2005
Những Sự Việc Lớn Lao mà Thượng Đế Đã Mặc Khải
Tháng Năm năm 2005


Những Sự Việc Lớn Lao mà Thượng Đế Đã Mặc Khải

Trên nền tảng vững chắc của sự kêu gọi thiêng liêng của Tiên Tri Joseph và những điều mà Thượng Đế mặc khải qua ông, chúng ta tiến bước.

Thưa các anh chị em, như chúng ta đã được nhắc nhở, vào tháng Mười Hai tới này chúng ta sẽ kỷ niệm sinh nhật thứ 200 của Tiên Tri Joseph Smith. Trong thời gian đó, nhiều điều sẽ xảy ra trong khi kỷ niệm cơ hội đầy ý nghĩa này.

Sách vở sẽ được xuất bản, nhiều hội nghị chuyên đề với sự tham dự của nhiều học giả, những cuộc diễn hành, một cuốn phim mới, và nhiều điều quan trọng khác.

Dự kiến trước điều này, tôi cảm thấy, với tư cách là người kế nhiệm thứ 15 từ đỉnh cao thành quả của ông, phải đưa ra chứng ngôn của tôi về sự kêu gọi thiêng liêng của ông.

Tôi cầm trong tay tôi một quyển sách nhỏ quý báu. Nó được xuất bản ở Liverpool, nước Anh, bởi Orson Pratt vào năm 1853, cách đây 152 năm. Đó là bài tường thuật của Lucy Mack Smith về cuộc sống của con trai bà.

Nó thuật lại một số chi tiết về nhiều cuộc tiếp xúc của Joseph với thiên sứ Mô Rô Ni và sự ra đời của Sách Mặc Môn.

Quyển sách kể rằng khi nghe về sự gặp gỡ của Joseph với vị thiên sứ, người anh của ông, Alvin, đề nghị gia đình cùng họp lại và nghe ông trong khi ông trình bày tỉ mỉ “những sự việc lớn lao mà Thượng Đế đã mặc khải” (Biographical Sketches of Joseph Smith the Prophet and His Progenitors of Many Generations [1853], 84).

Tôi lấy lời nói ấy làm đề tài của bài nói chuyện của tôi—những sự việc lớn lao mà Thượng Đế đã mặc khải qua Tiên Tri Joseph. Tôi xin được kể ra một vài trong số nhiều giáo lý và lối thực hành mà phân biệt chúng ta với tất cả các giáo hội khác, và tất cả những điều đó đã đến từ sự mặc khải cho Vị Tiên Tri trẻ tuổi. Chúng rất quen thuộc với các anh chị em, nhưng chúng đáng để lặp lại và để suy ngẫm.

Dĩ nhiên, điều đầu tiên của những điều này là sự biểu hiện của chính Thượng Đế và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh. Theo ý kiến của tôi, khải tượng quan trọng này là sự kiện trọng đại nhất kể từ sự giáng sinh, cuộc sống, cái chết và Sự Phục Sinh của Chúa trong thời trung thế.

Chúng ta không có sự ghi chép bất cứ sự kiện nào khác mà có thể sánh bằng.

Trong nhiều thế kỷ , con người quy tụ lại và tranh cãi về thiên tính của Thượng Đế. Constantine quy tụ những học giả của nhiều hệ phái tại Nicaea vào năm 325. Sau hai tháng tranh luận, họ thỏa hiệp bằng một định nghĩa mà trong nhiều thế hệ đã là lời phát biểu về giáo lý ở giữa những người Ky Tô hữu liên quan đến Thiên Chủ Đoàn.

Tôi xin mời các anh chị em đọc định nghĩa đó và so sánh nó với lời phát biểu của thiếu niên Joseph. Ông chỉ nói rằng Thượng Đế đứng trước mặt ông và phán bảo cùng ông. Joseph có thể nhìn thấy Ngài và có thể nghe Ngài phán. Ngài có hình dáng giống như một con người, một thực thể. Bên cạnh Ngài là Chúa phục sinh, một nhân vật riêng biệt, là Đấng mà Ngài giới thiệu là Con Trai Yêu Dấu của Ngài và là Đấng mà Joseph cũng đã nói chuyện.

Tôi tin rằng trong thời gian ngắn ngủi của khải tượng phi thường đó Joseph đã học biết thêm nhiều điều liên quan đến Thượng Đế hơn tất cả các học giả và các giáo sĩ thời xưa.

Trong sự mặc khải thiêng liêng này, có sự xác thật đã được xác nhận một lần nữa vượt qua sự nghi ngờ về sự phục sinh thật sự của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự hiểu biết này về Thượng Đế, đã bị che giấu khỏi thế gian trong nhiều thế kỷ , là điều đầu tiên và lớn lao mà Thượng Đế đã mặc khải cho tôi tớ được chọn lựa của Ngài.

Và đặt trên sự xác thực và lẽ thật của khải tượng này là giá trị pháp lý của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi nói đến một điều khác kế tiếp cũng rất quan trọng mà Thượng Đế đã mặc khải.

Thế giới Ky Tô hữu chấp nhận Kinh Thánh là lời của Thượng Đế. Hầu hết đều không biết cách thức mà Kinh Thánh đến với chúng ta.

Tôi mới vừa đọc xong một quyển sách mới xuất bản bởi một học giả nổi tiếng. Hiển nhiên là chi tiết mà ông đưa ra là nhiều sách trong Kinh Thánh được gộp chung lại thành một điều mà dường như là không có hệ thống. Trong một số trường hợp, những bản văn không được xuất bản cho đến rất lâu sau khi những sự kiện đã được họ mô tả. Bởi vì vậy, chúng ta có thể hỏi: “Kinh Thánh có chân chính không? Có thật đó là lời của Thượng Đế không?”

