2005
Tin Lành từ Cumorah
Tháng Năm năm 2005


Tin Lành từ Cumorah

Các em và tôi không những vượt qua khỏi được mà còn thắng thế, như Mô Rô Ni đã làm, trong các nỗ lực của mình để bênh vực cho lẽ thật trong những thời kỳ khó khăn.

Khi đến viếng căn nhà gỗ nhỏ và khiêm tốn đã được sửa chữa lại của Joseph Smith, tôi đã có cảm giác rằng tôi đang ở một nơi thánh. Tôi đang ở chỗ mà thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến lần đầu tiên cùng Joseph Smith để khai mở công việc vĩ đại và kỳ diệu này của Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi đang suy ngẫm về những cuộc sống tương tác của hai vị tiên tri cao trọng này—Mô Rô Ni, vị tiên tri cuối cùng trong thời kỳ của ông, và Joseph, vị tiên tri đầu tiên của gian kỳ chúng ta—tôi đã có những giây phút “áp dụng”. Tôi xin chia sẻ một số bài học “áp dụng” khi tôi làm chứng về “công việc vĩ đại và kỳ diệu” này.

Khi Joseph lần đầu gặp Mô Rô Ni, ông mới được 17 tuổi, lứa tuổi của nhiều thiếu nữ trong số các em. Chúng ta biết được chính xác thời gian và nơi chốn. Đó là vào buổi tối ngày 21 tháng Chín năm 1823, trong một căn phòng trên lầu trong khi năm người anh em của ông đang ngủ. Joseph cầu nguyện rằng ông “có thể được biết về tình trạng và vị thế của [ông] trước mặt [Thượng Đế]” (JS—LS 1:29). Joseph cảm thấy không thích đáng và bất xứng trước mắt Thượng Đế. Ông nói rằng ông đã không phạm bất cứ tội “tày đình hoặc độc ác nào,” mà chỉ vấp phải “nhiều lỗi lầm dại dột và đã biểu lộ sự non kém của tuổi trẻ” (JS—LS 1:28), nên ông đã cầu nguyện để được an lòng. Tôi có thể thông cảm hoàn toàn với những cảm nghĩ của thiếu niên Joseph, như tôi biết nhiều người trong các em có thể làm được như vậy. Đã bao lần mỗi người chúng ta quỳ xuống với những cảm nghĩ bất xứng như thế và cần sự bảo đảm của thiên thượng?

Để đáp lại lời cầu nguyện đầy ăn năn và trung thành của Joseph, Mô Rô Ni, một sứ giả từ thiên thượng, đã hiện đến cùng ông. Joseph chép lại rằng “ông gọi tên tôi và nói… rằng Thượng Đế có một công việc giao cho tôi thực hiện” (JS—LS 1:33). Joseph đã “hết sức kinh dị về những điều mà vị sứ giả ấy thường nói với [ông]” (JS—LS 1:44).

Chúng ta cũng có thể nhận được sự bảo đảm của thiên thượng để đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta có thể nhận được lời chứng rằng Cha Thiên Thượng biết đích danh chúng ta và rằng Ngài có một sứ mệnh trên thế gian cho chúng ta thực hiện.

Thiên Sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph hai lần nữa trong đêm đó, và rồi một lần nữa trên cánh đồng và trên sườn đồi vào ngày hôm sau, và rồi mỗi năm trong bốn năm kế tiếp ở nơi mà giờ đây chúng ta biết là đồi Cumorah. Vào ngày thứ nhất đó, Mô Rô Ni đã lặp đi lặp lại cùng sứ điệp đó. Các em có thể nào so sánh điều này với bất cứ điều gì mà các em trải qua không? Các con của tôi đôi khi chọc tôi rằng tôi đã kể đi kể lại cho chúng nghe những điều giống nhau. Đừng khó khăn quá đối với cha mẹ và các vị lãnh đạo của các em khi chúng tôi tự lặp đi lặp lại. Chúa đã cho Mô Rô Ni giảng dạy vị tiên tri trẻ tuổi qua sự lặp đi lặp lại. Sự lặp đi lặp lại khắc ghi các nguyên tắc phúc âm vào tâm trí của chúng ta.

