Đại Hội Trung Ương
Xã Hội Bền Vững
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Xã Hội Bền Vững

Nếu đủ số người trong chúng ta và trong hàng xóm của chúng ta hướng cuộc sống của mình theo lẽ thật của Thượng Đế thì thế gian sẽ đầy dẫy những đức hạnh đạo đức cần có trong mỗi xã hội.

Quả là một ca đoàn tuyệt vời hát về Đấng Cứu Rỗi thiêng liêng.

Vào năm 2015, Liên Hiệp Quốc thông qua “Chương Trình Nghị Sự 2030 vì Sự Phát Triển Bền Vững.” Chương trình được mô tả là “một kế hoạch chung vì hòa bình và sự thịnh vượng của con người và hành tinh, bây giờ và trong tương lai.” Chương Trình Nghị Sự vì Sự Phát Triển Bền Vững bao gồm 17 mục tiêu cần đạt được đến năm 2030, chẳng hạn như: xóa nghèo, không còn nạn đói, giáo dục có chất Lượng, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh, và công việc tốt.1

Khái niệm về sự phát triển bền vững là một khái niệm thú vị và quan trọng. Tuy nhiên, còn cấp bách hơn nữa chính là câu hỏi bao quát hơn về xã hội bền vững. Những điều căn bản nào duy trì một xã hội phồn thịnh, đề cao hạnh phúc, sự tiến bộ, sự bình an, và sự an lạc của người dân? Chúng ta có biên sử thánh thư về ít nhất hai xã hội thịnh vượng như vậy. Chúng ta có thể học được điều gì từ chúng?

Vào thời xưa, vị tộc trưởng và tiên tri vĩ đại Hê Nóc đã thuyết giảng sự ngay chính và “xây dựng một thành phố gọi là Thành Phố Thánh Thiện, tức là Si Ôn.”2 Thánh thư cũng nói rằng “Chúa gọi dân Ngài là Si Ôn, vì họ đồng một lòng và một trí, và sống trong sự ngay chính; và không có người nào nghèo khó trong số họ.”3

“Và Chúa ban phước lành cho xứ ấy, và họ được ban phước lành trên các núi, và trên các nơi cao, và trở nên phát đạt.”4

Dân cư sống vào thế kỷ thứ nhất và thứ hai ở Tây Bán Cầu, được gọi là dân Nê Phi và dân La Man, cung cấp một ví dụ nổi bật khác về một xã hội phồn thịnh. Theo sau giáo vụ phi thường của Đấng Cứu Rỗi phục sinh ở giữa họ, “họ [đã] sống theo các lệnh truyền mà họ … nhận được từ Chúa của họ và Thượng Đế của họ, và họ tiếp tục nhịn ăn và cầu nguyện, và thường cùng nhau tụ họp để cầu nguyện và nghe lời của Chúa. …

“Và cũng không có những sự ganh tị, xung đột, xáo trộn, tà dâm, dối trá hay sát nhân, dâm dật nào xảy ra; và quả thật, chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.”5

Các xã hội trong hai ví dụ này được duy trì bởi các phước lành của thiên thượng đến nhờ sự tận tâm gương mẫu đối với hai giáo lệnh lớn: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” và “Ngươi hãy yêu mến kẻ lân cận như mình.”6 Họ vâng lời Thượng Đế trong cuộc sống cá nhân của mình, và họ trông nom sự an lạc thể chất và thuộc linh của lẫn nhau. Theo lời trong sách Giáo Lý và Giao Ước, đây là những xã hội mà “mọi người đều … tìm kiếm làm điều lợi ích cho người lân cận mình, và … làm mọi việc với con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế.”7

