2021
Người Nghèo Tội Nghiệp
Tháng Năm 2021


Người Nghèo Tội Nghiệp

Trong mỗi tiểu giáo khu và chi nhánh, chúng ta cần tất cả mọi người—từ những người mạnh mẽ đến những người có lẽ đang chật vật. Tất cả mọi người đều được cần đến.

Khi còn là một cậu bé, tôi nhớ những khi đi xe hơi cùng cha tôi và trông thấy những người đứng bên đường, là những người lâm vào cảnh khó khăn hoặc cần được giúp đỡ. Cha tôi sẽ luôn nhận xét “Pobrecito,” có nghĩa là “người nghèo tội nghiệp.”

Thỉnh thoảng, tôi thích thú nhìn cha tôi giúp đỡ nhiều người trong số họ, đặc biệt khi chúng tôi hành trình đến Mexico để thăm ông bà tôi. Thường là, ông sẽ tìm một ai đó túng thiếu và rồi bí mật mang đến sự giúp đỡ mà họ cần. Về sau, tôi khám phá ra rằng ông giúp họ được đi học, mua ít thực phẩm, hoặc cung ứng bằng cách này hay cách khác cho sự an lạc của họ. Ông phục sự cho những “người nghèo tội nghiệp” mà đã tình cờ gặp trên đường của mình. Thật ra, trong suốt những năm tháng lớn lên, tôi không thể nhớ có lần nào chúng tôi không có ai đến sống với mình vì cần một nơi để ở trong khi họ trở nên tự lực cánh sinh. Việc chứng kiến những kinh nghiệm này đã cho tôi tấm lòng trắc ẩn đối với đồng loại của mình và với những ai túng thiếu.

Trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta có viết: “Các anh chị em đang sống giữa dân chúng. Các anh chị em đi ngang qua họ trên đường phố, thăm viếng họ trong nhà họ, và đi lại giữa họ. Tất cả họ đều là con cái của Thượng Đế, là anh chị em của các anh chị em. … Nhiều người trong số những người này đang tìm kiếm mục đích của cuộc sống. Họ quan tâm đến tương lai và gia đình của họ” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo [năm 2018], trang 1–2).

Trong suốt những năm phục vụ trong Giáo Hội, tôi luôn cố gắng tìm kiếm những người cần được giúp đỡ trong cuộc sống của họ, cả về mặt thế tục lẫn thuộc linh. Tôi thường nghe tiếng cha tôi thốt lên, “Pobrecito,” người nghèo tội nghiệp.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy một tấm gương tuyệt vời về việc chăm sóc cho người nghèo:

“Buổi cầu nguyện giờ thứ chín, Phi E Rơ với Giăng cùng lên đền thờ.

“Vả, có một người què từ lúc sanh ra, cứ hằng ngày người ta đem đặt tại cửa đền, gọi là Cửa Đẹp, đặng ăn mày những người vào đền;

“Người thấy Phi E Rơ và Giăng vào, thì xin hai người bố thí.

“Phi E Rơ với Giăng ngó chăm người, rồi nói rằng: Hãy nhìn xem chúng ta.

“Vậy, người bèn nhìn chăm chăm hai người, tưởng sẽ được chút gì.

“Nhưng Phi E Rơ nói với người rằng: Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhơn danh Đức Chúa Giê Su Ky Tô ở Na Xa Rét, hãy bước đi.

“Phi E Rơ nắm tay hữu người đỡ dậy. Tức thì bàn chơn và mắt cá người trở nên cứng vững” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1–7; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Khi đọc câu chuyện này, tôi ngạc nhiên với cách sử dụng từ ngó chăm chăm. Ngó chăm chăm có nghĩa là tập trung hướng ánh mắt hay suy nghĩ của một người hoặc là nhìn chăm chú vào (xin xem “fasten,” Dictionary.com). Khi nhìn người đàn ông này, Phi E Rơ đã nhìn nhận ông theo cách khác với những người khác. Không tập trung vào khuyết tật ở chân và những yếu đuối của ông ấy, Phi E Rơ hiểu và nhận định rằng đức tin của người đàn ông đủ để được chữa lành và bước vào đền thờ để nhận các phước lành mà ông đang tìm kiếm.

Tôi để ý rằng Phi E Rơ đã nắm tay phải của ông ấy và đỡ ông dậy. Khi Phi E Rơ hỗ trợ ông theo cách này, Chúa đã chữa lành cho ông bằng một cách kỳ diệu, và “bàn chân và mắt cá [ông] trở nên cứng vững” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:7). Tình yêu thương của Phi E Rơ dành cho người này và mong muốn giúp đỡ ông đã gia tăng khả năng và năng lực ở người đàn ông yếu ớt.

