Đại Hội Trung Ương
Hãy Êm Đi, Lặng Đi
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Hãy Êm Đi, Lặng Đi

Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta cách để cảm thấy bình an và bình tĩnh thậm chí khi gió thổi dữ dội xung quanh chúng ta và sóng cuồn cuộn đe dọa đánh chìm hy vọng của chúng ta.

Khi con cái chúng tôi còn nhỏ, gia đình chúng tôi đã dành ra một vài ngày ở một cái hồ tuyệt đẹp. Một buổi chiều, mấy đứa trẻ mặc áo phao vào trước khi nhảy ra khỏi một boong tàu xuống hồ. Đứa con gái út của chúng tôi hơi do dự, cẩn thận quan sát anh chị của nó. Nó lấy hết can đảm, dùng một tay bịt mũi lại và nhảy xuống nước. Nó lập tức ngoi lên mặt nước và với giọng nói hơi hoảng sợ, nó hét lên “Giúp con với! Giúp con với!”

Nó không hề bị nguy hiểm gì về tính mạng; chiếc áo phao của nó đã làm đúng nhiệm vụ và nó đang nổi an toàn trên mặt nước. Chúng tôi có thể dễ dàng với tay ra kéo nó vào boong tàu. Nhưng, từ góc nhìn của nó, nó cần giúp đỡ. Có lẽ đó là do độ lạnh của nước hoặc là kinh nghiệm này còn quá mới mẻ đối với nó. Dù thế nào đi nữa, nó đã trèo trở lại boong tàu, ở đó chúng tôi quàng khăn ấm cho nó và khen ngợi nó là đã rất dũng cảm.

Dù chúng ta già hay trẻ, thì nhiều người trong chúng ta, trong những giây phút tuyệt vọng, đều thốt lên những lời nói đầy khẩn thiết như “Giúp với!” “Cứu với!” hay “Xin hãy đáp ứng lời cầu nguyện của con!”

Sự kiện như vậy đã xảy đến với các môn đồ của Chúa Giê Su trong giáo vụ trần thế của Ngài. Chúng ta đọc trong sách Mác rằng Chúa Giê Su “lại khởi sự giảng dạy nơi bờ biển; có một đoàn dân đông lắm nhóm lại xung quanh Ngài.”1 Dân chúng trở nên đông đúc đến mức Chúa Giê Su “bước lên trong một chiếc thuyền”2 và phán từ trên thuyền. Suốt cả ngày, Ngài dạy dỗ họ bằng các câu chuyện ngụ ngôn trong khi họ ngồi trên bờ.

“Đến chiều ngày ấy,” Ngài phán cùng môn đồ rằng: “Chúng ta hãy qua bờ bên kia. Khi cho dân chúng tan về rồi,”3 họ rời khỏi bờ và đang trên đường băng qua Biển Ga Li Lê. Chúa Giê Su tìm một chỗ ở đằng sau thuyền, dựa gối mà ngủ. Chẳng mấy chốc, “có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước”4.

Nhiều môn đồ của Chúa Giê Su là những ngư dân có kinh nghiệm và biết cách điều khiển thuyền trong cơn bão. Họ là các môn đồ đáng tin cậy—quả thật, các môn đồ yêu dấu của Ngài. Họ từ bỏ công việc làm, sở thích cá nhân, và gia đình để đi theo Chúa Giê Su. Đức tin của họ nơi Ngài được thể hiện rõ bởi sự hiện diện của họ trên thuyền. Và bây giờ thuyền của họ ở giữa cơn bão tố và sắp chìm.

