Đại Hội Trung Ương
Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô

Trong khi thế gian ít nói về Chúa Giê Su Ky Tô hơn, chúng ta hãy nói nhiều về Ngài hơn.

Tôi bày tỏ tình yêu thương của mình dành cho anh chị em, những người bạn và người cùng đức tin yêu quý. Tôi khâm phục đức tin và lòng dũng cảm của anh chị em trong những tháng qua, trong khi trận đại dịch toàn cầu này làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta và cướp đi những người yêu quý trong gia đình và những người bạn thân yêu.

Trong giai đoạn bất ổn này, tôi đã cảm thấy một sự biết ơn đặc biệt về sự hiểu biết xác thật và chắc chắn của mình rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Anh chị em có cảm thấy như vậy không? Có những khó khăn đè nặng lên mỗi chúng ta, nhưng luôn luôn ở phía trước chúng ta là Đấng đã khiêm nhường tuyên bố: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống.”1 Tuy phải chịu đựng một khoảng thời gian tự xa cách về mặt thể chất với những người khác nhưng chúng ta không bao giờ cần phải chịu đựng việc tự xa cách về mặt thuộc linh với Đấng trìu mến kêu gọi chúng ta: “Hãy đến cùng ta.”2

Như một ánh sao dẫn đường trên bầu trời đêm quang đãng, Chúa Giê Su Ky Tô thắp sáng lối đi của chúng ta. Ngài đến với thế gian trong một chuồng gia súc khiêm tốn. Ngài đã sống một cuộc sống toàn hảo. Ngài chữa lành người bệnh và làm cho người chết sống lại. Ngài làm bạn với những kẻ bị lãng quên. Ngài giảng dạy chúng ta làm điều thiện, vâng lời, và thương yêu lẫn nhau. Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá và uy nghi sống dậy ba ngày sau, cho phép chúng ta và những người chúng ta yêu thương được tiếp tục sống sau cuộc sống trần thế. Với lòng thương xót và ân điển vô song của Ngài, Ngài nhận lấy tội lỗi cùng những khổ đau của chúng ta và mang lại sự tha thứ khi chúng ta hối cải và sự bình an trong những cơn bão tố cuộc đời. Chúng ta yêu thương Ngài. Chúng ta thờ phượng Ngài. Chúng ta noi theo Ngài. Ngài là cái neo của linh hồn chúng ta.

Thú vị thay, trong khi sự tin chắc thuộc linh này gia tăng trong chúng ta thì có nhiều người trên thế giới biết rất ít về Chúa Giê Su Ky Tô, và, ở một số vùng trên thế giới nơi danh Ngài đã được rao truyền cả hàng thế kỷ, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô lại đang suy giảm. Các Thánh Hữu dũng cảm ở Châu Âu đã nhìn thấy sự suy giảm tín ngưỡng ở các quốc gia của họ qua các thập kỷ.3 Đáng buồn thay, ở đây tại Hoa Kỳ, đức tin cũng đang suy giảm. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng trong vòng 10 năm qua, 30 triệu người ở Hoa Kỳ đã không còn tin vào thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô.4 Trên thế giới, một cuộc nghiên cứu khác dự đoán rằng trong những thập kỷ tới, số người từ bỏ Ky Tô Giáo sẽ nhiều hơn gấp đôi số người theo Ky Tô Giáo.5

Tất nhiên, chúng ta tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người, nhưng Cha Thiên Thượng của chúng ta đã tuyên phán: “Người [này] là Con rất yêu dấu của ta, hãy vâng nghe người.”6 Tôi làm chứng rằng sẽ có một ngày khi mọi đầu gối sẽ quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ thú nhận rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.7

Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước thế giới đang đổi thay của mình? Trong khi một số người đang chối bỏ đức tin của mình thì những người khác đang tìm kiếm lẽ thật. Chúng ta đã mang lấy danh của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta còn phải làm gì hơn nữa?

