin một phước lành tộc trưởng. Qua sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, vị tộc trưởng tuyên bố về dòng dõi của người đó trong gia tộc Y Sơ Ra Ên. Lời tuyên bố đó không nhất thiết là lời công bố về chủng tộc, quốc tịch hoặc cấu trúc di truyền của người đó. Thay vì thế, dòng dõi được tuyên bố nhằm xác nhận chi phái Y Sơ Ra Ên mà qua đó cá nhân này sẽ nhận được các phước lành của mình.

  17. 2 Nê Phi 26:33.

  18. Xin xem Mô Si A 15:7. Việc thuộc về Y Sơ Ra Ên không phải là một phút yếu lòng. Để nhận được tất cả các phước lành mà Thượng Đế dành cho dòng dõi của Áp Ra Ham, mỗi người chúng ta có thể trông mong được ban cho “thử thách của Áp Ra Ham” độc nhất của mình. Thượng Đế sẽ thử thách chúng ta, như Tiên Tri Joseph Smith đã dạy, bằng cách làm chúng ta đau khổ. (Xin xem hồi ức của John Taylor trong Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith [năm 2007], trang 231.)

  19. Xin xem Mô Si A 3:19.

  20. Xin xem 2 Ti Mô Thê 3:1–13.

  21. 1 Nê Phi 17:40; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  22. Giáo Lý và Giao Ước 98:37; xin xem thêm Thi Thiên 31:23; Ê Sai 49:25; Giáo Lý và Giao Ước 105:14.

  23. Mặc Môn 9:11.