2005
Sự Kêu Gọi Phục Vụ Thiêng Liêng
Tháng Năm năm 2005


Sự Kêu Gọi Phục Vụ Thiêng Liêng

Một người thi hành bổn phận của mình mang đến một cảm giác hạnh phúc và bình an.

Tôi cũng muốn bày tỏ lời chào mừng của tôi đến những người đã được kêu gọi với những chỉ định mới tại đại hội này và những lời chúc mừng chân thành của tôi đối với những người đã nhận được sự giải nhiệm vinh dự từ sự phục vụ của họ. Công việc đang tiến triển. Chúng tôi yêu thương mỗi người trong các anh em.

Các anh em thân mến của tôi, tôi rất hân hạnh có được cơ hội để nói chuyện cùng các anh em tối nay. Quả là một niềm vui để thấy Trung Tâm Đại Hội nguy nga này đông đảo các anh em nắm giữ chức tư tế của Chúa, cả trẻ lẫn già. Khi tôi nhận thấy rằng những nhóm đông tương tự như vậy cũng quy tụ lại trên khắp thế giới, lòng tôi cảm thấy tràn ngập ý thức trách nhiệm. Tôi cầu nguyện cho sự soi dẫn của Chúa sẽ dìu dắt các ý tưởng và soi dẫn những lời nói của tôi.

Chủ Tịch Joseph F Smith đã đưa ra lời tuyên bố sau đây về chức tư tế. Ông nói rằng: “Chức Tư Tế Thánh là thẩm quyền mà Thượng Đế đã ủy nhiệm cho loài người, mà qua đó họ có thể nói lên ý muốn của Thượng Đế…. Chức tư tế này rất thiêng liêng, và cần phải được loài người luôn giữ gìn để được thiêng liêng. Chức tư tế này phải được kính trọng và tôn trọng bởi bất cứ người nào nắm giữ chức ấy.”1

Lời thề và giao ước của chức tư tế gắn liền với tất cả chúng ta. Đối với những người nắm Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, đó là lời tuyên bố về sự đòi hỏi chúng ta phải trung thành và tuân theo các luật pháp của Thượng Đế và làm vinh hiển những sự kêu gọi của mình. Đối với những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, đó là lời tuyên bố về bổn phận và trách nhiệm tương lai, để họ có thể tự chuẩn bị bây giờ.

Chủ tịch Marion G Romney, cựu thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Mỗi người mang Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc phải siêng năng và nghiêm trang lưu ý đến ý nghĩa của lời thề và giao ước này mà người ấy đã nhận được. Việc không thi hành những bổn phận đòi hỏi của chức tư tế thì sẽ chắc chắn đem lại sự thất vọng, đau buồn và nỗi đau khổ.”2

Chủ tịch Spencer W. Kimball cũng thêm vào: “Một người vi phạm giao ước của chức tư tế bằng cách vi phạm các giáo lệnh—nhưng cũng có thể vi phạm giao ước đó bằng cách không làm các bổn phận của mình. Do đó, để vi phạm giao ước này, một người chỉ cần không làm gì cả.”3

Một vị mục sư nổi tiếng đã nhận xét: “Con người sẽ làm việc khó nhọc để có tiền. Con người sẽ làm việc siêng năng hơn cho những người khác. Nhưng con người sẽ làm việc siêng năng hơn hết khi họ tận tâm với một chính nghĩa…. Việc thi hành bổn phận không khi nào được coi là xứng đáng trừ khi người thi hành bổn phận đó vui vẻ làm nhiều hơn nếu người ấy có khả năng để làm.”4

Một người thi hành bổn phận của mình mang đến một cảm giác hạnh phúc và bình an. Một thi sĩ đã viết:

Tôi ngủ và mơ thấy đời là niềm vui.

Tôi tỉnh dậy và thấy đời là bổn phận.

