Đại Hội Trung Ương
Hãy Cứ Vững Lòng
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Hãy Cứ Vững Lòng

Đức tin không thể lay chuyển của chúng ta nơi giáo lý về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô hướng dẫn những bước đi của chúng ta và mang lại cho chúng ta niềm vui.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã nói với Các Sứ Đồ của Ngài về những sự ngược đãi và gian khổ mà họ sẽ phải chịu.1 Ngài đã kết thúc với lời đầy cam đoan này: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33). Đó là sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi dành cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng. Đó là tin mừng tột bậc cho mỗi chúng ta trong cuộc sống trần thế của mình.

“Hãy cứ vững lòng” cũng là một sự bảo đảm cần thiết trong thế giới mà Đấng Ky Tô phục sinh đã gửi Các Sứ Đồ của Ngài đến. Về sau, Sứ Đồ Phao Lô nói với người Cô Rinh Tô: “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất” (2 Cô Rinh Tô 4:8–9).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su phục vụ từng người một

Hai ngàn năm sau, chúng ta cũng “bị ép đủ cách,” và chúng ta cũng cần sứ điệp đó là đừng tuyệt vọng mà hãy cứ vững lòng. Chúa có tình yêu thương và mối quan tâm đặc biệt đối với các con gái quý báu của Ngài. Ngài biết về những mong muốn, nhu cầu và nỗi sợ hãi của các chị em. Chúa là Đấng toàn năng. Hãy tin cậy Ngài.

Tiên Tri Joseph Smith được dạy rằng “những công việc, những dự định, và những mục đích của Thượng Đế không thể bị thất bại và cũng không thể thành hư không được” (Giáo Lý và Giao Ước 3:1). Chúa đã ban những lời cam đoan tuyệt vời này cho các con cái đang gặp khó khăn của Ngài:

“Này, đây là lời hứa của Chúa với các ngươi, hỡi các ngươi là các tôi tớ của ta.

“Vậy nên, hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi, và ta sẽ đứng bên các ngươi; và các ngươi phải làm chứng về ta, là Giê Su Ky Tô, rằng ta là Con của Thượng Đế hằng sống” (Giáo Lý và Giao Ước 68:5–6).

Chúa đứng gần chúng ta và Ngài đã phán:

“Điều gì ta nói với một người tức là ta nói với tất cả, hỡi các con trẻ, hãy vui lên; vì ta đang ở giữa các ngươi và ta đã không rời bỏ các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 61:36).

“Vì sau nhiều cơn hoạn nạn, phước lành sẽ đến” (Giáo Lý và Giao Ước 58:4).

Thưa các chị em, tôi làm chứng rằng những lời hứa này, được ban ra giữa những sự ngược đãi và thảm kịch cá nhân, áp dụng cho mỗi chị em trong những hoàn cảnh khó khăn ngày nay của các chị em. Những lời hứa này rất quý giá để nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy cứ vững lòng và vui mừng nơi phúc âm trọn vẹn khi chúng ta tiến bước qua những thử thách trên trần thế.

Nỗi đau khổ và những thử thách là kinh nghiệm chung của trần thế. Sự tương phản là một phần thiết yếu của kế hoạch thiêng liêng để giúp chúng ta tăng trưởng,2 và ở giữa tiến trình đó, chúng ta có sự bảo đảm của Thượng Đế rằng trong quan điểm vĩnh cửu, sự chống đối sẽ không được cho phép khắc phục chúng ta. Chúng ta sẽ thành công với sự giúp đỡ của Ngài cùng với lòng trung tín và tính nhẫn nại của chúng ta. Giống như cuộc sống trần thế mà trong đó chúng là một phần tử, mọi nỗi đau khổ chỉ là tạm thời. Trong những tranh cãi trước một cuộc chiến thảm khốc, tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã sáng suốt nhắc nhở những người nghe về sự khôn ngoan từ xưa rằng “rồi điều này cũng sẽ qua đi.”3

Như các chị em đã biết, những nghịch cảnh trên trần thế mà tôi nói tới—tức là điều làm cho khó được vững lòng—đôi khi xảy ra với chúng ta cùng với nhiều người khác, giống như hàng triệu người hiện đang vật lộn với một số ảnh hưởng tàn khốc của đại dịch COVID-19. Tương tự như vậy, ở Hoa Kỳ, hàng triệu người đang chịu đựng suốt một thời gian đầy thù hận và tranh chấp dường như luôn đi kèm theo các cuộc bầu cử tổng thống, nhưng lần này lại nghiêm trọng nhất mà nhiều người lớn tuổi nhất trong chúng ta có thể nhớ được.

