2005
Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô—Những Điều Minh Bạch và Quý Báu
Tháng Năm năm 2005


Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô—Những Điều Minh Bạch và Quý Báu

Sách Mặc Môn là một kho tàng bất tận của sự khôn ngoan và soi dẫn, của lời khuyên và sự sửa phạt

Joseph Smith đã nói, “Tôi đã nói với các anh em trong Giáo Hội rằng Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.” (Lời giới thiệu Sách Mặc Môn; xin xem thêm History of the Church, 4:461).

Ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô đã được in tại Palmyra, New York, vào tháng 3 năm 1830. Joseph Smith—một thanh niên miền quê ít học—mới vừa được 24 tuổi. Năm trước đó, ông đã bỏ ra tổng cộng 65 ngày để phiên dịch các bảng khắc. Khoảng phân nửa thời gian đó là sau khi ông đã nhận được chức tư tế. Việc ấn loát đã mất bảy tháng.

Khi lần đầu tiên đọc Sách Mặc Môn từ đầu đến cuối, tôi đã đọc lời hứa rằng nếu tôi “cầu vấn Thượng Đế, Đức Cha Vĩnh Cửu, trong danh của Đấng Ky Tô, để xem [những điều tôi đã đọc] có thật không; và nếu [tôi] cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thực sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài [sẽ] biểu lộ lẽ thật của điều này cho [tôi], bởi quyền năng của Đức Thánh Linh” (Mô Rô Ni 10:4). Tôi đã cố gắng làm theo những sự chỉ dẫn như tôi đã hiểu chúng.

Nếu tôi đã trông mong một sự biểu hiện vinh quang đến lập tức như là một kinh nghiệm mạnh mẽ, thì nó đã không xảy ra. Tuy nhiên, tôi cảm thấy điều đó tốt, và tôi bắt đầu tin tưởng.

Câu kế tiếp có một lời hứa lớn lao hơn: “Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các ngươi sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều.” (Mô Rô Ni 10:5; sự nhấn mạnh được thêm vào). Tôi đã không biết cách thức mà Đức Thánh Linh làm việc, mặc dù Sách Mặc Môn giải thích điều đó nhiều lần trong nhiều cách.

Tôi đã học biết rằng “các thiên thần nói bằng quyền năng của Đức Thánh Linh; vậy nên, các vị ấy nói lên những lời của Đấng Ky Tô.” Nó cũng đã nói rằng một người nên “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; [với lời hứa rằng] những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các ngươi biết tất cả những gì các ngươi phải làm” (2 Nê Phi 32:3).

Và câu đó nói rõ ràng rằng “nếu các người không thể hiểu…là vì các ngươi không cầu xin và cũng không gõ cửa.” (2 Nê Phi 32:4).

Tôi cũng đã đọc: “Nếu các ngươi đi vào bằng đường lối ấy, và nhận được Đức Thánh Linh thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các người tất cả mọi việc các ngươi phải nên làm” (2 Nê Phi 32:5). Tôi đã làm thế khi tôi được xác nhận là một tín hữu của Giáo Hội bởi “phép đặt tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh” (Những Tín Điều 1:4).

Nếu tôi đã trông mong có một kinh nghiệm thuộc linh đặc biệt nào đó trong sự ngây thơ của đứa trẻ nhỏ như tôi, thì nó đã không xảy ra. Qua nhiều năm khi tôi lắng nghe các bài thuyết giảng và những bài học và đọc Sách Mặc Môn, thì tôi đã bắt đầu hiểu.

Nê Phi đã bị các anh ông đối xử tàn tệ và đã nhắc nhở họ rằng một thiên sứ đã ngỏ lời cùng họ: “nhưng vì các anh đã mất hết cảm giác đến đỗi các anh không còn cảm thấy lời nói của vị ấy nữa” (1 Nê Phi 17:45). Khi tôi đã hiểu rằng Đức Thánh Linh có thể truyền đạt qua cảm giác của chúng ta, tôi đã hiểu tại sao những lời của Đấng Ky Tô, dù từ Sách Tân Ước hay Sách Mặc Môn hay các thánh thư khác, đã mang một cảm giác rất tốt như thế. Sau một thời gian, tôi thấy thánh thư đã có các câu trả lời cho những điều tôi cần biết.