Tôi làm việc, và kìa xem—

Bổn phận là niềm vui.5

Tiếng gọi của bổn phận thường đến một cách lặng lẽ khi chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế đáp ứng những sự chỉ định mà mình nhận được. Chủ Tịch George Albert Smith, một người lãnh đạo khiêm nhường nhưng hữu hiệu, đã nói: “Trước hết bổn phận của các anh em là học biết việc Chúa muốn gì và rồi sau đó qua quyền năng và sức mạnh của Chức Tư Tế thánh [của các anh em] để làm vinh hiển sự kêu gọi của mình trước sự hiện diện của bạn bè của mình trong một cách thức để mọi người sẽ vui sướng mà đi theo các anh em.”6

Làm vinh hiển chức vụ của mình có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là xây đắp nó trong danh dự và tầm quan trọng, làm cho nó được đáng kính trọng và đáng khen ngợi trước mặt mọi người, để bành trướng và củng cố nó, để ánh sáng của thiên thượng chiếu qua nó trước mắt những người khác.

Một người làm vinh hiển sự kêu gọi của mình như thế nào? Chỉ bằng cách thực hiện sự phục vụ liên hệ đến nó. Một người anh cả làm vinh hiển sự kêu gọi đã được sắc phong của một anh cả bằng cách học hỏi các bổn phận của mình với tư cách là một anh cả và thi hành bổn phận ấy. Như trường hợp của một anh cả, thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế, vị giám trợ, và mỗi người nắm giữ chức phẩm trong chức tư tế đều cũng giống như vậy.

Thi sĩ và tác giả Robert Louis Stevenson nhắc nhở chúng ta rằng: “Tôi biết điều thú vị là gì, vì tôi đã làm việc thành công.”

Thưa các anh em, chúng ta hãy ghi nhớ lời khuyên dạy của Vua Bên Gia Min: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng đế của mình vậy.”7

Chúng ta hãy tìm đến cứu giúp những người cần sự giúp đỡ của chúng ta, và nâng họ lên trên đường cao hơn và lối tốt hơn. Hãy chú tâm đến nhu cầu của những người nắm giữ chức tư tế và vợ con của họ mà đã trở nên kém tích cực. Cầu xin cho chúng ta lắng nghe thông điệp ngầm từ lòng họ. Các anh em sẽ thấy nó rất quen thuộc: “Cầm tay dìu tôi, bước cận kề tôi,/ Chúa giúp kiếm lối đi./ Ngài dạy điều tôi phải thi hành / Để sống với Cha một ngày.”8

Công việc giúp các tín hữu trở nên tích cực không phải là công việc cho kẻ biếng nhác hay mơ mộng vẩn vơ. Con cái sẽ lớn lên, cha mẹ sẽ già nua, và thời giờ sẽ không chờ đợi ai. Chớ nên trì hoãn việc làm theo một sự thúc giục; thay vì thế, phải hành động ngay, và Chúa sẽ mở đường cho chúng ta.

Đức tính kiên nhẫn thiêng liêng thường rất cần thiết. Khi còn là giám trợ, một ngày nọ tôi cảm thấy cần đi thăm một người mà có người vợ cùng con cái có phần tích cực. Nhưng người này không bao giờ đáp ứng. Hôm đó là một ngày hè nóng bức khi tôi gõ cửa lưới nhà Harold G. Gallacher. Tôi có thể thấy anh Gallacher ngồi trên ghế đọc báo. Anh hỏi “Ai đó?” nhưng không hề nhìn lên.

Tôi đáp: “Giám trợ của anh. Tôi đến để làm quen với anh và để khuyến khích anh cùng đi tham dự với gia đình các buổi họp của chúng tôi.”

Anh khinh khỉnh trả lời: “Không được, tôi rất bận.” Anh không hề nhìn lên. Tôi cám ơn anh đã lắng nghe và đi ra ngưỡng cửa.

Gia đình Gallacher dọn đi California trong thời gian ngắn sau đó. Nhiều năm trôi qua. Rồi, với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai, một ngày nọ khi tôi đang làm việc ở văn phòng, thì người thư ký của tôi gọi nói rằng: “Anh Gallacher nào đó từng ở trong tiểu giáo khu của ông hiện đang có mặt trong văn phòng và muốn nói chuyện với ông.“

Tôi trả lời: “Xin hỏi ông ấy có phải tên là Harold G. Gallacher là người đã từng với gia đình mình sống tại Vissing Place ở West Temple và Fifth South không?”

