2005
Tất Cả Con Cái của Ngươi Sẽ Được Dạy Dỗ
Tháng Năm năm 2005


Tất Cả Con Cái của Ngươi Sẽ Được Dạy Dỗ

Các trẻ em cần phải biết rằng việc có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và đi theo Ngài sẽ giúp các em nhận được sự bình yên trong cuộc sống đầy khó khăn này.

Những thảm họa gần đây trên thế giới đã làm chúng ta xúc động. Đặc biệt, những nạn nhân vô tội là những đứa trẻ đang phải chịu sự đau đớn đã làm cho chúng ta buồn rầu. Chúng ta đã nhìn thấy những đứa trẻ không có những người trong gia đình chu cấp, bảo vệ, và yêu thương chúng. Lòng chúng ta mong muốn tìm đến giúp đỡ trong một cách thức nào đó—bất cứ cách thức nào mà sẽ làm giảm đi nỗi đau khổ và đem lại hy vọng cho cuộc sống của chúng. Chúng ta biết ơn những cơ hội mà chúng ta có để giúp đỡ. Chúng ta được khuyến khích bởi những nỗ lực của nhiều người đang giúp đỡ các em này.

Tuy nhiên, chúng ta không cần nhìn đâu xa để tìm những trẻ em đang sống trong các hoàn cảnh khó khăn khác. Vô tình, chúng ta không để ý đến những đứa trẻ sống gần chúng ta. Chúng ta có thực sự ý thức được những trường hợp nguy hiểm đang bao vây các con cái của chúng ta không? Chúng ta thường có thể xác định xem những nhu cầu vật chất của chúng có được đáp ứng đúng không, nhưng còn về các nhu cầu thuộc linh của chúng thì sao? Chúng có biết về ánh sáng và sự bình an của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không? Thánh thư dạy rằng, “Hết thảy con cái ngươi sẽ được Đức Giê Hô Va dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn.”1

Các trẻ em cần sự bình an mà đến từ sự hiểu biết rằng chúng có một Cha Thiên Thượng nhân từ, là Đấng đã gửi đến Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để đem ánh sáng và hy vọng cho thế gian. Nhiệm vụ của chúng ta là những người lớn là phải hướng dẫn các trẻ em đến sự bình an và ánh sáng đó.

Hoàn cảnh không may về phương diện thuộc linh của một số trẻ em trên thế giới ngày nay đã được mô tả trong một bức tranh của nhà họa sĩ Đan Mạch, Carl Block. Bức tranh xinh đẹp này minh họa một câu chuyện trong thánh thư được tìm thấy trong sách Giăng, chương 5. Đấng Ky Tô, Đấng chữa lành và an ủi, là nhân vật chính trong bức tranh. Ngài đang nhấc đi tấm che một người đàn ông bị tàn tật bẩm sinh. Người đàn ông đó đang chờ đợi phép lạ để chữa lành từ ao nước Bê Tết Đa, nhưng chẳng có ai giúp đỡ người ấy. Khi người ấy đợi và hy vọng về một phép lạ, thì Đấng Ky Tô đến đứng trước mặt của người ấy với quyền năng chữa lành người ấy.

Bức tranh gồm có một vài nhân vật ở phía sau, chẳng ai trong số họ nhìn thẳng vào Đấng Ky Tô. Chúa đang ở giữa họ, thế mà chỉ có một người mà nhìn thấy Ngài như vậy. Tất cả những người khác dường như vẫn tiếp tục công việc buôn bán hàng ngày của họ, không chú ý đến quyền năng vĩ đại của Chúa Giê Su và phép lạ sắp diễn ra trước mắt họ. Một đứa trẻ và một phụ nữ, có lẽ là mẹ của nó, có thể nhìn thấy Chúa Giê Su, nhưng giống như những người khác, mắt của họ thì đang tập trung ở một nơi nào khác. Trong sự hiện diện thật sự này của Đấng Cứu Rỗi, người phụ nữ này đã không hướng dẫn con mình đến với Đấng Cứu Rỗi. Tôi tự hỏi, liệu chúng ta cũng sẽ giống như họ bỏ lỡ cơ hội để đến cùng Đấng Ky Tô không? Có phải những kinh nghiệm của cuộc sống đang làm rối trí chúng ta và đang làm rối loạn cái nhìn thuộc linh của chúng ta, nên chúng ta không tập trung vào vấn đề quan trọng nhất chăng? Tôi tự hỏi, chúng ta có bỏ lỡ những cơ hội học hỏi về Chúa và cảm nhận tình yêu thương của Ngài không? Chúng ta có bỏ lỡ những cơ hội chia sẻ với những người khác—nhất là các trẻ em— về điều quan trọng nhất, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không? Tất cả chúng ta đều đã nhìn thấy các trẻ em và giới trẻ đang đứng giữa đám đông lòng đầy hoang mang và muốn biết điều nào quan trọng nhất.