Tôi đã đọc: “Này, đây là những lời ấy, và các ngươi có thể áp dụng cho chính mình và cho tất cả mọi người” (2 Nê Phi 11:8; xin xem thêm 1 Nê Phi 19:23–24; 2 Nê Phi 6:5; 11:2). Tôi hiểu rằng nó có nghĩa là thánh thư áp dụng cho bản thân tôi, và điều đó đúng đối với mọi người khác.

Khi một câu mà tôi đã bỏ qua vài lần có ý nghĩa riêng cho tôi, thì tôi nghĩ người nào mà viết câu ấy đã thấu hiểu sâu xa và chín chắn về cuộc đời tôi và cảm nghĩ của tôi.

Ví dụ, tôi đã đọc rằng Tiên Tri Lê Hi đã ăn trái cây sự sống và nói: “Vậy nên, cha bèn muốn cho cả gia đình mình cũng được nếm trái ấy; vì cha biết rằng đó là một thứ trái cây hấp dẫn hơn hết mọi thứ trái cây khác” (1 Nê Phi 8:12). Tôi đã đọc câu đó nhiều hơn một lần. Nó đã không có ý nghĩa gì nhiều đối với tôi.

Tiên Tri Nê Phi cũng đã nói rằng ông đã viết “những điều trong tâm hồn tôi…vì sự học hỏi và lợi ích của con cháu tôi” (2 Nê Phi 4:15). Tôi đã đọc câu đó trước kia, và nó cũng đã không có ý nghĩa gì đặc biệt đối với tôi. Nhưng sau này khi chúng tôi có con, thì tôi mới hiểu rằng cả Lê Hi lẫn Nê Phi đã có cảm nghĩ sâu đậm về con cái họ như là chúng ta có cảm nghĩ đối với con cháu của chúng ta.

Tôi thấy các thánh thư này thật minh bạch và quý báu. Tôi tự nghĩ làm thế nào mà thiếu niên Joseph Smith đã có thể thấu đáo như thế. Sự thật thì tôi không tin rằng ông đã có những sự thấu đáo thâm thúy đó. Ông đã không cần phải có chúng. Ông chỉ phiên dịch điều được viết trên các bảng khắc.

Những sự thấu đáo minh bạch và quý báu ấy thì khắp nơi trong Sách Mặc Môn, cho thấy một chiều sâu khôn ngoan và kinh nghiệm mà chắc chắn không phải là đặc tính của một người 23 tuổi.

Tôi đã học biết rằng bất cứ ai, bất cứ nơi đâu, cũng đều có thể đọc Sách Mặc Môn và nhận được sự soi dẫn.

Một số sự thấu đáo đến sau khi đọc lần thứ hai, hay ngay cả lần thứ ba và dường như là “áp dụng” tới điều tôi gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Tôi nói tới một sự thấu đáo minh bạch và quý báu khác mà đã không đến với lần đầu đọc Sách Mặc Môn. Khi được 18 tuổi, tôi đã bị gọi vào quân đội. Dù tôi đã không có lý do để muốn biết về việc đó trước kia, nhưng tôi đã trở nên rất lo lắng nếu đó là điều đúng cho tôi để đi đánh trận. Cuối cùng, tôi đã tìm thấy câu trả lời của mình trong Sách Mặc Môn.

“Họ [dân Nê Phi] không chiến đấu cho một chính thể quân chủ hay cho một quyền thống trị nào, mà họ chiến đấu cho gia đình, cho tự do, cho vợ con của họ, và cho tất cả những gì họ có, phải, cho những nghi lễ thờ phượng cùng giáo hội của họ.