Chị ấy đáp: “Đúng là ông ấy.”

Tôi bảo chị ấy cho anh ấy vào. Chúng tôi có một cuộc nói chuyện thân mật với nhau về gia đình anh. Anh ấy cho tôi biết: “Tôi đến để xin lỗi anh vì vào ngày hè năm xưa đã không rời khỏi ghế để mời anh vào nhà.” Tôi hỏi anh ấy có tích cực trong Giáo Hội không. Anh mỉm cười và đáp rằng: “Tôi là cố vấn trong giám trợ đoàn của tiểu giáo khu của tôi. Lời mời đi nhà thờ của anh và lời từ chối của tôi cứ ám ảnh tôi đến nỗi tôi đã quyết định phải làm gì điều gì về việc đó.”

Anh Harold và tôi đã viếng thăm nhau trong nhiều dịp trước khi anh qua đời. Gia đình Gallacher và con cái của anh đã đảm trách nhiều sự kêu gọi trong Giáo Hội.

Chủ Tịch Stephen L Richards, là người đã phục vụ với tư cách là cố vấn cho Chủ Tịch David O. McKay, đã nói: “Chức Tư Tế thường chỉ được định nghĩa là ‘quyền năng của Thượng Đế ủy nhiệm cho con người.’” Ông tiếp tục: “Định nghĩa này, theo tôi nghĩ, là chính xác. Nhưng vì các mục đích thực tiễn, tôi thích định nghĩa Chức Tư Tế như là sự phục vụ, và tôi thường gọi nó là ‘kế hoạch phục vụ hoàn hảo’… Nó là dụng cụ của sự phục vụ… và người nam nào mà không sử dụng nó thì dễ mất nó, vì chúng ta đã được cho biết một cách rõ ràng qua sự mặc khải rằng kẻ nào xao lãng nó thì ‘sẽ không được xem là xứng đáng để đứng.’”9

Tháng Giêng vừa rồi, tôi đã có đặc ân để chứng kiến một hành động phục vụ lớn lao trong cuộc sống của một phụ nữ là người đã sống trong tiểu giáo khu của tôi nơi mà tôi đã phục vụ với tư cách là giám trợ cách đây nhiều năm. Chị ấy tên là Adele, và chị ấy cùng hai người con gái đã lớn—một người bị tật nguyền—đã nhiều năm sống trong khu vực Rose Park thuộc Thung Lũng Salt lake. Adele là một quả phụ, đã vất vả về vấn đề tài chính, và cuộc sống của chị thường đầy khó khăn.

Tôi đã nhận được cú điện thoại từ một người có liên quan đến Dự Án Gingerbread House để mời tôi khánh thành nhà của Adele, việc tu sửa nhà chị ấy đã được thực hiện chỉ hơn ba ngày đêm bởi nhiều người nhân từ và rộng rãi, tất cả đều tình nguyện làm việc với vật liệu quyên góp từ nhiều doanh nghiệp địa phương. Trong thời gian ngôi nhà chị được tu sửa, thì Adele cùng hai người con gái của chị được tiếp đón ở một thành phố cách xa vài dặm mà nơi đó họ được chiêu đãi rất ân cần.

Tôi có mặt nơi đó khi chiếc xe hơi limousine sang trọng chở Adele và hai con gái của chị đến nơi. Nhóm người chờ đợi chị không những gồm có gia đình và bạn hữu mà còn có cả nhiều người thợ lành nghề đã làm việc ngày đêm trong dự án này. Hiển nhiên họ rất hài lòng với thành quả và nóng lòng muốn xem phản ứng của Adele và hai con gái của chị.