Với những cuộc viếng thăm đều đặn này từ thiên sứ, một mối quan hệ vinh quang đã phát triển giữa vị tiên tri thời xưa đó là người đã niêm kín các bảng khắc với vị tiên tri hiện đại là người đã được chọn để mang các bảng khắc đó ra ánh sáng. Tôi tin rằng chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng tình yêu thương đối với hai vị tiên tri thời xưa lẫn thời nay trong lòng chúng ta. Thật là thích hợp để có bức tượng của Thiên Sứ Mô Rô Ni ở trên đỉnh các ngôi đền thờ hiện đại của chúng ta. Những bức tượng này nhắc nhở rằng Mô Rô Ni là “vị thiên sứ vinh quang từ trên cao [là vị] đã đánh tan sự im lặng dài lâu,” (Hymns, số 13), là bài thánh ca mà ca đoàn của chúng ta sẽ hát tối nay về vị ấy.

Joseph Smith đã học rất nhiều từ Mô Rô Ni. Rồi trong sự an toàn và thánh thiện của căn nhà gỗ đó nơi mà Mô Rô Ni đã hiện đến, Joseph đã chia sẻ nhiều điều mà ông đã học biết được với gia đình mà có tinh thần tiếp thu của mình. Mẹ của ông nói:

“Thỉnh thoảng Joseph đã tiếp tục nhận được những chỉ dẫn, và mỗi buổi tối chúng tôi quy tụ con cái mình lại và dành thời giờ của chúng tôi ra để thảo luận về những điều đó…. Tôi nghĩ chúng tôi đã cho thấy khía cạnh đặc biệt nhất của bất cứ gia đình nào đang sống trên thế gian, tất cả mọi người đều ngồi thành vòng tròn, … lắng nghe với lòng khát khao trọn vẹn về những lời giảng dạy về tôn giáo của một thiếu niên mười tám tuổi” (The Revised and Enhanced History of Joseph Smith by His Mother, do Scot Facer Proctor và Maurine Jensen Proctor xuất bản [1996], 111).

Do những buổi họp tối gia đình hằng ngày này, Lucy Mack Smith đã nói rõ rằng đây là lúc mà trong nhà họ có được sự đoàn kết đằm thắm, hạnh phúc, và yên tĩnh. Thiếu niên Joseph thật là một gương mẫu cho chúng ta về việc củng cố nhà cửa và gia đình! Ông không giữ chứng ngôn và những kinh nghiệm thuộc linh cho bản thân mình mà thường chia sẻ với cha mẹ và các anh chị em của mình. Chúng ta cũng có thể làm như thế trong nhà của mình.

Gia đình Smith cần đoàn kết và nương tựa lẫn nhau bởi vì những ngược đãi bên ngoài đối với Joseph và gia đình thì liên tục. Có lẽ những lời giảng dạy và tấm gương của Mô Rô Ni đã giúp Tiên Tri Joseph học biết cách thức đứng lên làm nhân chứng trong một thế giới tà ác. Mô Rô Ni đã sống trong loại thế giới mà ông tiên đoán sẽ xảy ra trong những thời kỳ cận đại—“một ngày … mà sẽ có … những sự giết chóc, trộm cắp, dối trá, lường gạt, tà dâm, cùng mọi hành vi khả ố” (Mặc Môn 8:31).

Mô Rô Ni cũng biết trực tiếp về sự cô đơn và sự chán nản. Sau một trận đại chiến giữa dân Nê Phi và dân La Man mà tất cả dân của ông bị hủy diệt, ông đã than khóc rằng: “Tôi còn trơ trọi một mình. Thân phụ tôi đã bị giết trong chiến trận, cùng với tất cả họ hàng của tôi, và tôi cũng không còn bạn bè nào nữa, cũng không còn nơi nào để đi; và Chúa sẽ cho tôi sống đến bao lâu nữa, tôi cũng không biết.” (Mặc Môn 8:5). Các em có cảm thấy được nỗi cô đơn và chán nản của Mô Rô Ni không?