Sự Chuẩn Bị của Chủ Tịch Russell M. Nelson

Một phần câu trả lời của chúng ta có thể đến khi chúng ta nhớ lại cách Chúa kèm cặp Chủ Tịch Russell M. Nelson trong những tháng trước khi ông được kêu gọi với tư cách là Chủ Tịch Giáo Hội. Khi nói chuyện một năm trước sự kêu gọi của ông, Chủ Tịch Nelson đã mời chúng ta học hỏi kỹ lưỡng hơn 2.200 câu thánh thư tham khảo về danh xưng Chúa Giê Su Ky Tô được liệt kê trong Topical Guide.8

Hình Ảnh
Chủ tịch Nelson đang học tập thánh thư

Ba tháng sau, trong đại hội trung ương tháng Tư, ông đã nói về cách, ngay cả với hàng thập kỷ tận tâm trong tư cách môn đồ của mình, việc học hỏi kỹ lưỡng này về Chúa Giê Su Ky Tô đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Chị Wendy Nelson đã hỏi ông về tầm ảnh hưởng của việc này. Ông đáp: “Anh đã thành một người khác rồi!” Ông đã thành một người khác? Một người khác, ở tuổi 92? Chủ Tịch Nelson giải thích:

“Khi dành thời gian vào việc học hỏi về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, chúng ta [sẽ] tiếp cận [Ngài]. …

“… Sự tập trung của chúng ta [trở nên] dựa vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài.”9

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ.”10

Trong một thế giới của công việc, những âu lo, và những nỗ lực xứng đáng, chúng ta hãy giữ cho tấm lòng, tâm trí, và ý nghĩ của mình hướng về Đấng là niềm hy vọng và sự cứu rỗi của chúng ta.

Nếu việc học hỏi lặp lại về Đấng Cứu Rỗi đã giúp chuẩn bị Chủ Tịch Nelson thì nó không thể giúp chuẩn bị chúng ta sao?

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Trong việc nhấn mạnh tên của Giáo Hội, Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Nếu chúng ta … muốn tiếp cận quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô—để thanh tẩy và chữa lành chúng ta, để củng cố và làm vinh hiển chúng ta, và cuối cùng để tôn cao chúng ta—thì chúng ta cần phải thừa nhận rõ rằng Ngài là nguồn gốc của quyền năng đó.”11 Chủ Tịch Nelson giảng dạy chúng ta rằng việc liên tục sử dụng tên đúng của Giáo Hội, một việc có thể dường như là nhỏ nhặt, thực sự không hề nhỏ nhặt chút nào và sẽ ảnh hưởng đến tương lai của thế gian.

Một Lời Hứa dành cho Sự Chuẩn Bị của Anh Chị Em

Tôi hứa với anh chị em rằng khi tự chuẩn bị mình, như Chủ Tịch Nelson, anh chị em cũng sẽ khác đi, suy nghĩ nhiều hơn về Đấng Cứu Rỗi, nói về Ngài thường xuyên hơn và ít do dự hơn. Khi biết và yêu thương Ngài một cách sâu sắc hơn nữa, những lời nói của anh chị em sẽ được thốt ra thoải mái hơn, như khi anh chị em nói về một đứa con của mình hoặc về một người bạn thân thiết. Những người lắng nghe anh chị em sẽ cảm thấy ít muốn tranh luận hoặc phản đối anh chị em và sẽ muốn học hỏi từ anh chị em hơn.

Anh chị em và tôi đều nói về Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng có lẽ chúng ta có thể làm điều đó tốt hơn. Nếu thế gian sẽ ít nói về Ngài hơn thì ai sẽ nói nhiều về Ngài hơn? Chúng ta! Cùng với những người Ky Tô Hữu tận tụy khác!

Nói về Đấng Ky Tô trong Nhà Chúng Ta

Nhà chúng ta có hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi không? Chúng ta có thường nói chuyện với con cái mình về các câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su không? “Những câu chuyện về Chúa Giê Su [giúp] phát triển đức tin trong tâm hồn của con cái chúng ta.”12 Khi con cái anh chị em hỏi anh chị em điều gì đó, hãy suy nghĩ trong tiềm thức về việc dạy chúng những điều Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy. Ví dụ, nếu con cái anh chị em hỏi: “Cha ơi, tại sao chúng ta cầu nguyện?” Anh chị em có thể đáp lại: “Đó là một câu hỏi rất hay. Con có nhớ khi Chúa Giê Su cầu nguyện không? Chúng ta hãy nói về lý do tại sao Ngài cầu nguyện và cách Ngài cầu nguyện.”