Các chị phụ nữ ấy được bịt mắt trước khi bước xuống xe. Đó quả thật là một giây phút hồi hộp khi khăn che mắt của họ được tháo ra và Adele cùng hai con gái của chị quay lại nhìn thấy ngôi nhà mới của họ. Họ hoàn toàn sững sờ bởi dự án qui mô mà đã được hoàn tất, gồm có sự thiết kế mặt tiền, phần nới rộng của căn nhà, và nóc nhà mới. Bên ngoài căn nhà trông mới mẻ và không chê vào đâu được. Họ chỉ biết khóc.

Tôi đi cùng Adele và những người khác vào căn nhà đó và kinh ngạc trước điều đã được hoàn tất để tô điểm và làm nổi bật xung quanh căn nhà. Các bức tường được sơn phết lại, sàn nhà được đổi mới. Có bàn ghế mới, màn cửa mới, tủ nhà bếp được thay, mặt bàn nhà bếp được đổi mới. Tủ búp phê trong nhà bếp được thay mới; có mặt bàn mới và máy móc mới. Cả ngôi nhà hoàn toàn được thay đổi từ trên xuống dưới, mỗi căn phòng đều sạch sẽ và xinh đẹp. Adele và hai con gái của chị thật sự cảm động rất nhiều. Nhưng nét mặt của những người đã nhọc công làm việc gấp rút để làm cho ngôi nhà này đuợc mới mẻ thì không kém thống thiết và đầy xúc động. Nước mắt đọng trên mi của họ khi họ chứng kiến niềm vui mà họ đã mang đến cho cuộc sống của Adele và hai con gái của chị. Không những gánh nặng của một người góa phụ đã được vơi nhẹ, mà cuộc sống của bao nhiêu người khác cũng đã được cảm động trong tiến trình đó. Tất cả mọi người đều trở thành những người tốt hơn vì đã tham gia vào nỗ lực này.

Chủ tịch Harold B Lee, một trong các giảng viên lỗi lạc của Giáo Hội, đã ban cho chúng ta lời khuyên dạy dễ hiểu này về chức tư tế: “Các anh em thấy rằng khi một người trở thành người nắm giữ chức tư tế, thì người ấy trở thành người đại diện cho Chúa. Người ấy phải nghĩ đến sự kêu gọi của mình thể như người ấy đang làm công việc của Chúa.”10

Hiện giờ, có một số anh em có thể có bản tính nhút nhát, có lẽ cảm thấy mình không thích đáng để khẳng định đáp ứng một sự kêu gọi. Hãy nhớ rằng công việc này không phải chỉ là công việc của các anh em hay là của tôi. Nó chính là công việc của Chúa, và khi chúng ta làm công việc của Chúa, thì thưa các anh em, chúng ta có quyền nhận được sự giúp đỡ của Chúa. Hãy nhớ rằng Chúa sẽ giúp các anh em mang gánh nặng đã được đặt lên vai của mình.

Mặc dù đôi khi các lớp học chính thức có thể làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng một số điều giảng dạy hữu hiệu nhất có thể xảy ra bên ngoài giáo đường hay lớp học. Tôi còn nhớ rất rõ vào một mùa xuân cách đây nhiều năm, các tín hữu của tiểu giáo khu tôi và một tiểu giáo khu kế bên dẫn những người mang Chức Tư Tế A Rôn đang thiết tha trông chờ một cuộc đi chơi thường niên kỷ niệm sự phục hồi Chức Tư Tế A Rôn. Và trong dịp đặc biệt này, chúng tôi đã đi 90 dặm bằng xe đò lên phía bắc để đến nghĩa trang Clarkston, Utah. Nơi đó, trong sự yên tĩnh của khung cảnh xinh đẹp đó, chúng tôi nhóm các thiếu niên lại đứng xung quanh ngôi mộ phần của Martin Harris, một trong Ba Nhân Chứng về Sách Mặc Môn. Trong lúc chúng tôi đứng xung quanh tảng đá granit xinh đẹp đánh dấu ngôi mộ đó, Anh Cả Glen L Rudd, lúc đó là giám trợ của tiểu giáo khu kia, kể lại lai lịch cuộc đời của Martin Harris và đọc từ Sách Mặc Môn chứng ngôn của ông và chứng ngôn của Oliver Cowdery và David Whitmer. Các thiếu niên đứng lắng nghe một cách chăm chú, ý thức được rằng họ đang đứng bên cạnh ngôi mộ của một người đã từng nhìn thấy một thiên sứ và chính mắt đã thật sự nhìn thấy những bảng khắc. Các thiếu niên đó nghiêm trang lấy tay sờ bia mộ và suy ngẫm về những lời họ đã nghe và những cảm nghĩ mà họ đã có.

