Đại Hội Trung Ương
Giữ Lại Sự Thay Đổi
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


Giữ Lại Sự Thay Đổi

Qua Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được ban cho sức mạnh để tạo ra những sự thay đổi lâu dài. Khi chúng ta kiêm nhường hướng đến Ngài, Ngài sẽ gia tăng khả năng của chúng ta để thay đổi.

Thật là một niềm vui khi được ở cùng các chị em.

Hình Ảnh
Trả tiền ở chợ

Hãy tưởng tượng một người nào đó đi chợ để mua một món đồ. Nếu chị ấy trả cho người thu ngân số tiền nhiều hơn giá trị món đồ, thì người thu ngân sẽ đưa cho chị ấy tiền thừa.

Hình Ảnh
Nhận tiền thừa

Vua Bên Gia Min đã dạy dân của ông tại Châu Mỹ cổ đại về những phước lành dồi dào mà chúng ta nhận được từ Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài tạo ra các tầng trời, trái đất và mọi cảnh quan đẹp đẽ cho chúng ta vui sống.1 Qua Sự Chuộc Tội đầy nhân từ của mình, Ngài cung ứng cách thức để chúng ta được cứu chuộc khỏi tội lỗi và cái chết.2 Khi chúng ta cho thấy lòng biết ơn của mình đối với Ngài bằng cách chuyên tâm sống theo các lệnh truyền của Ngài thì Ngài ngay lập tức ban phước cho chúng ta, vậy là chúng ta luôn luôn mắc nợ Ngài.

Ngài ban cho chúng ta nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có thể trả lại cho Ngài. Vậy thì, chúng ta có thể dâng lên điều gì để đền đáp cho Ngài, là Đấng đã trả cái giá không kể xiết cho tội lỗi của chúng ta? Chúng ta có thể dâng lên Ngài sự thay đổi. Chúng ta có thể dâng lên Ngài sự thay đổi của chúng ta. Đó có thể là một sự thay đổi trong suy nghĩ, trong thói quen, hoặc trong đường hướng mà chúng ta đang theo. Để đổi lại cái giá vô giá mà Ngài đã trả cho mỗi chúng ta, Chúa muốn chúng ta có một sự thay đổi trong lòng. Sự thay đổi mà Ngài yêu cầu ở mỗi chúng ta thì không phải vì lợi ích của Ngài mà là vì lợi ích của chúng ta. Vì thế, không giống với người mua hàng ở chợ mà đã nhận lại tiền thừa của mình, Đấng Cứu Rỗi nhân từ chỉ ra hiệu cho chúng ta giữ lại sự thay đổi đó.

Sau khi nghe những lời do Vua Bên Gia Min nói, dân của ông cất tiếng kêu to, tuyên bố rằng tấm lòng họ đã thay đổi: “Vì Thánh Linh của Chúa Vạn Năng đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, … khiến chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”3 Thánh thư không nói rằng họ ngay lập tức trở nên hoàn hảo; thay vì vậy, ước muốn để thay đổi của họ đã thúc đẩy họ hành động. Sự thay đổi trong lòng của họ có nghĩa là cởi bỏ con người thiên nhiên và vâng theo Thánh Linh khi cố gắng trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Chủ Tịch Henry B. Eyring dạy rằng: “Sự cải đạo đích thực tùy thuộc vào việc tự do tìm kiếm trong đức tin, với nỗ lực lớn và một chút đau đớn. Rồi chính Chúa mới có thể ban cho … phước lành của sự thanh tẩy và thay đổi.”4 Khi kết hợp nỗ lực của mình với khả năng của Đấng Cứu Rỗi để thay đổi chúng ta thì chúng ta trở thành những sinh linh mới.

