2021
Đấng Cứu Rỗi Của Riêng Chúng Ta
Tháng Năm 2021


Đấng Cứu Rỗi Của Riêng Chúng Ta

Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi có quyền năng để tẩy sạch, chữa lành, và củng cố chúng ta từng người một.

Tôi biết ơn được ở cùng anh chị em vào buổi sáng Lễ Phục Sinh tuyệt vời này. Khi nghĩ về Lễ Phục Sinh, tôi thích nhắc lại trong tâm trí mình lời mà các thiên sứ đã nói với những người ở Khu Vườn Mộ: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.”1 Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su ở Na Xa Rét đã phục sinh và Ngài hằng sống.

Về Đấng Ky Tô, Các Ngươi Nghĩ Thế Nào?

Ba mươi bốn năm trước, tôi và người bạn đồng hành truyền giáo của mình đã gặp gỡ và giảng dạy một người đàn ông có học thức cao, là soạn giả cho một tờ báo địa phương ở thành phố Davao, Philippines. Chúng tôi rất thích giảng dạy anh ấy bởi vì anh ấy có rất nhiều câu hỏi và rất tôn trọng tín ngưỡng của chúng ta. Câu hỏi đáng nhớ nhất mà anh ấy đặt ra cho chúng tôi là “Các anh nghĩ thế nào về Đấng Ky Tô?”2 Tất nhiên là chúng tôi đã hào hứng chia sẻ cảm nghĩ của mình và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, anh ấy đã xuất bản một bài báo về cùng đề tài đó mà chứa đựng nhiều từ ngữ tuyệt vời về Đấng Cứu Rỗi. Tôi nhớ là mình đã cảm thấy ấn tượng nhưng không nhất thiết là được soi dẫn. Bài báo đó chứa đựng nhiều thông tin bổ ích nhưng có cảm giác trống rỗng và thiếu quyền năng thuộc linh.

Ngày Càng Tiến Đến Việc Biết Ngài

“Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thế nào?” Tôi nhận ra rằng mức độ tường tận mà tôi biết Đấng Cứu Rỗi có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng của tôi để lắng nghe cũng như tuân theo lời Ngài. Một vài năm trước, Anh Cả David A. Bednar đã đặt ra những câu hỏi sau đây như một phần trong bài nói chuyên của ông: “Chúng ta chỉ biết về Đấng Cứu Rỗi, hay là chúng ta ngày càng tiến đến việc biết Ngài? Làm thế nào để chúng ta tiến đến việc biết Chúa?”3

Khi học hỏi và suy ngẫm, tôi nhận ra rõ ràng rằng những điều tôi biết về Đấng Cứu Rỗi vượt trội hơn nhiều so với mức độ tôi thực sự biết Ngài. Sau đó, thôi đã quyết tâm nỗ lực nhiều hơn để biết Ngài. Tôi rất biết ơn về thánh thư và về chứng ngôn từ các môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô. Hành trình của riêng tôi trong vài năm qua đã đưa tôi đi trên nhiều chặng đường học tập và khám phá. Tôi cầu nguyện rằng ngày hôm nay Đức Thánh Linh sẽ truyền đạt cho anh chị em một sứ điệp lớn lao hơn là những lời lẽ thiếu sót mà tôi đã viết ra.

Trước hết, chúng ta cần phải nhận ra rằng việc biết Đấng Cứu Rỗi là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Việc này phải được ưu tiên hơn bất cứ điều gì khác.

“Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”4

“Vậy Chúa Giê Su đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”5

“Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”6

Thứ hai, khi chúng ta ngày càng tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi, những đoạn thánh thư và lời của các vị tiên tri trở nên có ý nghĩa mật thiết đối với chúng ta đến nỗi chúng trở thành lời của chính chúng ta. Đó không phải là việc sao chép những lời nói, cảm nghĩ, và kinh nghiệm của người khác mà đúng hơn là chúng ta tự biết được, theo cách riêng của mình, bằng cách trắc nghiệm những lời nói7 và nhận được sự làm chứng từ Đức Thánh Linh. Như tiên tri An Ma đã tuyên bố:

“Các người không có cho rằng tôi đã tự mình biết được những điều này phải không? Này, tôi xin làm chứng rằng, tôi biết những điều tôi nói ra đây là thật. Và các người có cho rằng làm sao tôi biết chắc về những điều này không?

Này, tôi nói cho các người hay rằng, những điều này đã được Đức Thánh Linh của Thượng Đế biểu lộ cho tôi biết. Này, tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này. Và bây giờ tôi tự biết rằng những điều này là thật; vì Đức Chúa Trời đã biểu lộ những điều này cho tôi biết bằng Đức Thánh Linh của Ngài, và đó là tinh thần mặc khải hiện có ở trong tôi vậy.”8

Thứ ba, sự hiểu biết ngày càng gia tăng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô áp dụng cho mỗi người chúng ta một cách riêng biệt sẽ giúp chúng ta biết Ngài. Thông thường, chúng ta dễ dàng nghĩ và nói về Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô một cách chung chung hơn là nhận ra ý nghĩa cá nhân của Sự Chuộc Tội ấy trong cuộc sống của mình. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tuy là vô hạn và vĩnh cửu và áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng Sự Chuộc Tội ấy cũng ảnh hưởng đến mỗi cá nhân một cách riêng biệt. Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi có quyền năng để tẩy sạch, chữa lành, và củng cố chúng ta từng người một.