“[Chúng ta] nói về Đấng Ky Tô, [chúng ta] hoan hỷ về Đấng Ky Tô, … để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”13

Nói về Đấng Ky Tô trong Nhà Thờ

Cũng cùng câu thánh thư này nói thêm rằng “[chúng ta] thuyết giảng về Đấng Ky Tô.”14 Trong các buổi lễ thờ phượng của mình, chúng ta hãy tập trung vào Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và ân tứ về sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể kể một kinh nghiệm từ chính cuộc sống của mình hoặc chia sẻ ý nghĩ từ người khác. Tuy chủ đề của chúng ta có thể là về gia đình hay sự phục vụ hay đền thờ hay một công việc truyền giáo gần đây nhưng mọi điều trong sự thờ phượng của chúng ta nên hướng về Chúa Giê Su Ky Tô.

Cách đây ba mươi năm, Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã nói về một lá thư ông nhận được “từ một người nói rằng anh ấy đã dự một buổi lễ [Tiệc Thánh] và lắng nghe mười bảy chứng ngôn mà không hề nghe thấy Đấng Cứu Rỗi được nhắc đến.”15 Sau đó, Chủ Tịch Oaks ghi nhận: “Có lẽ lời mô tả đó là phóng đại [nhưng] tôi trích dẫn nó vì nó cung cấp một sự nhắc nhở sâu sắc cho tất cả chúng ta.”16 Kế đến, ông đã mời chúng ta nói nhiều hơn về Chúa Giê Su Ky Tô trong các bài nói chuyện và cuộc thảo luận trong lớp học của mình. Tôi đã quan sát thấy rằng chúng ta đang tập trung ngày càng nhiều hơn vào Đấng Ky Tô trong các buổi họp Giáo Hội của chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục một cách có ý thức trong các nỗ lực rất tích cực này.

Nói về Đấng Ky Tô với Người Khác

Với những người xung quanh mình, chúng ta hãy cởi mở hơn, sẵn lòng hơn để nói về Đấng Ky Tô. Chủ tịch Nelson đã nói: “Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô sẵn lòng đứng lên, mạnh dạn lên tiếng và khác biệt với mọi người trên thế gian.”17

Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng một cuộc trò chuyện với ai đó cần phải dẫn đến việc người đó đi đến nhà thờ hoặc gặp với những người truyền giáo. Hãy để cho Chúa hướng dẫn họ khi họ sẵn lòng, trong khi chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình là tiếng nói của Ngài, trở nên tinh tế và cởi mở về đức tin của chúng ta. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã giảng dạy chúng ta rằng khi một ai đó hỏi chúng ta về những ngày cuối tuần của mình thì chúng ta nên sẵn sàng để vui vẻ đáp rằng chúng ta thích nghe các em trong Hội Thiếu Nhi hát “Em đang cố gắng để được giống như Chúa Giê Su.”18 Chúng ta hãy ân cần làm chứng về đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô. Nếu một ai đó chia sẻ một vấn đề trong cuộc sống cá nhân của mình thì chúng ta có thể nói: “John, Mary à, anh chị biết rằng tôi tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đã nghĩ về một điều Ngài từng nói mà có thể giúp đỡ anh chị.”

Hãy cởi mở hơn trên các mạng truyền thông xã hội trong việc nói về sự tin cậy của anh chị em nơi Đấng Ky Tô. Đa số sẽ tôn trọng đức tin của anh chị em, nhưng nếu ai đó phản đối khi anh chị em nói về Đấng Cứu Rỗi thì hãy can đảm vì Ngài hứa: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc … các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. … Vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm.”19 Chúng ta quan tâm nhiều về việc noi theo Ngài hơn là được những người theo chúng ta “yêu thích” mình. Phi E Rơ đã khuyên bảo: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời [về] sự trông cậy trong anh em.”20 Chúng ta hãy nói về Đấng Ky Tô.

Sách Mặc Môn là một chứng thư hùng hồn về Chúa Giê Su Ky Tô. Hầu như trang nào cũng làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài.21 Một sự hiểu biết về Sự Chuộc Tội và ân điển của Ngài lấp đầy từng trang giấy. Đồng hành cùng với Kinh Tân Ước, Sách Mặc Môn giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Đấng Cứu Rỗi đã đến để giải cứu chúng ta và cách chúng ta có thể đến cùng Ngài một cách sâu sắc hơn.

