Đại Hội Trung Ương
Tất Cả Các Quốc Gia, Sắc Tộc, và Sắc Ngữ
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Tất Cả Các Quốc Gia, Sắc Tộc, và Sắc Ngữ

Theo cách riêng của mình, chúng ta có thể trở thành một phần sự ứng nghiệm của những lời tiên tri và lời hứa của Chúa—là một phần của phúc âm để ban phước cho thế gian.

Các anh chị em thân mến, gần đây tôi đã cử hành một buổi lễ gắn bó trong đền thờ, tuân theo các quy tắc phòng ngừa COVID-19. Cha mẹ và tất cả anh chị em của họ đã có mặt cùng với cô dâu và chú rể, cả hai đều là những người truyền giáo trung tín đã được giải nhiệm. Điều này không phải là dễ dàng. Cô dâu là con thứ chín trong mười người con. Chín anh chị em của cô ấy ngồi theo thứ tự, từ lớn đến nhỏ tuổi nhất, và tất nhiên là giữ khoảng cách xã hội.

Gia đình này đã cố gắng trở thành những người hàng xóm tốt ở bất cứ nơi nào họ sống. Tuy nhiên, một cộng đồng đã không chào đón họ—bởi vì, theo mẹ của cô dâu nói, gia đình họ là những tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Gia đình họ đã làm mọi thứ để kết bạn ở trường, để đóng góp và được chấp nhận, nhưng không thành công. Gia đình họ đã cầu nguyện liên tục để những người khác trở nên mềm lòng.

Một đêm nọ, gia đình họ cảm thấy rằng lời cầu nguyện của mình đã được đáp ứng, mặc dù trong một cách rất bất ngờ. Nhà của họ bị cháy và bị thiêu rụi. Nhưng một điều khác đã xảy ra. Vụ cháy đó đã làm mềm lòng những người hàng xóm của họ.

Những người hàng xóm của họ và trường học địa phương đã quyên góp quần áo, giày dép, và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho gia đình họ vì họ đã mất tất cả. Lòng tử tế dẫn đến sự thấu hiểu. Đó không phải là cách mà gia đình họ hy vọng hoặc trông đợi để những lời cầu nguyện của mình được đáp ứng. Tuy nhiên, họ bày tỏ lòng biết ơn về điều họ học được qua những kinh nghiệm khó khăn và câu trả lời bất ngờ cho những lời cầu nguyện chân thành của mình.

Thật vậy, đối với những ai có lòng trung tín và mắt để thấy, thì tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được biểu lộ giữa những thử thách của cuộc sống. Sự hy sinh và vượt qua những thử thách một cách trung tín sẽ mang lại các phước lành từ thiên thượng. Trong cuộc sống trần thế này, chúng ta có thể mất đi hoặc chờ đợi một số thứ trong một thời gian, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ tìm được điều quan trọng nhất.1 Đó là lời hứa của Ngài.2

Bản tuyên ngôn kỷ niệm hai trăm năm vào năm 2020 của chúng tôi bắt đầu với lời hứa toàn diện sâu sắc rằng “Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài ở mọi quốc gia trên thế giới.”3 Đối với mỗi người chúng ta ở mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc,4 Thượng Đế đã hứa, giao ước, và mời gọi chúng ta đến để dự phần vào niềm vui và lòng nhân từ dồi dào của Ngài.

Tình yêu thương của Thượng Đế cho tất cả mọi người được khẳng định trong suốt thánh thư.5 Tình yêu thương đó bao gồm các giao ước Áp Ra Ham, sự quy tụ những con cái đã bị phân tán của Ngài,6 và kế hoạch hạnh phúc của Ngài trong cuộc sống chúng ta.

Trong ngôi nhà của đức tin không có người xa lạ, không có người ngoại quốc,7 không có người giàu và nghèo,8 không có “người ngoài” nào khác. Với tư cách là “người đồng quốc với các thánh đồ,”9 chúng ta được mời gọi để thay đổi thế giới ngày một tốt hơn, từ bên trong ra, từng người một, từng gia đình một, từng khu phố một.

