2005
Hãy Làm Gương
Tháng Năm năm 2005


Hãy Làm Gương

Các em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình trong nhiều cáchbằng những lời mà các em nói, bằng tấm gương mà các em nêu ra, bằng cách thức mà các em sống cuộc sống của mình.

Các em thân mến, cả những em đang nhóm họp trong Trung Tâm Đại Hội tráng lệ lẫn những em theo dõi buổi họp qua hệ thống vệ tinh trên khắp thế giới, tôi cầu xin các em quan tâm đến tôi trong những lời cầu nguyện của các em, để tôi có thể hoàn thành trách nhiệm của mình một cách thích đáng khi ngỏ lời cùng các em.

Chúng ta đã được gây dựng và soi dẫn bởi những sứ điệp của chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nữ, phần âm nhạc tuyệt vời đã được trình bày, và tinh thần tuyệt diệu của buổi họp này. Chúng ta đã nhận được một sự biết ơn mà đã được tái lập đối với Tiên Tri Joseph Smith, về cuộc sống của ông, và về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội yêu thương các em và tin tưởng nơi các em và nơi các vị lãnh đạo của các em. Các em là tấm gương ngay chính trong một thế giới mà rất cần đến ảnh hưởng và sức mạnh của các em.

Có lẽ phương châm của các em có thể đúng theo như lệnh truyền đã được Sứ Đồ Phao Lô đưa ra cho Ti Mô Thê yêu dấu của ông: “Phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”1

Ngày nay, tính dễ dãi, sự đồi bại, hình ảnh sách báo khiêu dâm, và sức ép của bạn bè khiến cho nhiều người bị ném tung vào biển tội lỗi và bị đè nát vào những phiến đá ngầm lởm chởm của cơ hội bị đánh mất, các phước lành bị thiệt và các giấc mơ bị tiêu tan.

Các em thiếu nữ yêu quý , và các chị em là những người mẹ, các vị lãnh đạo và các cố vấn của Hội Thiếu Nữ, tôi xin để lại cho các chị em một quy tắc ứng xử để hướng dẫn bước đi của các chị em một cách an toàn qua cuộc sống trần thế và đến vương quốc thượng thiên của Cha Thiên Thượng. Tôi đã chia quy tắc ứng xử của tôi ra làm bốn phần:

  • Các em có một di sản; hãy kính trọng di sản ấy.

  • Các em sẽ gặp cám dỗ; hãy chống lại cám dỗ ấy.

  • Các em biết được lẽ thật; hãy sống theo lẽ thật ấy.

  • Các em có được một chứng ngôn; hãy chia sẻ chứng ngôn ấy.

Trước hết, các em có một di sản; hãy kính trọng di sản ấy. Và những lời phán ra từ Núi Si Nai vang lớn như sấm vào tai của chúng ta: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.”2

Chao ôi, cha mẹ các em yêu thương các em biết bao, họ cầu nguyện biết bao cho các em. Hãy hiếu kính họ.

Các em hiếu kính cha mẹ mình như thế nào? Tôi thích những lời của William Shakespeare: “Họ không yêu thương nên họ không cho thấy tình yêu thương.”3 Có vô số cách thức mà các em có thể cho thấy tình yêu thương chân thật đối với cha mẹ của mình. Các em có thể vâng lời họ và tuân theo những lời giảng dạy của họ, bởi vì họ sẽ không bao giờ dẫn dắt các em đi sai đường. Các em có thể đối xử với họ với sự kính trọng. Họ đã hy sinh nhiều và tiếp tục hy sinh cho các em.

Hãy thành thật với cha mẹ của các em. Một ý nghĩ về sự thành thật như thế với cha mẹ là truyền đạt với họ. Hãy tránh im lặng với nhau. Tiếng tích tắc của đồng hồ nghe lớn hơn, các cây kim chỉ giờ của nó chuyển động chậm chạp hơn khi đêm tối đã đến, giờ đã trễ và đứa con gái yêu quý chưa về nhà. Nếu các em bị cầm chân lại, thì hãy gọi điện thoại: “Mẹ ơi, Cha ơi, chúng con vẫn bình an. Chỉ ngừng lại để kiếm gì ăn. Xin cha mẹ đừng lo lắng; chúng con không sao cả đâu. Chúng con sẽ về nhà ngay.”

