Đại Hội Trung Ương
Văn Hóa của Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Văn Hóa của Đấng Ky Tô

Chúng ta có thể gìn giữ những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa riêng của mình trên thế gian và tham gia trọn vẹn vào nền văn hóa vĩnh cửu đến từ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thế giới mà chúng ta đang sống và cùng chia sẻ với nhau thật tuyệt diệu biết bao, đây là nhà của nhiều dân tộc, ngôn ngữ, phong tục, và lịch sử đa dạng—trải dài qua hàng trăm quốc gia và hàng ngàn nhóm người, nơi đâu cũng có nền văn hóa phong phú. Nhân loại có nhiều điều đáng để tự hào và vui mừng. Mặc dù văn hóa—tức là những hành vi chúng ta học hỏi được khi tiếp xúc với nền văn hóa mà chúng ta lớn lên trong đó—có thể là thế mạnh to lớn trong cuộc sống của chúng ta, thì đôi khi, cũng có thể trở thành một trở ngại đáng kể.

Có vẻ như văn hóa đã quá ăn sâu vào lối suy nghĩ và hành vi của chúng ta đến nỗi việc thay đổi là bất khả thi. Xét cho cùng thì văn hóa, phần lớn những gì chúng ta cảm nhận, sẽ định rõ chúng ta và từ đó chúng ta mới nhận biết được bản sắc của mình. Văn hóa có thể có ảnh hưởng lớn đến nỗi chúng ta có thể chẳng hề thấy được những lỗi lầm con người trong chính văn hóa của mình, mà dẫn đến việc miễn cưỡng để bỏ đi một số truyền thống của ông cha mình. Việc khư khư giữ lấy bản sắc văn hóa có thể dẫn đến sự chối bỏ những ý tưởng, thuộc tính, và hành vi đáng giá—thậm chí là thiêng liêng.

Cách đây không quá lâu, tôi quen biết một người đàn ông tuyệt vời, là người giúp minh họa cho nguyên tắc phổ biến này về sự thiển cận văn hóa. Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy là tại Singapore khi tôi được chỉ định làm thầy giảng tại gia cho gia đình ông. Là một giáo sư nổi tiếng về tiếng Phạn và tiếng Tamil, ông đến từ miền nam Ấn Độ. Người vợ cùng hai đứa con trai tuyệt vời của ông là tín hữu của Giáo Hội, nhưng ông không bao giờ tham gia cũng như chẳng lắng nghe được bao nhiêu những lời giảng dạy của phúc âm. Ông hạnh phúc với cách mà vợ và các con trai đang phát triển và ủng hộ họ hoàn toàn trong những công việc và trách nhiệm Giáo Hội của họ.

Khi tôi đề nghị dạy cho ông các nguyên tắc phúc âm và chia sẻ niềm tin của chúng tôi với ông, ban đầu ông từ chối. Tôi phải mất một thời gian mới biết lý do: ông cảm thấy rằng khi làm như vậy, ông sẽ trở thành kẻ phản bội quá khứ, dân tộc, và lịch sử của mình! Theo lối suy nghĩ của ông, khi làm vậy, ông sẽ chối bỏ mọi thứ về ông, mọi điều mà cha mẹ ông đã dạy dỗ cho ông, và cả di sản rất Ấn Độ của ông. Trong vài tháng tiếp theo đó, chúng tôi đã có thể trò chuyện về những vấn đề này. Tôi kinh ngạc (mặc dù không ngạc nhiên!) với cách mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp ông có một quan điểm khác.

Trong hầu hết các nền văn hóa do con người tạo ra, đều tồn tại cả tốt lẫn xấu, tích cực lẫn tiêu cực.

Nhiều vấn đề trên thế giới chúng ta là hậu quả trực tiếp của những xung đột giữa những người có ý kiến và phong tục khác nhau xuất phát từ văn hóa của họ. Nhưng hầu như mọi mâu thuẫn và hỗn độn sẽ nhanh chóng biến mất nếu thế giới chỉ chấp nhận văn hóa nguyên thủy của nó, là nền văn hóa mà tất cả chúng ta đều có được không quá lâu về trước. Nền văn hóa này bắt nguồn từ sự tồn tại tiền dương thế của chúng ta. Đó là nền văn hóa của A Đam và Hê Nóc. Đó là nền văn hóa được hình thành dựa trên những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong thời trung thế, và trong ngày nay, một lần nữa, nó có sẵn cho tất cả người nam và người nữ. Nền văn hóa này là độc nhất vô nhị. Nó là nền văn hóa vĩ đại hơn hết thảy và đến từ kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, do Thượng Đế tạo ra và được Đấng Ky Tô ủng hộ. Nó mang lại sự đoàn kết thay vì gây chia rẽ. Nó chữa lành thay vì làm tổn hại.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô dạy chúng ta rằng có mục đích trong cuộc sống này. Sự tồn tại của chúng ta ở đây không phải là sai lầm hay tai nạn vũ trụ nào cả! Chúng ta ở đây vì một lý do.

