2021
Hành Trình Cá Nhân của một Người Con của Thượng Đế
Tháng Năm 2021


Hành Trình Cá Nhân của một Người Con của Thượng Đế

Với tư cách là con cái giao ước của Thượng Đế, chúng ta thương yêu, tôn trọng, bảo vệ, và chào đón những linh hồn đang đến từ tiền dương thế.

Mỗi người chúng ta đều đã bị ảnh hưởng bởi cơn đại dịch toàn cầu, khi một số người thân và bạn bè đột ngột qua đời. Xin cho tôi nhìn nhận ba người mà chúng ta vô cùng thương nhớ, để đại diện cho tất cả những người chúng ta vô cùng yêu thương.

Hình Ảnh
Anh Chị Nsondi

Đây là Anh Philippe Nsondi và chị Germaine Nsondi. Anh Nsondi đang phục vụ với tư cách là vị tộc trưởng của Giáo Khu Brazzaville ở Cộng Hòa Congo khi anh ấy qua đời. Anh ấy là một bác sĩ, người đã chia sẻ tài năng của mình một cách rộng rãi với người khác.1

Hình Ảnh
Clara Ruano de Villareal

Đây là Chị Clara Elisa Ruano de Villareal đến từ Tulcán, Ecuador. Chị ấy đã chấp nhận phúc âm phục hồi lúc 34 tuổi và là một người lãnh đạo được yêu mến. Gia đình chị ấy đã nói lời từ biệt bằng cách hát bài thánh ca yêu thích của chị: “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc Của Tôi Hằng Sống.”2

Hình Ảnh
Ray Tuineau và gia đình của anh

Đây là Anh Ray Tuineau đến từ Utah, cùng với gia đình tuyệt vời của anh ấy. Vợ anh, Juliet, đã nói: “Tôi muốn [những đứa con trai của mình] hãy [ghi nhớ rằng cha của chúng] luôn luôn đặt Thượng Đế lên trên hết.”3

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Các ngươi phải sống với nhau trong tình thương, đến nỗi phải than khóc cho việc mất đi những người đã chết.”4

Dù có than khóc, chúng ta cũng vui mừng trong Sự Phục Sinh đầy vinh quang của Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Nhờ có Ngài, những người thân và bạn bè của chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình vĩnh cửu của họ. Như Chủ Tịch Joseph F. Smith đã giải thích: “Chúng ta không thể quên họ; chúng ta không ngừng yêu thương họ. … Họ đã tiến triển; chúng ta đang tiến triển; chúng ta đang phát triển cũng như họ đã phát triển.”5 Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Những giọt nước mắt đau buồn của chúng ta … biến thành những giọt nước mắt mong đợi.”6

Chúng Ta Biết Về Cuộc Sống Tiền Dương Thế

Tầm nhìn vĩnh cửu của chúng ta không chỉ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về những người đang tiếp tục cuộc hành trình sau dương thế, mà còn mở ra sự hiểu biết của chúng ta về những người đến sau và đang chuẩn bị bắt đầu cuộc sống trần thế.

Mỗi người đến thế gian đều là một người con trai hoặc con gái độc nhất vô nhị của Thượng Đế.7 Cuộc hành trình cá nhân của chúng ta đã không bắt đầu vào lúc chào đời. Trước khi chào đời, chúng ta đã ở cùng nhau trong một thế giới để chuẩn bị, nơi chúng ta “đã nhận được các bài học đầu tiên [của mình] trong thế giới linh hồn.”8 Đức Giê Hô Va đã phán cùng Giê Rê Mi: “Trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước.”9

Một số người có thể đặt câu hỏi là có phải cuộc sống bắt đầu khi phôi thai được hình thành, hay là khi trái tim bắt đầu đập, hay khi đứa bé có thể sống sau khi lọt lòng mẹ, nhưng đối với chúng ta, không có nghi ngờ gì là các con trai và con gái linh hồn của Thượng Đế đang trên cuộc hành trình cá nhân của họ đến thế gian để nhận được một thể xác và trải qua cuộc sống trần thế.

Với tư cách là con cái giao ước của Thượng Đế, chúng ta thương yêu, tôn trọng, bảo vệ, và chào đón những linh hồn đang đến từ tiền dương thế.