Điều này xảy ra khi chúng ta sống theo và chia sẻ phúc âm. Vào đầu gian kỳ này, Tiên Tri Joseph đã nhận được một lời tiên tri đáng chú ý rằng Cha Thiên Thượng muốn mọi người ở khắp nơi khám phá ra tình yêu thương của Thượng Đế và trải nghiệm được quyền năng của Ngài để thay đổi và phát triển.

Hình Ảnh
Nhà của gia đình Smith

Lời tiên tri đó đã được tiếp nhận ở đây, tại ngôi nhà bằng gỗ của gia đình Smith ở Palmyra, New York.10

Hình Ảnh
Anh Cả và Chị Gong trong nhà của gia đình Smith

Được hoàn thành vào năm 1998, ngôi nhà của gia đình Smith đã được xây dựng lại trên nền móng ban đầu của nó. Phòng ngủ ở tầng hai có cùng không gian 5,5 m x 9 m x 3 m là nơi Mô Rô Ni với tư cách là một sứ giả vinh quang từ Thượng Đế đã hiện đến với thiếu niên Joseph vào buổi tối ngày 21 tháng Chín năm 1823.11

Anh chị em còn nhớ điều mà Tiên Tri Joseph đã thuật lại:

“[Mô Rô Ni] đã nói … Thượng Đế có một công việc giao cho tôi thực hiện; và sau này tên tôi sẽ được mọi quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ nhắc nhở tới như điều thiện hoặc điều ác. …

“[Mô Rô Ni] nói rằng có một quyển sách đã được chôn giấu, … rằng sách ấy chứa đựng Phúc Âm trọn vẹn vĩnh viễn.”12

Chúng ta tạm ngừng ở đây. Chúng ta thờ phượng Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chứ không phải là Tiên Tri Joseph hoặc bất kỳ con người trần tục nào.

Tuy nhiên, hãy xem xét cách mà những lời tiên tri của Thượng Đế ban cho các tôi tớ của Ngài đã được ứng nghiệm.13 Một số những lời tiên tri này được ứng nghiệm sớm hơn, một số muộn hơn, nhưng tất cả đều được ứng nghiệm.14 Khi nghe theo tinh thần tiên tri của Chúa, chúng ta theo cách riêng của mình có thể trở thành một phần sự ứng nghiệm của những lời tiên tri và lời hứa của Ngài—một phần của phúc âm để ban phước cho thế gian.

Vào năm 1823, Joseph là một thiếu niên vô danh 17 tuổi sống trong một ngôi làng ít người biết đến trong một quốc gia mới độc lập. Trừ khi đó là sự thật, làm thế nào ông có thể tưởng tượng để nói rằng mình sẽ là một công cụ trong công việc của Thượng Đế và phiên dịch bằng quyền năng và ân tứ của Thượng Đế những thánh thư thiêng liêng mà sẽ được biết đến khắp nơi?

Tuy nhiên, bởi vì đó là sự thật, anh chị em và tôi có thể chứng kiến lời tiên tri đó đang được ứng nghiệm và ngay cả chúng ta cũng được mời để giúp thực hiện lời tiên tri ấy.

Thưa anh chị em, trên khắp thế giới, mỗi người chúng ta đang tham dự đại hội trung ương tháng Mười năm 2020 đều thuộc vào các quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ được nói đến trong lời tiên tri này.

Ngày nay, các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sống trên 196 quốc gia và lãnh thổ, với 3.446 giáo khu thuộc Giáo Hội trên 90 quốc gia và lãnh thổ ấy.15 Chúng ta có mặt trên nhiều khu vực địa lý và tiêu biểu cho sự vững mạnh của Giáo Hội ở những nơi này.