Rủi thay, như Anh Cả Quentin L. Cook đã nhận xét vào buổi sáng hôm nay, xã hội lý tưởng được mô tả trong sách 4 Nê Phi của Sách Mặc Môn đã không tồn tại quá hai thế kỷ. Sự bền vững là không đảm bảo, và một xã hội thịnh vượng có thể suy tàn theo thời gian nếu nó từ bỏ những đức hạnh chính yếu mà duy trì sự bình an và thịnh vượng của mình. Trong trường hợp này, nhượng bộ trước những cám dỗ của quỷ dữ, dân chúng đã “bắt đầu phân chia thành nhiều giai cấp; và họ cũng bắt đầu xây dựng các giáo hội riêng cho họ để thủ lợi, và bắt đầu chối bỏ giáo hội chân chính của Đấng Ky Tô.”8

“Và chuyện rằng, khi ba trăm năm đã trôi qua, cả hai dân tộc Nê Phi và La Man đều trở nên vô cùng tà ác chẳng khác chi nhau.”9

Đến cuối thế kỷ tiếp theo, hàng triệu người đã chết trong các cuộc chiến cốt nhục tương tàn, và đất nước một thời từng hòa hợp với nhau của họ chỉ còn là những bộ tộc gây chiến lẫn nhau.

Khi suy ngẫm về ví dụ này và những ví dụ khác về những xã hội đã từng thịnh vượng mà về sau suy tàn, tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng khi loài người quay mặt lại ý thức trách nhiệm giải trình trước Thượng Đế và, thay vào đó, bắt đầu tin cậy vào “cánh tay xác thịt” thì tai họa rình rập. Tin cậy vào cánh tay xác thịt tức là phớt lờ Đấng Sáng Tạo thiêng liêng của nhân quyền và nhân phẩm và đặt ưu tiên cao nhất vào của cải, quyền lực, và những lời tán tụng của thế gian (trong khi thường mỉa mai và ngược đãi những người tuân theo một tiêu chuẩn khác). Trong khi đó, những người trong các xã hội bền vững tìm cách, như vua Bên Gia Min đã nói, để “tăng thêm sự hiểu biết về sự vinh quang của Đấng đã tạo ra [họ], hay sự hiểu biết về những điều gì chính đáng và chân thật.”10

Các tổ chức gia đình và tôn giáo đã luôn góp phần quyết định cung cấp cho cả cá nhân lẫn cộng đồng những đức hạnh mà duy trì một xã hội bền lâu. Được dựa trên thánh thư, những đức hạnh này bao gồm sự liêm chính, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình, lòng trắc ẩn, hôn nhân và sự chung thủy trong hôn nhân, sự tôn trọng người khác và tài sản của người khác, sự phục vụ, và sự cần thiết và giá trị của công việc, cùng những đức hạnh khác.

Biên tập viên độc lập Gerard Baker đã viết một đề mục vào đầu năm nay trên tờ Wall Street Journal tôn vinh cha của mình, Frederick Baker, nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của ông ấy. Ông có phỏng đoán về những lý do cha mình sống lâu như vậy nhưng rồi đã thêm những suy nghĩ này:

“Tuy chúng ta đều muốn biết bí mật để sống thọ nhưng tôi thường cảm thấy chúng ta nên cống hiến nhiều thời gian hơn để tìm hiểu xem điều gì mang lại một cuộc sống tốt đẹp, bất kể thọ hạn của mình. Ở đây, tôi nghĩ tôi biết bí mật của cha tôi.

Ông từng sống trong một thời kỳ khi cuộc sống được định nghĩa chủ yếu bằng nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi; bằng các trách nhiệm xã hội chứ không phải là đặc quyền cá nhân. Nguyên tắc sống chủ yếu xuyên suốt thế kỷ của ông là ý thức về bổn phận—với gia đình, Thượng Đế, và đất nước.

