2005
Tấm Lòng Thương Xót Dịu Dàng của Chúa
Tháng Năm năm 2005


Tấm Lòng Thương Xót Dịu Dàng của Chúa

Tôi làm chứng rằng tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa có sẵn cho tất cả chúng ta và rằng Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên thiết tha để ban cho chúng ta các ân tứ như thế.

Cách đây sáu tháng, tôi đứng tại bục giảng này lần đầu tiên với tư cách là thành viên mới nhất của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Cả lúc bấy giờ và cả bây giờ thì càng nhiều thêm, tôi cảm thấy sức nặng của sự kêu gọi phục vụ và của trách nhiệm để giảng dạy với sự rõ ràng minh bạch và để làm chứng với thẩm quyền. Tôi cầu nguyện có được sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh khi tôi ngỏ lời với các anh chị em bây giờ.

Buổi trưa hôm nay, tôi muốn mô tả và thảo luận một ấn tượng thuộc linh mà tôi nhận được trong một vài giây lát trước khi tôi bước đến bục giảng này trong phiên họp sáng Chúa Nhật của đại hội trung ương vào tháng Mười năm ngoái. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf mới vừa nói chuyện xong và đã tuyên xưng lời chứng mạnh mẽ của anh về Đấng Cứu Rỗi. Rồi tất cả chúng ta cùng đứng lên để hát bài thánh ca xen kẽ mà trước đó Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã loan báo. Bài thánh ca xen kẽ vào buổi sáng hôm đó là “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 5).

Bấy giờ phần âm nhạc cho các phiên họp khác nhau của đại hội đã được quyết định nhiều tuần trước đó—và hiển nhiên là trước sự kêu gọi phục vụ mới của tôi rất lâu. Tuy nhiên, nếu tôi đã được mời để đề nghị một bài thánh ca xen kẽ cho riêng phiên họp đại hội đó—một bài thánh ca mà sẽ gầy dựng lẫn xoa dịu phần thuộc linh của tôi và của giáo đoàn trước bài nói chuyện đầu tiên của tôi trong Trung Tâm Đại Hội này—thì tôi hẳn phải chọn bài thánh ca ưa thích của mình “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên.” Mắt tôi nhòa lệ khi tôi đứng hát với các anh chị em bài thánh ca đầy soi dẫn đó về Sự Phục Hồi.

Gần đến phần cuối của bài ca, thì câu thánh thư này từ Sách Mặc Môn đến với tâm trí của tôi: “Nhưng này, tôi, Nê Phi, sẽ cho các ngươi thấy rằng, tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa, nhờ đức tin của họ, để làm cho họ hùng mạnh ngay cả có được quyền năng giải thoát” (1 Nê Phi 1:20).

Tâm trí của tôi lập tức tập trung vào cụm từ mà Nê Phi nói: “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa,” và tôi biết chính trong giây phút đó, tôi đang trải qua tấm lòng thương xót dịu dàng như thế. Đấng Cứu Rỗi đầy lòng nhân từ đang gửi đến tôi một sứ điệp riêng tư và đúng lúc nhất để an ủi và trấn an qua một bài thánh ca đã được chọn ra từ nhiều tuần trước. Một số người cho rằng kinh nghiệm này chỉ là một sự ngẫu nhiên đầy thú vị, nhưng tôi làm chứng rằng tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa có thật và không xảy ra tình cờ hay chỉ là một sự ngẫu nhiên. Thường thường, kỳ định của Chúa về tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài giúp chúng ta phân biệt lẫn nhận thức tấm lòng này của Ngài.

Tấm Lòng Thương Xót Dịu Dàng của Chúa Là Gì?

Kể từ tháng Mười năm ngoái tôi đã nhiều lần suy ngẫm về cụm từ “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa.” Qua việc học tập, quan sát, suy ngẫm, và cầu nguyện của cá nhân, tôi tin là tôi đã tiến đến sự hiểu biết rõ hơn rằng tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa là các phước lành, sức mạnh, sự bảo vệ, đảm bảo, hướng dẫn, lòng nhân từ yêu thương, an ủi, hỗ trợ rất riêng tư cho mỗi cá nhân, và các ân tứ thuộc linh mà chúng ta nhận được từ và nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô. Thật vậy, Chúa thích nghi “lòng thương xót của Ngài theo những tình trạng của con cái loài người” (GLGƯ 46:15).