Khi còn phục vụ với tư cách là một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, tôi dành mỗi tối thứ Ba để thăm viếng phục sự cùng với các chủ tịch giáo khu trong khu vực thuộc trách nhiệm của tôi. Tôi mời họ hẹn gặp với những người đang cần một giáo lễ của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô hoặc những người hiện không tuân giữ các giao ước mà họ đã lập. Qua việc phục sự kiên định có chủ ý của chúng tôi, Chúa đã làm vinh hiển các nỗ lực đó và chúng tôi đã có thể tìm được những cá nhân và gia đình đang cần được giúp đỡ. Những người này là những “người nghèo tội nghiệp” sống ở các giáo khu khác nhau nơi chúng tôi phục vụ.

Vào một dịp nọ, tôi đi cùng Chủ Tịch Bill Whitworth, chủ tịch Giáo Khu Sandy Utah Canyon View, trong các cuộc thăm viếng phục sự. Ông đã cầu nguyện thành tâm về người nào mà chúng tôi nên đến thăm, cố gắng để có kinh nghiệm giống như Nê Phi, “được Thánh Linh dẫn dắt, không biết trước được là mình sẽ phải làm gì” (1 Nê Phi 4:6). Ông đã chứng tỏ rằng khi phục sự, chúng ta cần được dẫn dắt bởi sự mặc khải để đến với những người cần được giúp đỡ nhất, trái ngược với việc chỉ đến thăm theo một danh sách hoặc một cách máy móc. Chúng ta cần được dẫn dắt bởi quyền năng của sự soi dẫn.

Tôi nhớ đã đi đến nhà của một cặp vợ chồng trẻ, Jeff và Heather, và cậu con trai nhỏ tên Kai của họ. Cho đến khi trưởng thành, Jeff là một tín hữu tích cực của Giáo Hội. Anh là một vận động viên rất tài năng và có một sự nghiệp đầy hứa hẹn. Anh bắt đầu rời xa Giáo Hội ở tuổi thiếu niên. Sau đó, anh bị tai nạn xe hơi, là điều đã thay đổi cuộc đời của anh ấy. Khi chúng tôi bước vào ngôi nhà của họ và làm quen với nhau, Jeff đã hỏi lý do tại sao chúng tôi đến thăm gia đình anh. Chúng tôi trả lời rằng có khoảng 3.000 tín hữu sống trong địa phận của giáo khu này. Rồi tôi hỏi anh ấy: “Jeff à, trong số những gia đình mà chúng tôi đã có thể đến thăm tối nay, hãy nói cho chúng tôi biết lý do tại sao Chúa lại gửi chúng tôi đến đây.”

Chỉ thế thôi, Jeff trở nên xúc động và bắt đầu chia sẻ với chúng tôi nỗi lo lắng của anh và một số vấn đề mà gia đình họ đang phải đối mặt. Chúng tôi bắt đầu chia sẻ một vài nguyên tắc trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng tôi mời họ làm một vài điều cụ thể mà ban đầu có vẻ khá khó khăn nhưng theo thời gian sẽ mang lại niềm hạnh phúc và niềm vui lớn lao. Rồi Chủ Tịch Whitworth ban cho Jeff một phước lành chức tư tế để giúp anh vượt qua những thử thách của mình. Jeff và Heather đã đồng ý làm điều mà chúng tôi mời họ làm.

Khoảng một năm sau, tôi có đặc ân được chứng kiến Jeff làm phép báp têm cho vợ anh, Heather, trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Giờ đây, họ đang chuẩn bị bản thân để bước vào đền thờ làm lễ gắn bó với tư cách là một gia đình cho thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu. Cuộc viếng thăm của chúng tôi đã thay đổi cuộc đời của họ cả về mặt vật chất lẫn thuộc linh.

Chúa đã phán:

“Vậy nên, hãy trung thành; hãy đứng vững trong chức vụ mà ta đã chỉ định cho ngươi; hãy cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược” (Giáo Lý và Giao Ước 81:5).

“Và bằng cách làm những việc này, ngươi sẽ làm một lợi ích lớn lao nhất cho đồng loại mình và sẽ làm gia tăng vinh quang của Đấng là Chúa của ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 81:4).

Thưa các anh chị em, Sứ Đồ Phao Lô đã giảng dạy một khía cạnh quan trọng trong việc phục sự của chúng ta. Ông dạy rằng tất cả chúng ta đều là “thân của Đấng Ky Tô, và là chi thể của thân” (1 Cô Rinh Tô 12:27) và rằng mỗi bộ phận của cơ thể đều được cần đến để đảm bảo rằng toàn bộ cơ thể được gây dựng. Rồi ông giảng dạy một lẽ thật đầy quyền năng mà đã đi sâu vào lòng tôi khi tôi đọc được. Ông nói rằng: “Các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn” (1 Cô Rinh Tô 12:22–23; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Do đó, trong mỗi tiểu giáo khu và chi nhánh, chúng ta cần tất cả mọi người—từ những người mạnh mẽ đến những người có lẽ đang chật vật. Ai ai cũng đều được cần đến để gây dựng thành công toàn bộ “thân của Đấng Ky Tô.” Tôi thường tự hỏi chúng ta đang quên mất ai trong nhiều giáo đoàn khác nhau của mình mà sẽ giúp củng cố chúng ta và làm cho chúng ta được trọn vẹn.

Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Trong Giáo Hội, chúng ta không những học hỏi giáo lý thiêng liêng của Thượng Đế; mà còn trải qua sự áp dụng của giáo lý đó. Là thân thể của Đấng Ky Tô, các tín hữu của Giáo Hội phục sự lẫn nhau trong thực tế của cuộc sống hàng ngày. Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo. … Trong thân thể của Đấng Ky Tô, chúng ta phải đi xa hơn những khái niệm và những lời cao quý và có được một kinh nghiệm trực tiếp khi chúng ta học cách ‘sống với nhau trong tình thương’ [Giáo Lý và Giao Ước 42:45]” (“Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108–109).

Hình Ảnh
giấc mơ của Brigham Young

Vào năm 1849, Brigham Young mơ thấy Tiên Tri Joseph Smith đang chăn một đàn gia súc lớn gồm có cừu và dê. Một số con gia súc thì to khỏe và đẹp đẽ; số khác thì nhỏ bé và dơ bẩn. Brigham Young nhớ là đã nhìn vào mắt của Tiên Tri Joseph Smith và nói: “Joseph này, anh có một đàn gia súc kỳ dị nhất … mà tôi từng thấy trong đời; anh dự tính làm gì với chúng?” Vị Tiên Tri, người dường như chẳng bận tâm đến đàn gia súc bất trị của mình, chỉ đáp lại rằng: “[Anh Brigham à,] tất cả chúng đều được cần đến.”

Khi Chủ Tịch Young thức giấc, ông hiểu rằng khi Giáo Hội quy tụ nhiều loại “cừu và dê,” ông có trách nhiệm để mang tất cả lại với nhau và cho phép mỗi cá nhân nhận ra tiềm năng trọn vẹn của họ trong khi họ có một chỗ trong Giáo Hội. (Phỏng theo Ronald W. Walker, “Brigham Young: Student of the Prophet,” Ensign, tháng Hai năm 1998, trang 56–57.)

Thưa các anh chị em, ý tưởng ban đầu của bài nói chuyện này đến khi tôi suy ngẫm nhiều về những người hiện không tham gia vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Giờ đây, tôi muốn ngỏ lời với từng người một trong số họ. Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy rằng “những cá nhân này thường ở gần—nhưng không tham gia trọn vẹn vào—Giáo Hội. Họ sẽ không đi vào bên trong giáo đường, nhưng họ cũng chẳng rời khỏi ngưỡng cửa. Những người này cần đến Giáo Hội và được Giáo Hội cần đến, nhưng bằng cách nào đó họ ‘sống không thèm biết đến Thượng Đế trong thế gian’ [Mô Si A 27:31]” (“Why Not Now?,” Ensign, tháng Mười Một năm 1974, trang 12).

Tôi xin lặp lại lời mời của Chủ Tịch Russell M. Nelson yêu quý của chúng ta khi lần đầu tiên ông ngỏ lời với các tín hữu của Giáo Hội. Ông đã nói rằng: “Bây giờ, tôi xin nói với mỗi tín hữu của Giáo Hội, hãy tiếp tục ở trên con đường giao ước. Sự cam kết của anh chị em để noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập giao ước với Ngài và rồi việc tuân giữ các giao ước đó sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng dành sẵn cho nam giới, phụ nữ và trẻ em ở khắp mọi nơi.”

Rồi ông khẩn nài: “Giờ đây, nếu anh chị em đã bước ra khỏi con đường đó thì với tất cả niềm hy vọng trong lòng mình, tôi xin mời anh chị em hãy trở lại. Bất kể những lo lắng, thử thách của anh chị em là gì đi nữa thì cũng có một nơi dành cho anh chị em ở trong Giáo Hội này của Chúa. Anh chị em và các thế hệ mai sau sẽ được ban phước nhờ vào hành động của anh chị em bây giờ để trở lại con đường giao ước” (“Khi Chúng Ta Tiếp Tục Cùng Nhau Tiến Bước,” hoặc Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Tôi làm chứng về Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Thầy Phục Sự và Đấng Cứu Rỗi của tất cả chúng ta. Tôi mời mỗi người chúng ta tìm kiếm những người “pobrecito,” “những người nghèo tội nghiệp” ở giữa chúng ta là những người đang cần được giúp đỡ. Đây là niềm hy vọng và lời nguyện cầu của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.