2017
Mở Các Tầng Trời qua Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình
October 2017


Mở Các Tầng Trời qua Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình

Từ một bài thuyết trình tại Đại Hội Lịch Sử Gia Đình RootsTech năm 2017 ở Salt Lake City, Utah, Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng Hai năm 2017. Muốn xem băng thu hình của bài thuyết trình bằng tiếng Anh, Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha, xin vào xem trang mạng lds.org/go/1017Nelson.

Trong buổi thuyết trình RootsTech năm 2017 của họ, Chủ Tịch Russell M. Nelson và vợ của ông, Wendy, đã mời Các Thánh Hữu Ngày Sau hãy thành tâm suy nghĩ xem họ có thể có sự hy sinh nào để làm thêm nữa về công việc đền thờ và lịch sử gia đình.

Hình Ảnh
President and Sister Nelson

Chủ Tịch Nelson: Khi ông nội của tôi, A. C. Nelson, còn là một người chồng và người cha trẻ, chỉ mới 27 tuổi, thì cha ông qua đời. Khoảng ba tháng sau, người cha đã qua đời của ông, tức là ông cố nội tôi, đã hiện hồn về cùng ông. Ông hiện hồn về vào đêm 6 tháng Tư năm 1891. Ông Nội Nelson rất ấn tượng với sự báo mộng của cha của ông đến mức ông đã viết kinh nghiệm này trong nhật ký của ông dành cho gia đình và bạn bè của ông.

Ông Nội Nelson đã viết: “Tôi đang nằm trên giường thì Cha bước vào phòng. Ông đến và ngồi bên cạnh giường. Ông nói: ‘Con trai nè, vì cha còn vài phút rảnh rỗi nên cha đã được phép đến gặp con trong vài phút. Con trai của cha ơi, cha cảm thấy rất vui và đã có rất nhiều việc phải làm kể từ khi cha qua đời.’”

Khi Ông Nội Nelson hỏi ông hiện đang làm gì, thì cha của ông đáp rằng ông đang bận rộn giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong thế giới linh hồn.

Ông nói: “Con trai ơi, con không thể tưởng tượng được có bao nhiêu linh hồn trong thế giới linh hồn chưa nhận được phúc âm. Nhưng nhiều linh hồn đang tiếp nhận phúc âm, và một công việc vĩ đại đang được thực hiện. Nhiều linh hồn đang lo lắng mong chờ bạn bè còn sống của họ làm công việc thay cho họ trong đền thờ.”

Ông Nội Nelson nói với cha ông: “Cha ơi, chúng con định đi đền thờ và làm lễ gắn bó với cha càng sớm càng tốt.”

Ông cố tôi trả lời: “Con trai ơi, đó là một phần mà cha đến gặp con để nói chuyện. Chúng ta sẽ làm một gia đình và sống suốt thời vĩnh cửu.”

Rồi Ông Nội Nelson hỏi: “Thưa Cha, phúc âm mà Giáo Hội này giảng dạy có chân chính không?”

Cha của ông chỉ vào tấm hình Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn treo ở trên tường phòng ngủ.

“Con trai ơi, cũng chắc chắn như con thấy tấm hình đó, phúc âm chắc chắn là chân chính. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô chứa đựng quyền năng để cứu rỗi mọi người chịu tuân theo phúc âm, và không có một cách nào khác họ có thể nhận được sự cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế. Con trai ơi, hãy luôn luôn trung thành cùng phúc âm. Hãy khiêm nhường, hãy luôn cầu nguyện, hãy vâng phục theo chức tư tế, hãy chân thật, hãy trung thành với các giao ước mà con đã lập với Thượng Đế. Đừng bao giờ làm bất cứ điều gì mà sẽ làm Thượng Đế không hài lòng. Ôi, phúc âm quả là một phước lành. Con trai ơi, hãy là một người tốt.”

Hình Ảnh
A.C. Nelson and father

A. C. Nelson, ông nội của Chủ Tịch Russell M. Nelson.

Tranh ảnh do Bjorn Thorkelson minh họa; hình nền, hình điện thoại di động và máy tính bảng của Getty Images

Chị Nelson: Em rất thích tất cả những từ “hãy” đó. “Hãy khiêm nhường, hãy luôn cầu nguyện, hãy vâng phục theo chức tư tế, hãy chân thật, hãy trung thành với các giao ước mà con đã lập với Thượng Đế. … Hãy là một người tốt.” Sáu nguyên tắc do ông cố nội đã qua đời của anh mang đến cho anh. Chắc chắn là điều ông nói nghe giống như Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) cũng với sáu nguyên tắc đó.1

Chủ Tịch Nelson: Thật đúng vậy. Thật là điều quý báu đối với tôi khi ông nội tôi đã để lại điều ghi chép đó cho chúng tôi. Chúng tôi đã biết được rằng con cái của cha ông sau đó đã được làm lễ gắn bó với ông. Vì vậy, lý do cho việc ông báo mộng đã được hoàn thành.