Tôi nhận thức rằng nhiều người trong chúng ta đôi khi cũng cảm thấy không có bạn bè và trơ trọi trong một thế giới tà ác. Một số người trong chúng ta cảm thấy rằng chúng ta “không còn nơi nào để đi” khi chúng ta gặp thử thách. Nhưng các em và tôi không những vượt qua khỏi được mà còn thắng thế, như Mô Rô Ni đã làm, trong các nỗ lực của mình để bênh vực cho lẽ thật trong những thời kỳ khó khăn. Ông đã làm gì khi đương đầu với một thế giới cô đơn và thù địch? Trong sự trung tín tuân theo sự hướng dẫn của cha mình, ông đã kết thúc biên sử trên những bảng khắc bằng vàng. Ông đã quen thuộc với những bản văn của các vị tiên tri. Hơn hết, ông đã tranh đấu để ra khỏi sự chán nản của mình bằng cách bám lấy những lời hứa của Chúa về tương lai. Ông đã bám lấy những giao ước mà Thượng Đế đã lập với gia tộc Y Sơ Ra Ên để ban phước cho họ mãi mãi.

Mô Rô Ni đã sử dụng đức tin nơi các phước lành đã được hứa cho các thế hệ mai sau. Anh Cả Jeffrey R. Holland đã giải thích rằng sự đoán trước đầy vui mừng này của các vị tiên tri thời xưa, kể cả Mô Rô Ni, là nhờ vào việc họ đã thấy được thời kỳ của chúng ta trong khải tượng. Họ đã thấy những người trẻ tuổi vững mạnh, biết tuân giữ giao ước như các em, là những người sẽ thực hiện công việc của Chúa trong gian kỳ sau cùng này. Anh Cả Holland đã nói: “Các vị lãnh đạo trong những thời kỳ đã qua đó đã có thể tiếp tục,… không phải vì họ biết rằng họ sẽ thành công mà vì họ biết rằng các em sẽ thành công … một giáo đoàn kỳ diệu của các thiếu nữ giống như các em… trong nỗ lực kiên quyết để thấy phúc âm chiến thắng và thành tựu” (“Terror, Triumph, and a Wedding Feast,” buổi họp đặc biệt Church Educational System, ngày 12 tháng Chín năm 2004; xin xem www.ldsces.org). Chúng ta có trách nhiệm lớn lao đó để làm tròn “sự đoán trước đầy vui mừng” của Mô Rô Ni.

Chúng ta là những người thuộc vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được ràng buộc bởi giao ước với Chúa. Ngài đã phán: “[Ta] … chẳng quên ngươi…. Ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta” (Ê Sai 49:15–16; xin xem thêm 1 Nê Phi 21:15–16).

Quyền năng ràng buộc và củng cố các giao ước trong cuộc sống của chúng ta trở nên thật đúng đối với tôi mới đây khi những người bạn thân mến của chúng tôi trải qua một sự mất mát bi thảm trong gia đình họ. Trong khi Catherine và Kimball Herrod và bốn đứa con nhỏ của họ, tuổi từ chín tháng đến bảy tuổi, đang lái xe về nhà từ một bữa ăn tối với gia đình tại nhà của ông bà ngoại, thì một cặp bánh xe to lớn của chiếc xe vận tải khổng lồ ở phía bên kia của xa lộ đột nhiên văng ra bay ngang qua đường, và đâm sầm vào bên phía người lái của chiếc xe van gia đình. Kimball, người lái xe, người chồng và người cha bị thương nặng và bất tỉnh. Bằng mọi cách, Catherine lái được chiếc xe vào lề đường và gọi số điện thoại giúp đỡ khẩn cấp. Trong khi nhìn các nhân viên cứu thương giúp chồng chị và hai đứa con lớn, chị ngồi trong xe cảnh sát với hai đứa con nhỏ ngồi trong lòng mình và cầu nguyện lớn: “Thưa Cha Thiên Thượng, chúng con biết rằng Ngài có quyền năng để chữa lành Kimball nếu đó là ý muốn của Cha, nhưng nếu không, thì chúng con vẫn có đức tin rằng bằng cách nào đó Cha sẽ giúp đỡ chúng con vượt qua cảnh này.” Kimball được không vận đến bệnh viện, nhưng anh đã chết trước khi đến bệnh viện.

