Đại Hội Trung Ương
Thượng Đế Sẽ Làm Một Điều Phi Thường
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Thượng Đế Sẽ Làm Một Điều Phi Thường

Thượng Đế đã chuẩn bị con cái của Ngài và Giáo Hội của Ngài cho thời kỳ này.

Chẳng bao lâu sau khi đến Thung Lũng Salt Lake, Các Thánh Hữu Ngày Sau bắt đầu xây cất một đền thờ thánh của họ. Họ cảm thấy là cuối cùng họ cũng đã tìm được một chỗ để họ có thể thờ phượng Thượng Đế trong bình an và không bị ngược đãi.

Tuy nhiên, ngay khi nền móng của ngôi đền thờ sắp hoàn thành thì một đạo quân Hoa Kỳ đã tiến đến dùng vũ lực để lập lên một thống đốc mới.

Vì các vị lãnh đạo Giáo Hội đã không biết quân đội sẽ có thái độ thù địch như thế nào nên Brigham Young đã ra lệnh cho Các Thánh Hữu di tản và chôn giấu nền móng của ngôi đền thờ.

Tôi chắc rằng một số tín hữu của Giáo Hội đã tự hỏi tại sao những nỗ lực của họ để xây đắp vương quốc của Thượng Đế lại liên tục bị thất bại.

Cuối cùng, nguy hiểm đã qua, và nền móng của ngôi đền thờ đã được đào lên và kiểm tra. Chính là lúc đó mà những người tiền phong xây cất đã phát hiện ra rằng một số đá sa thạch ban đầu đã bị nứt, khiến chúng không còn phù hợp để làm nền móng nữa.

Do đó, Brigham đã yêu cầu họ sửa chữa nền móng để nó có thể nâng đỡ nổi các bức tường bằng đá hoa cương1 của Đền Thờ Salt Lake đầy uy nghi.2 Cuối cùng, Các Thánh Hữu đã có thể hát bài thánh ca “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng”3 và biết rằng ngôi đền thờ thánh của họ đã được xây cất trên một nền móng vững chắc mà sẽ tồn tại qua nhiều thế hệ.

Hình Ảnh
Nền móng của Đền Thờ Salt Lake

Câu chuyện này có thể dạy cho chúng ta biết cách Thượng Đế sử dụng nghịch cảnh để hoàn thành mục đích của Ngài.

Đại Dịch Toàn Cầu

Nếu điều này nghe dường như quen thuộc với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta thì đúng là như vậy đó.

Tôi không biết là có một người nào đó nghe tôi đang nói chuyện hoặc đọc những lời tôi viết mà lại không bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu.

Đối với những người than khóc vì mất người thân và bạn bè, thì chúng tôi cùng than khóc với anh chị em. Chúng tôi cầu xin Cha Thiên Thượng an ủi và khuyên giải anh chị em.

Những hậu quả lâu dài của loại vi rút này vượt ra ngoài sức khỏe thể chất. Nhiều gia đình đã bị mất thu nhập và bị đe dọa bởi nạn đói, sự bấp bênh và nỗi lo sợ. Chúng tôi ngưỡng mộ những nỗ lực đầy vị tha của rất nhiều người đã ngăn chặn sự lây nhiễm của căn bệnh này. Chúng tôi khiêm nhường trước sự hy sinh thầm lặng và những nỗ lực cao quý của những người đã liều mình để phụ giúp, chữa lành và hỗ trợ những người đang gặp hoạn nạn. Chúng tôi tràn đầy lòng biết ơn đối với sự nhân từ và trắc ẩn của anh chị em.

Chúng tôi cầu nguyện khẩn thiết để Thượng Đế sẽ mở các cửa sổ trên trời và đổ đầy các phước lành vĩnh cửu của Thượng Đế xuống cho cuộc sống của anh chị em.

Chúng Ta Là Các Hạt Giống

Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về loại vi rút này. Nhưng nếu có một điều mà tôi thật sự biết, thì đó chính là loại vi rút này đã không làm Cha Thiên Thượng ngạc nhiên. Ngài không cần phải tập hợp thêm các đoàn thiên thần, triệu tập các buổi họp khẩn cấp, hoặc chuyển các nguồn lực từ phân bộ kiến tạo thế giới để giải quyết một nhu cầu bất ngờ.