“Trong một thời kỳ đầy dẫy sự hủy hại từ những gia đình bị tan vỡ, cha tôi là một người chồng tận tâm với người vợ 46 năm chung sống của mình, một người cha có trách nhiệm đối với sáu đứa con. Ông chưa bao giờ toàn tâm và quan trọng hơn khi cha mẹ tôi phải gánh chịu bi kịch không thể ngờ tới là cái chết của một người con. …

“Và trong một thời kỳ khi tôn giáo ngày càng trở nên xa lạ, cha tôi sống cả đời là một người Công Giáo chân thành, trung tín, với một niềm tin không thể lay chuyển nơi những lời hứa của Đấng Ky Tô. Quả thật vậy, đôi khi tôi nghĩ ông sống thọ như vậy bởi vì ông đã chuẩn bị kỹ càng cho cái chết hơn bất kỳ ai mà tôi đã gặp.

Tôi là một người may mắn—được ban phước với một nền giáo dục tốt, gia đình tuyệt vời của tôi, một vài thành công trong cuộc sống tôi không đáng nhận. Nhưng dù tôi có cảm thấy tự hào và biết ơn như thế nào đi nữa thì cũng không bằng sự tự hào và lòng biết ơn tôi dành cho người đàn ông mà, không ồn ào cũng không phô trương, không mong chờ phần thưởng hay sự công nhận, đã sống—cả một thế kỷ nay— với những trách nhiệm, bổn phận đơn giản, và trên hết là những niềm vui của việc sống một cuộc sống đức hạnh.”11

Tầm quan trọng nhận thấy của tôn giáo và đức tin tôn giáo đã suy giảm ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều người cho rằng niềm tin nơi và sự trung thành với Thượng Đế là không cần thiết cho tính liêm chính đạo đức cả ở cá nhân lẫn xã hội trong thế giới ngày nay.12 Tôi nghĩ chúng ta đều sẽ đồng ý rằng những người tuyên bố không có niềm tin tôn giáo có thể, và thường là, những người tốt, có đạo đức. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không đồng ý rằng điều này có thể xảy ra mà không có ảnh hưởng của thiên thượng. Tôi đang nói về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã tuyên phán: “Ta là sự sáng thật soi sáng cho mọi người sinh ra ở thế gian này.”13 Dù có nhận ra hay không thì mỗi người nam, người nữ, và trẻ em thuộc mọi tín ngưỡng, ở mọi nơi, trong mọi thời kỳ đều được ban cho Ánh Sáng của Đấng Ky Tô và vì thế đều sở hữu một ý thức về điều đúng và điều sai chúng ta thường gọi là lương tâm.14

Tuy nhiên, khi sự thế tục hóa chia cách đức hạnh cá nhân và xã hội khỏi ý thức trách nhiệm giải trình trước Thượng Đế thì nó cắt lìa cây khỏi rễ. Chỉ dựa vào văn hóa và truyền thống mà thôi sẽ không đủ để duy trì đức hạnh trong xã hội. Khi một người không có thượng đế nào cao hơn mình và không tìm kiếm lợi ích nào cao cả hơn việc thỏa mãn ham muốn và ý thích cá nhân thì hậu quả rồi sẽ biểu hiện qua thời gian.

Ví dụ, một xã hội mà sự cho phép cá nhân là mối ràng buộc duy nhất đối với hoạt động tình dục là một xã hội đang suy tàn. Việc ngoại tình, tạp hôn, sinh con ngoài giá thú,15 phá thai tuỳ chọn chỉ là một số trái đắng của cuộc cách mạng tình dục đang diễn ra. Các hậu quả theo sau mà chống lại sự bền vững của một xã hội tốt đẹp bao gồm những con số đang gia tăng các trẻ em được nuôi nấng trong sự nghèo khó và thiếu thốn ảnh hưởng tích cực của người cha, đôi khi qua nhiều thế hệ; những người phụ nữ một mình gánh vác những trách nhiệm đúng ra phải được chia sẻ; và nền giáo dục thiếu hụt một cách nghiêm trọng bởi vì nhà trường, như các tổ chức khác, được giao nhiệm vụ phải bù đắp những thiếu sót trong gia đình.16 Thêm vào các bệnh lý xã hội học này là những trường hợp không lường trước được về sự đau lòng và tuyệt vọng cá nhân—sự hủy diệt tinh thần và cảm xúc xảy ra cho cả người lầm lỗi lẫn người vô tội.