Thần Ê Li

Chủ Tịch Nelson: Một cái tên có ý nghĩa quan trọng trong thánh thư giải thích lý do tại sao gia đình lại quan trọng như vậy. Cái tên đó là Ê Li. Ê-L-I tiếng Hê Bơ Rơ thật sự có nghĩa là “Giê Hô Va là Thượng Đế của tôi.”2 Hãy suy nghĩ về điều đó! Tên Ê Li gồm có từ ngữ Hê Bơ Rơ chỉ cả Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử.

Chị Nelson: Ê Li là vị tiên tri cuối cùng nắm giữ quyền năng gắn bó của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trước thời Chúa Giê Su Ky Tô. Sứ mệnh của Ê Li là xoay lòng con cái trở lại cùng cha, và lòng cha trở lại cùng con cái, để họ có thể được làm lễ gắn bó, nếu không được như vậy “thì cả trái đất này sẽ hoàn toàn bị hoang tàn khi Ngài đến” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:39; sự nhấn mạnh được thêm vào). Lời lẽ đó khá đanh thép.

Chủ Tịch Nelson: Tôi muốn nghĩ về thần Ê Li là “một biểu hiện của Đức Thánh Linh làm chứng về thiên tính của gia đình.”3 Theo Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Quyền năng của Ê Li là quyền năng gắn bó của chức tư tế mà nhờ đó những gì được ràng buộc hay cởi bỏ dưới thế gian đều sẽ được ràng buộc hay cởi bỏ trên trời” (“Ê Li”).

Chị Nelson: Vậy thì khi chúng ta nói rằng thần Ê Li đang tác động mọi người để khuyến khích họ tìm kiếm những người thân đã qua đời của họ thì chúng ta thực sự nói rằng Đức Thánh Linh đang thúc giục chúng ta làm những điều mà sẽ cho phép các gia đình được làm lễ gắn bó vĩnh viễn.

Chủ Tịch Nelson: Thật là tuyệt vời khi xoay lòng con cái trở lại cùng cha họ bằng cách kể những câu chuyện lịch sử gia đình quan trọng theo những cách dễ tiếp cận và đáng ghi nhớ. Có lẽ việc có các tài liệu lịch sử gia đình, các câu chuyện, hình ảnh, và các kỷ vật luôn luôn trước mắt chúng ta có thể củng cố chứng ngôn của chúng ta (xin xem Mô Si A 1:5). Khi chúng ta treo chúng lên tường, đặt lên bàn, lưu lại trong máy vi tính, iPad của chúng ta, và thậm chí cả điện thoại di động của chúng ta, thì có lẽ chúng ta sẽ được thúc giục để có những lựa chọn tốt hơn và gần gũi hơn với Chúa và gia đình của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu đó là tất cả những gì chúng ta làm thì chúng ta thực sự đã không làm đầy đủ. Là tín hữu Giáo Hội, mối quan tâm của chúng ta nơi công việc lịch sử gia đình đã được thúc đẩy bởi lời chỉ dẫn của Chúa rằng tổ tiên của chúng ta không thể đạt đến sự trọn vẹn được nếu không có chúng ta và chúng ta không thể đạt đến sự trọn vẹn nếu không có họ (xin xem GLGƯ 128:15). Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ được liên kết với nhau bằng các giáo lễ gắn bó thiêng liêng của đền thờ. Chúng ta phải là những mối liên kết chặt chẽ trong sợi chuỗi mắt xích từ tổ tiên đến con cháu của chúng ta. Nếu những bộ sưu tập của chúng ta về những câu chuyện và hình ảnh trở thành điểm kết thúc của việc làm chúng ta—nếu chúng ta biết tổ tiên của chúng ta là ai và biết những điều kỳ diệu về họ, nhưng chúng ta để cho họ bị bỏ lại ở phía bên kia mà không có các giáo lễ làm cho họ—thì sự thiếu sót như vậy sẽ không giúp đỡ chút nào cho tổ tiên của chúng ta vẫn còn bị giam giữ trong ngục tù linh hồn.

Chị Nelson: Việc lưu giữ những câu chuyện về tổ tiên là quan trọng, nhưng đừng vì thế mà không hoàn thành công việc giáo lễ cho tổ tiên chúng ta. Chúng ta cần dành thời gian để tìm kiếm thông tin cần thiết để làm giáo lễ cho tổ tiên chúng ta.