Sứ điệp của tôi hôm nay là mặc dù đại dịch này không phải là điều chúng ta mong muốn hay mong đợi, nhưng Thượng Đế đã chuẩn bị cho con cái Ngài và Giáo Hội của Ngài trong thời gian này.

Chúng ta sẽ chịu đựng điều này, vâng đúng vậy. Nhưng chúng ta sẽ làm nhiều hơn là chỉ nghiến răng, chịu đựng và chờ đợi mọi việc trở lại bình thường như cũ. Chúng ta sẽ tiến bước và kết quả là chúng ta sẽ được tốt hơn.

Theo một cách nào đó, chúng ta là các hạt giống. Và để đạt được tiềm năng của chúng, các hạt giống cần phải được chôn xuống trước khi có thể nảy mầm. Tôi làm chứng rằng mặc dù đôi khi chúng ta có thể cảm thấy bị chôn vùi bởi những thử thách của cuộc đời hoặc bị bao quanh bởi bóng tối của cảm xúc, nhưng tình yêu thương của Thượng Đế và các phước lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang lại một điều phi thường.

Các Phước Lành Đến từ Nỗi Gian Khổ

Mỗi gian kỳ đều phải đối phó với thời gian thử thách và gian khổ của nó.

Hê Nóc và dân của ông đã sống trong một thời kỳ tà ác, chiến tranh và đổ máu. “Nhưng Chúa đã đến ở với dân Ngài, và họ sống trong sự ngay chính.” Ngài đã có ý định về một kế hoạch phi thường dành cho họ. Ngài đã giúp họ thành lập Si Ôn—một dân tộc cùng “một lòng một dạ” và “sống trong sự ngay chính.”4

Thiếu niên Giô Sép, con trai của Gia Cốp, bị ném xuống hố, bị bán làm nô lệ, bị phản bội và bị bỏ rơi.5 Giô Sép hẳn đã tự hỏi liệu Thượng Đế có quên ông không. Thượng Đế đã có ý định về một kế hoạch phi thường dành cho Giô Sép. Ngài đã sử dụng thời kỳ thử thách này để củng cố đặc tính của Giô Sép và đặt ông vào vị thế để cứu giúp gia đình ông.6

Hình Ảnh
Joseph trong Ngục Thất Liberty

Hãy nghĩ về Tiên Tri Joseph Smith trong khi bị giam trong Ngục Thất Liberty, cách mà ông đã cầu khẩn để có sự giải cứu cho Các Thánh Hữu đang đau khổ. Ông ấy chắc hẳn đã tự hỏi làm thế nào Si Ôn có thể được thiết lập trong những hoàn cảnh đó. Nhưng Chúa đã phán bình an cho ông, và sự mặc khải vinh quang sau đó đã mang lại bình an cho Các Thánh Hữu—và tiếp tục mang lại bình an cho anh chị em và tôi.7

Đã bao nhiêu lần trong những năm đầu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mà Các Thánh Hữu đã thất vọng và tự hỏi liệu Thượng Đế có quên họ không? Nhưng qua những ngược đãi, những hiểm họa và những đe dọa bị tiêu diệt, Chúa Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên đã có ý định về một kế hoạch dành cho bầy chiên nhỏ của Ngài. Một điều phi thường.

Chúng ta học được điều gì từ những ví dụ này—và hàng trăm ví dụ khác trong thánh thư?

Thứ nhất, người ngay chính không được miễn trải qua những thử thách và khó khăn mà cho phép họ tránh được trũng bóng tối. Chúng ta đều phải trải qua những thời điểm khó khăn, vì chính trong những thời điểm đầy nghịch cảnh này mà chúng ta học được những nguyên tắc nhằm củng cố đặc tính của mình và khiến cho chúng ta đến gần Thượng Đế hơn.

Thứ hai, Cha Thiên Thượng biết rằng chúng ta đau khổ, và vì chúng ta là con cái của Ngài nên Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta.8

Hãy nghĩ đến một Đấng trắc ẩn, Đấng Cứu Rỗi, là Đấng đã dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời của Ngài để phục sự những người đau yếu, cô đơn, nghi ngờ, tuyệt vọng.9 Anh chị em có nghĩ ngày nay Ngài ít quan tâm đến anh chị em hơn không?