Trên phương diện cá nhân, mỗi người chúng ta đều vật lộn riêng với một số nghịch cảnh trên trần thế, chẳng hạn như cảnh nghèo khó, sự phân biệt chủng tộc, sức khỏe kém, mất việc làm hoặc thất vọng, con cái ương ngạnh, hôn nhân tồi tệ hoặc không kết hôn và những hậu quả của tội lỗi—của chính chúng ta hoặc của những người khác.

Tuy nhiên, giữa tất cả những điều này, chúng ta có lời khuyên dạy của Chúa là hãy vững lòng và tìm thấy niềm vui trong các nguyên tắc và những lời hứa của phúc âm cũng như thành quả làm việc của chúng ta.4 Lời khuyên dạy đó luôn luôn là như vậy cho các vị tiên tri và cho tất cả chúng ta. Chúng ta biết điều này từ kinh nghiệm của các vị tiền bối của chúng ta và những gì Chúa đã phán với họ.

Hình Ảnh
Anh Joseph

Hãy nhớ lại hoàn cảnh của Tiên Tri Joseph Smith. Khi được nhìn qua góc độ cụ thể của nghịch cảnh, cuộc đời của ông là một cuộc đời nghèo khó, đầy ngược đãi, thất vọng, buồn khổ trong gia đình, và cuối cùng là sự tử đạo. Khi ông bị giam cầm, vợ con của ông cùng Các Thánh Hữu khác đã chịu đựng những nỗi gian khổ không thể tin được trong khi họ bị đuổi ra khỏi Missouri.

Khi Joseph cầu xin sự giải thoát thì Chúa đáp:

“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;

“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao; ngươi sẽ chiến thắng tất cả các kẻ thù của mình” (Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8).

Đây là lời khuyên dạy riêng và vĩnh cửu mà đã giúp Tiên Tri Joseph giữ được bản chất vui vẻ cũng như tình yêu thương và lòng trung thành với dân mình. Chính những đức tính này đã củng cố các vị lãnh đạo và những người tiền phong đã đi theo và cũng có thể củng cố các chị em.

Hình Ảnh
Những người truyền giáo thời xưa đang bước đi trong tuyết ngập sâu

Hãy nghĩ tới các tín hữu thời ban đầu đó! Họ đã nhiều lần bị xua đuổi từ nơi này đến nơi khác. Cuối cùng họ phải đối phó với những thử thách trong việc thiết lập nhà ở và Giáo Hội trong một vùng hoang dã.5 Hai năm sau khi nhóm người tiền phong đầu tiên đến thung lũng Great Salt Lake, họ vẫn phải đấu tranh để tồn tại trong khu vực không thân thiện đó. Hầu hết các tín hữu vẫn còn đang trên đường băng qua các vùng đồng bằng hoặc đang vật lộn để có được nguồn lực nhằm làm được việc đó. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo và các tín hữu vẫn hy vọng và vững lòng.

Mặc dù Các Thánh Hữu chưa ổn định nơi quê hương mới của họ, vậy mà vào đại hội trung ương tháng Mười năm 1849, một làn sóng những người truyền giáo mới đã được gửi đi Bắc Âu, Pháp, Đức, Ý và Nam Thái Bình Dương.6 Trong thời kỳ mà những người tiền phong đã có thể cảm thấy đang ở dưới đáy sâu tuyệt vọng thì họ lại đạt được những điều tuyệt vời. Và chỉ ba năm sau, 98 người khác cũng được kêu gọi bắt đầu quy tụ dân Y Sơ Ra Ên đang bị phân tán. Một vị lãnh đạo Giáo Hội đã giải thích rằng những công việc truyền giáo này “nói chung, không phải là những sứ mệnh quá lâu; có lẽ từ 3 đến 7 năm sẽ là thời gian dài mà bất cứ người đàn ông nào sẽ vắng mặt trong gia đình mình.”7

Thưa các chị em, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn quan tâm đến những thử thách của các chị em. Chúng tôi yêu thương các chị em và chúng tôi cầu nguyện cho các chị em. Đồng thời, chúng tôi cũng thường cảm ơn rằng những thử thách về thể chất của chúng tôi—ngoại trừ động đất, hỏa hoạn, lũ lụt và bão tố—thường ít hơn những người tiền nhiệm của chúng tôi đã gặp phải.

