2021
Đấng Cứu Rỗi Đã Làm Gì cho Chúng Ta?
Tháng Năm 2021


Đấng Cứu Rỗi Đã Làm Gì cho Chúng Ta?

Chúa Giê Su Ky Tô đã làm mọi điều thiết yếu cho cuộc hành trình của chúng ta qua cuộc sống trần thế để hướng tới số mệnh được vạch ra trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng chúng ta.

Cách đây nhiều năm trong buổi họp chiều thứ Bảy tại một đại hội giáo khu, tôi đã gặp một phụ nữ nói rằng chị ấy đã được bạn bè của mình mời quay lại giáo hội sau nhiều năm kém tích cực, nhưng chị ấy không thể nghĩ ra bất cứ lý do nào mà chị ấy cần phải làm điều đó. Để khuyến khích chị ấy, tôi đã nói: “Khi chị xem xét tất cả những điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho mình, thì chị có rất nhiều lý do để trở lại thờ phượng và phục vụ Ngài.” Tôi sửng sốt khi chị đáp rằng: “Ngài đã làm gì cho tôi?”

Hình Ảnh
Ngày Tái Lâm

Chúa Giê Su Ky Tô đã làm gì cho mỗi người chúng ta? Ngài đã làm mọi điều thiết yếu cho cuộc hành trình của chúng ta qua cuộc sống trần thế để hướng tới số mệnh được vạch ra trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng chúng ta. Tôi sẽ nói về bốn khía cạnh chính của kế hoạch đó. Con Trai Độc Sinh Của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là nhân vật trung tâm trong mỗi khía cạnh này. Điều thúc đẩy tất cả những điều này là “tình thương yêu của Thượng Đế gieo rắc cùng khắp trong trái tim của con cái loài người; vậy nên nó mới được hấp dẫn hơn hết thảy mọi vật khác” (1 Nê Phi 11:22).

I.

Ngay trước ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh, đây là lúc thích hợp để trước tiên nói đến Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Phục Sinh người chết là trụ cột vững chắc riêng cho đức tin của chúng ta. Nó bổ sung ý nghĩa cho giáo lý của chúng ta, động lực cho hành vi của chúng ta, và hy vọng cho tương lai của chúng ta.

Bởi vì chúng ta tin những lời miêu tả trong Kinh Thánh và Sách Mặc Môn về Sự Phục Sinh thật sự của Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta cũng tin vô số những lời giảng dạy trong thánh thư rằng một sự phục sinh tương tự sẽ đến với tất cả những ai đã từng sống trên thế gian này.1 Như Chúa Giê Su đã phán dạy: “Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống” (Giăng 14:19). Và Sứ Đồ của Ngài đã dạy rằng “kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát” và “thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết” (1 Cô Rinh Tô 15:52, 54).

Hình Ảnh
Sự Phục Sinh

Nhưng Sự Phục Sinh mang đến cho chúng ta nhiều hơn là sự đảm bảo về sự bất diệt này. Nó thay đổi cách nhìn của chúng ta về cuộc sống hữu diệt.

Sự Phục Sinh mang đến cho chúng ta quan điểm và sức mạnh để chịu đựng những thử thách trần thế mà mỗi người chúng ta và những người thân yêu phải đối mặt. Nó mang đến cho chúng ta một cái nhìn mới về những khiếm khuyết thể chất, tinh thần, hoặc cảm xúc mà chúng ta có khi được sinh ra hoặc mắc phải trong cuộc sống hữu diệt. Nó mang đến cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng những nỗi buồn, thất bại, và chán nản. Bởi vì mỗi người chúng ta đã được đảm bảo là sẽ phục sinh, nên chúng ta biết rằng những khiếm khuyết trần thế này chỉ là tạm thời.

Sự Phục Sinh cũng cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế trong suốt cuộc sống trần thế của mình. Khi sống lại từ cõi chết và tiến tới Sự Phán Xét Cuối Cùng của mình như đã được tiên tri, chúng ta muốn có đủ tư cách để nhận được các phước lành chọn lọc nhất được hứa cho những ai được phục sinh.2

Hình Ảnh
Chúng ta có thể sống với gia đình mình mãi mãi.

