2005
Điểm Nổi Bật Nhất của Chúng Ta
Tháng Năm năm 2005


Điểm Nổi Bật Nhất của Chúng Ta

Chức tư tế của Thượng Đế … là cần thiết cũng như duy nhất đối với Giáo Hội chân chính của Thượng Đế,

Cách đây gần 70 năm, Chủ Tịch David O. McKay, lúc đó đang phục vụ với tư cách là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội, đã đặt ra câu hỏi này cho giáo đoàn đang tụ họp ở đại hội trung ương: “Nếu vào lúc này mỗi anh chi em được mời để nói một câu … về điểm nổi bật nhất của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, thì câu trả lời của các anh chị em sẽ là gì?”

Ông đáp: “Tôi sẽ trả lời rằng…thẩm quyền thiêng liêng qua sự mặc khải trực tiếp.”1

Dĩ nhiên, thẩm quyền thiêng liêng đó là thánh chức tư tế.

Chủ tịch Hinckley đã thêm chứng ngôn của mình vào khi ông nói: “[Chức tư tế] là một sự ủy thác thẩm quyền thiêng liêng, khác với tất cả những quyền năng và thẩm quyền khác trên thế gian này…Thẩm quyền này là quyền năng duy nhất trên thế gian mà có thể vượt qua bên kia bức màn của cái chết… Nếu không có thẩm quyền này, thì giáo hội chỉ là một cái tên, [một giáo hội] không có thẩm quyền để thực hiện những sự việc của Thượng Đế.“2

Chỉ cách đây bốn tuần, Chủ Tịch James E. Faust đã nói với những sinh viên trường BYU trong buổi họp tôn giáo của họ: “[Chức tư tế] thúc đẩy và điều hành tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Nếu không có các chìa khóa và thẩm quyền của chức tư tế, thì sẽ không có giáo hội.”3

Tôi bắt đầu đêm nay với ba câu trích dẫn ngắn sau đây (mà còn có nhiều câu trích dẫn khác có thể được thêm vào) để nhấn mạnh chỉ một điểm: đó là chức tư tế của Thượng Đế, với những chìa khóa, các giáo lễ, nguồn gốc thiêng liêng, và khả năng của chức tư tế này để ràng buộc trên trời những gì đã được ràng buộc dưới thế gian, là cần thiết cũng như duy nhất đối với Giáo Hội chân chính của Thượng Đế, và nếu không có thẩm quyền này thì sẽ không có Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong năm tưởng niệm này khi chúng ta kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Tiên Tri Joseph Smith và 175 năm kể từ khi Giáo Hội được thành lập, tôi muốn thêm chứng ngôn của tôi—và bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi về— sự phục hồi của thánh chức tư tế, đặc quyền thiêng liêng, ân tứ tối thượng này, và vai trò mà chức tư tế có trong cuộc sống hiện tại và mai sau của chúng ta.

Nhiệm vụ chính yếu của chức tư tế trong sự kết nối thời hiện tại với thời vĩnh cửu đã được Đấng Cứu Rỗi giải thích rõ ràng khi Ngài thành lập Giáo Hội của Ngài trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài. Ngài phán với Vị Sứ Đồ trưởng Phi E Rơ của Ngài: “Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời.”4 Sáu ngày sau, Ngài dẫn Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng lên đỉnh núi nơi đó Ngài biến hình trong vinh quang trước mắt họ. Kế đó các vị tiên tri từ những gian kỳ trước đó, kể cả ít nhất là Môi Se và Ê Li,5 đã hiện ra trong vinh quang và truyền giao nhiều chìa khóa khác nhau và quyền năng mà mỗi người nắm giữ.

Rủi thay, chẳng bao lâu sau, các Vị Sứ Đồ đó bị giết hoặc bị cất khỏi thế gian, và các chìa khóa chức tư tế của họ cũng đã bị cất đi cùng với họ, đưa đến việc là hơn 1.400 năm không có chức tư tế và thiếu thẩm quyền thiêng liêng giữa con cái loài người. Nhưng một phần của phép lạ hiện đại và lịch sử kỳ diệu mà chúng ta kỷ niệm đêm nay là sự trở lại của cùng các sứ giả thiên thượng đó trong thời kỳ của chúng ta và sự phục hồi của cùng các thẩm quyền đó mà họ đã nắm giữ để ban phước cho tất cả nhân loại.

