2005
Chúng Ta Có Thể Biết Sự Tốt Lành Lớn Lao Nào Hơn: Những Người Bạn Giống Như Đấng Ky Tô
Tháng Năm năm 2005


Chúng Ta Có Thể Biết Sự Tốt Lành Lớn Lao Nào Hơn: Những Người Bạn Giống Như Đấng Ky Tô

Thượng Đế biết nhu cầu của con cái Ngài, và Ngài thường làm việc qua chúng ta, thúc giục chúng ta giúp đỡ lẫn nhau

Cách đây một vài tuần chồng tôi và tôi tham dự một phiên lễ đền thờ. Khi bước vào, chúng tôi được chào đón bởi một người làm việc trong đền thờ, một người bạn thân từ tiểu giáo khu của chúng tôi. Sự chào đón đó bắt đầu một kinh nghiệm đặc biệt cho chúng tôi. Chúng tôi đã gặp và đã được phục vụ, hơn bất cứ lúc nào mà tôi nhớ được, bởi nhiều người mà chúng tôi biết: những người bạn từ các tiểu giáo khu trước của chúng tôi, những người bạn từ cộng đồng, những người nam và những người nữ mà chúng tôi đã phục vụ trong nhiều sự kêu gọi khác nhau. Người cuối cùng mà tôi gặp là một thiếu nữ mà tôi không nhận ra. Người ấy rất duyên dáng và khi người ấy bắt đầu nói, thì tôi nhớ ra lập tức: Robin, một trong các thiếu nữ trong lớp Laurel của tôi khi tôi là Chủ Tịch Hội Thiếu Nữ. Khi chúng tôi nói chuyện và trao đổi những kỷ niệm và kinh nghiệm sống, người ấy cho tôi biết thời gian lúc đó có ý nghĩa biết bao đối với người ấy. Tôi cũng cảm thấy như vậy.

Tôi rời đền thờ với sự xúc động bởi sự tử tế nhiều như thế, và nhận biết rằng bạn bè đã quan trọng biết bao đối với tôi trong suốt đời mình. Chúa đã cảm động tinh thần tôi không biết bao nhiêu lần, và Ngài luôn luôn tìm đến tôi qua bàn tay của một nguời bạn.

Ba muơi tám năm tính đến tháng này, Dean và tôi, lúc bấy giờ mới vừa lập gia đình, đi New Mexico để thăm cha mẹ tôi. Trong khi ở đó, cha tôi dẫn chúng tôi đi dạo chơi một ngày trên núi ở miền bắc của tiểu bang. Vào buổi trưa, chúng tôi gặp một chiếc xe hơi bị bỏ lại bên đường với một bánh xe bị xẹp. Người tài xế nói với cha tôi rằng bánh xe sơ cua của ông cũng bị xẹp và ông cần đi nhờ đến thị trấn gần nhất để sửa bánh xe. Cha tôi, khi thấy gia đình của người ấy ở trong xe, đã bảo ông: “Ông sẽ không thể nào đi đến thị trấn và trở lại trước khi trời tối. Nhưng hãy nghe đây, ông có bánh xe cũng bằng kích thước bánh xe của tôi. Hãy lấy bánh xe sơ cua của tôi, và lần sau khi ông đến Albuquerque, thì mang nó trả lại cho tôi.“

Người lạ ấy, sửng sốt bởi lời đề nghị, nói: “Nhưng ông đâu có biết tôi.”

Câu trả lời của cha tôi, tiêu biểu cho con người ông, là: “Ông là một người lương thiện, phải không? Ông sẽ mang bánh xe trả lại cho tôi.”

Một vài tuần sau, tôi hỏi cha tôi về cái bánh xe sơ cua. Ông nói cho tôi biết rằng người đó đã mang bánh xe lại trả.