Nê Phi tuyên bố:

“Khốn thay cho kẻ nghe theo những lời giáo huấn của người đời, và chối bỏ quyền năng của Thượng Đế và ân tứ Đức Thánh Linh! …

“… Khốn thay cho những kẻ run dẩy và tức giận vì lẽ thật của Thượng Đế!”17

Ngược lại, sứ điệp đầy niềm vui của chúng ta dành cho con cái chúng ta và cho toàn nhân loại là “lẽ thật của Thượng Đế” hướng đến một con đường tốt đẹp hơn, hoặc như Phao Lô đã nói, một “con đường tốt lành hơn,”18 một con đường đến sự hạnh phúc cá nhân và sự an lạc cộng đồng bây giờ và sự bình an và niềm vui đời đời mai sau.

Lẽ thật của Thượng Đế chỉ đến các lẽ thật cơ bản cấu thành kế hoạch hạnh phúc của Ngài dành cho con cái Ngài. Các lẽ thật này là Thượng Đế hằng sống; Ngài là Cha Thiên Thượng của linh hồn chúng ta; là một biểu hiện của tình yêu thương Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta những lệnh truyền mà dẫn đến niềm vui trọn vẹn cùng với Ngài; Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta; Ngài đã chịu thống khổ và chết để chuộc tội nếu chúng ta hối cải; Ngài đã sống lại từ cái chết, mang lại Sự Phục Sinh cho tất cả nhân loại; và chúng ta đều sẽ được đứng lên trước mặt Ngài để được phán xét, tức là, để chịu trách nhiệm cho cuộc đời của chúng ta.19

Vào năm thứ chín của “chế độ các phán quan” trong Sách Mặc Môn, vị tiên tri An Ma đã từ bỏ chức vị trưởng phán quan để dành trọn thời gian cho việc lãnh đạo Giáo Hội. Mục đích của ông là để giải quyết vấn đề tính kiêu ngạo, sự ngược đãi, và sự tham lam đang gia tăng giữa dân chúng và đặc biệt là trong số các tín hữu của Giáo Hội.20 Như Anh Cả Stephen D. Nadauld từng quan sát: “Quyết định đầy soi dẫn [của An Ma] không phải để dành nhiều thời gian hơn để cố gắng ban hành và thi hành nhiều luật lệ hơn nhằm chỉnh sửa hành vi của dân ông, nhưng để nói với họ lời của Thượng Đế, để giảng dạy giáo lý nhằm cho sự hiểu biết của họ về kế hoạch cứu chuộc hướng họ thay đổi hành vi của mình.”21

Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm, với tư cách là hàng xóm và công dân, để đóng góp cho sự bền vững là thành công của xã hội chúng ta đang sống, và chắc chắn là sự phục vụ cơ bản và lâu dài nhất của chúng ta sẽ là giảng dạy và sống bằng các lẽ thật vốn có trong kế hoạch cứu chuộc vĩ đại của Thượng Đế. Như được bày tỏ trong lời của một bài thánh ca:

Đức tin của cha ông, chúng con xin yêu

Cả bạn lẫn thù trong những chấp tranh,

Và thuyết giảng cha, với tình yêu thương,

Bằng lời dịu dàng, lối sống đoan trang.22

Nếu đủ số người trong chúng ta và trong hàng xóm của chúng ta đưa ra các quyết định của mình và hướng cuộc sống của mình theo lẽ thật của Thượng Đế thì thế gian sẽ đầy dẫy những đức hạnh đạo đức cần có trong mỗi xã hội.