Vào tháng Năm năm 1829 trong lúc phiên dịch Sách Mặc Môn, Joseph Smith đã bắt gặp một đoạn thánh thư đề cập đến phép báp têm. Ông thảo luận vấn đề này với người ghi chép của ông, Oliver Cowdery, và hai người này đã chân thành cầu vấn Chúa về điều này. Oliver viết: “Tâm hồn của chúng tôi chân thành nài xin với những lời cầu nguyện thiết tha để biết được cách thức chúng tôi có thể nhận được những phước lành của phép báp têm và của Đức Thánh Linh….Chúng tôi siêng năng cầu xin thẩm quyền của thánh chức tư tế, và quyền năng để hành động trong cùng chức tư tế đó.”6

Để đáp ứng “lời cầu nguyện thiết tha,” đó, Giăng Báp Tít đã hiện đến, và phục hồi các chìa khóa và quyền năng của Chức Tư Tế A Rôn mà các em thiếu niên của chúng ta trong số cử tọa này tối nay đã được ban cho. Một vài tuần sau đó, Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng đã trở lại để phục hồi các chìa khoá và quyền năng của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, kể cả các chìa khoá của chức vụ sứ đồ. Kế đó khi một đền thờ được xây cất để những sứ giả thiên thượng khác có thể đến, ở đó vào ngày 3 tháng 4 năm 1836, một sự kiện đã xảy ra trong thời hiện đại giống như sự kiện mà đã xảy ra trước đó trên Núi Biến Hình, một phần của điều mà Chủ Tịch Hinckley đã có lần gọi là “Sự Trút Xuống ở Kirtland” những điều mặc khải mà chính Đấng Cứu Rỗi, cùng với Môi Se, Ê Li, và Ê Li A, đã hiện đến trong vinh quang cùng Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery, và truyền giao các chìa khoá và quyền năng từ những gian kỳ tương ứng của họ với hai người này. Rồi cuộc viếng thăm đó kết thúc với lời tuyên bố mạnh mẽ này: “Vậy nên, các chìa khóa của gian kỳ này được trao tận tay các ngươi.”7

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tiên Tri Joseph đã gồm vào trong những lời đầy súc tích và hùng hồn của các tín điều của chúng ta: “Chúng tôi tin rằng con người phải được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri và bằng phép đặt tay bởi những vị có thẩm quyền, để thuyết giảng Phúc Âm và thực hiện các giáo lễ trong Phúc Âm.”8 Hẳn nhiên, hành động với thẩm quyền thiêng liêng đòi hỏi nhiều hơn chỉ là tờ hợp đồng giữa con người với nhau. Thẩm quyền này không thể do quá trình huấn luyện thần học hoặc một sự ủy quyền từ giáo đoàn mà có. Không, trong công việc do Thượng Đế cho phép làm, thì cần phải có quyền năng lớn lao hơn quyền năng đã có của những người trong giáo đường, ngoài đường, hoặc trong các trường dạy giáo lý—một sự kiện mà nhiều người chân thành đi tìm tôn giáo đã biết và đã công khai nhìn nhận trong nhiều thế hệ mà đã dẫn đến Sự Phục Hồi.

Thật thế một số người trong thời kỳ đó không muốn vị mục sư của họ đòi hỏi thẩm quyền về lễ ban Thánh Lễ đặc biệt, nhưng đa số dân chúng thì mong mỏi chức tư tế được thừa nhận bởi Thượng Đế và họ đã thất vọng vì không biết họ có thể đi đâu để tìm ra điều đó.9 Trong tinh thần đó, sự phục hồi của thẩm quyền chức tư tế qua sự mặc khải nhờ vào Joseph Smith đáng lẽ đã làm giảm bớt hằng bao thế kỷ nỗi đau khổ nơi những người mà đã cảm thấy điều mà danh nhân Charles Wesley đã có lòng can đảm để nói. Khi từ bỏ mối quan hệ tôn giáo với người anh tên John nổi tiếng hơn ông vì quyết định của người anh này nhằm sắc phong mà không có thẩm quyền để làm như vậy, Charles đã viết với một nụ cười mỉa:

Thật dễ dàng biết bao để lập ra các giám mục

Bởi ý thích chợt nảy ra của con người:

Wesley đặt tay làm lễ sắc phong cho Coke,

Nhưng ai đã đặt tay làm lễ sắc phong cho Wesley?10

Để trả lời câu hỏi đầy thách thức đó, chúng ta trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô có thể truy nguyên hàng ngũ thẩm quyền của chức tư tế mà được người thầy trợ tế mới nhất sử dụng trong tiểu giáo khu, vị giám trợ là người chủ tọa thầy trợ tế ấy, và vị tiên tri là người chủ tọa tất cả chúng ta. Hàng ngũ đó đi ngược lại chuỗi hệ thống liên tục đến các thiên sứ phục sự là những người đến từ chính Vị Nam Tử của Thượng Đế, mang ân tứ có một không hai này từ thiên thượng.

Và ôi, chúng ta cần các phước lành của chức tư tế này biết bao—với tư cách là một Giáo Hội và với tư cách là cá nhân và gia đình trong vòng Giáo Hội. Chỉ xin đan cử một minh họa:

Trước đây tôi có đề cập về thời kỳ Kirtland trong lịch sử của Giáo Hội. Những năm 1836 và 1837 là thời kỳ khó khăn nhất mà Giáo Hội mới được thiết lập từng gặp phải—về mặt tài chính, chính trị, và nội bộ. Giữa những căng thẳng đó, Joseph Smith đã có một sự thúc giục của một vị tiên tri để gửi một số người tài giỏi nhất của ông (cuối cùng thì cả Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ) đi truyền giáo ở nước ngoài. Điều này là một hành động táo bạo, đầy soi dẫn, một hành động mà cuối cùng sẽ cứu Giáo Hội ra khỏi những nguy hiểm của thời kỳ đó, nhưng vào lúc ban đầu, hành động này tạo ra các gánh nặng cho Các Thánh Hữu—đau khổ cho những người ra đi và có lẽ còn đau khổ hơn cho những người ở nhà.

Tôi xin trích lời của Anh Cả Robert B. Thompson:

“Ngày đã định cho cuộc khởi hành của các Anh Cả đi nước Anh đã đến, tôi [dừng lại] nhà của Anh [Heber C.] Kimball để biết chắc là khi nào thì anh ấy sẽ bắt đầu [cuộc hành trình của anh], vì tôi chờ đợi đi theo anh hai hoặc ba dặm đường, với ý định làm việc ở Gia Nã Đại vào mùa ấy.

“Cửa đang khép hờ, tôi bước vô nhà và ngạc nhiên với điều mà tôi trông thấy. Tôi định rút lui, nghĩ rằng mình đang vào bừa, nhưng tôi cảm thấy bất động không đi được. Người cha của gia đình đang dâng hết lòng mình lên…[Thượng Đế, nài xin] Đấng mà lo lắng cho chim sẻ, và nuôi ăn con quạ khi chúng đói’ thì sẽ cung cấp cho nhu cầu của vợ con ông trong lúc ông vắng nhà. Rồi sau đó, giống như một tộc trưởng, và bằng quyền năng chức phẩm của ông, ông đặt tay lên đầu mỗi người trong gia đình và để lại phước lành của người cha cho họ,… phó thác họ cho sự chăm sóc và che chở của Thượng Đế, trong khi ông đi rao giảng Phúc Âm ở một nước ngoài. Trong lúc ban cho [các phước lành đó] như thế, thì giọng nói của ông gần như bị chìm mất trong những tiếng nức nở của những người ở xung quanh [ông], là những người [đang cố gắng theo cách thức của tuổi trẻ để được vững mạnh nhưng rất khó để có thể làm được như vậy.]… Ông tiếp tục ban phước, nhưng lòng của ông xúc động quá cùng cực nên không thể thực hiện một cách bình thường…. Ông bắt buộc phải ngừng lại cách quãng, trong khi… những giọt lệ lăn xuống trên má ông, cho thấy mối tình cảm trong lòng ông. Anh Thompson nói: “Lòng tôi không đủ mạnh để tự kiềm chế. Tôi cố gắng không khóc nhưng cuối cùng tôi cũng khóc chung với họ… Đồng thời tôi cũng cảm thấy biết ơn để có được đặc ân chứng kiến một cảnh tượng như vậy.”11