Tôi gần như có thể nghe đứa trẻ này và những đứa trẻ khác kêu lên những lời mà rất nhiều người trong chúng ta đã hát: ” Dạy Con Bước Đi Vào Lẽ Thật.” Hãy nhớ những lời bài hát đó:

Dạy con bước đi vào lẽ thật tình yêu Ngài;

Dạy con biết khấn cầu Cha mến yêu trên trời;

Dạy dỗ con biết những lời điều tốt đúng ý Cha;

Giúp dạy, giúp dạy con bước trong lẽ thật.2

Chúng ta có đang dạy cho con cái của chúng ta biết, cảm nhận, và hân hoan trong vẻ xinh đẹp, quyền năng và phép lạ của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không? Chủ tịch Gordon B. Hinckley đã khuyên dạy rằng: “Chúng ta hãy dạy dỗ con cái của chúng ta về Ngài, là Đấng mà chúng ta gọi là Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta hãy dạy dỗ con cái của chúng ta về các nguyên tắc cứu rỗi trọng đại của phúc âm.”3 Các trẻ em cần phải biết rằng việc có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và đi theo Ngài sẽ giúp chúng nhận được sự bình yên trong cuộc sống đầy khó khăn này.

Chúng ta dạy dỗ con cái của mình bằng cách nào? Chúng ta có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đã đọc về sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi phục sinh với những người ở Tây Bán Cầu. Trong khi giảng dạy cho dân chúng, Ngài đã quy tụ các đứa trẻ lại quanh Ngài. Ngài đã quỳ xuống và cầu nguyện cùng với các trẻ em và cầu nguyện cho chúng. Ngài đã ban phước lành cho từng em một. Ngài đã cảm nhận được sự vui mừng của sự có mặt của chúng và đã mở ra những tầng trời để các trẻ em có thể được giảng dạy từ trên cao.

Khi để cho con cái của các anh chị em có một chỗ ở bàn ăn tối của gia đình, hàng ngày học thánh thư cùng gia đình, và có mặt trong buổi họp tối của gia đình, thì các anh chị em đang noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách yêu thương và dạy dỗ chúng. Trong khi làm như vậy, hãy để cho chúng biết rằng gia đình các anh chị em đang cùng nhau cố gắng tuân giữ các điều giáo lệnh và để xứng đáng trở thành một gia đình vĩnh cửu. Nó có thể là trong những lúc không chính thức khi chỉ có anh chị em và các con cái của mình, để Thánh Linh soi dẫn các anh chị chỉ hỏi những câu hỏi đúng và chỉ nói những điều ngay chính để giúp cho con cái của mình biết và cảm nhận được ánh sáng của Chúa. Nếu chúng ta tạo ra những cơ hội này, thì Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta.

Chúng ta có những trẻ em tuyệt vời, tài giỏi ở giữa chúng ta. Chúng ta có thể giúp chúng tìm ra sự bình an trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau.