Bên cạnh đó, lời hứa rằng Sự Phục Sinh có thể mang đến cơ hội để được đoàn tụ với những người trong gia đình chúng ta—vợ chồng, con cái, cha mẹ, và hậu thế—là một nguồn động viên mạnh mẽ để chúng ta làm tròn các trách nhiệm gia đình của mình trên trần thế. Nó cũng giúp chúng ta sống với nhau trong tình yêu thương trong cuộc đời này và an ủi chúng ta khi những người thân yêu của mình qua đời. Chúng ta biết rằng những cuộc chia ly trần thế này chỉ là tạm thời, và chúng ta mong đợi những sự đoàn tụ và kết hợp đầy niềm vui trong tương lai. Sự Phục Sinh mang đến cho chúng ta hy vọng và sức mạnh để kiên nhẫn chờ đợi. Nó cũng chuẩn bị cho chúng ta lòng can đảm và phẩm cách để đối mặt với cái chết của chính mình—thậm chí một cái chết có thể được gọi là sớm.

Tất cả những ảnh hưởng này của Sự Phục Sinh góp phần vào câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi “Chúa Giê Su Ky Tô đã làm gì cho tôi?”

II.

Đối với hầu hết chúng ta, cơ hội để được tha thứ tội lỗi của mình là ý nghĩa chính yếu của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi thờ phượng, chúng ta trang nghiêm hát rằng:

Dòng huyết Giê Su quý báu Ngài cho;

Chẳng nề thân Ngài đớn đau,

Quyết xóa ô dơ nên dâng đời sống,

Đem chuộc thế giới tội nô.3

Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta đã phải chịu đựng nỗi đau đớn không thể hiểu nổi để trở thành sự hy sinh cho tội lỗi của tất cả những người trần thế mà sẽ hối cải. Sự hy sinh cứu chuộc này mang lại điều tốt lành tột bậc, là Chiên Con thanh khiết không tì vết, đối với mức độ tà ác tột cùng, là các tội lỗi của toàn thể thế gian. Điều này mở ra cánh cửa để mỗi người chúng ta được tẩy sạch tội lỗi riêng của mình hầu cho chúng ta có thể được đón nhận trở lại vào nơi hiện diện của Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta. Cánh cửa này được mở ra cho tất cả các con cái của Thượng Đế. Khi thờ phượng, chúng ta hát rằng:

Lòng cảm kích biết Ngài từ ngôi vinh hiển đã xuống thế gian

Để giải cứu cho những linh hồn quá kiêu hãnh như tôi nay,

Thật cảm kích biết bao về tình thương cao đẹp Ngài dành cho.4

Ảnh hưởng kỳ diệu và không thể hiểu thấu được của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô được dựa trên tình thương yêu của Thượng Đế dành cho mỗi người chúng ta. Nó khẳng định lời tuyên phán của Ngài rằng “giá trị của linh hồn”—tất cả mọi người—đều “rất lớn lao dưới mắt của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 18:10). Trong Kinh Thánh, Chúa Giê Su Ky Tô đã dùng tình thương yêu của Cha Thiên Thượng để giải thích điều này: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Trong lời mặc khải hiện đại, Đấng Cứu Chuộc Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta đã tuyên phán rằng Ngài “yêu thương thế gian đến nỗi người phải hy sinh mạng sống của mình, để tất cả những ai tin đều có thể trở thành con cái của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 34:3).

Vậy thì có gì ngạc nhiên khi Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô đã kết luận với lời dạy rằng để trở nên “toàn thiện” và “thánh hóa trong Đấng Ky Tô”, chúng ta phải “yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh [của mình]”? (Mô Rô Ni 10:32–33). Kế hoạch của Ngài được thúc đẩy bởi tình thương yêu và phải được đón nhận với tình thương yêu.

III.

Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô đã làm điều gì nữa cho chúng ta? Qua lời giảng dạy của các vị tiên tri của Ngài và qua giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã phán dạy chúng ta về kế hoạch cứu rỗi. Kế hoạch này bao gồm Sự Sáng Tạo, mục đích cuộc sống, sự cần thiết của sự tương phản, và ân tứ quyền tự quyết. Ngài cũng phán dạy chúng ta về những lệnh truyền và giao ước mà chúng ta phải tuân theo và các giáo lễ mà chúng ta phải trải qua để đưa chúng ta trở về với Cha Mẹ Thiên Thượng của mình.