Giữa những khó khăn gian khổ, thì lời trấn an của Chúa luôn luôn là “hãy vui lên, vì ta sẽ hướng dẫn các ngươi đi. Vương quốc là của các ngươi, và phước lành trong đó là của các ngươi, và của cải của sự vĩnh cửu là của các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 78:18). Điều này xảy ra như thế nào? Điều này đã xảy ra như thế nào cho những người tiền phong? Ngày nay điều này sẽ xảy ra như thế nào cho các phụ nữ của Thượng Đế? Bằng cách tuân theo lời hướng dẫn của vị tiên tri của chúng ta, “thì các cổng ngục giới sẽ không thắng được [chúng ta],” Chúa đã phán qua sự mặc khải vào tháng Tư năm 1830. Ngài phán: “Phải, … Đức Chúa Trời sẽ đánh tan quyền năng của bóng tối ra khỏi các ngươi và khiến cho các tầng trời sẽ rung chuyển vì lợi ích của các ngươi và vì vinh quang của danh Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 21:6). “Vậy thì, chớ sợ hãi, hỡi đàn chiên nhỏ bé; hãy làm điều tốt; hãy để mặc cho thế gian và ngục giới cấu kết với nhau chống lại mình, vì một khi các ngươi đã xây dựng trên đá của ta thì chúng không thể nào thắng thế được” (Giáo Lý và Giao Ước 6:34).

Với những lời hứa của Chúa, chúng ta “nức lòng và vui mừng” (Giáo Lý và Giao Ước 25:13), và “với tấm lòng vui vẻ và gương mặt hớn hở” (Giáo Lý và Giao Ước 59:15), chúng ta tiến bước trên con đường giao ước. Hầu hết chúng ta không phải đưa ra những quyết định có ảnh hưởng mạnh mẽ, giống như rời bỏ nhà cửa của mình để đi tới một vùng đất xa lạ. Các quyết định của chúng ta hầu như là trong các thói quen hằng ngày của đời sống, nhưng như Chúa đã phán với chúng ta: “Chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn” (Giáo Lý và Giao Ước 64:33).

Có quyền năng vô biên trong giáo lý về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin mà không thể lay chuyển của chúng ta nơi giáo lý đó hướng dẫn các bước của chúng ta và mang lại cho chúng ta niềm vui. Nó soi sáng tâm trí chúng ta và mang lại sức mạnh cùng sự tin tưởng cho hành động của chúng ta. Sự hướng dẫn và soi sáng cùng quyền năng này là các ân tứ đã được hứa mà chúng ta đã nhận được từ Cha Thiên Thượng. Bằng cách hiểu và tuân theo giáo lý đó trong cuộc sống của mình, kể cả ân tứ thiêng liêng về sự hối cải, chúng ta có thể được vững lòng khi giữ mình ở trên con đường hướng tới vận mệnh vĩnh cửu của mình—sự đoàn tụ và tôn cao với cha mẹ thiên thượng nhân từ của chúng ta.

Anh Cả Richard G. Scott đã dạy: “Các chị em có thể đang gặp phải những thử thách chồng chất.” “Đôi khi chúng có quá nhiều, mãnh liệt cùng một lúc, liên tục đến mức các chị em có thể cảm thấy rằng chúng vượt quá khả năng kiểm soát của các chị em. Đừng một mình đối phó với thế giới. ‘Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con’ [Châm Ngôn 3:5]. … Cuộc sống nhằm là một thử thách, không phải là để các chị em thất bại, mà là các chị em có thể thành công khi vượt qua được.”8

Tất cả đều là một phần trong kế hoạch của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là điều mà tôi làm chứng, trong khi tôi cầu nguyện rằng chúng ta đều sẽ kiên trì để đi đến đích của mình là thiên thượng, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giăng 13–16.

  2. Xin xem 2 Nê Phi 2:11.

  3. Abraham Lincoln, bài diễn văn tại Wisconsin State Agricultural Society, Milwaukee, ngày 30 tháng Chín năm 1859, trong John Bartlett, Bartlett’s Familiar Quotations xuất bản lần thứ 18 (năm 2012), trang 444.

  4. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:31.

  5. Xin xem Lawrence E. Corbridge, “Surviving and Thriving like the Pioneers,” Ensign, tháng Bảy năm 2020, trang 23–24.

  6. Xin xem “Minutes of the General Conference of 6 October 1849,” General Church Minutes Collection, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  7. George A. Smith, trong Journal History of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, ngày 28 tháng Tám năm 1852, trang 1, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  8. Richard G. Scott, Finding Peace, Happiness, and Joy (năm 2007), trang 248–249.