Sự Đóng Góp Kỳ Diệu của Phụ Nữ

Đối với một phụ nữ, việc có con có thể là một sự hy sinh lớn lao về mặt thể chất, tinh thần, và kinh tế. Chúng ta yêu thương và tôn trọng những phụ nữ tuyệt vời trong Giáo Hội này. Với trí tuệ và sự khôn ngoan, các chị em mang gánh nặng của gia đình mình. Các chị em yêu thương người khác. Các chị em phục vụ. Các chị em hy sinh. Các chị em củng cố đức tin, phục sự những người hoạn nạn, và cống hiến lớn lao cho xã hội.

Trách Nhiệm Thiêng Liêng trong việc Bảo Vệ Sự Sống

Nhiều năm trước, khi cảm thấy quan ngại sâu sắc về số ca phá thai trên thế giới, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói chuyện cùng các phụ nữ của Giáo Hội bằng những lời lẽ mà vẫn còn áp dụng cho chúng ta ngày nay. Ông nói: “Các chị em là những người vợ và người mẹ là những cái neo của gia đình. Các chị em sinh ra con cái. Đó thực sự là một trách nhiệm thiêng liêng và to lớn biết bao. … Điều gì đang xảy ra cho sự thiêng liêng của cuộc sống con người? Sự phá thai là một điều tà ác, có thật, tàn bạo và đáng ghê tởm, đang lan tràn khắp thế gian. Tôi khẩn nài với các phụ nữ của Giáo Hội hãy tránh xa việc phá thai và các tình huống gây tai tiếng mà dẫn đến việc muốn phá thai. Có một số ít tình huống mà việc này có thể xảy ra, nhưng chúng vô cùng hạn chế và hầu như không thể xảy ra.”10 … Các chị em là mẹ của những con trai và con gái của Thượng Đế với cuộc sống thiêng liêng. Việc bảo vệ chúng là một trách nhiệm thiêng liêng được ban cho mà không thể bị xem nhẹ.”11

Anh Cả Marcus B. Nash đã chia sẻ với tôi câu chuyện về một người đàn bà 84 tuổi, mà trong cuộc phỏng vấn cho phép lễ báp têm của mình, “thừa nhận là đã phá thai [nhiều năm trước đó].” Với niềm xúc động chân thành, bà ấy nói: “Tôi đã mang gánh nặng tội lỗi về việc phá thai hằng ngày trong cuộc sống của mình trong bốn mươi sáu năm. … Không có điều gì tôi làm có thể cất đi sự đau đớn và cảm giác tội lỗi đó. Tôi rất vô vọng cho đến khi được giảng dạy về phúc âm chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi học cách hối cải … và bỗng nhiên tôi tràn đầy hy vọng. Cuối cùng, tôi đã biết được rằng tôi có thể được tha thứ nếu tôi thực sự hối cải các tội lỗi của mình.”12

Chúng ta biết ơn biết bao về các ân tứ thiêng liêng của sự hối cải và tha thứ.

Chúng Ta Có Thể Làm Gì?

Trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các môn đồ hiền hòa của Chúa Giê Su Ky Tô là gì? Chúng ta hãy sống theo các lệnh truyền của Thượng Đế, giảng dạy những lệnh truyền đó cho con cái của mình, và chia sẻ chúng với những người sẵn lòng lắng nghe.13 Chúng ta hãy chia sẻ những cảm nghĩ sâu sắc của mình về sự thiêng liêng của cuộc sống với những người đưa ra quyết định trong xã hội. Họ có thể không đánh giá cao điều chúng ta tin tưởng, nhưng chúng ta cầu nguyện rằng họ sẽ hiểu rõ hơn lý do tại sao, đối với chúng ta, các quyết định này vượt xa hơn những điều mà một người mong muốn cho cuộc sống của riêng mình.