Mong muốn duy nhất của Đấng Cứu Rỗi, mục đích duy nhất của Ngài từ lúc ban đầu, là làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Ý muốn của Đức Chúa Cha là muốn Ngài “[mang lại] sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người”9 bằng cách trở thành Đấng “biện hộ [cho chúng ta] với Đức Chúa Cha.”10 Do đó, “dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu; và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài.”11

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ. …

“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết … và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, … để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.

“… Vị Nam Tử của Thượng Đế vẫn phải chịu thống khổ theo thể cách xác thịt ngõ hầu Ngài có thể mang lấy những tội lỗi của dân Ngài, để Ngài có thể xóa bỏ sự phạm tội của họ qua quyền năng giải thoát của Ngài.”12

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm đơn giản để minh họa cho nỗi khó khăn mà đôi lúc chúng ta gặp phải trong việc thấu hiểu tính chất riêng tư của Sự Chuộc Tội của Chúa.

Nhiều năm trước, theo lời mời từ vị lãnh đạo của mình, tôi đã đọc Sách Mặc Môn từ đầu đến cuối và đánh dấu tất cả các câu thánh thư có đề cập đến Sự Chuộc Tội của Chúa. Vị lãnh đạo của tôi cũng mời tôi chuẩn bị một trang tóm lược về điều tôi học được. Tôi tự nhủ: “Chỉ một trang thôi sao? Điều đó thật dễ dàng.” Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của tôi, tôi thấy việc này cực kỳ khó khăn và tôi đã thất bại.

Kể từ đó tôi đã nhận ra rằng mình thất bại vì đã để trật mục tiêu và đã có những nhận định không chính xác. Trước hết, tôi đã mong đợi rằng phần tóm lược đó sẽ đầy soi dẫn cho tất cả mọi người. Bản tóm lược đó là nhằm dành cho tôi chứ không phải ai khác. Bản tóm lược đó nhằm ghi lại những cảm nghĩ và cảm xúc của tôi về Đấng Cứu Rỗi và về điều Ngài đã làm cho tôi để mỗi khi tôi đọc nó, nó sẽ khơi lại những kinh nghiệm thuộc linh sâu sắc, tuyệt vời, và riêng tư.

Thứ hai, tôi đã mong đợi rằng bản tóm lược đó phải hoành tráng và công phu và chứa đựng nhiều từ ngữ hàn lâm. Nó không cần những từ ngữ hàn lâm. Bản tóm lược đó nên là một lời tuyên bố rõ ràng và giản dị về niềm tin. “Vì tâm hồn tôi vui thích sự minh bạch; vì theo cách thức đó mà Đức Chúa Trời làm việc giữa con cái loài người. Vì Đức Chúa Trời ban sự sáng để họ hiểu biết.”13

Thứ ba, tôi đã mong đợi nó phải hoàn hảo, một bản tóm lược hơn hẳn những bản tóm lược khác—một bản tóm lược cuối cùng mà không ai có thể thêm bớt—thay vì là một sản phẩm đang hoàn thiện mà tôi có thể bổ sung vào khi sự hiểu biết của tôi về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su ngày càng gia tăng.

Chứng Ngôn và Lời Mời

Khi còn niên thiếu, tôi đã học hỏi rất nhiều từ những cuộc trò chuyện với giám trợ của mình. Trong những năm non nớt ấy, tôi đã học cách yêu quý những lời này từ một bài thánh ca ưa thích:

Lòng cảm kích vô cùng về tình thương Chúa ban xuống cho tôi,

Bồi hồi trước bao ân huệ Ngài đã ban đến tôi hằng ngày.

Lòng sợ hãi biết bởi vì tội tôi nên Ngài chịu gian khổ,

Rồi Ngài cũng chính vì tội nhân máu chảy tuôn chết đớn đau.

Bởi quá thương yêu loài người Chúa đã hy sinh

Và chịu khổ đau chết trên thập tự!

Chúa chẳng bao giờ hối tiếc đã quên mình vì ta.14

Tiên tri Mô Rô Ni đã mời gọi chúng ta: “Và giờ đây, tôi muốn khuyên nhủ các người hãy tìm kiếm Chúa Giê Su này, tức là Đấng mà các tiên tri và các sứ đồ đã từng viết đến.”15

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã hứa rằng “nếu [chúng ta] tiến hành việc tìm hiểu với tất cả khả năng của [mình] về Chúa Giê Su Ky Tô, … thì khả năng [của chúng ta] để từ bỏ tội lỗi sẽ gia tăng. Ước muốn [của chúng ta] để tuân giữ các giáo lệnh sẽ tăng cao.”16

Vào ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh này, cũng như việc Đấng Cứu Rỗi đã bước ra khỏi ngôi mộ bằng đá của Ngài, tôi mong rằng chúng ta hãy thức tỉnh khỏi giấc ngủ thuộc linh của mình và vượt lên trên những đám mây của nỗi nghi ngờ, nanh vuốt của sự sợ hãi, niềm say sưa kiêu ngạo, và tiếng ru ngủ của sự tự mãn. Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng hằng sống. Tôi làm chứng về tình yêu thương hoàn hảo của Hai Ngài dành cho chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.