Sau khi những đứa con đã được chăm sóc những vết cắt, vết bầm và những vết thương nhỏ khác, và được xuất viện, và đi ngủ an toàn trong nhà, Catherine trở lại bệnh viện để nói lời vĩnh biệt sau cùng trên trần thế với người chồng của mình. Điều đó rất là khó khăn, chị đã nói với cha mẹ của chị đang ở bên chị: “Con biết rằng Kimball và con đã được làm lễ gắn bó bởi các giao ước đền thờ của chúng con, và một ngày nào đó chúng con sẽ lại có nhau.” Trong thử thách khủng khiếp nhất của cuộc sống của người mẹ trẻ, các giao ước của chị đã giữ chị đứng vững.

Tại tang lễ, chúng tôi được nhắc nhở về quyền năng của các giao ước để giữ chúng ta đứng vững trong những lúc đau khổ và buồn phiền. Khi chúng tôi cùng hát bài thánh ca kết thúc, chúng tôi đều nghe rõ tiếng hát lớn của Taylor, đứa con trai năm tuổi, ca bài “Gia Đình Có Thể Sống Với Nhau Vĩnh Viễn” (Hymns, số 300). Giáo đoàn vui sướng để biết rằng một đứa trẻ đã được dạy về các giao ước gắn bó mà sẽ ràng buộc nó với cha mẹ nó.

Chúng tôi cũng được giảng dạy về quyền năng của các giao ước trong bài giảng của cha của Catherine. Ông đã trích ra một câu thánh thư từ biên sử quý báu mà Mô Rô Ni đã niêm kín và rồi mang đến cho Tiên Tri Joseph, nhắc chúng ta nhớ rằng phúc âm hứa ban cho chúng ta một nền tảng vững chắc trong cơn bão tố và phong ba, chứ không phải một sự yếu ớt, mỏng manh:

“Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra,… thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng,… vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc” (Hê La Man 5:12).

Sức mạnh sâu xa mà gia đình đã cho thấy đến từ sự hiểu biết rằng họ được ràng buộc với nhau vĩnh viễn chung một gia đình, và họ được ràng buộc với Cha Thiên Thượng và không thể tách rời khỏi Ngài.

Giống như Mô Rô Ni, Joseph Smith, và Catherine cùng Kimball, chúng ta cũng có thể đạt được chiến thắng qua những thử thách, sự tà ác, và sự ngược đãi. Các giao ước của chức tư tế ràng buộc chúng ta vĩnh viễn với các gia đình trên trần thế và trên thiên thượng và củng cố chúng ta với sự ngay chính và quyền năng.

Tôi biết ơn biết bao được sống trong thời kỳ vĩ đại và kỳ diệu này khi mà phúc âm đã được phục hồi! Tôi làm chứng và biết ơn hai vị tiên tri cao trọng Mô Rô Ni và Joseph Smith, là hai vị đã gặp nhau trong căn phòng trên lầu đó và rồi cùng hợp tác để cho ra đời Sách Mặc Môn. Tôi xin kết thúc bằng cách lặp lại lời reo mừng của Tiên Tri Joseph về phúc âm phục hồi:

“Giờ đây, chúng ta nghe được gì về phúc âm mà chúng ta đã nhận được? Một tiếng nói hoan hỷ !…

“…Những tin lành từ Cơ Mô Ra! Mô Rô Ni, một thiên sứ từ thiên thượng, tuyên bố sự ứng nghiệm các lời tiên tri—một cuốn sách được tiết lộ…

“Hỡi các anh [chị, em], lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy?… Hãy để cho tâm hồn mình được hân hoan và hết sức vui vẻ….

“… Vậy, chúng ta là một giáo hội và một dân tộc,… hãy dâng của lễ lên Chúa trong sự ngay chính” (GLGƯ 128:19, 20, 22, 24).

Tôi biết đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Cầu xin cho mỗi người chúng ta để cho phúc âm thấm sâu vào hồn mình ngõ hầu chúng ta yêu thương và phục vụ Thượng Đế một cách hết lòng, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.