Nếu một đứa bé ngoài ý muốn sắp ra đời, chúng ta hãy tiếp cận với tình yêu thương, sự động viên, và, nếu cần, sự giúp đỡ tài chính, để củng cố người mẹ nhằm cho phép đứa trẻ được sinh ra và tiếp tục cuộc hành trình của nó trên thế gian.14

Sự Tuyệt Vời của Việc Nhận Con Nuôi

Trong gia đình chúng tôi, chúng tôi đã được ban phước dồi dào khi cách đây hai thập niên, một thiếu nữ 16 tuổi biết được rằng cô ấy sắp có con. Cô ấy và cha của đứa bé chưa kết hôn, và họ đã không muốn cùng nhau nuôi nấng đứa bé. Thiếu nữ này tin rằng sự sống mà cô ấy đang mang là quý giá. Cô ấy đã hạ sinh một bé gái và cho phép một gia đình ngay chính nhận bé gái ấy làm con nuôi của họ. Đối với Bryce và Jolinne, bé gái ấy là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của họ. Họ đặt tên cho bé gái ấy là Emily và đã dạy cho đứa bé cách tin cậy Cha Thiên Thượng của mình và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Emily và Christian

Emily lớn lên. Chúng tôi biết ơn biết bao rằng Emily và cháu trai của chúng tôi, Christian, đã yêu nhau và kết hôn trong ngôi nhà của Chúa. Emily và Christian giờ đây đã có con gái riêng của họ.

Hình Ảnh
Emily và con gái của chị ấy

Emily gần đây đã viết: “Trong suốt chín tháng mang thai vừa qua, tôi đã có thời gian suy ngẫm về những sự kiện trong sự ra đời [của] chính mình. Tôi đã nghĩ về người mẹ ruột của mình, lúc đó chỉ mới 16 tuổi. Khi tôi trải qua những đau đớn và những thay đổi của việc mang thai, tôi đã không tưởng tượng được việc đó sẽ khó khăn như thế nào khi ở tuổi 16. … Những giọt nước mắt giờ đây tuôn tràn khi tôi nghĩ về người mẹ ruột của mình, người đã biết rằng bà đã không thể cho tôi một cuộc sống [như bà mong muốn cho tôi và đã vô vị kỷ cho] tôi được nhận làm con nuôi. Tôi không thể hiểu được những điều mà bà đã trải qua trong chín tháng đó—bị nhìn ngắm bằng những đôi mắt phán xét khi cơ thể của bà thay đổi, lỡ mất những trải nghiệm của tuổi niên thiếu, biết rằng sau khi kết thúc cuộc vượt cạn của tình mẫu tử này, bà sẽ phải đặt đứa con mình vào vòng tay người khác. Tôi vô cùng biết ơn sự lựa chọn vô vị kỷ của bà, rằng bà đã không chọn sử dụng quyền tự quyết của bà để lấy đi quyền ấy của riêng tôi.” Emily kết thúc: “Tôi rất biết ơn cho kế hoạch thiêng liêng của Cha Thiên Thượng, cho những người cha mẹ tuyệt vời của tôi [đã thương yêu và chăm sóc] tôi, và cho đền thờ nơi mà chúng tôi được làm lễ gắn bó với gia đình mình cho suốt thời vĩnh cửu.”15

Hình Ảnh
Ảnh ghép

Đấng Cứu Rỗi “bắt một đứa trẻ để ở giữa môn đồ; rồi ẵm nó trong tay, mà phán rằng: Hễ ai vì danh ta tiếp một đứa trong những đứa trẻ [nầy], tức là tiếp ta.”16

Khi Các Ước Muốn Ngay Chính Chưa Thành Hiện Thực

Tôi bày tỏ tình thương yêu và lòng trắc ẩn của mình đối với những cặp vợ chồng ngay chính đã kết hôn và không thể có con như họ hằng mong đợi, và đối với những người đàn ông và phụ nữ chưa có cơ hội được kết hôn theo luật pháp của Thượng Đế. Những giấc mơ chưa thành hiện thực trong cuộc sống thật khó để hiểu được nếu chỉ nhìn từ góc độ của trần thế. Với tư cách là một tôi tớ của Chúa, tôi hứa với anh chị em rằng khi trung thành với Chúa Giê Su Ky Tô và các giao ước của mình, thì anh chị em sẽ nhận được các phước lành bù đắp lại trong cuộc sống này và nhận được các ước muốn ngay chính của mình trong kỳ định vĩnh cửu của Chúa.17 Có thể có hạnh phúc trong cuộc hành trình trên trần thế ngay cả khi tất cả các ước vọng ngay chính của chúng ta không thành hiện thực.18

Sau khi ra đời, trẻ em tiếp tục cần chúng ta giúp đỡ. Một số trẻ em cần được giúp đỡ một cách khẩn thiết. Mỗi năm, nhờ sự quan tâm của các giám trợ và những đóng góp hào phóng của anh chị em từ các ngân quỹ của lễ nhịn ăn và hỗ trợ nhân đạo, cuộc sống của hàng triệu trẻ em đã được ban phước. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn gần đây đã công bố thêm 20 triệu đô la để hỗ trợ UNICEF trong nỗ lực toàn cầu của họ nhằm cung cấp hai tỉ liều vắc xin.19 Trẻ em được Thượng Đế yêu thương.

