Đại Hội Trung Ương
Mắt để Nhận Thấy
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Mắt để Nhận Thấy

Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, Đấng Ky Tô sẽ cho phép chúng ta thấy được chính mình và thấy được những người khác như Ngài thấy.

Thấy được Bàn Tay của Thượng Đế

Tôi yêu thích câu chuyện trong Kinh Cựu Ước về một người trai trẻ là tôi tớ của tiên tri Ê Li Sê. Một buổi sáng sớm người trai trẻ thức dậy, đi ra ngoài, và thấy cả thành bị một đạo quân đông đảo bao vây nhằm hủy diệt họ. Người ấy nói với Ê Li Sê rằng: “Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao?”

Ê Li Sê đáp rằng: “Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.”

Ê Li Sê biết người trai trẻ cần nhiều hơn một lời trấn an; người ấy cần thấy được. Thế là “Ê Li Sê cầu nguyện, … Đức Giê Hô Va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê Hô Va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê Li Sê.”1

Có những khi anh chị em, giống như người tôi tớ ấy, thấy mình gặp khó khăn để hiểu được cách mà Thượng Đế đang làm việc trong cuộc sống của mình—những khi anh chị em cảm thấy bị vây hãm—lúc mà các thử thách trong cuộc sống trần thế bắt anh chị em phải quy phục. Hãy chờ đợi và tin cậy vào Thượng Đế và kỳ định của Ngài, bởi vì anh chị em có thể đặt trọn lòng tin nơi Ngài. Nhưng có một bài học thứ hai ở đây. Thưa các anh chị em thân mến của tôi, anh chị em cũng có thể cầu xin Chúa mở mắt mình để nhận thấy những gì mình thường không thấy được.

Nhìn Nhận Chính Mình như Thượng Đế Nhìn Nhận Chúng Ta

Có lẽ điều quan trọng nhất cần chúng ta nhận thấy rõ ràng chính là việc Thượng Đế là ai và chúng ta thật sự là ai—là các con trai và con gái của cha mẹ thiên thượng với một “thiên tính và một số mệnh thiêng liêng.”2 Hãy cầu xin Thượng Đế mặc khải những lẽ thật này cho anh chị em, cùng với cảm nghĩ của Ngài về anh chị em. Anh chị em càng hiểu về danh tính và mục đích thật sự của mình trong tận đáy lòng, thì sự hiểu biết đó sẽ càng ảnh hưởng đến mọi điều trong cuộc sống của anh chị em.

Nhìn Nhận Những Người Khác

Việc hiểu được cách Thượng Đế nhìn chúng ta sẽ chuẩn bị cách thức giúp chúng ta nhìn những người khác theo cách của Ngài. Nhà bình luận David Brooks đã nói rằng: “Nhiều vấn đề lớn trong xã hội của chúng ta bắt nguồn từ việc con người ta cảm thấy bị phớt lờ và không được trân trọng. … [Có một] nét tính cách cốt lõi … mà tất cả chúng ta phải cải thiện[, đó là] việc nhìn nhận người khác và bản thân mình một cách sâu sắc.”3

Chúa Giê Su Ky Tô nhìn nhận mọi người một cách sâu sắc. Ngài biết từng người một, những nhu cầu của họ và con người mà họ có thể trở thành. Trong khi người khác chỉ thấy những người đánh cá, người có tội, hay người thâu thuế, Chúa Giê Su lại thấy những môn đồ; khi người khác thấy một người đàn ông bị quỷ ám, Chúa Giê Su bỏ qua vẻ rũ rượi bên ngoài, nhìn nhận người đàn ông, và chữa lành cho người ấy.4

Ngay cả trong cuộc sống bận rộn của mình, chúng ta có thể noi theo tấm gương của Chúa Giê Su và nhìn nhận người khác—những nhu cầu, đức tin, khó khăn của họ, và con người mà họ có thể trở thành.5

Trong khi tôi cầu xin Chúa mở mắt tôi để nhận thấy những điều mà tôi thường không thấy được, tôi hay tự đặt ra hai câu hỏi và tập trung vào những ấn tượng đến với mình: “Tôi đang làm điều gì mà tôi nên ngừng làm?” và “Tôi đang không làm điều gì mà đáng lẽ phải bắt đầu làm?”6

Nhiều tháng trước, trong Tiệc Thánh, tôi đã tự hỏi mình những câu này và ngạc nhiên trước những ấn tượng đến với tôi. “Đừng có nhìn vào điện thoại của mình trong khi xếp hàng chờ đợi nữa.” Việc nhìn vào điện thoại của tôi trong khi xếp hàng đã trở nên gần như là đương nhiên; tôi cảm thấy đó là thời gian tốt để làm nhiều việc khác, đọc và trả lời email, đọc tin tức, hoặc lướt qua bản tin trên mạng xã hội.