Hỡi các bạn thân mến, các anh chị em yêu dấu của tôi, Thượng Đế sẽ trông nom và chăn dắt anh chị em trong những thời kỳ bấp bênh và sợ hãi này. Ngài biết anh chị em. Ngài nghe những lời khẩn cầu của anh chị em. Ngài là Đấng thành tín và đáng tin cậy. Ngài sẽ làm tròn những lời hứa của Ngài.

Thượng Đế có ý định về một điều phi thường dành riêng cho anh chị em và chung cho Giáo Hội—một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu.

Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho một Vị Tiên Tri

Những ngày đẹp nhất của chúng ta đang ở trong tương lai chứ không phải trong quá khứ của chúng ta. Đây là lý do tại sao Thượng Đế ban cho chúng ta sự mặc khải hiện đại! Nếu không có sự mặc khải này thì cuộc sống có thể cảm giác như đang bay theo một lộ trình trì hoãn trong một vùng trời nhất định, chờ cho sương mù tan đi để chúng ta có thể hạ cánh an toàn. Mục đích của Chúa dành cho chúng ta quan trọng hơn thế nhiều. Vì đây là Giáo Hội của Đấng Ky Tô hằng sống, và vì Ngài hướng dẫn các vị tiên tri của Ngài nên chúng ta đang tiến bước và hướng lên tới những nơi mà chúng ta chưa từng đến, tới những đỉnh điểm mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được!

Bây giờ, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không trải qua sóng gió trong chuyến bay của mình trên trần thế. Điều này không có nghĩa là sẽ không có những thiết bị hư hỏng bất ngờ, những trục trặc về cơ khí hoặc những thử thách nghiêm trọng về thời tiết. Trên thực tế, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn.

Là phi công chiến đấu và phi công trưởng của một hãng hàng không, tôi đã biết được rằng mặc dù tôi không thể lựa chọn nghịch cảnh sẽ gặp phải trong chuyến bay, nhưng tôi có thể chọn cách tôi chuẩn bị và cách tôi phản ứng. Điều cần thiết trong những thời kỳ khủng hoảng là sự tin cậy đầy bình tĩnh và sáng suốt.

Chúng ta làm điều này bằng cách nào?

Chúng ta nhận ra sự việc và quay trở lại với các quy tắc cơ bản, với các nguyên tắc cơ bản của phúc âm, với những gì quan trọng nhất. Anh chị em củng cố hành vi tôn giáo riêng tư của mình—như là sự cầu nguyện và học thánh thư cùng tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Anh chị em đưa ra các quyết định dựa trên những lối thực hành đã được chứng minh là tốt nhất.

Hãy tập trung vào những điều anh chị em có thể làm chứ không phải những điều anh chị em không thể làm.

Anh chị em củng cố đức tin của mình. Và anh chị em lắng nghe lời hướng dẫn của Chúa và các vị tiên tri của Ngài để dẫn dắt anh chị em đến nơi an toàn.

Hãy nhớ rằng, đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô—Ngài đang nắm quyền điều khiển.

Hãy nghĩ về nhiều tiến bộ đầy soi dẫn đã diễn ra chỉ riêng trong thập niên qua. Tôi xin đưa ra một số ít ví dụ:

  • Tiệc Thánh được tái nhấn mạnh là trọng tâm của sự thờ phượng của chúng ta vào Ngày Sa Bát.

  • Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta được cung cấp như là một công cụ tập trung vào gia đình, được Giáo Hội hỗ trợ để củng cố các cá nhân và gia đình.

  • Chúng ta đã bắt đầu một cách phục sự cao quý và thánh thiện hơn cho tất cả mọi người.

  • Việc sử dụng công nghệ trong việc chia sẻ phúc âm và làm công việc của Chúa đã lan rộng khắp Giáo Hội.

Ngay cả những phiên họp đại hội trung ương này cũng sẽ không thể thực hiện được nếu không có những công cụ tuyệt vời của công nghệ.

Thưa anh chị em, với Đấng Ky Tô đang nắm quyền lèo lái Giáo Hội, mọi việc sẽ không những ổn thỏa, mà sẽ còn phi thường nữa.

