Đại Hội Trung Ương
Quyền Năng Chữa Lành của Chúa Giê Su Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Quyền Năng Chữa Lành của Chúa Giê Su Ky Tô

Khi chúng ta đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách thực hành đức tin nơi Ngài, hối cải, và lập cùng tuân giữ các giao ước, thì nỗi đau đớn của chúng ta—dù bất kỳ lý do nào—cũng có thể được chữa lành.

Kể từ đầu năm nay, chúng ta đã đối phó với nhiều sự kiện bất ngờ. Những thiệt hại về tính mạng và thu nhập vì đại dịch trên toàn thế giới đã gây ra ảnh hưởng trầm trọng đến cộng đồng và kinh tế toàn cầu.

Những trận động đất, hỏa hoạn, và lũ lụt ở các vùng khác nhau trên thế giới, cũng như các thiên tai khác liên quan đến thời tiết, khiến cho nhiều người cảm thấy bất lực, tuyệt vọng, đau lòng, và thắc mắc liệu cuộc sống của họ có bao giờ được như trước không.

Tôi xin kể cho anh chị em một câu chuyện riêng về sự đổ vỡ.

Khi con cái chúng tôi còn nhỏ, chúng quyết định là chúng muốn học đàn piano. Chồng tôi Rudy, và tôi muốn tạo cho con cái chúng tôi cơ hội này, nhưng chúng tôi không có đàn piano. Chúng tôi không có đủ tiền để mua đàn piano mới, nên Rudy bắt đầu tìm một cây đàn cũ.

Giáng Sinh năm đó, anh ấy làm tất cả chúng tôi ngạc nhiên với một cây đàn piano, và trong nhiều năm, con cái chúng tôi đã học chơi đàn.

Hình Ảnh
Cây đàn piano cũ

Khi các con trai của chúng tôi trưởng thành và không sống ở nhà nữa, cây đàn piano cũ không có ai chơi nữa, nên chúng tôi bán nó đi. Vài năm trôi qua, và chúng tôi dành dụm được một chút tiền. Một ngày kia Rudy nói: “Anh nghĩ đã đến lúc để mua một cây đàn piano mới.”

Tôi hỏi: “Tại sao chúng ta mua đàn piano mới, trong khi cả hai chúng ta đều không biết chơi?”

Chồng tôi nói: “Ồ, nhưng chúng ta có thể mua một cây đàn tự động biểu diễn! Bằng cách sử dụng iPad, em có thể đặt chương trình cho đàn piano biểu diễn hơn 4.000 bài hát, kể cả thánh ca, các bài hát của Đại Ca Đoàn Tabernacle, tất cả các bài hát Thiếu Nhi, và nhiều bài hát nữa.”

Phải nói Rudy là một người bán hàng rất giỏi.

Hình Ảnh
Cây đàn piano mới

Chúng tôi mua một cây đàn piano tự động, và vài ngày sau đó, hai thanh niên mạnh khỏe, cường tráng chuyển cây đàn đó đến nhà chúng tôi.

Tôi cho họ biết nơi mà tôi muốn đặt cây đàn và rồi tránh sang một bên.

Hình Ảnh
Vận chuyển cây đàn

Đó là một cây đàn baby grand piano rất nặng, và để lọt vừa qua cửa, họ phải tháo chân đàn ra và tìm cách xoay nghiêng cây đàn để đặt lên trên cái xe nâng tay mà họ mang tới.

Nhà chúng tôi nằm ở chỗ hơi dốc, và không may là tuyết đã rơi sớm trong ngày hôm đó, làm cho mọi thứ ướt sũng và trơn trượt. Anh chị em có thể đoán được mọi việc sẽ ra sao rồi chứ?

Trong khi hai thanh niên này vận chuyển cây đàn lên dốc, nó bị tuột ra, và tôi nghe thấy một tiếng đổ sầm rất to. Cây đàn bị tuột khỏi cái xe nâng tay và đập rất mạnh xuống đất đến mức mà nó để lại một vết lõm to trên thảm cỏ nhà chúng tôi.

Tôi nói: “Ôi chao. Các anh không sao chứ?”

May quá cả hai thanh niên đều không sao cả.

Họ trợn tròn mắt nhìn nhau, rồi nhìn vào tôi và nói: “Chúng tôi rất xin lỗi. Chúng tôi sẽ mang nó trở lại cửa hàng và người quản lý của chúng tôi sẽ gọi cho chị.”

Chẳng mấy chốc người quản lý đã nói chuyện với Rudy và thu xếp chuyển đến một cây đàn piano mới. Rudy thật tử tế và dễ tha thứ, và anh nói với người quản lý là nếu chỉ sửa chữa chỗ hư hỏng và mang trở lại vẫn cây đàn đó thì cũng không sao, nhưng người quản lý cứ khăng khăng là sẽ chuyển đến cho chúng tôi một cây đàn mới.

Rudy trả lời bằng cách nói rằng: “Cây đàn không bị hỏng nhiều đến thế đâu. Chỉ cần sửa lại và mang đến đây thôi.”

Người quản lý nói: “Gỗ của cây đàn bị vỡ, và một khi gỗ bị vỡ, thì tiếng đàn không bao giờ được như trước nữa. Quý vị sẽ nhận được một cây đàn mới.”