Đôi khi, một số người đồng Ky Tô Hữu của chúng ta không hiểu rõ về tín ngưỡng và động cơ của chúng ta. Chúng ta hãy chân thành vui mừng cùng họ trong đức tin chung của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi các câu thánh thư trong Kinh Tân Ước mà tất cả chúng ta đều yêu thích. Trong những ngày sắp tới, những người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cần đến tình bạn và sự trợ giúp lẫn nhau.22

Hình Ảnh
Sự Sáng của Thế Gian

Trong khi thế gian ít nói về Chúa Giê Su Ky Tô hơn, chúng ta hãy nói nhiều về Ngài hơn. Khi bản chất của chúng ta với tư cách là các môn đồ của Ngài được thể hiện thì nhiều người xung quanh chúng ta sẽ được chuẩn bị để lắng nghe. Khi chúng ta chia sẻ ánh sáng mình nhận được từ Ngài thì ánh sáng của Ngài và quyền năng cứu rỗi siêu việt của Ngài sẽ tỏa sáng trên những người sẵn sàng mở lòng. Chúa Giê Su đã phán: “Ta là sự sáng đã đến thế gian.”23

Củng Cố Ước Muốn của Chúng Ta để Nói về Đấng Ky Tô

Không có điều gì củng cố ước muốn của tôi để nói về Đấng Ky Tô hơn việc tưởng tượng sự tái lâm của Ngài. Tuy chúng ta không biết khi nào Ngài sẽ tái lâm nhưng những sự kiện của việc Ngài tái lâm sẽ rất ngoạn mục! Ngài sẽ tái lâm trong các đám mây trên trời trong sự uy nghi và vinh quang cùng với tất cả các thiên sứ thánh của Ngài. Không phải chỉ một vài thiên sứ mà tất cả các thiên sứ thánh của Ngài. Đây không phải là các thần Chê Ru Bin má hồng do Raphael vẽ ra và được thấy trên các tấm thiệp lễ Tình Nhân của chúng ta. Đây là các thiên sứ của hàng thế kỷ, các thiên sứ được gửi đến bịt miệng sư tử,24 để mở cửa nhà tù,25 để loan báo sự giáng sinh được mong đợi đã lâu của Ngài,26 để an ủi Ngài trong vườn Ghết Sê Ma Nê,27 để trấn an các sứ đồ của Ngài lúc Ngài thăng lên trời,28 và để mở ra Sự Phục Hồi vinh quang của phúc âm.29

Hình Ảnh
Ngày Tái Lâm

Anh chị em có thể tưởng tượng được cất lên để gặp Ngài, dù ở bên này hay ở bên kia bức màn che, không?30 Đó là lời hứa của Ngài dành cho những người ngay chính. Kinh nghiệm tuyệt vời này sẽ mãi mãi ảnh hưởng mạnh mẽ lên linh hồn chúng ta.

Chúng ta thật biết ơn biết bao về vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, người đã củng cố ước muốn của chúng ta để yêu thương Đấng Cứu Rỗi và rao truyền về thiên tính của Ngài. Tôi là một nhân chứng tận mắt về bàn tay của Chúa trên ông và ân tứ mặc khải hướng dẫn ông. Thưa Chủ Tịch Nelson, chúng tôi háo hức mong đợi sự khuyên bảo của ông.

Thưa các bạn thân mến của tôi ở trên khắp thế giới, chúng ta hãy nói về Đấng Ky Tô, trông chờ lấy lời hứa vinh quang của Ngài: “Ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta … sẽ xưng họ trước mặt Cha ta.”31 Tôi làm chứng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giăng 14:6.

  2. Ma Thi Ơ 11:28.

  3. Xin xem Niztan Peri-Rotem, “Religion and Fertility in Western Europe: Trends across Cohorts in Britain, France and the Netherlands,” European Journal of Population, tháng Năm năm 2016, trang 231–265; ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4875064.

  4. “[Sáu mươi lăm phần trăm] người thành niên ở Hoa Kỳ nói rằng họ là Ky Tô Hữu khi được hỏi về tôn giáo của họ, giảm 12 phần trăm trong suốt thập niên qua. Trong khi đó, số người không thuộc tôn giáo, bao gồm những người tự nhận là vô thần, theo thuyết bất khả tri, hoặc ‘không theo đạo nào cả,’ hiện đang đứng ở ngưỡng 26%, tăng 17% trong năm 2009” (Pew Research Center, “In U.S., Decline of Christianity Continues at Rapid Pace,” ngày 17 tháng Mười năm 2019, pewforum.org).

