2005
Giá Trị của Con Người
Tháng Năm năm 2005


Giá Trị của Con Người

Khi chúng ta nhìn thấy sự tác động mà một người có thể có…, thì có lẽ không ngạc nhiên gì khi Chúa nhắc nhở chúng ta: “Hãy nhớ [đến]…giá trị của con người.”

Một trong những bài nói chuyện mà đã gây một ấn tượng lâu dài đối với tôi là bài nói chuyện được đưa ra vào phiên họp tối thứ Bảy trong một đại hội giáo khu cách đây nhiều năm. Bài nói chuyện được một người mẹ trẻ đưa ra. Đây là điều mà chị ấy nói: “Tôi đã làm công việc gia phả cho ông cố của mình. Ông và gia đình đông con của ông là các tín hữu của Giáo Hội.”

Chị ấy nói: “Ông cố của tôi rời Giáo Hội vào một ngày Chúa Nhật với gia đình của mình và họ không bao giờ trở lại—không biết lý do tại sao.”

Rồi chị ấy nói: “Trong cuộc nghiên cứu của mình, tôi đã thấy rằng ông cố của tôi có hơn 1.000 con cháu.”

Và rồi chị ấy nói, và đây là phần mà tôi không thể nào quên: “Trong số 1.000 con cháu đó, tôi là người độc nhất tích cực trong Giáo Hội ngày nay.”

Khi chị ấy nói những lời này, tôi thấy mình tự nghĩ: “Chỉ 1.000 người thôi sao, hoặc có thể có nhiều hơn nữa?”

Câu trả lời rất hiển nhiên. Ảnh hưởng thuộc linh mà gia đình có thể có trên những người lân cận và bạn bè đã không xảy ra. Không một người con trai hoặc con gái nào của người ông cố ấy, phục vụ với tư cách là những người truyền giáo, và những người mà họđáng lẽ làm cảm động với chứng ngôn của họ đã không được làm phép báp têm, và những người mà không được làm phép báp têm đã không đi truyền giáo. Vâng, có lẽ có hằng ngàn người không ở trong Giáo Hội ngày nay, và không có mặt trong buổi họp này hôm nay, bởi vì quyết định của người ông cố đó.

Khi tôi nghe bài nói chuyện của người phụ nữ ấy, tôi đã thấy mình tự nghĩ: “Thật là một thảm cảnh! Có lẽ nếu tôi có mặt ở đó vào thời điểm đó, tôi đã có thể nói một điều gì đó với người cha, với gia đình, với những người lãnh đạo chức tư tế, mà có thể giúp ngăn chặn tai họa như thế cho gia đình của họ và cho nhiều người trong thế hệ kế tiếp.”

Thế thì, cơ hội đó của quá khứ đã mất. Nhưng giờ đây chúng ta có thể nhìn vào hiện tại, và tương lai. Tôi muốn nói với những người mà thấy chính mình trong cùng hoàn cảnh như thế với tư cách là ông cố, các anh em có suy xét điều mà các anh em có thể làm cho gia đình của mình, và cho tất cả những người sinh ra sau các anh em chăng? Các anh em có suy ngẫm về các hậu quả của những ý nghĩ và hành động của mình chăng?

Nếu có bất cứ mối quan tâm nào về giáo lý của Giáo Hội, thì hãy nghĩ đến lời khuyên dạy mà đã được Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đưa ra cho một buổi họp lớn với hơn 2.000 tín hữu ở Ba Lê, nước Pháp năm ngoái. Ông nói: “Tôi khẩn cầu với các anh chị em, các anh chị em của tôi, rằng nếu các anh chị em có bất cứ sự nghi ngờ nào về bất cứ giáo lý nào của Giáo Hội này, thì các anh chị em hãy trắc nghiệm nó. Hãy thử nó. Hãy sống theo nguyên tắc ấy. Hãy quỳ xuống và cầu nguyện về điều đó, và Thượng Đế sẽ ban phước cho các anh chị em với một sự hiểu biết về lẽ thật của công việc này.”

Nếu các anh chị em cảm thấy rằng mình bị đối xử xấu, thì hãy sẵn sàng tha thứ. Vì một lý do nào đó, nếu có một kỷ niệm khó chịu, thì hãy quên nó đi. Nếu cần, hãy nói chuyện với vị giám trợ của các anh chị em; hãy nói chuyện với vị chủ tịch giáo khu của các anh chị em.

Đối với tất cả mọi người, nhất là đối với những người mà một ngày nào đó sẽ là ông cố và bà cố, các phước lành vĩnh cửu của các anh chị em và của con cháu của các anh chị em thì quan trọng nhiều hơn bất cứ lý do tự hào nào mà không cho các anh chị em và nhiều người khác nhận được những phước lành quan trọng như thế. Trong Sách Mặc Môn, Vua Bên Gia Min nhắc nhở chúng ta: “Và ngoài ra, tôi mong rằng các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.” (Mô Si A 2:41).