“Và họ đã làm những gì mà họ nhận thấy đó là bổn phận của họ có đối với Thượng Đế của họ; vì Chúa có phán với họ và tổ phụ họ rằng: Miễn là các ngươi không phạm tội gây hấn lần thứ nhất, hay lần thứ nhì, thì các ngươi chớ để cho mình bị sát hại bởi tay kẻ thù.

“Và lại nữa, Chúa còn phán rằng: Các ngươi phải bảo vệ gia đình mình dù có phải gây ra sự đổ máu. Vậy nên vì lý do này mà dân Nê Phi phải chiến đấu với dân La Man để bảo vệ bản thân và gia đình họ cùng đất đai, xứ sở, và quyền lợi cùng tôn giáo của họ” (An Ma 43:45–47).

Khi biết được điều này, tôi đã có thể sẵn lòng phục vụ một cách vinh dự.

Một ví dụ khác: Chúng tôi có lần đã có một quyết định lớn phải chọn. Khi mà lời cầu nguyện của chúng tôi vẫn cho chúng tôi cảm giác không chắc chắn, thì tôi đến gặp Anh Cả Harold B. Lee. Ông đã khuyên chúng tôi nên tiến hành. Cảm thấy rằng tôi vẫn còn do dự, ông đã nói: “Vấn đề của anh là anh muốn nhìn thấy kết quả ngay lúc bắt đầu.” Rồi ông trích câu này từ Sách Mặc Môn: “Chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được, vì các ngươi không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của các người đã được thử thách” (Ê The 12:6).

Ông nói thêm: “Anh cần học đi vài bước trước trong bóng tối, và rồi sẽ có ánh sáng chiếu đường đi cho anh.” Đó là một kinh nghiệm đổi đời từ một câu trong Sách Mặc Môn.

Chẳng phải đôi khi, các anh chị em cảm thấy như Nê Phi đã nói: “Tôi được Thánh Linh dẫn dắt, không biết trước được là mình sẽ phải làm gì” sao (1 Nê Phi 4:6)? Chẳng phải đôi khi các anh chị em cảm thấy rất yếu kém sao?

Mô Rô Ni đã cảm thấy yếu kém và sợ hãi rằng họ “sẽ nhạo báng những lời lẽ của chúng con [bởi vì sự yếu kém của chúng con.]

“…Chúa bèn phán cùng [ông]: Những kẻ điên rồ sẽ nhạo báng, nhưng rồi chúng sẽ than khóc; và ân điển của ta sẽ đủ để ban cho người nhu mì, ngõ hầu họ không thể lợi dụng sự yếu kém của các ngươi được.

“Và nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường, và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:25–27; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Cuộc đời chuyển dịch quá nhanh. Khi các anh chị em cảm thấy yếu kém, chán nản, buồn phiền, hay sợ hãi, thì hãy mở Sách Mặc Môn ra đọc. Đừng để quá nhiều thời gian trôi qua trước khi đọc một câu, một ý nghĩ, hay một chương sách.

Kinh nghiệm của tôi là một chứng ngôn không đột nhiên bùng dậy trong chúng ta. Đúng hơn, nó phát triển, như An Ma đã nói, từ một hạt giống của đức tin. “Nó sẽ làm cho đức tin của các ngươi vững mạnh thêm: vì các ngươi sẽ nói rằng đây là hạt giống tốt; vì này, nó đã nẩy mầm và bắt đầu mọc” (An Ma 32:30). Nếu các anh chị em nuôi dưỡng nó thì nó sẽ mọc lên; và nếu không chăm lo nuôi dưỡng nó, thì nó sẽ héo khô đi (xin xem An Ma 32:37–41).

Đừng nản lòng nếu các anh chị em đã đọc đi đọc lại mà vẫn chưa nhận được một bằng chứng hùng hồn. Các anh chị em có thể giống như các môn đồ được nói tới trong Sách Mặc Môn là những người đã được tràn đầy quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại “mà họ không hay biết điều đó” (3 Nê Phi 9:20).