Quyết Định Thiêng Liêng để Có Một Đứa Con

Thật đáng lo ngại rằng ngay cả trong một số quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, có ít trẻ em được sinh ra hơn.20 “Chúng tôi tuyên bố rằng lệnh truyền của Thượng Đế cho con cái của Ngài là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực.”21 Việc khi nào có con và có bao nhiêu đứa con là những quyết định riêng giữa người chồng, người vợ và Chúa. Với đức tin và lời cầu nguyện, các quyết định thiêng liêng này có thể là những trải nghiệm tuyệt vời mang tính mặc khải.22

Tôi xin chia sẻ câu chuyện của gia đình Laing đến từ Miền Nam California. Chị Rebecca Laing đã viết:

Hình Ảnh
Gia đình Laing

“Vào mùa hè năm 2011, cuộc sống của gia đình chúng tôi hầu như hoàn hảo. Chúng tôi đã kết hôn hạnh phúc với bốn đứa con—9, 7, 5, và 3 tuổi. …

“Những lần mang thai và sinh nở của tôi [đều] có nhiều nguy cơ … [và] chúng tôi cảm thấy [rất] có phước khi có được bốn đứa con, và [nghĩ] rằng gia đình chúng tôi đã hoàn chỉnh. Vào tháng Mười, trong lúc lắng nghe đại hội trung ương, tôi đã có cảm giác không thể nhầm lẫn rằng chúng tôi sẽ có thêm một đứa bé nữa. Khi LeGrand và tôi suy ngẫm và cầu nguyện, … chúng tôi biết rằng Thượng Đế có một kế hoạch khác so với kế hoạch của chính chúng tôi.

“Sau một lần mang thai và sinh nở khó khăn nữa, chúng tôi được ban phước với một bé gái xinh đẹp. Chúng tôi đặt tên cho em ấy là Brielle. Em ấy là một phép lạ. Không lâu sau khi em ấy chào đời, trong lúc vẫn còn trong [phòng sinh], tôi đã nghe thấy một tiếng nói không nhầm lẫn được từ Thánh Linh: ‘Sẽ còn thêm một bé nữa.’

“Ba năm sau, lại thêm một phép lạ nữa, đó là Mia. Brielle và Mia là một niềm vui to lớn cho gia đình chúng tôi.” Cô ấy kết thúc: “Việc cởi mở đón nhận hướng dẫn từ Chúa và tuân theo kế hoạch của Ngài cho chúng ta sẽ luôn mang lại niềm hạnh phúc lớn lao hơn là … việc dựa vào sự hiểu biết của riêng mình.”23

Hình Ảnh
Brielle và Mia Laing

Đấng Cứu Rỗi yêu quý mọi đứa trẻ.

“Rồi Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng. …

“Và … [họ] đưa mắt nhìn lên trên trời, … và họ trông thấy các thiên sứ từ trời hạ xuống … ở giữa một đám lửa; rồi các [thiên sứ] này … bao quanh các trẻ nhỏ, … và các thiên sứ này phục sự chúng.”24

Tôi làm chứng rằng cuộc hành trình cá nhân của anh chị em với tư cách là một người con của Thượng Đế đã không bắt đầu khi anh chị em hít lấy hơi thở đầu tiên vào phổi mình, và sẽ không kết thúc khi anh chị em trút hơi thở cuối cùng trên trần thế.

Cầu xin cho chúng ta luôn ghi nhớ rằng mỗi đứa con linh hồn của Thượng Đế đều đến thế gian trong cuộc hành trình cá nhân của riêng đứa trẻ ấy.25 Cầu xin cho chúng ta hãy chào đón, bảo vệ, và luôn yêu thương chúng. Khi anh chị em đón nhận những đứa trẻ quý báu này trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi và giúp đỡ chúng trong cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng, tôi hứa với anh chị em rằng Chúa sẽ ban phước cho anh chị em và trút tình yêu thương cùng sự chấp thuận của Ngài xuống anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thư riêng.