Vào năm 1823, ai có thể tưởng tượng được rằng vào năm 2020 sẽ có ba quốc gia với hơn một triệu tín hữu của Giáo Hội này—là Hoa Kỳ, Mexico, và Brazil?

Hoặc 23 quốc gia với hơn 100.000 tín hữu của Giáo Hội—ba ở Bắc Mỹ, mười bốn ở Trung và Nam Mỹ, một ở Châu Âu, bốn ở Châu Á, và một ở Châu Phi?16

Chủ tịch Russell M. Nelson gọi Sách Mặc Môn là “một phép màu kỳ diệu.”17 Các nhân chứng của sách này đã làm chứng rằng: “Xin cáo tri cùng tất cả các quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc.”18 Ngày nay, đại hội trung ương có sẵn bằng 100 ngôn ngữ. Chủ tịch Nelson đã làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài trên 138 quốc gia, và sẽ còn nhiều hơn nữa.

Bắt đầu với 5.000 bản in của ấn bản Sách Mặc Môn đầu tiên năm 1830, khoảng 192 triệu bản in của một phần hoặc toàn bộ Sách Mặc Môn đã được xuất bản bằng 112 ngôn ngữ. Các bản dịch Sách Mặc Môn cũng có sẵn rộng rãi dưới dạng kỹ thuật số. Các bản dịch Sách Mặc Môn hiện tại bao gồm hầu hết 23 ngôn ngữ trên thế giới được 50 triệu người sử dụng hoặc nhiều hơn, tổng hợp là ngôn ngữ bản xứ của khoảng 4,1 tỷ người.19

Mỗi người chúng ta được mời tham gia vào những việc nhỏ nhặt và tầm thường mà giúp biến những việc lớn thành hiện thực.

Ví dụ, tại một đại hội giáo khu ở Monroe, Utah, với tổng số tín hữu là 2.200, tôi đã hỏi xem có bao nhiêu người đã phục vụ truyền giáo. Hầu như ai cũng giơ tay lên. Trong những năm gần đây, từ giáo khu đó, 564 người truyền giáo đã phục vụ ở tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và trên 53 quốc gia—trên mọi lục địa ngoại trừ Nam Cực.

Nói về Nam Cực, ngay cả tại Ushuaia, ở cực nam của Argentina, tôi đã thấy lời tiên tri đang được ứng nghiệm khi những người truyền giáo của chúng ta chia sẻ phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô ở một nơi gọi là “nơi tận cùng thế giới.”20

Hình Ảnh
Bức tranh được tạo thành từ các quyển sách trong tuyển tập Saints

Bức tranh được tạo thành từ bìa của bốn quyển trong tuyển tập Saints21 mô tả một cái nhìn toàn diện về kết quả của việc sống theo phúc âm của các Thánh Hữu trung tín ở khắp nơi. Lịch sử Giáo Hội của chúng ta được đặt nơi chứng ngôn cá nhân và hành trình trong phúc âm của mỗi tín hữu, bao gồm Mary Whitmer, người chị trung tín mà Mô Rô Ni đã cho thấy các bản khắc của Sách Mặc Môn.22

Hình Ảnh
Các tạp chí mới của Giáo Hội

Vào tháng Một năm 2021, ba tạp chí mới của Giáo Hội trên toàn cầu—tạp chí Bạn Hữu, tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, và tạp chí Liahona—mời gọi tất cả mọi người đến tham gia và chia sẻ những kinh nghiệm và chứng ngôn trong cộng đồng đức tin toàn cầu của chúng ta.23

Thưa các anh chị em, khi chúng ta gia tăng đức tin của mình nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, nhận được các phước lành được tìm thấy khi sống theo các lẽ thật của phúc âm phục hồi và những giao ước thiêng liêng, và học hỏi, suy ngẫm, và chia sẻ về Sự Phục Hồi liên tục, thì chúng ta đang tham gia vào việc làm ứng nghiệm lời tiên tri.