Khi còn trẻ, tôi hình dung mình đang bước trên con đường dốc đứng hướng đến mục tiêu của tôi là cuộc sống vĩnh cửu. Mỗi lần tôi làm hoặc nói điều gì sai, tôi cảm thấy mình trượt xuống trên con đường đó, và phải bắt đầu lại toàn bộ cuộc hành trình của mình. Nó giống như trong trò chơi trẻ em Rắn và Thang khi ta đi trúng vào ô bắt buộc ta phải trượt từ đầu bảng xuống lại cuối bảng tức là phần bắt đầu của trò chơi! Điều đó thật dễ nản lòng! Nhưng khi tôi bắt đầu hiểu được giáo lý của Đấng Ky Tô5 và cách áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của mình, tôi đã tìm thấy hy vọng.

Hình Ảnh
Tiến trình thay đổi cần có sự kiên trì đến cùng

Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta một mẫu mực liên tục để thay đổi. Ngài mời gọi chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài, mà sẽ soi dẫn cho chúng ta hối cải—“đức tin và sự hối cải này đem lại … một sự thay đổi trong lòng [chúng ta].”6 Khi chúng ta hối cải và hướng lòng mình về Ngài, chúng ta có được một mong muốn lớn hơn để lập và sống theo các giao ước thiêng liêng. Chúng ta kiên trì đến cùng bằng cách tiếp tục áp dụng những nguyên tắc này trong suốt cuộc sống mình và mời Chúa thay đổi chúng ta. Kiên trì đến cùng có nghĩa là tiếp tục thay đổi đến cùng. Bây giờ tôi hiểu rằng tôi không bắt đầu lại từ đầu sau mỗi nỗ lực thất bại, nhưng là với mỗi lần cố gắng, tôi lại đang tiếp tục tiến trình thay đổi của mình.

Có một câu đầy soi dẫn trong chủ đề của Hội Thiếu Nữ nói rằng: “tôi trân trọng ân tứ về sự hối cải và cố gắng cải thiện mỗi ngày.”7 Tôi cầu xin cho chúng ta thật sự trân trọng ân tứ tuyệt vời này và có chủ ý tìm kiếm sự thay đổi. Đôi khi những thay đổi mà chúng ta cần phải thực hiện liên quan tới tội lỗi nghiêm trọng. Nhưng thường gặp nhất là việc chúng ta cố gắng rèn luyện tính cách của mình để bản thân có được những thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Những lựa chọn hằng ngày sẽ giúp đỡ hoặc là ngăn cản sự tiến triển của chúng ta. Những thay đổi nhỏ nhưng vững vàng, có chủ ý sẽ giúp chúng ta cải thiện. Đừng trở nên chán nản. Thay đổi là một tiến trình suốt cả cuộc đời. Tôi biết ơn vì Chúa kiên nhẫn với chúng ta khi chúng ta vật lộn với việc thay đổi.

Qua Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được ban cho sức mạnh để tạo ra những sự thay đổi lâu dài. Khi chúng ta kiêm nhường hướng đến Ngài, Ngài sẽ gia tăng khả năng của chúng ta để thay đổi.

Ngoài quyền năng biến đổi của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi chúng ta, Đức Thánh Linh sẽ hỗ trợ và hướng dẫn khi chúng ta cho thấy nỗ lực của mình. Ngài thậm chí có thể giúp chúng ta biết mình cần phải thay đổi những gì. Chúng ta cũng có thể tìm thấy sự giúp đỡ và khích lệ qua các phước lành chức tư tế, lời cầu nguyện, việc nhịn ăn, và tham dự đền thờ.