Hãy làm hết sức mình. Hãy nghĩ đến câu này: “Hãy chú tâm làm tất cả những việc ấy một cách sáng suốt và có trật tự; vì không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được. Và lại nữa, con người cần phải chuyên tâm, để nhờ đó mà họ có thể chiếm được phần thưởng; vậy nên, mọi việc cần phải được thi hành một cách trật tự” (Mô Si A 4:27).

Những ân tứ thuộc linh được mô tả trong Sách Mặc Môn thì hiện có trong Giáo Hội ngày nay—những sự thúc giục, các ấn tượng, những sự mặc khải, các giấc mơ, những khải tượng, những sự thăm viếng, các phép lạ. Các anh chị em có thể biết chắc rằng Chúa có thể, và đôi khi, tự biểu hiện bằng quyền năng và vinh quang vĩ đại. Những phép lạ có thể xảy ra.

Mặc Môn đã nói: “Phải chăng thời của những phép lạ đã chấm dứt?

“Hay phải chăng các thiên sứ đã thôi không còn hiện đến với con cái loài người nữa? Hay phải chăng Ngài đã cất bỏ quyền năng của Đức Thánh Linh khỏi họ? Hay phải chăng Ngài sẽ làm như vậy, khi nào thời gian còn tồn tại, hay khi trái đất còn đứng vững, hay khi nào còn có một người trên mặt địa cầu này cần được cứu?

“Này ta nói cho các người hay: không; vì chính nhờ đức tin mà phép lạ được thực hiện” (Mô Rô Ni 7:35–37).

Hãy luôn luôn cầu nguyện–một mình và cùng với gia đình. Sự đáp ứng sẽ đến trong nhiều cách thức.

Một vài chữ hay một cụm từ trong một câu, như “Sự tà có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10), sẽ cho các anh chị em biết về sự thực của quỷ dữ và cách nó làm việc.

“Vì đó là cách thức mà quỷ dữ thường làm, vì nó không bao giờ thuyết phục ai làm một điều gì tốt lành cả, phải, không một người nào; và ngay cả những quỷ sứ của nó hay những kẻ tự phục tùng nó cũng vậy” (Mô Rô Ni 7:17).

Nhiều thế hệ của các tiên tri đã dạy các giáo lý của phúc âm vĩnh cửu để bảo vệ “những tín đồ hiền hoà của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:3).

Mặc Môn đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta. Ông đã đưa ra lời cảnh cáo này: “Trừ phi Chúa sửa phạt dân Ngài bằng nhiều sự đau khổ, phải, trừ phi Ngài đến viếng phạt họ bằng sự chết chóc, bằng sự khủng khiếp, bằng nạn đói kém cùng đủ mọi thứ bệnh dịch, thì họ sẽ không biết nhớ tới Ngài” (Hê La Man 12:3).

Khi Chúa đến viếng thăm dân Nê Phi, họ đã hỏi “[họ sẽ phải] gọi giáo hội này là tên gì; vì có nhiều sự tranh luận trong dân chúng về vấn đề này.

“…Chúa phán cùng họ…, tại sao dân chúng phải bàn tán và tranh luận về điều này như vậy?

“Phải chăng họ không đọc thánh thư, trong đó có nói rằng, các ngươi phải mang lấy danh của Đấng Ky Tô, đó là danh ta? Vì đây là tên mà các ngươi sẽ được gọi vào ngày cuối cùng” (3 Nê Phi 27:3–5).

Mục đích chính của Sách Mặc Môn là chứng thư của sách về Chúa Giê Su Ky Tô. Trong số hơn 6.000 câu trong Sách Mặc Môn, hơn phân nửa đề cập trực tiếp đến Ngài.

Vậy, “chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).

Sách Mặc Môn là một kho tàng bất tận của sự khôn ngoan và soi dẫn, của lời khuyên và sự sửa phạt, “phù hợp với khả năng của những người yếu đuối và những người yếu đuối nhất [trong số chúng ta]” (GLGƯ 89:3). Ngoài ra, sách còn là một sự bồi bổ phong phú cho những kẻ thông thái nhất, nếu họ chịu khiêm nhường (xin xem 2 Nê Phi 9:28–29).