Cha của tôi, giờ đây 90 tuổi, vẫn sống như vậy. Hầu hết những người cùng tuổi ông nhận chương trình cung cấp thức ăn cho người cao niên, nhưng cha tôi mang giao thức ăn cho người “cao niên.” Ông thường ngồi bên giường của những người bạn đang bệnh hay sắp chết. Ông đi ra với cái cưa máy của mình để giúp Rotary Club với các nỗ lực làm đẹp đường phố thường niên của họ. Khi tôi nghĩ về cuộc sống và hành động của cha tôi, tôi được nhắc nhở về ý nghĩ của Chủ Tịch Packer: ông “tích cực trong phúc âm.” (“Tuổi Già,” Liahona, tháng Năm năm 2003, 82). Cuộc sống của ông, như lời của thánh ca, làm cảm động nhiều người để làm điều tốt, và trong sự cảm động đó, tất cả mọi người đều được tốt hơn (xin xem “Each Life That Touches Ours for Good,” Hymns, số 293). Cha tôi hiểu rõ tình bằng hữu.

Với tư cách là chủ tịch đoàn của Hội Phụ Nữ, đôi khi chúng tôi nghe các phụ nữ nói rằng họ không cảm nhận được tình yêu thương của Chúa. Nhưng có lẽ họ sẽ cảm nhận nhiều tình yêu thương của Ngài hơn nếu họ tìm kiếm ảnh hưởng của Ngài trong các hành động của những người chăm sóc họ. Có thể là một tín hữu của chi nhánh hay tiểu giáo khu của họ, một người hàng xóm, hoặc ngay cả một người lạ là người ban phước cho họ và biểu lộ tình yêu thương của Đấng Ky Tô. Anh Cả Henry B. Eyring dạy chúng ta rằng: “Các anh chị em được kêu gọi để đại diện cho Đấng Cứu Rỗi. Tiếng nói làm chứng của các anh chị em trở thành một như tiếng nói của Ngài, bàn tay nâng đỡ của các anh chị em cũng giống như bàn tay của Ngài.” (“Đáp Ứng Sự Kêu Gọi của Mình,” Liahona, tháng Mười năm 2002, 76). Nếu chúng ta có thể nâng đỡ những người khác trong tôn danh của Đấng Ky Tô, thì chắc chắn chúng ta cũng có thể được nâng đỡ.

Một thầy giảng tại gia mà tôi biết đã kiên trì đi thăm viếng hằng tháng một phụ nữ góa lớn tuổi. Tuy nhiên, còn nhiều hơn chỉ là việc viếng thăm, vào mỗi mùa thu trong năm, người ấy chuẩn bị máy lạnh của người phụ nữ ấy cho mùa đông và xem xét bộ lọc của lò sưởi của người phụ nữ ấy. Đó là tình yêu thương của Thượng Đế, hay tình yêu thương của người thầy giảng tại gia? Dĩ nhiên, câu trả lời là cả hai.

Ân tứ nào lớn lao mà Ngài ban cho,

Sự tốt lành nào lớn lao mà chúng ta biết

Hơn những người bạn giống như Đấng Ky Tô mà đường lối dịu dàng

Củng cố đức tin của chúng ta, làm phong phú cuộc sống của chúng ta.

(Hymns, số 293)

Tôi đã được ban phước trong suốt đời mình bằng những người bạn giống như Đấng Ky Tô—từ những người bạn thời thơ ấu của tôi, đến nhiều người mà đã ban phước cho gia đình của chúng tôi trong tất cả các tiểu giáo khu mà chúng tôi đã sống. Đức tin và sự cam kết với Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô, sự phục vụ của họ, lời chỉ dẫn khôn ngoan và dịu dàng của họ, đã làm phong phú cuộc sống của chúng tôi. Một số bạn của tôi thì rất khác biệt với tôi. Chúng tôi bất đồng ý kiến về những sự việc, ngay cả còn làm cho nhau phát cáu. Nhưng tình bạn thừa nhận những sự khác biệt—thật thế, chấp nhận chúng. Tôi ưa thích đi viếng thăm các giáo khu gồm có những người có những lai lịch, tuổi tác và nguồn gốc chủng tộc khác nhau.