Các trẻ em cần trải qua kinh nghiệm về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô để chúng có thể chọn Ánh Sáng và chống lại bóng tối. Môi Se đã có một kinh nghiệm kỳ diệu khi ông được biến hình và nhìn thấy Thượng Đế bằng đôi mắt thuộc linh của ông. Sau khi Môi Se đã được giảng dạy về Thượng Đế và đã nhìn thấy vinh quang và công việc của Ngài, thì Sa Tan đến với Môi Se bằng bóng tối và sự hoang mang. Nhưng nhờ Môi Se đã có kinh nghiệm về ánh sáng và vinh quang của Thượng Đế, nên ông biết được sự khác biệt. Môi Se đã mạnh dạn đứng lên chống lại Sa Tan khi nói rằng: “Ngươi là ai? Vì này ta là con trai của Thượng Đế.”4

Các trẻ em cần được tràn đầy với ánh sáng của phúc âm để khi sự cám dỗ đến thì chúng có thể nói: “Tôi biết tôi là ai. Tôi là con của Thượng Đế. Tôi biết tôi phải làm gì. Tôi phải chịu phép báp têm, nhận được Đức Thánh Linh, và tuân giữ các giáo lệnh.” Sau đó các em có thể nói: “Tôi biết tôi có thể trở thành người như thế nào. Tôi có thể trở thành một thiếu nữ ngay chính” hoặc “Tôi có thể trở thành một thiếu niên ngay chính và nhận được chức tư tế của Thượng Đế.” Các trẻ em được tràn đầy sự hiểu biết và ánh sáng này có thể quyết định chống lại bóng tối và tìm đến ánh sáng và sự bình an của phúc âm.

Các trẻ em, mà có phúc âm trong lòng của chúng, nhận thức được bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng. Đôi khi các trẻ em biết nhiều hơn chúng ta tưởng và có thể làm được nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Tôi đã biết được rằng các trẻ em mà có ánh sáng của phúc âm tức là chúng đang tin. Chúng chẳng nghi ngờ gì. Samantha, 11 tuổi, nói rằng: “Em biết phúc âm là chân chính bởi vì em có thể cảm nhận được điều đó”. Benjamin, ba tuổi, nói: “Em biết Cha Thiên Thượng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của em vì Ngài yêu thương em.” Các trẻ em mà có ánh sáng của phúc âm nói: “Em biết Đức Thánh Linh đang hướng dẫn cuộc sống của em bởi vì em cảm thấy hạnh phúc khi em chọn tuân theo những sự thúc giục của Đức Thánh Linh.”

Sam đang bắt đầu hiểu về những cảm nghĩ đến từ Đức Thánh Linh. Khi mẹ em hỏi em: “Ai là Đức Thánh Linh?” Em trả lời:” Đó là cảm giác ấm áp ở bên trong con. “Sam cũng đã hiểu được rằng khi em trai hai tuần tuổi của em bị bệnh, thì chính là Đức Thánh Linh đã khuyến khích em cầu nguyện xin sự giúp đỡ của Chúa.

Các anh chị em có cảm nhận được sự bình an của các em này không?

Việc dạy dỗ trẻ em đòi hỏi nhiều hơn là ước muốn. Việc này đòi hỏi sự siêng năng nơi phần vụ của chúng ta. Lúc nãy tôi đã nói đến bài hát: “Dạy Con Bước Đi Vào Lẽ Thật,” do Chị Clara McMaster sáng tác. Chị Clara McMaster đã tâm sự với tôi rằng trong khi chị ấy phục vụ trong ủy ban trung ương Hội Thiếu Nhi chị đã được chỉ định để sáng tác một bài hát về việc dạy dỗ trẻ em. Chị đã thấy rằng đây là một nhiệm vụ thật khó khăn và đã cầu nguyện để biết cách bắt đầu và hoàn thành nhiệm vụ này.

Sau nhiều nỗ lực chị đã nộp bài hát đó nhưng rồi chỉ để được cho biết rằng nó chưa hoàn chỉnh. Chị không được cho biết là phải thay đổi điều gì, chỉ tiếp tục cố gắng cho đến khi nào bài hát được hoàn chỉnh. Tinh thần chị bị mệt mỏi vì chị không biết nên tiếp tục thế nào. Một lần nữa chị đã tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa, và thực hiện những thay đổi, và nộp một bài khác. Quá trình này tiếp tục ba lần, cho đến lần cuối, chị được cho biết là nó thật hoàn hảo và chị không cần phải thay đổi gì nữa.