Cách đây một vài năm, trong khi tham dự một buổi họp mặt của giới trẻ tại nghĩa địa Clarkston, Utah, nơi mà mỗi người trong nhóm quan sát tượng kỷ niệm mà đánh dấu mộ phần của Martin Harris, một trong Ba Nhân Chứng về Sách Mặc Môn, tôi đã thấy một vật đánh dấu khác—một tảng đá nhỏ mà trên đó có khắc một cái tên và câu văn đầy cảm động này: “Một ánh sáng từ gia đình của chúng tôi đã ra đi; một tiếng nói mà chúng tôi yêu thương đã tắt. Một chỗ trống rỗng trong tâm hồn của chúng tôi mà không bao giờ có thể được lấp đầy.”

Đừng chờ cho đến khi ánh sáng đó từ gia đình của các em ra đi; đừng chờ cho đến khi tiếng nói mà các em biết bị tắt trước khi các em nói: “Con yêu thương Mẹ; con yêu thương Cha.” Giờ đây là lúc để nghĩ và lúc để cảm tạ. Tôi tin rằng các em sẽ làm cả hai điều đó. Các em có một di sản; hãy kính trọng di sản ấy.

Quy tắc ứng xử kế của chúng ta: Các em sẽ gặp cám dỗ; hãy chống lại cám dỗ ấy.

Tiên Tri Joseph Smith gặp cám dỗ. Các em có thể tưởng tượng được sự nhạo báng, sự khinh miệt, sự chế giễu chắc chắn đã chồng chất lên ông khi ông tuyên bố rằng ông đã thấy một khải tượng không? Tôi nghĩ rằng điều đó có thể trở thành điều hầu như không thể chịu đựng được đối với người thiếu niên này. Ông đã tin chắc rằng nó sẽ dễ dàng hơn để rút lại lời nói của ông về khải tượng và tiếp tục với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, ông đã không nhượng bộ. Đây là những lời của ông: “Quả thật tôi đã trông thấy một ánh sáng, và giữa ánh sáng ấy, tôi đã trông thấy hai Nhân Vật, và hai vị đó đã thật sự ngỏ lời cùng tôi; và mặc dù tôi bị thù ghét và ngược đãi vì tôi đã nói là tôi đã trông thấy khải tượng, nhưng đó vẫn là sự thật;…. Tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được.”4 Joseph Smith đã dạy sự can đảm bằng tấm gương. Ông đã gặp cám dỗ và đã chống lại cám dỗ ấy.

Nhiều em trong số các em quen thuộc với vở kịch Camelot. Tôi muốn chia sẻ với các em một trong những câu ưa thích của tôi từ tác phẩm này. Khi những khó khăn giữa Vua Arthur, Hầu Tước Lancelot và Hoàng Hậu Guinevere tăng thêm, Vua Arthur cảnh cáo: “Chúng ta không được để cho những đam mê của mình hủy diệt các ước mơ của chúng ta.” Tôi muốn để lại lời nói này với các em đêm nay. Đừng để cho những đam mê của các em hủy diệt các ước mơ của mình. Hãy chống lại sự cám dỗ.

Hãy nhớ những lời từ Sách Mặc Môn: “Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”5

Lời khuyên thiết yếu cho sự thành công và hạnh phúc của các em là: “Hãy chọn bạn cẩn thận.” Chúng ta có khuynh hướng trở nên giống như những người mà chúng ta ngưỡng mộ, và họ thường là bạn bè của chúng ta. Chúng ta nên kết giao với những người, giống như chúng ta, đặt kế hoạch không phải cho sự thuận tiện tạm thời, những mục tiêu hời hợt, hoặc tham vọng hẹp hòi—mà đúng hơn là những người biết quý trọng những sự việc quan trọng nhất, chính là các mục tiêu vĩnh cửu.

Hãy duy trì một triển vọng vĩnh cửu. Hãy sống xứng đáng để có được một hôn lễ trong đền thờ nơi tương lai của các em. Không có sự kiện nào tuyệt vời, không có thời gian nào thiêng liêng bằng cái ngày hôn lễ thật đặc biệt ấy của các em. Và rồi nơi đó các em sẽ thoáng thấy niềm vui thiên thượng. Hãy đề cao cảnh giác; đừng để cho sự cám dỗ cướp đi phước lành này khỏi các em.