Cảnh tượng đó đã xảy ra hằng trăm ngàn lần, trong nhiều cách thức khác nhau, trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô—một nỗi lo sợ, một nhu cầu, một sự kêu gọi, một sự nguy hiểm, một bệnh tật, một tai nạn, một cái chết. Tôi đã từng tham dự vào những giây phút như thế. Tôi đã chứng kiến quyền năng của Thượng Đế biểu hiện trong gia đình của tôi và trong giáo vụ của tôi. Tôi đã thấy điều ác bị khiển trách và các nguyên tố bị chi phối. Tôi biết ý nghĩa của sự khắc phục những thử thách khó khăn cao như núi và rộng lớn như biển Hồng Hải. Tôi biết ý nghĩa của việc có được thiên sứ hủy diệt “vượt qua chúng.”12 Việc nhận đuợc thẩm quyền và sử dụng quyền năng của “Thánh Chức Tư Tế, theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế,”13 là một phước lành lớn lao đối với tôi và gia đình tôi mà tôi có thể luôn hy vọng có được trên thế gian này. Và cuối cùng, đó chính là ý nghĩa của chức tư tế theo định nghĩa giản dị hằng ngày—khả năng không thể so sánh, bất diệt, và liên tục để ban phước của chức ấy.

Với lòng biết ơn về những phước lành như thế, tôi cùng với các anh em và một ca đoàn của người sống và người chết cất tiếng hát vào năm kỷ niệm này: “Khen ngợi danh người đã giao tiếp với Giê Hô Va!”14—và giao tiếp với A Đam, Ga Bri Ên; Môi Se và Mô Rô Ni; Ê Li; Ê Li A; Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng; Giăng Báp Tít, và nhiều nhân vật khác.15 Quả thật, “Chúa Giê Su đã xức dầu cho Vị Tiên Tri và Tiên Kiến đó.”16 Cầu xin cho chúng ta, trẻ lẫn già, các thiếu niên lẫn những người đàn ông, những người cha lẫn những người con trai, trân quý chức tư tế mà qua ông đã được phục hồi, các chìa khóa của chức tư tế và các giáo lễ mà chỉ qua đó quyền năng của thiên thượng mới được biểu hiện mà thôi.17 Tôi làm chứng về sự phục hồi của chức tư tế và những “điểm nổi bật” cần thiết của Giáo Hội chân chính của Thượng Đế mà luôn luôn như thế, trong tôn danh của Đấng mà chức tư tế thuộc vào, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1937, 121.

  2. “Priesthood Restoration,” Ensign, tháng Mười năm 1988, 71.

  3. “Where Is the Church?” bài thuyết giảng trong buổi họp tôn giáo, Brigham Young University, ngày 1 tháng Ba năm 2005, 8.

  4. Ma Thi Ơ 16:19.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 17:1–3.

  6. Trích trong Richard Lloyd Anderson, “The Second Witness of Priesthood Restoration,” Improvement Era, tháng Chín năm 1968, 20; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. GLGƯ 110:16; xin xem thêm các câu 1–15.

  8. Những Tín Điều 1:5; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  9. Xin xem David F. Holland, “Priest, Pastor, Power,” Insight, mùa thu năm 1997, 15–22 về một sự nghiên cứu toàn bộ các vấn đề của chức tư tế hiện có ở Mỹ châu vào thời kỳ Phục Hồi.

  10. Trích trong C. Beaufort Moss, The Divisions of Christendom: A Retrospect (n.d.), 22.

  11. Trích trong Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball (1945), 108–9.

  12. GLGƯ 89:21.

  13. Xin xem GLGƯ 107:1–3.

  14. Hymns, số 27.

  15. Joseph Smith đã giao tiếp với nhiều vị tiên tri và thiên sứ bên kia bức màn che. Chỉ một ít các vị đó được đề cập đến trong thánh thư, xin xem GLGƯ 128:20–21.

  16. Hymns, số 27.

  17. Xin xem GLGƯ 84:19–21