Công Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên Tiếp Tục

Thoạt tiên, một đại dịch toàn cầu dường như có thể sẽ là rào cản đối với công việc của Chúa. Ví dụ, các phương pháp truyền thống để chia sẻ phúc âm đã không thể thực hiện được. Tuy nhiên, đại dịch đang hé lộ những cách thức mới mẻ và sáng tạo hơn để tiếp cận với những người thành tâm. Công việc quy tụ Y Sơ Ra Ên đang gia tăng trong quyền năng và nhiệt tình. Hàng trăm và hàng ngàn câu chuyện đã chứng thực điều này.

Một người bạn tốt đang sống ở xứ Na Uy xinh đẹp đã viết cho Harriet và tôi về sự gia tăng các lễ báp têm gần đây. Chị ấy đã viết: “Ở những địa điểm mà Giáo Hội chưa phát triển, nhóm nhỏ sẽ trở thành chi nhánh và chi nhánh sẽ trở thành tiểu giáo khu!!”

Ở Latvia, một phụ nữ đã tìm ra Giáo Hội bằng cách nhấp vào một quảng cáo trên internet và đã rất hào hứng muốn tìm hiểu về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến mức chị ấy đã đến buổi hẹn sớm hơn một giờ và trước khi những người truyền giáo kết thúc bài học đầu tiên thì chị ấy đã yêu cầu chọn ra một ngày để chịu phép báp têm.

Ở Đông Âu, một phụ nữ đã nhận được một cú điện thoại từ những người truyền giáo và đã thốt lên: “Các chị ơi, tại sao các chị không gọi điện thoại cho tôi sớm hơn? Tôi vẫn đang đợi đây!”

Nhiều người truyền giáo của chúng ta bận rộn hơn bao giờ hết. Nhiều người truyền giáo đang giảng dạy cho nhiều người hơn bao giờ hết. Có một sự kết nối gia tăng giữa các tín hữu và những người truyền giáo.

Trong quá khứ, chúng ta có thể đã bị ràng buộc với các phương pháp tiếp cận truyền thống đến mức phải trải qua một đại dịch mới có thể mở rộng tầm mắt. Có lẽ chúng ta vẫn còn xây cất bằng đá sa thạch khi đã có sẵn đá hoa cương. Tất nhiên, chúng ta hiện đang học cách sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, kể cả công nghệ, để mời mọi người—theo những cách thông thường và tự nhiên—hãy đến và xem, đến và giúp đỡ, đến và thuộc vào.

Công Việc của Ngài, Cách của Ngài

Đây là công việc của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta tìm ra những cách làm của Ngài và chúng có thể khác với những kinh nghiệm trong quá khứ của chúng ta.

Điều này đã xảy ra cho Si Môn Phi E Rơ và các môn đồ khác khi họ đi đánh cá trên biển Ti Bê Ri Át.

“Trong đêm đó, chẳng được chi hết.

“Đến sáng, Đức Chúa Giê Su đứng trên bờ. …

“Ngài phán rằng: Hãy thả lưới bên [kia] thuyền, thì các ngươi sẽ được.”

Họ đã giăng lưới ở phía bên kia và “được nhiều cá đến nổi không thể kéo lên nữa.”10

Thượng Đế đã mặc khải và sẽ tiếp tục tỏ lộ bàn tay toàn năng của Ngài. Sẽ đến ngày mà chúng ta nhìn lại và biết rằng trong lúc nghịch cảnh này, Thượng Đế đã giúp chúng ta tìm ra những cách tốt hơn—những cách của Ngài—để xây đắp vương quốc của Ngài trên một nền tảng vững vàng.

Tôi làm chứng rằng đây là công việc của Thượng Đế và Ngài sẽ tiếp tục làm nhiều điều phi thường ở giữa con cái của Ngài, tức là dân của Ngài. Chúng ta đang ở dưới bàn tay chăm sóc và trắc ẩn của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri của Thượng Đế trong thời kỳ của chúng ta.

Với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa, tôi mời gọi và ban phước cho anh chị em được “vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của [anh chị em]; và rồi [anh chị em] có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra.”11 Và tôi hứa rằng Chúa sẽ tạo ra những điều phi thường có được từ những công việc ngay chính của anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thạch anh monzonit trông giống như đá hoa cương, được lấy ra từ một mỏ đá ở cửa hang Little Cottonwood Canyon, 32 kilômét về phía đông nam thành phố.