Trong tình yêu thương của Ngài, Cha Thiên Thượng của chúng ta đã ban cho Con Trai Độc Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để chúng ta có thể có được cuộc sống đời đời.23

“[Chúa Giê Su Ky Tô] không làm việc gì trừ phi có lợi ích cho thế gian; vì Ngài rất yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình để lôi kéo tất cả loài người đến với Ngài. Vậy nên, Ngài không truyền lệnh cho một ai không được hưởng sự cứu rỗi của Ngài.

“Này, phải chăng Ngài phán lớn tiếng với một người nào rằng: Hãy tránh xa ta đi? Này, tôi nói cho các người hay: Không; trái lại Ngài phán rằng: Hỡi tất cả mọi người ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta, mua sữa và mật mà khỏi phải trả tiền và không cần giá cả.”24

Chúng tôi làm chứng về điều này “với một tấm lòng nghiêm trang và tinh thần nhu mì,”25 và trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “The 17 Goals,” trang mạng của Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Kinh Tế và Xã Hội, sdgs.un.org/goals.

  2. Môi Se 7:19.

  3. Môi Se 7:18.

  4. Môi Se 7:17.

  5. 4 Nê Phi 1:12, 16.

  6. Ma Thi Ơ 22:37, 39.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 82:19.

  8. 4 Nê Phi 1:26.

  9. 4 Nê Phi 1:45.

  10. Mô Si A 4:12.

  11. Gerard Baker, “A Man for All Seasons at 100,” Wall Street Journal, ngày 21 tháng Hai năm 2020, wsj.com.

  12. Xin xem Ronald F. Inglehart, “Giving Up on God: The Global Decline of Religion,” Foreign Affairs, tháng Chín/tháng Mười năm 2020, foreignaffairs.com; xin xem thêm Christine Tamir, Aidan Connaughton, và Ariana Monique Salazar, “The Global God Divide,” Pew Research Center, ngày 20 tháng Bảy năm 2020, đặc biệt là đồ họa thông tin “Majorities in Emerging Economies Connect Belief in God and Morality,” pewresearch.org.

  13. Giáo Lý và Giao Ước 93:2; xin xem thêm Mô Rô Ni 7:16, 19.

  14. Xin xem Boyd K. Packer, “The Light of Christ,” Liahona, tháng Tư năm 2005, trang 10; xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Truth Endures,” Religious Educator, quyển 19, số 3 (năm 2018), trang 6.

  15. Trong việc đưa ra ví dụ này, tôi nói về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với trẻ em như là “trái đắng” chứ không phải là chính các em. Mỗi người con của Thượng Đề đều quý báu, và mỗi sinh linh đều có giá trị vô giá bất chấp hoàn cảnh ra đời.

  16. Xin xem, ví dụ, Pew Research Center, “The Changing Profile of Unmarried Parents,” ngày 25 tháng Tư năm 2018, pewsocialtrends.org; Mindy E. Scott và những người khác, “5 Ways Fathers Matter,” ngày 15 tháng Sáu năm 2016, childtrends.org; và Robert Crosnoe và Elizabeth Wildsmith, “Nonmarital Fertility, Family Structure, and the Early School Achievement of Young Children from Different Race/Ethnic and Immigration Groups,” Applied Developmental Science, quyển 15, số 3 (tháng Bảy–tháng Chín năm 2011), trang 156–170.

  17. 2 Nê Phi 28:26, 28.

  18. 1 Cô Rinh Tô 12:31.

  19. Xin xem An Ma 33:22.

  20. Xin xem An Ma 4:6–19.

  21. Stephen D. Nadauld, Principles of Priesthood Leadership (năm 1999), trang 13; xin xem thêm An Ma 31:5.

  22. “Faith of Our Fathers,” Hymns, số 84.

  23. Xin xem Giăng 3:16.

  24. 2 Nê Phi 26:24–25; xin xem thêm 2 Nê Phi 26:33.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 100:7.