Đối với các anh chị em là con cái trong nhà của các ông cố mà có thể rời bỏ Giáo Hội trong tương lai, thì các anh chị em có thể tiếp tục sống trung tín, các anh chị em có thể là một tấm gương tốt trong nhà và đối với những người chung quanh mình. Các anh chị em có thể làm phần của mình để mang đến sự bình an và hòa thuận trong nhà và với những người quen biết với mình. Các anh chị em có thể là giải pháp, chứ không phải nguyên nhân, của những vấn đề. Hãy ghi nhớ, trong Sách Mặc Môn, khi Tổ Phụ Lê Hi bắt đầu ta thán, thì chính người con trai ngay chính của ông là Nê Phi đã đưa ra lời khích lệ và tìm ra những giải pháp cho các vấn đề. Có rất nhiều lần, chính những đứa con ngay chính đã có thể giữ vững chiếc thuyền đang vượt qua cơn biển động.

Đối với các anh em là các vị giám trợ và chủ tịch giáo khu, tôi mong muốn biết bao các anh em đã có thể là một phần của buổi họp mà tôi đã tham dự với một vài vị đại diện giáo vùng. Chúng tôi đã nghe Anh Cả L. Tom Perry so sánh các anh cả tương lai và những người không tích cực, các ông cố tương lai—với một nhiệt kế. Chúng tôi được nhắc nhở rằng có nhiều người trong số những cá nhân đó có những cảm nghĩ nồng nhiệt về Giáo Hội. Họ sẽ trở lại nếu một người nào đó chịu khuyến khích và chỉ cho họ thấy lối đi.

Tôi muốn nói cho các anh chị em nghe về một đại hội giáo khu mà tôi được chỉ định tham dự. Đó là một sự tái tổ chức; vị chủ tịch giáo khu và các cố vấn của ông sẽ được giải nhiệm và một chủ tịch đoàn mới sẽ được kêu gọi. Vị chủ tịch giáo khu còn trẻ và đã phục vụ một cách tuyệt diệu trong 10 năm. Ông là một người khổng lồ thuộc linh, nhưng ông cũng là một người khổng lồ về quản trị. Trong cuộc phỏng vấn riêng của tôi với ông, ông đã cho tôi biết cách thức ông đã ủy quyền nhiều trách nhiệm về những chức năng của giáo khu cho các cố vấn của ông và cho hội đồng thượng phẩm, và nhờ vậy đã cho ông có thời giờ để phỏng vấn những người không có chức tư tế, và những người cần sự khích lệ. Những cá nhân và những cặp vợ chồng được mời vào văn phòng của ông. Nơi đó ông đã làm quen với họ, khuyến khích họ và mời họ sống tốt hơn, cải tiến cuộc sống của họ, và tiếp nhận các phước lành dành sẵn cho những người đi theo Chúa. Ông đã giúp họ bằng cách đặt họ dưới sự trông nom của một vị lãnh đạo có khả năng, một giảng viên mà giúp họ hiểu về những điều tuyệt vời của giáo lý . Rồi ông cho tôi biết rằng trong những cuộc phỏng vấn này, ông thường hỏi họ có muốn nhận một phước lành không. Ông nói: “Tôi đã đặt tay lên đầu của nhiều tín hữu trong giáo khu.”

Ngày hôm sau, trong phiên họp toàn thể của đại hội giáo khu, tôi không chắc là tôi đã bao giờ nhìn thấy nhiều người khóc như thế—không phải vì họ cảm thấy rằng vị chủ tịch không nên được giải nhiệm, mà vì tình yêu thương sâu xa của một vị chủ tịch giáo khu trẻ tuổi mà đã ban phước cuộc sống của họ. Tôi cảm thấy được thúc giục để hỏi: “Có bao nhiêu người trong số các anh chị em đã được vị chủ tịch giáo khu đặt tay lên đầu?” Tôi kinh ngạc trước con số đông người đã giơ tay lên. Tôi tự nghĩ vào lúc đó: “Bao nhiêu người trong số này sẽ chúc phước cho danh của vĩ nhân này, không những bây giờ mà trong suốt thời vĩnh cửu?” Vâng, đây sẽ là các ông cố mà, nhờ vào vị lãnh đạo đầy tình yêu thương này, sẽ để lại một di sản những thế hệ của hằng ngàn người khen vị ấy là người có phước.

Khi chúng ta nhìn thấy sự tác động mà một người có thể có trên cuộc sống của nhiều người như vậy, thì có lẽ không ngạc nhiên gì khi Chúa nhắc nhở chúng ta: “Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao” (GLGƯ 18:10)

Tôi cầu nguyện để tất cả chúng ta đều có thể suy ngẫm về điều mà cá nhân của chúng ta có thể làm để phụ giúp những người sẽ là các ông bà cố tương lai, cho dù đó là một trẻ nhỏ, một thiếu niên, hay một người lớn, để mỗi người sẽ để lại một di sản ngay chính của những người biết rõ và yêu mến Chúa. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.