Hình Ảnh
Bài Giảng trên Núi

Trong Kinh Thánh, chúng ta đã đọc về lời giảng dạy của Ngài: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12). Và chúng ta đã đọc trong lời mặc khải hiện đại: “Này, ta là Chúa Giê Su Ky Tô, … là sự sáng không thể nào bị che khuất trong bóng tối được” (Giáo Lý và Giao Ước 14:9). Khi chúng ta tuân theo lời giảng dạy của Ngài, Ngài sẽ soi sáng con đường của chúng ta trong cuộc sống này và đảm bảo số mệnh của chúng ta trong cuộc sống mai sau.

Bởi vì Ngài yêu thương chúng ta, Ngài đã thử thách chúng ta hãy tập trung vào Ngài thay vì vào những điều trên thế gian. Trong bài giảng tuyệt vời của Ngài về bánh sự sống, Chúa Giê Su đã dạy rằng chúng ta không nên ở trong số những người hầu hết bị thu hút bởi những sự việc của thế gian—những thứ duy trì sự sống trên thế gian nhưng không nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc sống vĩnh cửu.5 Như Chúa Giê Su đã thường xuyên nhiều lần mời gọi chúng ta: “các ngươi hãy theo ta.”6

IV.

Cuối cùng, Sách Mặc Môn dạy chúng ta rằng như một phần trong Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô “[đã] đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài” (An Ma 7:11).

Tại sao Đấng Cứu Rỗi của chúng ta phải chịu đựng “mọi” thử thách này trên trần thế? An Ma đã giải thích: “Và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12).

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Đấng Cứu Rỗi cảm nhận và biết rõ những cám dỗ, khó khăn, phiền muộn, và đau khổ của chúng ta, vì Ngài sẵn lòng trải qua tất cả những điều đó như một phần trong Sự Chuộc Tội của Ngài. Những câu thánh thư khác khẳng định điều này. Kinh Tân Ước tuyên bố: “Vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Hê Bơ Rơ 2:18). Ê Sai đã dạy: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi: … Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi” (Ê Sai 41:10). Tất cả những ai đang chịu đựng bất kỳ đau đớn nào trên trần thế nên nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta cũng đã trải qua nỗi đau đớn như vậy và rằng, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Ngài ban cho mỗi người chúng ta sức mạnh để chịu đựng.

Tiên Tri Joseph Smith đã tóm lược tất cả những điều này trong tín điều thứ ba: “Chúng tôi tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”

Chị ấy đã hỏi: “Chúa Giê Su Ky Tô đã làm gì cho tôi?”. Theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng, Ngài đã “sáng tạo trời đất” (Giáo Lý và Giao Ước 14:9) để mỗi người chúng ta có thể có được kinh nghiệm trần thế cần thiết để tìm kiếm số mệnh thiêng liêng của mình. Là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Cha, Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô đã chiến thắng cái chết để đảm bảo sự bất diệt cho mỗi người chúng ta. Sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho mỗi người chúng ta cơ hội để hối cải tội lỗi của mình và được thanh sạch khi trở về mái nhà thiên thượng của mình. Những lệnh truyền và giao ước của Ngài dẫn đường cho chúng ta, và chức tư tế của Ngài ban cho thẩm quyền để thực hiện các giáo lễ thiết yếu để đạt được số mệnh ấy. Và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã sẵn lòng trải qua tất cả những đau đớn và yếu kém trên trần thế để Ngài có thể biết cách củng cố chúng ta trong những nỗi thống khổ của mình.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô đã làm tất cả những điều này bởi vì Ngài yêu thương tất cả các con cái của Thượng Đế. Tình yêu thương là động lực cho tất cả những điều đó, và nó đã là như vậy ngay từ thưở ban đầu. Thượng Đế đã phán với chúng ta trong lời mặc khải hiện đại rằng “Ngài sáng tạo … nam và nữ, theo hình ảnh của chính Ngài … Và ban cho họ các lệnh truyền rằng họ phải yêu thương và phục vụ Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 20:18–19).

Tôi làm chứng về tất cả những điều này và cầu nguyện rằng tất cả chúng ta sẽ ghi nhớ điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm cho mỗi người chúng ta, và rằng tất cả chúng ta sẽ yêu thương và phục vụ Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.