  2. Thư riêng. Xin xem “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 38.

  3. Thư riêng.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 42:45.

  5. Joseph F. Smith, trong Conference Report, tháng Tư năm 1916, trang 3.

  6. Trong bài viết của Trent Toone: “‘A Fulness of Joy’: President Nelson Shares Message of Eternal Life at His Daughter’s Funeral,” Church News, ngày 19 tháng Một năm, 2019, thechurchnews.com.

  7. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 138:56.

  9. Giê Rê Mi 1:5. Kinh Tân Ước kể về thai nhi Giăng Báp Tít nhảy trong bụng mẹ khi Ê Li Sa Bét gặp Ma Ri, người sắp sinh ra hài nhi Giê Su (xin xem Lu Ca 1:41).

  10. Lập trường chính thức của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô:

    “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tin nơi sự thiêng liêng của cuộc sống con người. Do đó, Giáo Hội phản đối việc phá thai tự chọn vì sự thuận tiện của cá nhân hoặc xã hội, và khuyên dạy các tín hữu không nên phục tùng, thực hiện, khuyến khích, chi trả, hoặc sắp xếp cho những ca phá thai như vậy.

    “Giáo Hội cho phép các tín hữu có một số ngoại lệ khi:

    “Việc mang thai là do cưỡng hiếp hoặc loạn luân, hoặc

    Một bác sĩ có thẩm quyền xác định rằng mạng sống hoặc sức khỏe của người mẹ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng, hoặc

    Một bác sĩ có thẩm quyền xác định rằng bào thai có các khuyết tật nghiêm trọng mà sẽ không cho phép đứa trẻ sống sót sau khi sinh.

    “Giáo Hội dạy các tín hữu rằng ngay cả các ngoại lệ hiếm hoi này cũng không biện minh cho việc tự động phá thai. Việc phá thai là một vấn đề nghiêm trọng nhất và chỉ nên được cân nhắc sau khi tất cả những người liên quan đã tham khảo ý kiến của các vị lãnh đạo giáo hội địa phương và cảm thấy qua sự cầu nguyện cá nhận của họ rằng quyết định của họ là đúng.

    “Giáo Hội chưa ủng hộ hay phản đối các đề xuất lập pháp hoặc các cuộc biểu tình công khai nào liên quan đến việc phá thai” (“Abortion,” Newsroom, newsroom.ChurchofJesusChrist.org; xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 38.6.1, ChurchofJesusChrist.org).

  11. Gordon B. Hinckley, “Walking in the Light of the Lord,” Ensign, tháng Mười Một năm 1998, trang 99; Liahona, tháng Một năm 1999, trang 117.

    Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói:

    “Việc phá thai là một điều xấu xa, tồi tệ, một điều chắc chắn sẽ mang lại sự hối hận, đau buồn, và tiếc nuối.

    “Mặc dù phản đối việc đó, chúng tôi cho phép trong những trường hợp như khi mang thai do kết quả của việc loạn luân hay hãm hiếp, khi mạng sống hay sức khỏe của người mẹ bị nguy kịch theo ý kiến của các chuyên viên y khoa thông thạo, hoặc khi bào thai được biết, bởi các chuyên viên y khoa thông thạo, có những khuyết tật trầm trọng mà sẽ không cho phép đứa bé sơ sinh sống sót sau khi sinh ra.

    “Nhưng những trường hợp này là hiếm, và chúng hầu như không có khả năng xảy ra. Trong những trường hợp này, những người có thắc mắc được yêu cầu tham khảo ý kiến của các vị lãnh đạo giáo hội địa phương và cầu nguyện chân thành, có được sự xác nhận qua lời cầu nguyện trước khi tiến hành” (“What Are People Asking about Us?”, Ensign, tháng Mười Một năm 1998, trang 71; Liahona, tháng Một năm 1999, trang 83–84).