Hình Ảnh
couple looking at computer screen

Chủ Tịch Nelson: Và điều đó có nghĩa là hy sinh thời gian mà chúng ta thường dành cho các sinh hoạt khác. Chúng ta cần phải dành nhiều thời gian hơn trong đền thờ và trong việc nghiên cứu lịch sử gia đình, bao gồm việc indexing (lập chỉ mục về thông tin của những người đã qua đời).

Chị Nelson: Sự hy sinh quả thật mang đến các phước lành của thiên thượng.4 Tôi đã được ban phước để tìm thấy nhiều tổ tiên mà tôi tin rằng đã sẵn sàng lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ thiết yếu của họ. Theo thời gian, tôi nhận biết rằng nếu tôi đang làm một dự án quá lớn và tôi không có thời gian, năng lực và ý kiến, nếu tôi hy sinh thời gian bằng cách tìm kiếm thông tin cần thiết để làm giáo lễ cho một số tổ tiên hoặc đi đền thờ để làm giáo lễ thay cho họ, thì các tầng trời mở ra và năng lực cùng ý kiến bắt đầu ùa tràn tới. Bằng cách nào đó tôi đã có đủ thời gian để làm đúng thời hạn của mình. Điều đó là hoàn toàn đã không thể xảy ra, nhưng nó lại xảy ra mỗi lần như thế. Công việc đền thờ và lịch sử gia đình mang đến cho tôi một niềm vui mà thực sự không thuộc về thế giới này.

Công Việc Lịch Sử Gia Đình và Công việc Truyền Giáo

Chủ Tịch Nelson: Nếu tôi là người truyền giáo ngày nay, thì hai người bạn thân nhất của tôi trong tiểu giáo khu hay chi nhánh nơi tôi phục vụ sẽ là người lãnh đạo công việc truyền giáo trong tiểu giáo khu và người tư vấn về lịch sử gia đình và đền thờ của tiểu giáo khu.

Con người bẩm sinh có ước muốn để biết điều gì đó về tổ tiên của họ. Điều đó trở thành cơ hội tất nhiên cho những người truyền giáo của chúng ta. Khi học cách yêu thương những người mà họ giảng dạy, những người truyền giáo tất nhiên sẽ hỏi về gia đình của những người này. “Cha mẹ anh/chị còn sống không? Ông bà của anh/chị còn sống không? Anh/chị có biết ông bà nội và ông bà ngoại của anh/chị không?” Những cuộc trò chuyện trôi chảy dễ dàng khi những người nào được lôi cuốn để nói chuyện với những người truyền giáo đều được mời để nói về những người họ yêu thương.

Vào thời điểm đó, những người truyền giáo, kể cả các tín hữu truyền giáo, có thể tất nhiên hỏi: “Anh/chị có biết ông bà cố nào của anh/chị không? Anh/chị có biết tên của họ không?” Rất có thể là những người tầm đạo sẽ không biết tên của cả tám người ông bà cố nội ngoại của họ.

Sau đó những người truyền giáo có thể đưa ra đề nghị này: “Tôi có một người bạn ở nhà thờ của chúng tôi mà có thể giúp đỡ. Nếu chúng ta có thể tìm ra tên của một số hoặc thậm chí có thể tất cả ông bà cố của anh/chị, thì liệu có đáng dành ra đôi ba giờ đồng hồ của anh/chị để biết được các ông bà cố của anh/chị là ai không?” Dĩ nhiên, người bạn đó ở nhà thờ là người tư vấn về đền thờ và lịch sử gia đình trong tiểu giáo khu.

Chị Nelson: Tôi nghĩ rằng đó có thể là điều an ủi cho những người truyền giáo để biết rằng họ không bao giờ phải một mình đi tìm kiếm và giảng dạy những người tiếp nhận các lẽ thật của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch George Q. Cannon (1827–1901), đã phục vụ với tư cách là cố vấn cho bốn Vị Chủ Tịch của Giáo Hội, đã dạy rằng trong những ngày sau này, những người nào gia nhập Giáo Hội đều là gia nhập đúng vì tổ tiên của họ đã cầu nguyện cho một con hay cháu của họ gia nhập Giáo Hội để họ, các tổ tiên này, có thể nhận được các giáo lễ thiết yếu của họ nhờ vào con cháu của họ làm thay.5

Sự Tôn Cao: Một Công Việc của Gia Đình

Hình Ảnh
Family outside the Accra Ghana Temple

Chủ Tịch Nelson: Sự tôn cao là một công việc của gia đình. Chỉ qua các giáo lễ cứu rỗi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà gia đình mới có thể được tôn cao. “Mục đích tột bậc cho điều mà chúng ta cố gắng làm là chúng ta được hạnh phúc chung với gia đình—được làm lễ thiên ân, được làm lễ gắn bó, và được chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu trong sự hiện diện của Thượng Đế.