Hãy nhớ cách thức mà Đấng Cứu Rỗi đã chỉ dạy các sứ đồ của Ngài rằng Ngài sẽ không bỏ họ bơ vơ. Ngài không những gửi “một Đấng an ủi khác,” (Giăng 14:16), chính là Đức Thánh Linh, mà Đấng Cứu Rỗi còn phán rằng Ngài sẽ đến với họ (xin xem Giăng 14:18). Tôi xin đề nghị một trong những cách thức mà qua đó Đấng Cứu Rỗi đến cùng mỗi người chúng ta là qua tấm lòng thương xót chan chứa và dịu dàng của Ngài. Chẳng hạn, khi các anh chị em và tôi gặp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống của mình, thì ân tứ đức tin và một cảm giác thích đáng về sự tự tin mà vượt qua khả năng của mình là hai ví dụ về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Sự hối cải và sự tha thứ các tội lỗi và sự thanh thản của lương tâm là những ví dụ về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Và sự kiên trì và sự dũng cảm chịu đựng mà giúp chúng ta có thể dấn bước với sự hân hoan qua những hạn chế của thể xác và những khó khăn về tinh thần là các ví dụ về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa.

Trong một đại hội giáo khu mới gần đây, tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa đã hiển nhiên trong chứng ngôn đầy cảm động của một người vợ và người mẹ trẻ có bốn con mà người chồng của chị đã bị giết chết ở Iraq vào tháng Mười Hai năm 2003. Chị phụ nữ dũng cảm này đã kể lại cách thức mà chị, sau khi đã được thông báo về cái chết của chồng mình, đã nhận được thiệp và thư Giáng Sinh của anh. Giữa sự thật phũ phàng của một cuộc sống đã bị thay đổi một cách bi thảm thì sự nhắc nhở đúng lúc và dịu dàng cho chị phụ nữ tốt lành này rằng quả thật gia đình có thể sống chung với nhau vĩnh viễn. Với sự cho phép, tôi trích dẫn từ tấm thiệp Giáng Sinh đó:

“Thương gửi gia đình hạnh phúc nhất trên thế gian! Hãy có thời giờ vui thú với nhau và hãy nhớ ý nghĩa thật sự của Giáng Sinh! Chúa đã cho chúng ta có thể sống chung với nhau vĩnh viễn. Vậy thì mặc dù khi sống xa nhau, chúng ta vẫn luôn ở cùng với nhau là một gia đình.

“Xin Thượng Đế ban phước và giữ gìn tất cả mọi người an toàn và xin ban Giáng Sinh này là ân tứ yêu thương từ chúng ta dâng lên Ngài trên cao!!!

“Với tất cả tình yêu thương của cha các con và người chồng yêu dấu của em!”

Rõ ràng, lời nói của người chồng về việc sống xa nhau trong lời chúc Giáng Sinh của anh ám chỉ sự chia ly do công tác quân ngũ của anh mà ra. Nhưng đối với chị phụ nữ này, thể như tiếng kêu gào từ bụi đất của người bạn đời vĩnh cửu và người cha, đã có một sự trấn an và làm chứng thuộc linh cần thiết nhất. Như tôi đã trình bày lúc nãy, tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa không xảy ra tình cờ hay chỉ là ngẫu nhiên. Sự trung tín, vâng lời, và khiêm nhường mời gọi tấm lòng thương xót dịu dàng vào cuộc sống của chúng ta, và đó thường là kỳ định của Chúa mà cho chúng ta có thể nhận biết và trân quý các phước lành quan trọng này.

Cách đây một thời gian, tôi đã nói chuyện với một vị lãnh đạo chức tư tế là người đã được thúc giục để thuộc lòng tên của tất cả giới trẻ thuộc lứa tuổi 13 đến 21 trong giáo khu của mình. Bằng cách sử dụng những bức hình của các thanh niên thiếu nữ, ông đã làm ra những tấm thẻ để học thuộc tên mà ông xem lại trong khi đi công vụ và vào những lúc khác. Vị lãnh đạo chức tư tế này đã nhanh chóng học được tất cả tên của giới trẻ.

Một đêm nọ vị lãnh đạo chức tư tế này có một giấc mơ về một trong số các thanh thiếu niên mà ông chỉ biết qua bức ảnh. Trong giấc mơ, ông thấy người thanh niên ấy mặc áo sơ mi trắng và đeo thẻ tên của người truyền giáo. Với một người bạn đồng hành ngồi bên cạnh, người thanh niên ấy đang giảng dạy một gia đình. Người thanh niên ấy cầm quyển Sách Mặc Môn trong tay, và người ấy trông như đang làm chứng về lẽ trung thực của quyển sách. Rồi, vị lãnh đạo chức tư tế tỉnh dậy ra khỏi giấc mơ.