Thưa anh chị em, chẳng phải chúng ta đều giống như cây đàn piano này sao, một chút đau đớn, tuyệt vọng, tổn thương, và rồi cảm thấy như mình không bao giờ được như trước nữa? Tuy nhiên, khi chúng ta đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách thực hành đức tin nơi Ngài, hối cải, và lập cùng tuân giữ các giao ước, thì nỗi đau đớn của chúng ta—dù bất kỳ lý do nào—cũng có thể được chữa lành. Tiến trình này, mà mời gọi quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của chúng ta, không chỉ phục hồi chúng ta trở lại con người trước đây của mình mà còn làm cho chúng ta trở thành con người tốt hơn bao giờ hết. Tôi biết rằng qua Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả chúng ta đều có thể được an ủi, chữa lành, và có thể làm tròn mục đích của mình, cũng giống như cây đàn piano mới tinh.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Khi những thử thách khắc nghiệt đến với chúng ta, đó là lúc để khắc sâu đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế, để cố gắng nhiều và phục vụ những người khác. Rồi Ngài sẽ chữa lành con tim đau khổ của chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an và an ủi cá nhân. Các ân tứ lớn lao đó sẽ không bị hủy diệt ngay cả khi chết.”1

Chúa Giê Su phán:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30).

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô

Để chữa lành nỗi đau đớn bằng cách đến cùng Ngài, chúng ta cần có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. “Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là hoàn toàn trông cậy nơi Ngài—tin tưởng nơi quyền năng vô hạn… và tình yêu thương của Ngài. Điều đó bao gồm tin tưởng vào những lời giảng dạy của Ngài. Điều đó có nghĩa là tin tưởng rằng mặc dù chúng ta không hiểu thấu mọi sự việc, nhưng Ngài hiểu. Vì Ngài đã trải qua tất cả những nỗi đau đớn, buồn phiền, và yếu đuối, Ngài biết cách giúp đỡ chúng ta vươn lên trên những khó khăn thường ngày của chúng ta.”2

Khi chúng ta đến cùng Ngài, “chúng ta có thể được tràn đầy niềm vui, sự bình an, và an ủi. Tất cả những điều gì [thử thách và khó khăn] trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”3 Ngài đã khuyên bảo chúng ta, “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi” (Giáo Lý và Giao Ước 6:36).

Trong Sách Mặc Môn, khi An Ma và dân của ông gần như bị nghiền nát bởi những gánh nặng đặt lên họ, dân chúng khẩn cầu được giải cứu. Chúa đã không cất bỏ những gánh nặng của họ; thay vào đó Ngài hứa với họ:

“Và ta cũng sẽ làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình, mặc dù trong lúc các ngươi vẫn còn ở trong vòng nô lệ; và ta sẽ làm vậy để các ngươi đứng lên làm chứng cho ta sau này, để các ngươi biết chắc rằng ta, Đức Chúa Trời, có đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ.

“Và giờ đây chuyện rằng, những gánh nặng trên vai An Ma cùng những người anh em của ông đều được làm cho nhẹ đi; phải, Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn” (Mô Si A 24:14–15).

Khi nói về khả năng của Đấng Cứu Rỗi để chữa lành và làm nhẹ gánh, Anh Cả Tad R. Callister đã dạy:

“Một trong các phước lành của Sự Chuộc Tội là chúng ta có thể nhận được khả năng cứu giúp của Đấng Cứu Rỗi. Ê Sai đã nhiều lần nói về ảnh hưởng chữa lành, êm dịu của Chúa. Ông làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi là ‘đồn lũy cho kẻ thiếu thốn trong lúc khó khăn, chỗ đụt cho khỏi bão, chỗ bóng mát cho khỏi nắng’ (Ê Sai 25:4). Ê Sai đã tuyên bố về những người buồn phiền rằng Đấng Cứu Rỗi nắm giữ quyền năng để ‘yên ủi mọi kẻ buồn rầu’ (Ê Sai 61:2), và ‘lau nước mắt khỏi mọi mặt’ (Ê Sai 25:8; xin xem thêm Khải Huyền 7:17); ‘làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường’ (Ê Sai 57:15); và ‘rịt những kẻ vỡ lòng’ (Ê Sai 61:1; xin xem thêm Lu Ca 4:18; Thi Thiên 147:3). Quyền năng cứu giúp của Ngài thật bao la đến mức Ngài có thể đánh đổi ‘mão hoa… thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề’ (Ê Sai 61:3).

“Ôi, những lời hứa này mang đến cho chúng ta niềm hy vọng thật lớn lao biết bao!… Thánh Linh của Ngài chữa lành; tinh lọc; mang hy vọng đến cho những người đã mất hy vọng. Nó có quyền năng biến đổi tất cả những gì xấu xa, độc ác, và không xứng đáng trong cuộc sống thành một điều gì đó tối cao và oai nghi rực rỡ. Ngài có quyền năng biến đổi tro bụi của cuộc sống trần thế thành mão hoa của cuộc sống vĩnh cửu.”4

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Chữa Lành Bậc Thầy, và người bạn trung thành của chúng ta. Nếu chúng ta hướng tới Ngài, Ngài sẽ chữa lành chúng ta và làm cho chúng ta được lành lặn trở lại. Tôi làm chứng rằng đây là Giáo Hội của Ngài và Ngài đang chuẩn bị trở lại một lần nữa để trị vì với quyền năng và sự vinh quang trên thế gian này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, “Chúa Giê Su Ky Tô—Đấng Chữa Lành Bậc Thầy,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 87.

  2. Faith in Jesus Christ,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org.

  3. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Sự Phục Vụ Truyền Giáo, hiệu đính và tái bản (năm 2018), trang 52, ChurchofJesusChrist.org.

  4. Tad R. Callister, The Infinite Atonement (năm 2000), trang 206-207.