Chị Nelson: Mỗi lớp học trong Giáo Hội chúng ta tham dự, mỗi lần chúng ta phục vụ, mỗi giao ước chúng ta lập với Thượng Đế, mỗi giáo lễ của chức tư tế mà chúng ta nhận được, mọi điều chúng ta làm trong Giáo Hội dẫn chúng ta đến đền thờ thánh, nhà của Chúa. Có rất nhiều quyền năng có sẵn cho một cặp vợ chồng và cho con cái của họ qua giáo lễ gắn bó khi họ tuân giữ các giao ước của họ.

Chủ Tịch Nelson: Mỗi ngày chúng ta chọn nơi mà chúng ta muốn sống vĩnh viễn qua cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, nói chuyện và hành động. Cha Thiên Thượng đã tuyên phán rằng việc làm và vinh quang của Ngài là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho con cái của Ngài (xin xem Môi Se 1:39). Nhưng Ngài muốn chúng ta phải chọn để trở lại với Ngài. Ngài sẽ không ép buộc chúng ta bằng bất cứ cách nào. Việc chúng ta tuân giữ chính xác các giao ước của mình cho Ngài thấy là chúng ta muốn quay về sống với Ngài biết bao. Mỗi ngày mang chúng ta đến gần hơn hoặc đi xa hơn khả năng vinh quang của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu. Mỗi chúng ta đều cần phải tuân giữ các giao ước của mình, hối cải hàng ngày, và tìm cách được giống như Đấng Cứu Rỗi của chúng ta hơn. Và rồi thì chỉ có lúc đó gia đình mới có thể sống bên nhau vĩnh viễn.

Chị Nelson: Chứng ngôn của tôi là cho dù cuộc sống của anh chị em ngay bây giờ có tuyệt vời hoặc cho dù có thể chán nản và đau khổ như thế nào đi nữa thì việc anh chị em tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình sẽ làm cho cuộc sống của anh chị em trở nên tốt hơn. Anh chị em cần điều gì ngay bây giờ trong cuộc sống của mình? Thêm tình yêu thương chăng? Thêm niềm vui chăng? Tự chủ hơn chăng? Thêm bình an chăng? Thêm những giây phút ý nghĩa hơn chăng? Thêm cảm nghĩ rằng mình đang tạo ra một sự khác biệt chăng? Vui hơn chăng? Thêm câu trả lời cho các câu hỏi tự vấn lương tâm của anh chị em chăng? Thêm mối quan hệ chân tình hơn với những người khác chăng? Hiểu thêm về điều anh chị em đang đọc trong thánh thư chăng? Thêm khả năng để yêu thương và tha thứ chăng? Thêm khả năng để cầu nguyện với quyền năng chăng? Thêm sự soi dẫn và những ý kiến sáng tạo cho công việc và các dự án khác của anh chị em chăng? Thêm thời gian cho những điều thực sự quan trọng chăng?

Tôi khẩn nài anh chị em hãy hy sinh thời gian cho Chúa bằng cách gia tăng thời gian anh chị em dành ra để làm công việc đền thờ và lịch sử gia đình, và sau đó hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Chứng ngôn của tôi là khi nào chúng ta tỏ cho Chúa thấy rằng chúng ta nghiêm túc trong việc giúp đỡ tổ tiên của chúng ta, thì các tầng trời sẽ mở ra và chúng ta sẽ nhận được tất cả những gì chúng ta cần.

Chủ Tịch Nelson: Chúng ta có thể được soi dẫn suốt ngày về những kinh nghiệm đền thờ và lịch sử gia đình mà những người khác đã có. Nhưng chúng ta cần phải làm điều gì đó để thực sự tự mình cảm nhận được niềm vui. Tôi muốn đưa ra một lời yêu cầu cho mỗi người trong chúng ta để cái cảm nghĩ tuyệt vời về công việc này có thể tiếp tục và thậm chí còn gia tăng. Tôi mời anh chị em hãy thành tâm cân nhắc về loại hy sinh nào—tốt nhất là một sự hy sinh về thời giờ—anh chị em có thể dành ra để làm thêm công việc đền thờ và lịch sử gia đình trong năm nay.

Chúng ta tham dự vào công việc của Thượng Đế Toàn Năng. Ngài hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Đây là Giáo Hội của Ngài. Chúng ta là con cái giao ước của Ngài. Ngài có thể trông cậy vào chúng ta.

Ghi Chú

  1. Xin xem Gordon B. Hinckley, “A Prophet’s Counsel and Prayer for Youth,” Liahona, tháng Tư năm 2001, 30–41.

  2. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ê Li.”

  3. Russell M. Nelson, “A New Harvest Time,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 34.

  4. Xin xem “Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 27.

  5. Xin xem Gospel Truth: Discourses and Writings of President George Q. Cannon, biên soạn Jerreld L. Newquist, 2 tập (1974), 2:88–89.