Chúng ta đang thay đổi thế gian và chính bản thân mình trong một khuôn mẫu phúc âm mà sẽ ban phước cho mọi người ở khắp nơi.

Một chị người Châu Phi nói: “Sự phục vụ trong chức tư tế của chồng tôi giúp cho anh ấy trở nên kiên nhẫn và tử tế hơn. Và tôi đang trở thành một người vợ và người mẹ tốt hơn.”

Một nhà tư vấn kinh doanh quốc tế được kính nể ở Trung Mỹ nói rằng trước khi biết về phúc âm phục hồi của Thượng Đế, ông sống lang thang không mục đích trên đường phố. Giờ đây ông và gia đình mình đã tìm được danh tính, mục đích, và sức mạnh.

Một thiếu niên ở Nam Mỹ nuôi gà và bán trứng để giúp mua cửa sổ cho căn nhà mà gia đình em ấy đang xây dựng. Em ấy trả tiền thập phân trước. Em ấy thực sự sẽ thấy được các cửa sổ trên trời mở ra.

Tại Four Corners, một cộng đồng ở vùng tây nam Hoa Kỳ, một gia đình người Mỹ Da Đỏ trồng một bụi hoa hồng tuyệt đẹp để trổ hoa trên sa mạc, như một biểu tượng của đức tin nơi phúc âm và sự tự lực cánh sinh.

Sống sót sau một cuộc nội chiến khốc liệt, một người anh em ở Đông Nam Á tuyệt vọng nghĩ rằng cuộc sống không còn ý nghĩa. Anh ấy tìm được niềm hy vọng sau khi nằm mơ thấy một người bạn cùng lớp năm xưa đang cầm một cái khay Tiệc Thánh và làm chứng về các giáo lễ cứu rỗi và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cha Thiên Thượng mời gọi chúng ta ở khắp nơi cảm nhận tình thương yêu của Ngài, học hỏi và phát triển thông qua giáo dục, công việc hợp pháp, sự phục vụ để giúp trở nên tự lực, cùng các khuôn mẫu tốt đẹp và hạnh phúc mà chúng ta tìm thấy trong Giáo Hội phục hồi của Ngài.

Khi tiến đến việc tin cậy nơi Thượng Đế, đôi khi qua việc cầu xin trong những thời điểm đen tối, cô đơn và bấp bênh nhất của mình, chúng ta hiểu được rằng Ngài biết chúng ta rõ hơn và yêu thương chúng ta nhiều hơn là chính bản thân chúng ta nữa.

Đây là lý do tại sao chúng ta cần sự giúp đỡ của Thượng Đế để tạo ra công lý, công bằng, bình đẳng, và bình an lâu dài trong gia đình và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta có được một câu chuyện và thuộc về một nơi chân thực, sâu sắc nhất khi cảm nhận được tình yêu thương cứu chuộc của Thượng Đế, tìm kiếm ân điển và phép lạ qua Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử của Ngài, và thiết lập các mối quan hệ lâu dài qua các giao ước thiêng liêng.

Lòng tốt và trí tuệ tôn giáo là rất cần thiết trong thế giới lộn xộn, ồn ào và ô nhiễm ngày nay. Có cách nào khác nữa để chúng ta có thể làm mới, soi dẫn, và gây dựng tinh thần con người chăng?24

Hình Ảnh
Trồng cây ở Haiti
Hình Ảnh
Trồng cây ở Haiti
Hình Ảnh
Trồng cây ở Haiti

Việc trồng cây ở Haiti chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về việc người ta cùng nhau hợp lại để làm điều thiện. Cộng đồng địa phương, bao gồm 1.800 tín hữu của Giáo Hội, đã đóng góp và tụ họp lại để trồng gần 25.000 cây.25 Dự án trồng rừng kéo dài nhiều năm này đã trồng hơn 121.000 cây. Dự án này dự tính sẽ trồng thêm hàng chục ngàn cây nữa.