Văn hóa này có nền tảng vững chắc từ chứng ngôn rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta hằng sống, Ngài có thật và yêu thương từng người chúng ta. Chúng ta là “công việc và sự vinh quang của [Ngài].”1 Nền văn hóa này ủng hộ khái niệm về giá trị bình đẳng của mỗi người. Không có sự công nhận về đẳng cấp hay tầng lớp. Suy cho cùng, chúng ta là anh chị em với nhau, là con cái linh hồn của cha mẹ thiên thượng chúng ta—theo nghĩa đen. Không có thành kiến nào hoặc tâm lý “chúng ta đối đầu bọn họ” trong văn hóa vĩ đại hơn hết thảy này. Chúng ta là tất cả “chúng ta.” Và chúng ta cũng là tất cả “bọn họ.” Chúng ta tin rằng mình có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cho bản thân mình, cho nhau, cho Giáo Hội, và cho thế giới của mình. Tính có trách nhiệm và chịu trách nhiệm là những yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng của chúng ta.

Lòng bác ái, sự chăm sóc thật sự giống như Đấng Ky Tô, là nền tảng của văn hóa này. Chúng ta cảm thấy mối quan tâm thật sự đối với những nhu cầu của anh chị em mình, về mặt thể chất lẫn thuộc linh, và hành động theo những cảm nghĩ đó. Việc này xua tan thành kiến và hận thù.

Chúng ta vui hưởng một nền văn hóa của sự mặc khải, tập trung vào lời của Thượng Đế như được tiếp nhận bởi các vị tiên tri (và có thể được mỗi cá nhân kiểm chứng qua Đức Thánh Linh). Toàn thể nhân loại có thể biết được mong muốn và ý định của Thượng Đế.

Nền văn hóa này khuyến khích nguyên tắc của quyền tự quyết. Khả năng để lựa chọn là cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển và niềm vui của chúng ta. Việc chọn lựa khôn ngoan rất cần thiết.

Đó là một nền văn hóa học hỏi và nghiên cứu. Chúng ta tìm kiếm kiến thức và sự khôn ngoan và những gì hay nhất trong mọi điều.

Đó là một nền văn hóa của đức tin và sự vâng lời. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là nguyên tắc đầu tiên trong nền văn hóa của chúng ta, và sự vâng theo những lời giảng dạy và lệnh truyền của Ngài là kết quả. Những điều này giúp phát triển tính tự chủ.

Đó là một nền văn hóa cầu nguyện. Chúng ta tin rằng Thượng Đế sẽ không chỉ lắng nghe mà còn giúp đỡ chúng ta.

Đó là một nền văn hóa của các giao ước và giáo lễ, các tiêu chuẩn đạo đức cao, tính hy sinh, sự tha thứ và hối cải, và việc chăm sóc cho đền thờ của cơ thể chúng ta. Tất cả những điều này minh chứng cho sự cam kết của chúng ta với Thượng Đế.

Đó là một nền văn hóa được điều hành bởi chức tư tế, là thẩm quyền hành động trong danh của Thượng Đế, quyền năng của Thượng Đế để ban phước cho con cái của Ngài. Nó gây dựng và cho phép các cá nhân trở thành những công dân, người cha, người mẹ, người lãnh đạo, và người bạn đồng hành tốt hơn—và nó thánh hóa ngôi nhà của chúng ta.

Các phép lạ thật sự đầy dẫy trong nền văn hóa lâu đời hơn hết thảy này được thực hiện bởi đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, quyền năng của chức tư tế, lời cầu nguyện, sự tự cải tiến, sự cải đạo thật sự, và sự tha thứ.

Đó là một văn hóa của công việc truyền giáo. Giá trị của con người rất lớn lao.

Trong văn hóa của Đấng Ky Tô, những người phụ nữ được nâng lên đúng với vị trí vĩnh cửu của họ. Họ không thấp kém so với đàn ông, như trong nhiều nền văn hóa trên thế giới ngày nay, mà là những người cộng sự trọn vẹn và bình đẳng ở thế giới này và trong thế giới mai sau.