  5. Xin xem Pew Research Center, “The Future of World Religions: Population Growth Projections, 2010–2050,” ngày 2 tháng Tư năm 2015, pewforum.org.

  6. Mác 9:7; Lu Ca 9:35; xin xem thêm Ma Thi Ơ 3:17; Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.

  7. Xin xem Phi Líp 2:9–11.

  8. Xin xem Russell M. Nelson, “Các Vị Tiên Tri, Sự Lãnh Đạo và Luật Pháp Thiêng Liêng” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 8 tháng Một năm 2017), broadcasts.churchofjesuschrist.org.

  9. Russell M. Nelson, “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 40–41.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  11. Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 88.

  12. Neil L. Andersen, “Xin Kể Cho Con Nghe Những Câu Chuyện về Chúa Giê Su,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 108.

  13. 2 Nê Phi 25:26.

  14. 2 Nê Phi 25:26.

  15. Dallin H. Oaks, “Another Testament of Jesus Christ” (buổi họp đặc biệt fireside tại trường đại học Brigham Young University, ngày 6 tháng Sáu năm 1993), trang 7, speeches.byu.edu.

  16. Dallin H. Oaks, “Witnesses of Christ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1990, trang 30.

  17. Russell M. Nelson, “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” trang 40.

  18. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 17; “I’m Trying to Be like Jesus,” Children’s Songbook, trang 78.

  19. Ma Thi Ơ 5:11–12.

  20. 1 Phi E Rơ 3:15.

  21. “Khi [những người viết tiên tri trong Sách Mặc Môn] viết chứng ngôn của mình về Đấng Mê Si được hứa, họ đã nhắc đến một số hình thức danh xưng của Ngài cứ mỗi khoảng 1,7 câu. [Họ] thật đã nói về Chúa Giê Su Ky Tô bằng 101 danh xưng khác nhau. … Khi ta nhận ra rằng một câu thánh thư thường bao gồm một câu văn thì có lẽ rằng trên trung bình, chúng ta không thể đọc được hai câu văn trong Sách Mặc Môn mà không gặp phải một hình thức danh xưng nào đó Chúa Giê Su Ky Tô” (Susan Easton Black, Finding Christ through the Book of Mormon [năm 1987], trang 5, 15).

    “Tuy các từ chuộc tội hay sự chuộc tội, trong mọi hình thức của chúng, chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong bản dịch King James của Kinh Tân Ước nhưng chúng xuất hiện 35 lần trong Sách Mặc Môn. Là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, sách làm sáng tỏ một cách rõ ràng Sự Chuộc Tội của Ngài” (Russell M. Nelson, “The Atonement,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 35).

  22. Độ tuổi những người từ bỏ Ky Tô Giáo ở Hoa Kỳ ngày càng trẻ hơn. “Hơn tám trong mười người thuộc Thế Hệ Im Lặng (những người sinh ra trong khoảng năm 1928 đến năm 1945) nói mình là Ky Tô Hữu (84%), cũng như ba phần tư những người thuộc Thế Hệ Bùng Nổ Dân Số (76%). Trong một sự tương phản mạnh mẽ, chỉ phân nửa số người thuộc Thế Hệ Thiên Niên Kỷ (49%) nói mình là Ky Tô Hữu; bốn trong mười người ‘không’ theo tôn giáo, và một trong mười người thuộc Thế Hệ Thiên Niên Kỷ theo các tôn giáo không phải là Ky Tô Giáo” (“In U.S., Decline of Christianity Continues,” pewforum.org).

  23. Giăng 12:46.

  24. Xin xem Đa Ni Ên 6:22.

  25. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 5:19.

  26. Xin xem Lu Ca 2:2–14.

  27. Xin xem Lu Ca 22:42–43.

  28. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9–11.

  29. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13; 27:12–13; 110:11–16; Joseph Smith—Lịch Sử 1:27–54.

  30. Xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:16–17; Giáo Lý và Giao Ước 88:96–98.

  31. Ma Thi Ơ 10:32.