Về sau tại một buổi họp của chức tư tế, vị lãnh đạo ấy đã tiến đến gần người thanh niên mà ông đã thấy trong giấc mơ của mình và yêu cầu được nói chuyện với người thanh niên ấy trong một vài phút. Sau lời giới thiệu vắn tắt, vị lãnh đạo gọi tên người thanh niên và nói: “Tôi không phải là người mơ mộng vẩn vơ. Tôi chưa bao giờ mơ về một người tín hữu nào trong giáo khu này, ngoại trừ em. Tôi sẽ nói cho em biết về giấc mơ của tôi, và rồi tôi muốn em giúp tôi hiểu giấc mơ ấy có ý nghĩa gì.”

Vị lãnh đạo chức tư tế kể lại giấc mơ và hỏi người thanh niên ấy về ý nghĩa của giấc mơ. Người thanh niên chỉ nghẹn ngào đáp: “Điều đó có nghĩa là Thượng Đế biết em là ai.” Cuộc nói chuyện còn lại giữa người thanh niên và vị lãnh đạo chức tư tế thì có ý nghĩa nhất, và họ đồng ý thỉnh thoảng cùng nhau gặp và hội ý với nhau trong những tháng tới.

Người thanh niên ấy đã nhận được tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa qua một vị lãnh đạo chức tư tế đầy soi dẫn. Tôi lặp lại một lần nữa, tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa không xảy ra tình cờ hay chỉ là ngẫu nhiên. Sự trung tín và vâng lời làm cho chúng ta có thể nhận được các ân tứ quan trọng này và, thường thường, kỳ định của Chúa giúp chúng ta nhận biết các ân tứ này.

Chúng ta chớ nên đánh giá thấp hoặc không chú ý tới quyền năng của tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Sự giản dị, sự tuyệt vời, và sự bất biến của tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa sẽ giúp củng cố và bảo vệ chúng ta trong những thời buổi rắc rối mà trong đó chúng ta đang sống và sẽ sống. Khi những lời nói không thể cung ứng sự an ủi mà chúng ta cần hoặc bày tỏ niềm vui mà chúng ta cảm nhận được, khi chỉ là điều vô ích để cố gắng giải thích điều mà không thể giải thích được, khi lý luận và lý lẽ không thể đưa ra sự hiểu biết thích đáng về những sự bất công và bất chính của đời, khi kinh nghiệm trên trần thế và sự đánh giá không đủ để đưa ra một kết quả mong muốn, và khi mà dường như có lẽ chúng ta hoàn toàn đơn độc, thì thực sự chúng ta được ban phước qua tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa và làm cho được hùng mạnh ngay cả có được quyền năng giải thoát (xin xem 1 Nê Phi 1:20).

Ai Là Người mà Chúa Đã Chọn để Nhận Tấm Lòng Thương Xót Dịu Dàng của Ngài?

Chữ được chọn trong 1 Nê Phi 1:20 là chính yếu cho sự hiểu biết khái niệm về lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Tự điển cho biết rằng được chọn ám chỉ một người được chọn lựa từ sự ưu tiên, hoặc được chọn ra. Nó cũng có thể được dùng để ám chỉ dân chọn lọc của Thượng Đế (Oxford English Dictionary Online, tái bản lần thứ nhì, [1989], “Được Chọn Lựa”).

Một số người nghe hay đọc sai sứ điệp này có thể xem thường hoặc bỏ qua trong cuộc sống cá nhân của họ tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa có sẵn cho họ, bằng cách tin rằng “Tôi không phải là người đã được hay sẽ được chọn.” Chúng ta có thể tưởng lầm rằng các phước lành và ân tứ như thế được dành cho những người khác mà dường như ngay chính hơn hoặc phục vụ trong những sự kêu gọi nổi bật trong Giáo Hội. Tôi làm chứng rằng tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa có sẵn cho tất cả chúng ta và rằng Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên thiết tha để ban cho chúng ta các ân tứ như thế.

Việc để được hoặc trở thành chọn lọc không phải là một tình trạng độc quyền ban cho chúng ta mà thôi. Đúng hơn, các anh chị em và tôi cuối cùng xác định xem chúng ta có được chọn hay không. Giờ đây, xin lưu ý đến lối dùng từ chọn trong các câu sau đây từ Giáo Lý và Giao Ước:

“Này, có nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn. Và tại sao họ không được chọn?