Nền văn hóa này thừa nhận tính chất thiêng liêng của gia đình. Gia đình là đơn vị cơ bản của thời vĩnh cửu. Sự toàn hảo của gia đình xứng đáng với bất kỳ sự hy sinh nào bởi vì, như đã được giảng dạy, “không có sự thành công nào có thể đền bù cho sự thất bại trong nhà.”2 Nhà là nơi chúng ta làm những công việc tốt đẹp nhất của mình và là nơi mà chúng ta có được niềm hạnh phúc lớn nhất.

Trong văn hóa của Đấng Ky Tô, có một quan điểm—sự tập trung hướng về thời vĩnh cửu. Nền văn hóa này nhìn nhận mọi việc với giá trị dài lâu! Nó đến từ phúc âm vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô, và giải thích lý do, mục đích và nơi chốn dành cho sự tồn tại của chúng ta. (Nó bao gồm tất cả, chứ không phân biệt đối xử.) Bởi vì văn hóa này là kết quả của việc áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, nó giúp mang lại sự chữa lành mà thế giới của chúng ta đang rất cần đến.

Thật là một phước lành khi là một phần của lối sống vĩ đại và cao quý này! Để là một phần trong nền văn hóa vĩ đại hơn hết thảy này, sẽ cần có sự thay đổi. Các vị tiên tri đã dạy rằng điều cần thiết là phải bỏ lại phía sau bất cứ điều gì trong văn hóa cũ của chúng ta mà không phù hợp với văn hóa của Đấng Ky Tô. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta phải bỏ lại phía sau mọi thứ. Các vị tiên tri cũng nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta được mời gọi để mang theo đức tin và tài năng và sự hiểu biết của mình—mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống và văn hóa của chúng ta—cùng với chúng ta và cho phép Giáo Hội “bổ sung vào đó” qua sứ điệp phúc âm.3

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không phải là một xã hội phương Tây hoặc một hiện tượng văn hóa Mỹ. Mà đây là một giáo hội quốc tế, như nó đã luôn luôn được định là vậy. Hơn nữa, đây là giáo hội của thiên thượng. Các tín hữu mới từ khắp thế giới mang lại sự phong phú, đa dạng, và niềm phấn khởi vào gia đình luôn luôn phát triển của chúng ta. Các Thánh Hữu Ngày Sau ở khắp mọi nơi vẫn tôn vinh di sản và tưởng niệm các anh hùng của riêng họ, nhưng giờ đây họ cũng là một phần của một điều lớn lao hơn nhiều. Văn hóa của Đấng Ky Tô giúp chúng ta thấy rõ bản thân mình thật sự là ai, và khi được nhìn qua lăng kính của thời vĩnh cửu, được tôi luyện với sự ngay chính, thì văn hóa này giúp gia tăng khả năng của chúng ta để hoàn thành kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.

Vậy, điều gì đã xảy ra cho người bạn của tôi? Chà, ông ấy được dạy các bài học và đã gia nhập Giáo Hội. Kể từ đó gia đình của ông đã được làm lễ gắn bó cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu trong Đền Thờ Sydney Australia. Ông đã phải từ bỏ một ít—và có được tiềm năng để đạt được mọi thứ. Ông đã khám phá ra rằng ông vẫn có thể tán dương lịch sử của mình, vẫn có thể tự hào về tổ tiên, về âm nhạc, điệu nhảy, văn chương, các món ăn, vùng đất, và dân tộc của ông. Ông đã tìm thấy rằng không có vấn đề nào trong việc kết hợp những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa địa phương của mình vào nền văn hóa vĩ đại hơn hết thảy. Ông khám phá ra việc mang đến những gì phù hợp với lẽ thật và sự ngay chính từ cuộc sống cũ của ông vào cuộc sống mới chỉ nhằm giúp phát triển tình bạn của ông với Các Thánh Hữu và hỗ trợ việc đoàn kết mọi người với nhau trong cộng đồng thiên thượng.

Thật vậy, tất cả chúng ta có thể gìn giữ những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa riêng của mình trên thế gian mà vẫn tham gia trọn vẹn vào nền văn hóa lâu đời hơn hết thảy—nền văn hóa nguyên thủy, tột bậc, vĩnh cửu đến từ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó thật là một di sản kỳ diệu mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ với nhau. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Môi Se 1:39.

  2. J. E. McCulloch, trong Teachings of Presidents of the Church: David O. McKay (năm 2011), trang 154.

  3. Xin xem Teachings of Presidents of the Church: George Albert Smith (năm 2011), trang xxviii; Gordon B. Hinckley, “Nền Tảng Kỳ Diệu của Đức Tin Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, trang 78–81.