Tương tự, những người thân trong gia đình, các vị lãnh đạo, và bạn bè đáng tin cậy có thể giúp đỡ chúng ta trong nỗ lực để thay đổi. Khi tôi 8 tuổi, anh trai Lee của tôi và tôi thường dành thời gian với bạn bè chơi đùa trên các cành của một cái cây bên nhà hàng xóm. Chúng tôi thích chơi cùng nhau với bạn bè mình dưới bóng mát của cái cây đó. Một ngày nọ, Lee bị ngã từ trên cây xuống và bị gãy tay. Cái tay gãy làm cho anh khó mà tự mình leo lên cây. Nhưng việc chơi đùa ở trên cây thì cũng không còn như trước vì thiếu vắng anh. Vì thế, một vài người trong chúng tôi đỡ từ phía sau của anh trong khi những người khác kéo cái tay lành lặn của anh lên, và không quá khó khăn, Lee đã leo lên cây trở lại. Tay anh vẫn còn gãy, nhưng anh có thể lại cùng chúng tôi chơi đùa vui vẻ trong quá trình bình phục.

Tôi thường nghĩ về kinh nghiệm chơi trên cây của mình giống như một ví dụ về sự tích cực của chúng ta trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong bóng mát của các cành cây phúc âm, chúng ta vui hưởng nhiều phước lành đi cùng với các giao ước của mình. Một số người có thể bị ngã khỏi sự bảo vệ an toàn của giao ước họ và cần chúng ta giúp đỡ để leo lên trở lại các cành cây phúc âm. Họ có thể gặp khó khăn để tự mình quay trở lại. Chúng ta có thể nhẹ nhàng kéo một chút chỗ này và nâng một ít chỗ kia để giúp họ chữa lành trong khi vẫn vui vẻ trong tình bạn hữu với nhau không?

Nếu anh chị em đang bị thương từ một cú ngã, xin hãy cho phép những người khác giúp anh chị em trở lại với các giao ước của mình và những phước lành đến từ các giao ước đó. Đấng Cứu Rỗi có thể giúp anh chị em bình phục và thay đổi trong khi được bao bọc bởi những người yêu thương mình.

Tôi thỉnh thoảng vô tình gặp lại những người bạn mà tôi đã không gặp trong nhiều năm. Đôi khi họ bảo: “Bạn chẳng thay đổi gì cả!” Mỗi lần nghe vậy, tôi thấy ngượng một chút, bởi vì tôi hy vọng tôi đã thay đổi theo năm tháng. Tôi hy vọng tôi thay đổi so với hôm qua! Tôi hy vọng tôi tử tế hơn một chút, bớt phán xét hơn một chút, và biết cảm thông hơn. Tôi hy vọng tôi đáp ứng nhu cầu của người khác nhanh hơn, và tôi hy vọng tôi biết kiên nhẫn hơn một chút.

Tôi thích đi bộ lên những ngọn núi gần nhà. Thường thì trong lúc bước đi trên con đường mòn, tôi bị một ít viên đá nhỏ rơi vào giầy. Cuối cùng, tôi phải dừng lại và giũ giầy của mình. Nhưng điều làm tôi kinh ngạc là tôi đã để cho bản thân mình đi bộ quá lâu trong sự đau đớn trước khi dừng lại và giải thoát cho mình khỏi sự khó chịu ấy.

Khi chúng ta đi trên con đường giao ước, đôi khi chúng ta bị những viên sỏi lọt vào trong giầy của mình tức là các thói quen xấu, tội lỗi, hoặc thái độ không tốt. Chúng ta càng nhanh chóng giũ bỏ chúng khỏi cuộc sống, thì cuộc hành trình trần thế của chúng ta sẽ càng thêm vui vẻ.

Việc duy trì sự thay đổi cần có nỗ lực. Tôi không thể tưởng tượng nổi việc dừng lại trên con đường mòn chỉ để bỏ lại vào giầy của mình viên sỏi khó chịu gây đau đớn mà tôi vừa mới bỏ ra. Tôi sẽ không muốn làm điều đó cũng như con bướm xinh đẹp sẽ không chọn để quay trở lại cái kén của nó.

Tôi làm chứng rằng nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta có thể điều chỉnh những thói quen, thay đổi những suy nghĩ, và rèn luyện tính cách của mình để trở nên giống như Ngài hơn. Và với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể giữ lại sự thay đổi đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.