Chúng ta không biết họ đã vật lộn trong bao lâu để giữ cho thuyền không bị chìm trong cơn bão, nhưng họ đã đánh thức Chúa Giê Su dậy với giọng nói hơi hoảng sợ:

“Thầy không lo chúng ta chết sao?”5

“Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết.”6

Họ gọi Ngài là “Thầy,” và Ngài quả thật là Đấng Thầy của chúng ta. Ngài cũng là “Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Cha của trời đất, Đấng Sáng Tạo tất cả mọi sự vật từ lúc khởi đầu.”7

Hình Ảnh
Hãy êm đi, lặng đi

Từ vị trí của Ngài trên thuyền, Chúa Giê Su thức dậy, quở gió và phán cùng mặt biển dậy sóng rằng: “Hãy êm đi, lặng đi. Và gió [quả thật ngừng thổi] và đều yên lặng như tờ.”8 Luôn là Đức Thầy, Chúa Giê Su sau đó đã dạy các môn đồ Ngài bằng hai câu hỏi đơn giản nhưng đầy yêu thương. Ngài hỏi:

“Sao các ngươi sợ?”9

“Đức tin các ngươi ở đâu?”10

Có một khuynh hướng trần thế, thậm chí là cám dỗ, khi chúng ta thấy mình ở giữa những thử thách, khó khăn, hay nỗi thống khổ, thường kêu lên: “Thầy ôi, thầy không lo con chết sao? Xin hãy cứu con.” Thậm chí Joseph Smith cũng đã khẩn cầu từ nhà giam khủng khiếp: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?”11

Chắc chắn là Đấng Cứu Rỗi của thế gian hiểu thấu những giới hạn của con người trần thế, vì Ngài dạy chúng ta cách để cảm thấy bình an và bình tĩnh thậm chí khi gió thổi dữ dội xung quanh chúng ta và sóng cuồn cuộn đe dọa đánh chìm hy vọng của chúng ta.

Đối với những người có đức tin đã được chứng tỏ, hay đức tin giống như trẻ nhỏ, hoặc thậm chí có một chút ít đức tin,12 thì Chúa Giê Su mời gọi, Ngài phán rằng: “Hãy đến cùng ta.”13 “Tin vào danh ta.”14 “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe những lời của ta.”15 Ngài dịu dàng truyền lệnh: “Hãy hối cải và chịu phép báp têm trong danh ta,”16 “Phải yêu nhau, như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy,”17 và “Luôn luôn tưởng nhớ tới ta.”18 Chúa Giê Su trấn an, giải thích rằng: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”19

Tôi có thể tưởng tượng rằng các môn đồ của Chúa Giê Su trên chiếc thuyền bị tròng trành vì sóng gió, bắt buộc phải bận rộn canh chừng sóng đánh vào con thuyền và tạt nước ra khỏi thuyền. Tôi có thể hình dung họ đang giương buồm và cố gắng duy trì một chút khả năng điều khiển con thuyền nhỏ của họ. Họ tập trung vào việc sống sót qua giây phút này, và lời nài xin giúp đỡ của họ là chân thành khẩn thiết.

Thời nay, nhiều người trong chúng ta cũng vậy. Những sự kiện vừa qua trên khắp địa cầu và trong các quốc gia, cộng đồng, và gia đình của chúng ta vùi dập chúng ta với những thử thách không lường trước. Trong thời kỳ đầy hỗn loạn, chúng ta có thể cảm thấy như đức tin của mình đã đạt đến giới hạn chịu đựng và thấu hiểu. Những làn sóng sợ hãi có thể làm chúng ta xao lãng, khiến chúng ta quên đi lòng nhân từ của Thượng Đế, do đó khả năng nhận thức thực tế sẽ giới hạn và mơ hồ. Nhưng chính nhờ những khó khăn thử thách này trong cuộc sống mà đức tin của chúng ta không chỉ có thể được thử thách mà còn được vững mạnh nữa.

Bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao, chúng ta có thể bỏ ra nỗ lực để xây đắp và gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô một cách có chủ tâm. Nó sẽ được củng cố khi chúng ta nhớ rằng chúng ta là con cái của Thượng Đế và Ngài yêu thương chúng ta. Đức tin của chúng ta gia tăng khi chúng ta trắc nghiệm lời của Thượng Đế với hy vọng và sự chuyên cần, cố gắng hết sức để tuân theo những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô. Đức tin của chúng ta gia tăng khi chúng ta chọn tin tưởng thay vì nghi ngờ, tha thứ thay vì xét đoán, hối cải thay vì chống đối. Đức tin của chúng ta sẽ được tôi luyện khi chúng ta kiên nhẫn trông cậy vào công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh.20

Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói: “Mặc dù đức tin của chúng ta không phải là sự hiểu biết hoàn hảo, nhưng nó mang lại một sự tin cậy sâu đậm nơi Thượng Đế, là Đấng có sự hiểu biết hoàn hảo.”21 Thậm chí trong thời kỳ hỗn loạn, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô vẫn rất bền bỉ và kiên cường. Nó giúp chúng ta loại bỏ những điều xao lãng không quan trọng. Nó khuyến khích chúng ta tiếp tục tiến bước trên con đường giao ước. Đức tin xua tan nỗi thất vọng và cho phép chúng ta đối phó với tương lai với lòng quyết tâm và sẵn sàng đương đầu với khó khăn. Nó thúc giục chúng ta cầu xin để được cứu giúp và được vơi nhẹ khi chúng ta cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong tôn danh của Vị Nam Tử của Ngài. Và khi lời cầu khẩn thành tâm dường như không được đáp ứng, thì đức tin bền bỉ của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang đến sự kiên nhẫn, khiêm nhường, và khả năng để thốt lên đầy tôn kính “Ý Cha được nên.”22

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

“Chúng ta không cần phải để cho nỗi sợ hãi thay thế đức tin của mình. Chúng ta có thể chống lại những nỗi sợ hãi đó bằng cách củng cố đức tin của mình.

“Hãy bắt đầu với con cái của mình. … Hãy để cho chúng cảm thấy được đức tin của các anh chị em, ngay cả khi những thử thách gay go giáng xuống các anh chị em. Hãy để đức tin của mình tập trung vào Cha Thiên Thượng nhân từ và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. … Hãy dạy cho mỗi đứa con trai hoặc con gái yêu quý biết rằng nó là con của Thượng Đế, được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, với một mục đích và tiềm năng thiêng liêng. Mỗi đứa trẻ được sinh ra với những thử thách để khắc phục và với đức tin để được phát triển.”23

Mới đây tôi có nghe hai đứa bé bốn tuổi chia sẻ đức tin của chúng nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng trả lời câu hỏi “Chúa Giê Su Ky Tô giúp đỡ em như thế nào?” Đứa bé thứ nhất đáp: “Con biết Chúa Giê Su yêu thương con vì Ngài đã chết cho con. Ngài cũng yêu thương những người lớn nữa.” Đứa bé thứ hai đáp: “Ngài giúp con khi con buồn bã hoặc cáu kỉnh. Ngài cũng giúp con khi con bị chìm dưới nước.”

Chúa Giê Su tuyên phán: “Vậy nên, bất cứ kẻ nào hối cải và đến với ta như một trẻ nhỏ thì sẽ được ta đón nhận, vì vương quốc của Thượng Đế dành cho những kẻ đó.”24

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”25

Gần đây, Chủ Tịch Nelson đã hứa rằng “nỗi sợ hãi sẽ giảm đi và đức tin sẽ gia tăng” khi chúng ta “bắt đầu thực sự nghe, nghe theo, và lưu tâm đến những lời của Đấng Cứu Rỗi.”26

Hình Ảnh
Chúa Giê Su làm biển lặng

Thưa anh chị em, những hoàn cảnh khó khăn hiện tại của chúng ta không phải là đích đến vĩnh cửu cuối cùng. Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta đã mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô bởi giao ước. Chúng ta có đức tin nơi quyền năng cứu chuộc của Ngài và hy vọng vào những lời hứa trọng đại và quý báu của Ngài. Chúng ta có mọi lý do để hân hoan, vì Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta biết rất rõ những khó khăn, mối quan tâm và buồn phiền của chúng ta. Cũng giống như Chúa Giê Su đã ở cùng với các môn đồ thời xưa của Ngài, Ngài cũng đang ở cùng chúng ta! Tôi làm chứng rằng Ngài đã phó mạng sống Ngài để anh chị em và tôi sẽ không bị hủy diệt. Cầu xin cho chúng ta tin cậy nơi Ngài, vâng theo các lệnh truyền của Ngài, và với đức tin lắng nghe Ngài phán: “Hãy êm đi, lặng đi.”27 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.