Sáng hôm sau, tôi thấy mình đang phải chờ đợi trong một hàng dài tại một cửa hiệu. Tôi rút điện thoại ra và rồi nhớ đến ấn tượng mà tôi đã nhận được. Tôi cất điện thoại đi và nhìn xung quanh. Tôi thấy một ông lão xếp hàng phía trước tôi. Trong xe đẩy hàng của ông chẳng có gì ngoài một vài hộp thức ăn cho mèo. Tôi cảm thấy một chút kỳ cục, nhưng vẫn nói ra được một điều gì đó thật khéo léo: “Tôi có thể thấy được là bác có một con mèo nhỉ?” Ông lão nói rằng một cơn bão sắp đến, và ông không muốn bị kẹt trong bão mà không có thức ăn cho mèo. Chúng tôi chỉ trò chuyện vài câu, và rồi ông lão quay sang tôi và nói rằng: “Cô biết không, tôi chưa từng kể cho ai biết, nhưng hôm nay là sinh nhật của tôi đấy.” Tôi cảm thấy mủi lòng. Tôi chúc ông sinh nhật vui vẻ và dâng một lời cầu nguyện thầm để biết ơn vì tôi đã không sử dụng điện thoại và không bỏ lỡ một cơ hội để thật sự nhận thấy và kết nối với một người đang cần điều đó.

Với cả lòng mình tôi không muốn giống như thầy tế lễ hay người Lê Vi trên đường đến thành Giê Ri Cô—là những người chỉ nhìn rồi đi khỏi.7 Nhưng tôi nghĩ tôi đã làm vậy quá thường xuyên.

Thấy được Công Việc của Thượng Đế dành cho Tôi

Gần đây tôi học được một bài học quý giá từ một em thiếu nữ tên là Rozlyn về việc nhìn nhận một cách sâu sắc.

Câu chuyện này được chia sẻ với tôi bởi một người bạn đã vô cùng đau khổ khi người chồng bỏ đi sau 20 năm chung sống. Với việc phải chia sẻ thời gian ở cùng con cái với người chồng cũ, viễn cảnh phải tham dự nhà thờ một mình dường như quá sức chịu đựng. Chị ấy kể lại:

“Ở nhà thờ nơi gia đình có tầm quan trọng tột bậc, việc ngồi một mình thật là đau khổ. Ngày Chủ Nhật đầu tiên đó tôi bước vào nhà thờ, lòng thầm cầu nguyện rằng đừng ai đến nói chuyện với tôi cả. Tôi cố tỏ ra điềm tĩnh, nhưng nước mắt chỉ chực rơi ra. Tôi ngồi ở chỗ quen thuộc, hy vọng đừng có ai để ý thấy hàng ghế dường như trống trải đến thế nào.

“Một em thiếu nữ trong tiểu giáo khu của chúng tôi quay đầu nhìn tôi. Tôi giả vờ mỉm cười. Em ấy mỉm cười đáp lại. Tôi có thể thấy vẻ lo lắng trên gương mặt em. Tôi thầm khấn xin rằng em sẽ không đến nói chuyện với tôi—tôi không có điều gì tích cực để nói và tôi biết tôi sẽ khóc. Tôi nhìn xuống chân mình và tránh ánh mắt của em.

“Trong giờ kế tiếp, tôi thấy em thỉnh thoảng quay xuống nhìn tôi. Ngay khi buổi lễ kết thúc, em ấy đi thẳng đến chỗ tôi. ‘Chào Rozlyn,’ tôi thì thầm. Em ấy ôm choàng lấy tôi và nói: ‘Chị Smith ơi, em có thể đoán được hôm nay là một ngày rất tệ với chị. Em rất tiếc. Em yêu thương chị lắm.’ Như đã đoán trước, tôi khóc khi em ấy lại ôm tôi lần nữa. Nhưng khi tôi đi về, tôi đã nghĩ rằng: ‘Xét cho cùng, có lẽ mình có thể làm được việc này.’

Hình Ảnh
Rozlyn và Chị Smith

“Em thiếu nữ dễ thương 16 tuổi đó, nhỏ hơn một nửa tuổi tôi, đã tìm gặp tôi mỗi ngày Chủ Nhật suốt năm đó để ôm tôi và hỏi: ‘Chị thế nào rồi?’ Điều đó đã tạo ra một sự khác biệt lớn trong cách tôi cảm nhận về việc đi nhà thờ. Sự thật là tôi đã bắt đầu dựa vào những cái ôm đó. Một ai đó lưu ý đến tôi. Một ai đó biết tôi đã ở đó. Một ai đó quan tâm.”