Tôi đang có một kinh nghiệm về một khía cạnh đặc biệt của tình bạn khi tôi phục vụ với Chị Parkin và Pingree và các phụ nữ khác trong các chủ tịch đoàn bổ trợ. Đây là các phụ nữ tốt lành. Ôi, tôi yêu thương họ biết bao. Sau ba năm cùng làm việc chung, các chị em phụ nữ thân yêu trong chủ tịch đoàn biết tôi rất rõ. Họ biết về đức tin và chứng ngôn của tôi, nhưng họ cũng biết về những điều bấp bênh và lo âu của tôi. Họ biết rằng khi tôi mệt mỏi sau một chuyến đi huấn luyện dài, thì bản thân tôi không được tốt lắm. Nhưng tôi cảm nhận được tình yêu thương và sự kiên nhẫn của họ và tôi biết rằng họ vẫn quan tâm đến tôi. Những chứng ngôn và những lời cầu nguyện của họ củng cố tôi. Tiếng cười của họ làm đời tôi vui tươi. Trong mọi ý nghĩa, chúng tôi đều là các chị em với nhau.

Tôi cũng có những kinh nghiệm tương tự với gia đình mình. Một trong các em gái của tôi đang vật lộn với căn bệnh ung thư trong mấy tháng qua. Chúng tôi không sống gần nhau, nhưng những cú điện thoại mang em gái tôi đến gần tôi hơn. Chúng tôi đã chia sẻ tình yêu thương, những lời cầu nguyện, những kỷ niệm, và những chứng ngôn dịu dàng khi em gái tôi trải qua thử thách khó khăn này. Các em gái của tôi là những người bạn quý báu. Cũng như các anh em trai của tôi, người chồng yêu quý của tôi, con cháu của tôi (dù chúng ồn ào như thế nào.)

Trong những năm đầu của Sự Phục Hồi, các tín hữu mới đã quy tụ để tạo thành “Si Ôn.” Si Ôn là một nơi chốn lẫn mục đích—một tinh thần. Chúng ta không còn quy tụ theo lối đó nữa. Các chi nhánh và các tiểu giáo khu của chúng ta giờ đây là Si Ôn của chúng ta. Nhưng chúng chỉ có tinh thần Si Ôn khi các tín hữu quan tâm lẫn nhau. Buồn thay, đôi khi chúng ta nghe về những người nữ, và những người nam đã bị tổn thương và bị các tín hữu khác của giáo hội xa lánh. Nếu các anh chị em ở bên bất cứ phía nào của vấn đề này—người xúc phạm hoặc người bị xúc phạm—thì hãy tìm kiếm sự tha thứ; xem xét phần lỗi của chúng ta. Hãy nhớ đến lời khuyên dạy của Đấng Ky Tô với chúng ta: “Ta nói cho các ngươi hay, hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta” [GLGƯ 38: 27].

Mới đây tôi có cơ hội nói chuyện với một chị phụ nữ là người đã hỏi tôi về Joseph Smith. Chị ấy rõ ràng là ngờ vực về sự kêu gọi và sứ mệnh của ông. Khi tôi nói, những lời của Chúa phán cùng Oliver Cowdery đến với tâm trí tôi: “Hãy trung thành sát cánh với tôi tớ Joseph của ta” (GLGƯ 6: 18). Tôi hy vọng rằng vào ngày đó, và vào mỗi giây phút trong đời tôi, thì điều này có thể nói cùng tôi: “Người ấy đã sát cánh với Joseph.” Tôi muốn làm người bạn của ông.

Chính Joseph Smith cũng là một người bạn tốt đối với nhiều người. Ông nói: “Tình bạn là một trong các nguyên tắc cơ bản lớn lao của ‘Đạo Mặc Môn’’ [nó nhằm] cách mạng hóa và khai hóa thế giới, và khiến cho chiến tranh và sự bất hòa ngưng lại và con người trở thành bạn bè và anh em với nhau” (History of the Church, 5:517).