  2. Để có một cái nhìn kỹ hơn về thời kỳ lịch sử này, xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 2, No Unhallowed Hand, 1846–1893 (năm 2020), các chương 17, 19, và 21.

  3. Xin xem “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 85.

    Những câu của bài thánh ca tuyệt vời này có thể dùng làm chủ đề cho thời kỳ của chúng ta và khi chúng ta lắng nghe lời bài ca theo một cách mới thì nó mang tới sự hiểu biết sâu sắc về những thử thách mà chúng ta gặp phải:

    Dù khi đau yếu nhiều hay lúc sinh lực tràn lan,

    Dù cho cuộc đời ta đang khó khăn hay giàu sang,

    Dù cất bước viễn du hay lúc về sống trong nhà.

    Khi cần ta xin ngay. Ngại ngùng chi cứ khấn cầu.

    Tại sao ngươi thất vọng khi có ta ở cùng ngươi?

    Sợ chi đừng sợ chi ta chính Đức Chúa Trời ngươi.

    Và ta sẽ giúp ngươi thêm sức mạnh đứng vững vàng,

    Lẽ thật trong tay ta … trong oai quyền ta.

    Chừng khi qua biển rộng bao la ta gọi người đi,

    Buồn khổ khó khăn sẽ không đến quá sức người đâu,

    Vì ta sẽ ở bên ngươi, giữ gìn ngươi an lành,

    Oai quyền trong tay ta … khỏi chốn khổ buồn lo.

    Rồi trong những lúc hoạn nạn có ta ở cùng ngươi,

    Thì ta sẽ ban phát ngươi phước ân thêm nhiều hơn.

    Trong lò lửa hồng kia ta sẽ giúp sức chống cho

    Đừng sợ chi, ngươi sẽ đứng vững chắc trong ân lành ta.

    Hồn tôi an nghỉ đời đời bên Giê Su Ky Tô.

    Dù cho cuộc đời tôi đang khó khăn hay sầu lo,

    Lòng tôi mãi mãi ghi sâu những lời răn dạy Ngài.

    Linh hồn tôi không bao giờ từ bỏ Chúa Thánh tôi.

  4. Xin xem Môi Se 7:13–18.

  5. Có lẽ Giô Sép chỉ mới 17 tuổi khi các anh trai của ông đem bán ông làm nô lệ (xin xem Sáng Thế Ký 37:2). Ông được 30 tuổi khi vào hầu việc Pha Ra Ôn (xin xem Sáng Thế Ký 41:46). Anh chị em có thể tưởng tượng được thật là khó khăn biết bao khi một thanh niên đang ở thời kỳ sung mãn mà lại bị phản bội, bị bán làm nô lệ, bị vu oan và rồi bị bỏ tù? Chắc chắn Giô Sép là một gương mẫu không những cho giới trẻ của Giáo Hội mà còn cho mọi người nam, người nữ và trẻ em đang mong muốn vác thập tự giá và đi theo Đấng Cứu Rỗi.

  6. Xin xem Sáng Thế Ký 45:4–11; 50:20–21. Trong Thi Thiên 105:17–18, chúng ta đọc: “Ngài sai một người đi trước Y Sơ Ra Ên, là Giô Sép bị bán làm tôi mọi. Người ta cột chân người vào cùm, làm cho người bị còng xiềng.” Trong một bản dịch khác, câu 18 chép: “Họ đã đeo xiềng xích vào chân ông, Sắt xâm chiếm tâm hồn ông” (Young’s Literal Translation). Đối với tôi, điều này cho thấy rằng những khó khăn của Giô Sép đã mang đến cho ông một tâm hồn mạnh mẽ và kiên cường như sắt—một đức tính ông sẽ cần cho tương lai xán lạn và rực rỡ mà Chúa đã dành cho ông.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121–123.

  8. Nếu Thượng Đế truyền lệnh cho con cái của Ngài phải ý thức và có lòng trắc ẩn đối với những người đói khát, hoạn nạn, thiếu mặc, đau ốm và khổ sở, thì chắc chắn là Ngài sẽ ý thức và thương xót chúng ta, con cái của Ngài (xin xem Mặc Môn 8:39).

  9. Xin xem Lu Ca 7:11–17.

  10. Xin xem Giăng 21:1–6.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 123:17.