Như mọi ân tứ mà Cha Thiên Thượng vô cùng sẵn lòng ban tặng, việc nhìn nhận một cách sâu sắc đòi hỏi chúng ta phải cầu xin Ngài—và rồi hành động. Hãy cầu xin để thấy những người khác giống như Ngài thấy—là những người con trai và con gái thật sự của Ngài với thiên tính và số mệnh vĩnh cửu. Rồi hành động bằng cách yêu thương, phục vụ, và khẳng định giá trị và tiềm năng của họ khi được thúc giục. Khi việc này trở thành một mẫu mực trong cuộc sống mình, chúng ta sẽ thấy mình trở thành “những tín đồ chân chính của … Chúa Giê Su Ky Tô.”8 Những người khác sẽ có thể hết lòng tin cậy chúng ta. Và trong mẫu mực này chúng ta cũng sẽ khám phá ra thiên tính và số mệnh vĩnh cửu của chính mình.

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi chữa lành

Người bạn của tôi đã kể lại một kinh nghiệm khác trong khi ngồi đơn độc tại chính hàng ghế trống trải đó, tự hỏi xem 20 năm nỗ lực sống theo phúc âm trong căn nhà của mình có phải là vô ích không. Chị ấy cần nhiều hơn một lời trấn an; chị ấy cần thấy được. Chị đã cảm thấy một câu hỏi xuyên thấu trái tim mình: “Tại sao con làm những việc đó? Có phải con làm những việc đó để được thưởng, để được người khác tán dương, hay vì muốn có kết quả mong muốn?” Chị tần ngần trong giây lát, rà soát tấm lòng mình, và rồi có thể mạnh dạn trả lời: “Con đã làm những việc đó bởi vì con yêu thương Đấng Cứu Rỗi. Và con yêu thích phúc âm của Ngài.” Chúa đã mở mắt của chị để giúp chị thấy được. Sự thay đổi cách nhìn tuy đơn giản nhưng mạnh mẽ này đã giúp chị tiếp tục dấn bước với đức tin nơi Đấng Ky Tô, mặc cho những hoàn cảnh của mình.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương chúng ta và có thể mở mắt cho chúng ta nhận thấy được—ngay cả khi khó khăn, ngay cả khi chúng ta mệt mỏi, ngay cả khi chúng ta đơn độc, và ngay cả khi kết quả không như chúng ta mong đợi. Qua ân điển của Ngài, Ngài sẽ ban phước cho chúng ta và làm gia tăng khả năng của chúng ta. Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, Đấng Ky Tô sẽ cho phép chúng ta thấy được chính mình và thấy được những người khác như Ngài thấy. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể nhận thức được điều gì là cần thiết nhất. Chúng ta có thể bắt đầu thấy được bàn tay của Chúa tác động trong và qua những chi tiết bình thường trong cuộc sống của mình—chúng ta sẽ thấy được một cách sâu sắc.

Và rồi, trong ngày vĩ đại ấy “để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy”9 là lời cầu nguyện của tôi trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 2 Các Vua 6:15–17.

  2. Chủ đề của Hội Thiếu Nữ, ChurchofJesusChrist.org.

  3. David Brooks, “Finding the Road to Character” (bài phát biểu trên diễn đàn trường Brigham Young University, ngày 22 tháng Mười, năm 2019), speeches.byu.edu.

  4. Xin xem Mác 5:1-15.

  5. “Chúng ta không thể coi thường việc sống trong một xã hội gồm có những người nam và nữ đều có khả năng trở thành những vị thần, và hãy nhớ rằng người khù khờ … tẻ nhạt nhất mà anh chị em trò chuyện cùng có thể một ngày nào đó sẽ là một người mà, nếu anh chị em nhìn thấy bây giờ thì anh chị em sẽ bị thôi thúc mạnh mẽ phải thờ phượng. … Không có một người nào là tầm thường cả” (C.S. Lewis, The Weight of Glory [năm 2001], trang 45–46).

  6. Kim B. Clark, “Encircled About with Fire” (buổi phát sóng qua vệ tinh của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, ngày 4 tháng Tám, năm 2015), ChurchofJesusChrist.org.

  7. Xin xem Lu Ca 10:30–32.

  8. Mô Rô Ni 7:48.

  9. Mô Rô Ni 7:48; sự nhấn mạnh được thêm vào.