Và còn nữa, ông biết rằng tình bạn còn có ý nghĩa gì khác hơn là một điều trừu tượng. Ngày nọ, ông biết được rằng căn nhà của một tín hữu bị kẻ thù đốt cháy. Khi các tín hữu Giáo Hội nói họ cảm thấy tội nghiệp cho người ấy, thì Vị Tiên Tri lấy một số tiền từ túi mình và nói: “Tôi cảm thấy tội nghiệp cho người anh em này bằng số tiền năm Mỹ kim. Các anh chị em cảm thấy tội nghiệp cho người anh em ấy bao nhiêu?” (trong Hyrum L. Andrus và Helen Mae Andrus, biên soạn, They Knew the Prophet [1974], trang 150).

Chúng ta có cảm nhận về tình bạn như Tiên Tri Joseph không? Chúng ta có hướng những cảm nghĩ tốt của mình sang sự phụ giúp thực tiễn không? Thượng Đế biết nhu cầu của con cái Ngài, và Ngài thường làm việc qua chúng ta, thúc giục chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Khi hành động theo những thúc giục như thế, thì chúng ta đứng trên đất thánh, vì chúng ta được có cơ hội để phục vụ với tư cách là người đại diện của Thượng Đế trong việc đáp ứng một lời cầu nguyện.

Thưa các anh chị em, nếu chúng ta là bạn của Tiên Tri Joseph, thì chúng ta cũng là bạn của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta có sống một cuộc sống mà rao giảng “sự tận tâm đối với danh của Đấng Cứu Rỗi” không? (xin xem Hymns, số 293). Joseph Smith đã làm thế, và trong năm nay, khi chúng ta vinh danh người đã khai mở gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, thì chúng ta nên nhớ đến không những tình bạn của ông đối với nhân loại, mà còn tình bạn và sự hiến dâng của ông lên Chúa. Vị Tiên Tri đã nói: “Tôi sẽ cố gắng bằng lòng với số phận của mình vì biết rằng Thượng Đế là bạn của tôi. Tôi sẽ tìm thấy sự an ủi nơi Ngài.” (The Personal Writings of Joseph Smith, do Dean C. Jessee [1984], 239 biên soạn; chính tả và cách chấm câu được tiêu chuẩn hóa).

Điều hiển nhiên cho mỗi người chúng ta là tình bạn tối thượng của chúng ta phải là với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã trìu mến phán bảo với chúng ta rằng: “Ta sẽ gọi các ngươi là bạn của ta, vì các ngươi đều là bạn của ta” (GLGƯ 93:45). Ước muốn lớn nhất của Ngài cho chúng ta, các anh chị em của ngài, là mang chúng ta trở về cùng Đức Chúa Cha. Và cách thức cho chúng ta thì rõ ràng: phát triển trong cuộc sống của chúng ta, đến mức độ mà chúng ta có thể, những đức tính và thuộc tính của Đấng Ky Tô. Tuân theo các giáo lệnh của Ngài và làm công việc và theo ý muốn của Ngài.

Khi tôi nghĩ lại cái ngày mà tôi được chào đón trong đền thờ bởi rất nhiều người mà tôi yêu thương, thì tôi cho rằng cuộc sống hằng ngày của chúng ta có thể được ban phước một cách đồng đều. Tôi cảm nhận được tình yêu thương mà dường như là một thoáng yêu thương thuần khiết của Đấng Ky Tô—lòng bác ái mà sẽ làm tràn ngập tâm hồn của chúng ta. Tôi hình dung ra những tiểu giáo khu và chi nhánh nơi mà những người bạn thuộc mọi lứa tuổi và mọi lai lịch cùng đoàn kết và làm gương với cuộc sống của họ theo những điều giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng cùng các anh chị em ngày hôm nay rằng Đấng Ky Tô hằng sống. Tôi cảm tạ Ngài. Tôi cầu nguyện rằng tôi có thể luôn luôn được là bạn của Ngài và khi làm như vậy, tôi cũng sẽ là bạn của các anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.