“Vì lòng họ quá quan tâm đến những vật chất của thế gian này, và khát vọng đến danh lợi của loài người” (GLGƯ 121:34–35; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Tôi tin rằng hàm ý của các câu này thì khá thẳng thắn. Thượng Đế không có một bản danh sách những người ưa thích mà chúng ta phải hy vọng rằng tên của mình một ngày nào đó sẽ được thêm vào. Ngài không giới hạn “những người được chọn” chỉ ở một số ít. Đúng hơn, chính là tâm hồn và nguyện vọng và sự vâng lời của chúng ta mà dứt khoát xác định là chúng ta có được kể là một trong số những người được Thượng Đế chọn hay không.

Hê Nóc được Chúa chỉ dẫn về chính điểm giáo lý này. Xin lưu ý đến lối dùng từ chọn trong các câu này: “Hãy nhìn xem những anh em này của ngươi; chúng là tác phẩm của bàn tay ta, và ta đã ban cho chúng sự hiểu biết, vào ngày ta sáng tạo ra chúng; và trong Vườn Ê Đen, ta đã ban cho loài người quyền tự quyết.

“Và ta đã nói với các anh em ngươi, cũng như ban ra lệnh truyền, rằng chúng phải thương yêu lẫn nhau, và chúng phải chọn ta, là Cha của chúng” (Môi Se 7:32–33; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Khi chúng ta học các câu thánh thư này, các mục đích cơ bản về ân tứ quyền tự quyết là phải yêu thương lẫn nhau và phải chọn Thượng Đế. Như vậy, chúng ta trở nên những người được Thượng Đế chọn và mời gọi tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài khi chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình để chọn Thượng Đế.

Một trong những đoạn thánh thư được biết đến nhiều nhất và thường được trích dẫn được tìm thấy trong Môi Se 1:39. Câu thánh thư này mô tả rõ ràng và súc tích công việc của Đức Cha Vĩnh Cửu: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (sự nhấn mạnh được thêm vào).

Một câu thánh thư tương tự trong Giáo Lý và Giao Ước cũng mô tả một cách rõ ràng và súc tích về công việc chính yếu của chúng ta với tư cách là các con trai và các con gái của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu. Thú vị thay, câu này dường như không được biết đến nhiều và không được trích dẫn thường xuyên. “Này, đây là công việc của ngươi, tuân giữ các giáo lệnh của ta, phải, với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình” (GLGƯ 11:20; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Như vậy, công việc của Đức Chúa Cha là mang đến sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho các con cái của Ngài. Công việc của chúng ta là tuân giữ các giáo lệnh của Ngài với tất cả năng lực, tâm trí, và sức mạnh của mình—và bằng cách ấy chúng ta trở nên được chọn và, qua Đức Thánh Linh, tiếp nhận và nhận biết tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Chính tại đại hội mà chúng ta đang tham dự vào cuối tuần này là một ví dụ khác về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Chúng ta có phước để nhận được lời khuyên dạy đầy soi dẫn từ các vị lãnh đạo của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi—lời khuyên dạy đúng lúc về thời đại của chúng ta và về các hoàn cảnh cùng các thử thách của chúng ta. Chúng ta đã được chỉ dẫn, nâng đỡ, gầy dựng, kêu gọi hối cải, và củng cố. Tinh thần của đại hội này đã củng cố đức tin của chúng ta và gia tăng ước muốn của chúng ta để hối cải, vâng lời, cải tiến và phục vụ. Giống như các anh chị em, tôi thiết tha muốn hành động bây giờ theo lời nhắc nhở, lời khuyên dạy, và sự soi dẫn cá nhân mà chúng ta đã được ban phước cho trong đại hội này. Và chỉ trong một vài giây phút nữa, mỗi người chúng ta sẽ nhận được một tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa khi chúng ta nghe lời nhận xét bế mạc và chứng ngôn của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Quả thật, “Đức Giê Hô Va làm lành cho muôn người, sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên” (Thi Thiên 145:9).

Tôi biết ơn Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô qua Tiên Tri Joseph Smith và sự hiểu biết mà chúng ta có ngày nay về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Những ước muốn, sự trung tín, và sự vâng lời của chúng ta mời gọi và giúp chúng ta thấy rõ tấm lòng thương xót của Ngài trong cuộc sống của mình. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, và rằng tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài dành sẵn cho tất cả chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể có mắt để nhìn thấy rõ ràng và tai để nghe rành mạch tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa khi tấm lòng này củng cố và phụ giúp chúng ta trong những ngày sau cùng này. Cầu xin cho tâm hồn của chúng ta luôn luôn tràn đầy sự biết ơn về tấm lòng thương xót chan chứa và dịu dàng của Ngài. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.