Mặc dù có nhiều lúc chị McMaster muốn bỏ cuộc, nhưng chị vẫn tận tụy làm công việc mà chị đã được yêu cầu làm và điều mà chị hy vọng sẽ ban phước cho cuộc sống của các trẻ em. Âm nhạc đầy soi dẫn của chị đã được hát lên bởi nhiều người lớn và trẻ em trên nhiều phần đất và bằng nhiều thứ tiếng. Bài hát này tượng trưng cho ước muốn của lòng tôi—rằng tất cả các trẻ em sẽ học cách bước đi trong ánh sáng của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Bài hát này bắt đầu với lời nài xin của một đứa trẻ: “Dạy con bước đi vào lẽ thật” và kết thúc bằng một lời cam kết: “Vui mừng, rất mừng được bước trong lẽ thật.”5

Sẽ cần thời gian và nỗ lực để dạy dỗ con cái, nhưng chúng ta không được xao lãng hoặc bỏ cuộc. Con cái của chúng ta rất cần lời hứa được làm tròn, “và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn.”6 Đừng để cho bất cứ đứa trẻ nào tự hỏi là liệu chúng có được Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương không. Hãy để tất cả các trẻ em biết được chúng là ai, chúng nên làm gì, và chúng có thể trở thành người như thế nào.

Tôi biết ơn những người mà đã tìm đến các trẻ em, những người yêu thương chúng và dạy chúng rằng bất luận hoàn cảnh trên thế gian của chúng như thế nào đi nữa thì chúng cũng có thể cảm nhận được sự bình an trong ánh sáng của phúc âm và nhận được những lời hứa của Chúa.

Tôi muốn đặc biệt ngỏ lời với các trẻ em trên toàn thế giới. Tôi đã gặp một số em ở nơi này, và một số em ở những nơi như Phi Châu, Phi Luật Tân, Đại Hàn, và gần đây nhất là Ukraine và Nga. Tôi đã đi thăm các em trong các Hội Thiếu Nhi và ngay cả trong các bệnh viện nhi đồng. Tôi hy vọng các em biết được các em được yêu thương biết bao bởi gia đình các em, các giảng viên Hội Thiếu Nhi của các em, và quan trọng nhất là bởi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy luôn luôn sống xứng đáng với các đặc ân và các phước lành mà Thượng Đế ban cho các em. Tiêu chuẩn mà các em gìn giữ trong cách ăn mặc, lời lẽ, và hành vi của các em là dấu hiệu bên ngoài của sự cam kết bên trong của các em để tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho các em.

Ảnh hưởng của các em đối với tôi thì lớn lao hơn là các em có thể tưởng tượng. Xin cảm ơn các em về niềm vui và hy vọng mà các em đã đem lại cho tâm hồn của tôi, cho tâm hồn của những người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi và nhất là cho cha mẹ của các em. Hãy nhớ bày tỏ sự cảm tạ của các em đối với những người yêu thương và dạy dỗ các em. Tôi biết, và tôi muốn các em biết rằng các em là con cái của Thượng Đế, Cha Thiên Thượng yêu thương các em, và các em có thể cầu nguyện lên Ngài bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Hãy cố gắng luôn luôn ghi nhớ và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và điều này sẽ mang ánh sáng và sự bình an vào cuộc sống của các em bây giờ và mang đến hy vọng cho các em nơi thời vĩnh cửu. Tôi làm chứng về điều này trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. 3 Nê Phi 22:13.

  2. “Dạy Con Bước Đi Vào Lẽ Thật,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, 66.

  3. “Messages of Inspiration from President Hinckley,” Church News, ngày 4 tháng Chín năm 1999, 2.

  4. Môi Se 1:13.

  5. Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, 66.

  6. 3 Nê Phi 22:13.