Nỗ lực đoàn kết này giúp đem lại bóng râm, bảo tồn đất, và giảm bớt lũ lụt trong tương lai. Nỗ lực này làm đẹp những khu dân cư, gây dựng cộng đồng, mang lại thức ăn, và nuôi dưỡng tâm hồn. Nếu anh chị em hỏi những người Haiti xem ai sẽ thu hoạch trái từ những cây này, thì họ sẽ nói: “Bất kỳ ai đang đói.”

Khoảng tám mươi phần trăm dân số thế giới theo tôn giáo.26 Các cộng đồng tôn giáo sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu tức thời sau những trận thiên tai, cũng như các nhu cầu lâu dài về thực phẩm, nơi ở, giáo dục, học vấn, và đào tạo việc làm. Trên khắp thế giới, các tín hữu, bạn bè, và Giáo Hội của chúng ta giúp đỡ các cộng đồng hỗ trợ những người tị nạn và cung cấp nước, vệ sinh, hỗ trợ người khuyết tật, và chăm sóc thị lực—từng người, từng ngôi làng, từng cái cây một.27 Ở khắp nơi, chúng ta cố gắng trở thành những bậc cha mẹ tốt và những công dân tốt, để cống hiến cho khu dân cư và xã hội của mình, bao gồm cả việc đóng góp thông qua Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau.28

Thượng Đế ban cho chúng ta quyền tự quyết về mặt đạo đức—và trách nhiệm về mặt đạo đức. Chúa đã tuyên phán: “Ta là Đức Chúa Trời làm cho các ngươi được tự do, vậy nên, [các ngươi] thật sự được tự do.”29 Khi tuyên bố “sự tự do cho những kẻ bị giam cầm,”30 Chúa hứa rằng Sự Chuộc Tội và con đường phúc âm của Ngài có thể cắt đứt những trói buộc về mặt vật chất lẫn tinh thần.31 Sự cứu chuộc tự do này còn được nhân từ ban cho những người đã qua đời.

Cách đây nhiều năm, một vị linh mục ở Trung Mỹ đã nói với tôi rằng ông đang nghiên cứu về “lối thực hành làm phép báp têm cho người chết” của các Thánh Hữu Ngày Sau. Vị linh mục ấy nói rằng: “Dường như là điều công bình rằng Thượng Đế sẽ ban cho mọi người một cơ hội để chịu phép báp têm, bất kể họ sống khi nào và ở đâu, ngoại trừ các trẻ nhỏ, vì chúng ‘sống trong Đấng Ky Tô.’32 Vị linh mục nhận xét rằng: “Sứ Đồ Phao Lô có nói về việc người chết chờ để được nhận phép báp têm và sự phục sinh.”33 Các giáo lễ làm thay trong đền thờ hứa với tất cả các quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ rằng không một ai phải “làm nô lệ cho sự chết, ngục giới, hoặc mộ phần.”34

Khi chúng ta tìm kiếm Thượng Đế, đôi khi câu trả lời bất ngờ cho những lời cầu nguyện mang chúng ta ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn, mang chúng ta đến với cộng đồng, xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn chúng ta, và dẫn dắt chúng ta đi tìm nơi nương tựa về mặt thuộc linh trong sự nhân từ của các giao ước và tình thương yêu lâu dài của Ngài.

Những điều vĩ đại thường bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt, nhưng các phép lạ của Thượng Đế vẫn xuất hiện hằng ngày. Chúng ta biết ơn biết bao về ân tứ thiêng liêng của Đức Thánh Linh, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và các giáo lý, giáo lễ, và giao ước của Ngài đã được mặc khải trong Giáo Hội phục hồi mang danh Ngài.

Cầu xin cho chúng ta vui vẻ chấp nhận lời mời của Thượng Đế để tiếp nhận và giúp làm ứng nghiệm các phước lành đã được hứa và được tiên tri đến tất cả các quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ, tôi cầu nguyện trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.