Hãy chọn mỗi quyết định mà các em dự tính sẽ thành công trong bài trắc nghiệm này: Điều đó ảnh hưởng gì đến tôi? Điều đó làm gì cho tôi? Và để cho quy tắc ứng xử của các em nhấn mạnh đến điều “Tôi sẽ nghĩ về mình như thế nào?” thay vì “Những người khác sẽ nghĩ gì?” Hãy để cho tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái đó chi phối mình. Hãy nhớ rằng một người với thẩm quyền đã đặt tay lên đầu các em lúc làm lễ xác nhận cho các em và nói: “Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh.” Hãy mở rộng lòng mình, chính là tâm hồn của các em, cho tiếng nói đặc biệt đó làm chứng về lẽ thật. Như tiên tri Ê Sai đã hứa: “Tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo.”6

Chiều hướng chung của thời kỳ chúng ta là tính dễ dãi. Chúng ta thấy chung quanh mình các thần tượng của màn ảnh, những người hùng của sân vận động—những người mà nhiều người trẻ tuổi ao ước bắt chước—mà bất chấp các luật pháp của Thượng Đế và hợp lý hóa những lối thực hành tội lỗi, dường như không có những hậu quả xấu. Các em chớ tin vào điều đó! Có lúc phải xét đoán—chính là sự cân nhắc điều tốt với điều xấu. Mọi sự kiện tuyệt vời rồi cũng phải kết thúc; điều đó gọi là Ngày Phán Xét, chính là Cuộc Thi Lớn của Cuộc Sống. Các em có sẵn sàng chưa? Các em có hài lòng với việc làm của mình không?

Các em có thể được giúp đỡ từ nhiều nguồn giúp đỡ. Một nguồn giúp đỡ trong số đó là phước lành tộc trưởng của các em. Một phước lành như thế chứa đựng nhiều giai đoạn trong cuộc sống mà có thể trở thành vĩnh cửu của các em. Hãy thường xuyên đọc phước lành của các em. Hãy nghiên cứu nó kỹ lưỡng. Hãy để mình được hướng dẫn bởi những lời cảnh giác của nó. Hãy sống xứng đáng với những lời hứa của phước lành đó.

Vậy thì, nếu có bất cứ em nào vấp ngã trong cuộc hành trình của mình, thì luôn luôn có một con đường để trở lại. Tiến trình đó gọi là sự hối cải. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta chết để cung ứng cho các em và tôi ân tứ đầy ơn phước đó. Dù con đường đầy khó khăn, nhưng lời hứa thì có thật: “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết.”7 “Và chẳng nhớ tội chúng nó nữa.”8 Các em sẽ gặp cám dỗ; tôi cầu nguyện để các em sẽ chống lại cám dỗ ấy.

Quy tắc ứng xử kế tiếp của chúng ta: Các em biết được lẽ thật; hãy sống theo lẽ thật ấy.

Sau khi Joseph Smith thấy được khải tượng trong Khu Rừng Thiêng Liêng, ông đã không nhận được thêm một sự tiếp xúc nào khác trong ba năm. Các em có thể tưởng tượng được cảm nghĩ của các em ra sao nếu các em đã thấy được Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su, Vị Nam Tử của Ngài, nếu Đấng Ky Tô phán cùng các em và rồi các em không nhận được thêm lời nào hoặc sự tiếp xúc nào khác trong ba năm không? Các em sẽ bắt đầu ngờ vực không? Các em sẽ thắc mắc hoặc hỏi tại sao không? Tiên Tri Joseph Smith đã không thắc mắc, không nghi ngờ, không ngờ vực Chúa. Ông đã nhận được lẽ thật, và ông sống theo lẽ thật ấy.