Sau đó chúng tôi đi bộ một khoảng cách ngắn đến ngôi mộ của một người tiền phong. Bia mộ mang tên John P. Malmberg và có ghi câu này:

Một ánh sáng từ nhà tôi đã mất đi.

Một tiếng nói chúng tôi yêu mến đã tắt hẳn.

Có một khoảng trống trong tim tôi

Mà chẳng bao giờ được lấp đầy.

Chúng tôi nói với các thiếu niên về sự hy sinh, về sự dâng hiến cho lẽ thật. Bổn phận, danh dự, sự phục vụ và tình yêu thương—tất cả đều được giảng dạy tại bia mộ đó. Qua ký ức, tôi còn có thể thấy được các thiếu niên lấy khăn tay ra lau nước mắt. Tiếng thút thít khóc đã làm chứng rằng tấm lòng đã được cảm động và sự cam kết đã được lập ra. Tôi tin rằng mỗi em đó đã quyết định sẽ là một người tiền phong — một người mở đường đi trước, để chỉ lối cho những kẻ khác theo sau.

Sau đó, nhóm chúng tôi về nghỉ chân tại một công viên địa phương, nơi mà tất cả mọi người cùng ăn trưa ngoài trời. Trước khi trở về nhà, chúng tôi ghé qua khu vườn của ngôi đền thờ Logan xin đẹp. Đó là một ngày ấm áp. Tôi mời các thiếu niên ngồi nghỉ trên sân cỏ rộng lớn và cùng tôi ngắm xem bầu trời xanh biếc, trộn lẫn một vài đám mây trắng trôi theo ngọn gió thổi. Chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi đền thờ của người tiền phong. Chúng tôi nói về các giáo lễ và giao ước vĩnh cửu. Nhiều bài học được tiếp thu. Nhiều tấm lòng được cảm động. Các giao ước và những lời hứa hẹn trở nên có ý nghĩa hơn là lời nói. Ước muốn được xứng đáng để vào đền thờ được in sâu vào những tâm hồn trẻ trung đó. Những tư tưởng hướng về Đức Thầy; sự hiện diện của Ngài thật cận kề. Lời mời dịu dàng “Hãy theo ta” của Ngài bằng cách nào đó được nghe và cảm thấy.

Đối với những người sẵn lòng đáp ứng sự kêu gọi phục vụ thiêng liêng thì có được lời hứa: “Ta, là Chúa, đầy lòng thương xót và nhân từ đối với những ai biết kính sợ ta, và thích tôn vinh những ai biết phục vụ ta trong sự ngay chính và trong lẽ thật cho đến cùng.

“Phần thưởng của họ sẽ vĩ đại và vinh quang của họ sẽ vĩnh cửu.”11

Lời cầu nguyện chân thành của tôi là mọi người chúng ta sẽ có thể hội đủ điều kiện cho lời hứa thiêng liêng này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, A Men.

Ghi chú

  1. Gospel Doctrine, ấn bản lần thứ 5 (1939), trang 140.

  2. Trong Conference Report, Mexico City Mexico Area Conference 1972, trang 73.

  3. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản (1982), trang 497.

  4. Harry Emerson Fosdick, trong Vital Quotations, do Emerson Roy West biên soạn (1968), trang 38

  5. Rabindranath Tagore, 1861-1941.

  6. Trong Conference Report, Tháng Tư Năm 1942, trang 14.

  7. Mô Si A 2:17.

  8. Naomi W. Randall; “Tôi là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58

  9. Conference Report, tháng Tư năm 1937, trang 46.

  10. Stand Ye in Holy Places (Salt Lake City: Deseret Book Co., 1974), trang 255.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 76:5, 6.