  12. Xin xem Neil L. Andersen, The Divine Gift of Forgiveness (năm 2019), trang 25.

    Một dịp nọ ở Pháp, trong một cuộc phỏng vấn phép báp têm, một phụ nữ đã nói với tôi về việc phá thai của cô ấy nhiều năm trước đó. Tôi biết ơn về những điều tốt lành cô ấy đã làm. Cô ấy đã được làm phép báp têm. Khoảng một năm sau đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Một năm sau lễ báp têm của cô ấy, người phụ nữ tuyệt vời này đã được Đức Thánh Linh giảng dạy. Cô ấy gọi điện nức nở: “Anh có nhớ … tôi đã kể với anh về một vụ phá thai cách đây nhiều năm không? Tôi cảm thấy hối hận về điều mình đã làm. Nhưng năm [vừa] qua đã thay đổi tôi. … Lòng tôi đã hướng về Đấng Cứu Rỗi. … Tôi rất đau đớn trước mức độ nghiêm trọng của tội lỗi của mình mà tôi không có cách nào sửa chữa.”

    Tôi đã cảm nhận được tình yêu thương bao la mà Chúa dành cho người phụ nữ này. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Việc phục hồi điều các anh chị em không thể phục hồi lại, việc chữa lành vết thương các anh chị em không thể chữa lành, việc sửa chữa điều các anh chị em đã làm đổ vỡ và không thể sửa chữa chính là mục đích của sự chuộc tội của Đấng Ky Tô. Khi anh chị em mong muốn vững chắc và sẵn lòng trả đến ‘đồng tiền [cuối cùng]’, [xin xem Ma Thi Ơ 5:25–26] thì luật bồi hoàn không còn áp dụng nữa. Nghĩa vụ của anh chị em sẽ được chuyển giao cho Chúa. Ngài sẽ chi trả phần còn lại cho anh chị em” (“The Brilliant Morning of Forgiveness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 19–20). Tôi đã trấn an cô ấy về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Chúa không chỉ cất bỏ tội lỗi khỏi cô ấy, mà Ngài còn củng cố và tinh luyện tinh thần của cô ấy. (Xin xem Neil L. Andersen, The Divine Gift of Forgiveness, trang 154–156.)

  13. Xin xem Dallin H. Oaks, “Bảo Vệ Trẻ Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 43–46.

  14. Việc bảo vệ mạng sống của một người con trai hoặc con gái của Thượng Đế cũng là trách nhiệm của người cha. Mỗi người cha có trách nhiệm về mặt cảm xúc, thuộc linh, và tài chính để chào đón, thương yêu, và chăm sóc đứa bé đang đến thế gian.

  15. Thư riêng.

  16. Mác 9:36–37.

  17. Xin xem Neil L. Andersen, “A Compensatory Spiritual Power for the Righteous” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 18 tháng Tám năm 2015), speeches.byu.edu.

  18. Xin xem Dallin H. Oaks, “The Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, trang 75; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Choices,” Ensign, tháng Mười Một năm 1990.

  19. Xin xem “Bishop Caussé Thanks UNICEF and Church Members for COVID-19 Relief,” Newsroom, ngày 5 tháng Ba năm 2021, newsroom.ChurchofJesusChrist.org.

  20. Ví dụ, nếu Hoa Kỳ duy trì tỉ lệ sinh nở của năm 2008, chỉ 13 năm trước, thì sẽ có thêm 5,8 triệu trẻ em đang sống ngày nay (xin xem Lyman Stone, “5.8 Million Fewer Babies: America’s Lost Decade in Fertility,” Institute for Family Studies, ngày 3 tháng Hai năm 2021, ifstudies.org/blog).

  21. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org. Thánh thư có chép rằng “con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà ra” (Thi Thiên 127:3). Xin xem Russell M. Nelson, “How Firm Our Foundation,” Liahona, tháng Bảy năm 2002, trang 83–84; xin xem thêm Dallin H. Oaks, “Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 27.

  22. Xin xem Neil L. Andersen, “Con Cái,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 28.

  23. Thư riêng, ngày 10 tháng Ba năm 2021.

  24. 3 Nê Phi 17:21, 24.

  25. “Thực ra, chúng ta đều là những người lữ hành—còn là những người thám hiểm của cuộc sống trần thế. Chúng ta không hưởng được kinh nghiệm cá nhân của người đi trước. Chúng ta phải trải qua những hiểm nguy và khó khăn trong cuộc sống của chúng ta nơi đây trên thế gian” (Thomas S. Monson, “Người Xây Cây Cầu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, trang 67).