Các bạn trẻ thân yêu của tôi, các em đã được giữ gìn để sinh ra vào thời kỳ đặc biệt này khi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian. Khi đề cập đến phúc âm và chứng ngôn, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Điều mà chúng ta gọi là chứng ngôn… là có thật và mạnh mẽ như bất cứ lực lượng nào trên thế gian… Nó được tìm thấy nơi người lớn tuổi lẫn người trẻ tuổi… Nó mang theo sự bảo đảm rằng cuộc sống thì có mục đích, rằng một số điều thì rất quan trọng hơn những điều khác, rằng chúng ta đang ở trên cuộc hành trình vĩnh cửu, rằng chúng ta có thể trả lời được với Thượng Đế.”9

Các em đã được giảng dạy về các lẽ thật của phúc âm bởi cha mẹ và các giảng viên của các em trong Giáo Hội. Các em sẽ tiếp tục tìm kiếm lẽ thật trong thánh thư, trong những lời giảng dạy của các vị tiên tri và qua sự soi dẫn mà đến với các em khi các em quỳ xuống và tìm kiếm sự giúp đỡ của Thượng Đế.

Hãy nhớ rằng đức tin và sự nghi ngờ không thể tồn tại cùng một lúc trong tâm trí, bởi vì điều này sẽ xua tan điều kia. Hãy xua tan sự nghi ngờ. Hãy trau dồi đức tin. Hãy luôn luôn cố gắng gìn giữ đức tin giống như của một đứa trẻ mà có thể dời núi và mang thiên thượng đến gần tấm lòng và gia đình hơn.

Khi được thiết lập vững chắc, chứng ngôn của các em về phúc âm, về Đấng Cứu Rỗi và về Cha Thiên Thượng sẽ ảnh hưởng tất cả những gì mà các em làm trong suốt cuộc sống của mình. Nó sẽ giúp quyết định cách thức các em sử dụng thời giờ của mình và ai mà các em sẽ chọn để kết giao. Nó sẽ ảnh hưởng cách thức mà các em đối xử với gia đình mình, cách thức các em giao tiếp với những người khác. Nó sẽ mang đến tình yêu thương, sự bình an và niềm vui vào cuộc sống của các em. Nó sẽ giúp các em quyết định luôn trang nhã trong lối ăn mặc và trong lời lẽ của mình. Trong khoảng một năm qua, chúng tôi đã thấy một sự thay đổi đáng kể trong cách ăn mặc của một số thiếu nữ của chúng ta. Các kiểu quần áo thay đổi, và thời trang đến và đi; nhưng nếu kiểu quần áo không trang nhã, thì việc các thiếu nữ của chúng ta tránh nó là điều quan trọng. Khi ăn mặc trang nhã, các em cho thấy sự kính trọng đối với Cha Thiên Thượng và bản thân mình. Vào lúc này, khi thời trang quần áo được thiết kế theo lối hở hang mà một số thần tượng phim ảnh và âm nhạc đang mặc, thì có thể rất khó để tìm ra y phục trang nhã trong những cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, điều đó có thể làm được và là điều quan trọng. Sứ Đồ Phao Lô đã nói: ‘Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?… Đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ.”10 Các em biết được lẽ thật; hãy sống theo lẽ thật ấy.

Cuối cùng, các em có được một chứng ngôn; hãy chia sẻ chứng ngôn ấy. Đừng bao giờ đánh giá thấp ảnh hưởng sâu rộng của chứng ngôn của các em. Các em có thể củng cố lẫn nhau; các em có khả năng để chú ý đến những người bị bỏ quên. Khi các em có mắt để thấy, tai để nghe, và tấm lòng để cảm nhận, thì các em có thể tìm đến và cứu giúp những em khác thuộc lứa tuổi của mình.

Để minh họa điều đó, tôi xin được chia sẻ với các em một kinh nghiệm mà đã xảy ra cách đây vài năm khi Chị Monson nằm bệnh viện vì té ngã. Vợ tôi nhờ tôi đi tiệm tạp phẩm mua một vài món đồ. Đây là điều mà tôi chưa hề làm trước đó. Tôi có một bản liệt kê đồ để mua kể cả khoai tây. Tôi nhanh chóng tìm ra được một chiếc xe đẩy hàng tạp phẩm và bỏ lên đó một số khoai tây. Tôi không biết gì về những cái bao ni lông mà thường được dùng để đựng đồ mua. Khi tôi đẩy cái xe đi, thì những củ khoai tây rơi xuống sàn nhà, lọt qua hai cái lỗ nhỏ ở phía sau chiếc xe đẩy. Một nhân viên bán hàng ý thức được nhiệm vụ của mình chạy đến giúp tôi và kêu lên: “Để tôi giúp ông!” Tôi cố gắng giải thích cho người ấy biết rằng chiếc xe đẩy hàng của tôi có khuyết điểm. Chỉ lúc đó tôi mới được cho biết rằng tất cả các chiếc xe đẩy hàng đều có hai lỗ ở phía sau và chúng dành cho các em nhỏ để chân.