Chúng ta học từ Sách Mặc Môn về:

Kế hoạch cứu rỗi hay “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” (An Ma 42:8; xin xem thêm An Ma 42:5, 8, 12, 30).

Giáo lý của Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội (xin xem 2 Nê Phi 31:2–21; 32:1–6; 3 Nê Phi 11:31–40; 27:13–21).

Tại sao cái chết là cần thiết (xin xem 2 Nê Phi 9:4–6; Mô Si A 16:8–9; An Ma 12:25–27).

Cuộc sống sau cái chết trong thế giới linh hồn (xin xem An Ma 41:11–14).

Những hoạt động của quỷ dữ (xin xem 2 Nê Phi 2:27; An Ma 28:13; 3 Nê Phi 2:2)

Thánh ban của chức tư tế (xin xem Mô Si A 29:42; An Ma 4:20; 5:3, 44; An Ma 13:1–10).

Những lời cầu nguyện trong Tiệc Thánh (xin xem Mô Rô Ni 4:3; 5:2).

Một cách thức chắc chắn để xét đoán giữa điều thiện với điều ác(xin xem Mô Rô Ni 7:16)

Làm thế nào để giữ lại sự xá miễn tội lỗi của mình (xin xem Mô Si A 4:26)

Những lời báo trước rõ ràng của các vị tiên tri và rất nhiều điều khác nữa liên quan đến sự chuộc tội của con người và cuộc sống của chúng ta. Tất cả đều là những phần trong phúc âm trọn vẹn (xin xem GLGƯ 20:9).

Sách Mặc Môn xác nhận những lời giảng dạy của Kinh Cựu Ước. Sách xác nhận những lời giảng dạy của Kinh Tân Ước. Sách phục hồi “nhiều điều minh bạch và quý báu” (1 Nê Phi 13:28) mà đã bị thất lạc hay bị lấy ra khỏi Kinh Thánh (xin xem thêm 1 Nê Phi 13:20–42; 14:23). Nó thực sự là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô.

Năm nay chúng ta kỷ niệm năm thứ 175 ngày thành lập Giáo Hội và 200 năm ngày sinh nhật của Tiên Tri Joseph Smith. Trong Giáo Hội, nhiều điều sẽ được viết ra và nói lên để vinh danh ông.

Như thường lệ, sẽ có nhiều điều được nói và viết ra để làm giảm uy tín ông. Đã, đang và sẽ luôn luôn có những người mà muốn khuấy động đống tài liệu lâu 200 năm với hy vọng sẽ tìm được một điều gì mà cho rằng Joseph đã nói hay làm để mà hạ thấp giá trị ông.

Những điều mặc khải đã cho chúng ta biết về “những kẻ nào giơ gót lên chóng lại những người được xức dầu, lời Chúa phán, và gào lên rằng họ đã phạm tội, trong khi họ không phạm tội trước mặt ta, lời Chúa phán, mà trái lại họ đã làm những điều thích hợp đối với mắt ta, và là những điều mà ta đã truyền lệnh cho họ” (GLGƯ 121:16). Họ quả thực sẽ đối diện với những hình phạt nghiêm khắc.

Chúng ta không cần phải biện hộ cho Tiên Tri Joseph Smith. Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô sẽ biện hộ cho ông thay chúng ta. Những ai bác bỏ Joseph Smith là một vị tiên tri và mặc khải thì sẽ phải tìm kiếm một sự giải thích nào đó cho Sách Mặc Môn.

Và sự biện hộ hùng hồn thứ hai: Sách Giáo Lý và Giao Ước, và thứ ba: Sách Trân Châu Vô Giá. Được xuất bản chung cùng một cuốn sách, ba thánh thư này tạo thành một chứng thư hùng hồn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và là một bằng chứng rằng Joseph Smith là một vị tiên tri.

Và tôi cùng với hằng triệu người khác mà có được chứng ngôn đó, và làm chứng cùng các anh chị em trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.