Kế đến người nhân viên bán hàng lấy bản liệt kê của tôi và giúp tôi tìm ra mỗi món đồ. Rồi người ấy nói: “Ông là Giám Trợ Monson, phải không?”

Tôi đáp rằng trong nhiều năm trước đây tôi quả thật đã là giám trợ. Người ấy nói tiếp: “Vào lúc đó, tôi sống trên Đường Gale trong tiểu giáo khu của giám trợ và không phải là tín hữu của Giáo Hội. Giám trợ đã muốn chắc rằng các thiếu nữ tín hữu tiếp xúc với tôi mỗi tuần và đem tôi đến sinh hoạt Hỗ Tương của Thanh Thiếu Niên và các sinh hoạt khác. Họ là các thiếu nữ tốt lành mà tình bằng hữu và sự tử tế đã cảm động lòng tôi. Tôi muốn giám trợ biết rằng tình bằng hữu mà giám trợ đã sắp đặt cho tôi đã đưa đến việc tôi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội. Điều này thật là một phước lành trong cuộc sống của tôi, và tôi cám ơn giám trợ về lòng nhân từ của giám trợ.”

Các em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình trong nhiều cách—bằng những lời mà các em nói, bằng tấm gương mà các em nêu ra, bằng cách thức mà các em sống cuộc sống của mình.

Cầu xin cho mỗi người chúng ta bắt chước theo tấm gương cao trọng của Tiên Tri Joseph. Ông đã giảng dạy lẽ thật; ông đã sống theo lẽ thật; ông đã chia sẻ lẽ thật. Các em có được một chứng ngôn; hãy chia sẻ chứng ngôn đó.

Các em thân mến, cầu xin Thượng Đế ban phước cho các em. Chúng tôi yêu thương các em; chúng tôi cầu nguyện cho các em. Hãy nhớ rằng các em không bước đi một mình. Chúa đã hứa với các em: “Ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi.”11

Ngày mai là lễ Phục Sinh. Vào đêm trước lễ Phục Sinh này, cầu xin cho ý nghĩa của chúng ta quay về Ngài là Đấng đã cứu chuộc tội lỗi của chúng ta, là Đấng đã chỉ cho chúng ta lối sống, cách cầu nguyện, và là Đấng đã cho thấy bằng hành động của Ngài cách thức mà chúng ta có thể làm như vậy. Sinh ra trong chuồng gia súc, được đặt trong máng cỏ, Vị Nam Tử của Thượng Đế đã gật đầu ra hiệu cho mỗi người chúng ta đi theo Ngài: “Ôi, niềm vui tuyệt vời mà câu này đã mang đến: ‘Tôi biết Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống.’”12 Cầu xin tinh thần của Ngài ở cùng với các em luôn luôn, tôi cầu nguyện trong thánh danh của Ngài—chính là Chúa Giê Su Ky Tô—A Men.

Ghi chú

  1. 1 Ti Mô Thê 4:12.

  2. Xuất Ê Díp Tô Ký 20:12.

  3. The Two Gentlemen of Verona, trong The Complete Works of William Shakespeare, William Aldis Wright xuất bản, ấn bản Cambridge (1936), hồi 1, cảnh 2, dòng 31.

  4. Joseph Smith—Lịch Sử 1:25.

  5. An Ma 41:10.

  6. Ê Sai 30:21.

  7. Ê Sai 1:18.

  8. Giê Rê Mi 31:34.

  9. “Testimony,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 69–70.

  10. 1 Cô Rinh Tô 3:16–17.

  11. GLGƯ 84:88.

  12. Samuel Medley, “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 38.