Chúng ta đáp rằng có, khi Kinh Thánh được phiên dịch đúng. Chúa đã ảnh hưởng trong việc làm ra Kinh Thánh. Nhưng bây giờ Kinh Thánh không đứng một mình. Có một chứng thư khác về các lẽ thật đầy ý nghĩa và quan trọng được tìm thấy trong đó.

Thánh thư dạy rằng “mọi việc sẽ định cứ lời khai của hai hoặc ba người làm chứng” (2 Cô Rinh Tô 13:1).

Sách Mặc Môn ra đời bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Sách cất tiếng nói như thể từ bụi đất trong chứng ngôn về Vị Nam Tử của Thượng Đế. Sách nói về sự giáng sinh của Ngài, về giáo vụ của Ngài, về Sự Đóng Đinh Ngài và Sự Phục Sinh của Ngài, và về sự hiện đến của Ngài với những người ngay chính trong xứ Phong Phú trên lục địa Mỹ Châu.

Đó là một vật hữu hình mà có thể sờ, có thể đọc, có thể thử nghiệm được. Sách đó mang đến trong những trang giấy của nó một lời hứa về nguồn gốc thiêng liêng của sách. Hằng triệu người giờ đây đã thử nghiệm lời hứa đó và thấy rằng sách đó là một biên sử chân chính và thiêng liêng.

Sách được những người không thuộc cùng tín ngưỡng với chúng ta cho là một trong 20 quyển sách được xuất bản từ trước đến giờ ở Mỹ Châu mà có ảnh hưởng lớn nhất đối với những người đọc các sách đó.

Cũng giống như Kinh Thánh là chứng thư của Cựu Thế Giới, Sách Mặc Môn là chứng thư của Tân Thế Giới. Các thánh thư này đi song song với nhau trong việc tuyên bố Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha.

Chỉ trong mười năm vừa qua, 51 triệu quyển sách đã được phân phát. Sách đó hiện giờ có sẵn trong 106 ngôn ngữ.

Quyển sách thiêng liêng này, ra đời với tính cách là một sự mặc khải của Thượng Đế, quả thật là một chứng thư khác về thiên tính của Chúa chúng ta.

Tôi thường nghĩ rằng toàn thể thế giới Ky Tô hữu phải tìm đến và chào đón và chấp nhận sách ấy như là một chứng ngôn mạnh mẽ. Sách tiêu biểu cho một sự đóng góp lớn lao và cơ bản khác mà đến như là một mặc khải cho Vị Tiên Tri.

Một điều khác nữa là chức tư tế được phục hồi. Chức tư tế là thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế. Thẩm quyền đó là nền tảng của bất cứ tôn giáo nào. Gần đây, tôi có đọc một quyển sách khác. Sách này nói về Sự Bội Giáo của Giáo Hội nguyên thủy. Nếu thẩm quyền của Giáo Hội đó đã bị thất lạc, thì làm sao thẩm quyền đó có thể được thay thế?

Thẩm quyền chức tư tế chỉ đến từ một chỗ độc nhất mà nó có thể đến, và đó chính là thiên thượng. Thẩm quyền đó được ban cho dưới bàn tay của những người nắm giữ thẩm quyền đó khi Đấng Cứu Rỗi sống trên thế gian.

Trước hết, có Giăng Báp Tít là người đã truyền giao Chức Tư Tế A Rôn, hay là chức tư tế thấp hơn. Việc này được tiếp theo sau bởi sự viếng thăm của Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng, Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã truyền giao cho Joseph và Oliver Cowdery Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc mà đã được tiếp nhận bởi các Sứ Đồ này dưới bàn tay của chính Chúa khi Ngài còn sống trên thế gian, Ngài đã phán:

“Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi: hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở ở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời” (Ma Thi Ơ 16:19).

Sự phục hồi phúc âm thì tuyệt diệu biết bao và đưa đến sự tổ chức Giáo Hội trong năm 1830, cách đây 175 năm tính đến tuần này. Chính tên của Giáo Hội đến từ điều mặc khải. Giáo Hội này của ai? Có phải của Joseph Smith không? Có phải của Oliver Cowdery không? Không, đó là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian trong những ngày sau này.

Một điều mặc khải lớn lao và nổi bật khác được ban cho Vị Tiên Tri là kế hoạch cho cuộc sống vĩnh cửu của gia đình.

Gia đình là do Thượng Đế sáng tạo. Nó tiêu biểu cho mối quan hệ thiêng liêng nhất trong mọi mối quan hệ. Nó tiêu biểu cho công việc quan trọng nhất trong tất cả các mối quan hệ. Nó là tổ chức cơ bản của xã hội.

Qua những điều mặc khải của Thượng Đế ban cho Vị Tiên Tri của Ngài thì có giáo lý và thẩm quyền mà qua đó các gia đình được làm lễ gắn bó với nhau không những cho đời này, mà còn cho suốt thời vĩnh cửu.

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có được khả năng để giảng dạy giáo lý này một cách hữu hiệu, thì nó sẽ thu hút mối quan tâm của hằng triệu cặp vợ chồng là những người yêu thương nhau và yêu thương con cái họ, nhưng cuộc hôn nhân của họ chỉ có hiệu lực “cho đến chết mới rời xa nhau.”

Sự ngây thơ của trẻ nhỏ là một điều mặc khải khác mà Thượng Đế đã ban cho qua Tiên Tri Joseph. Lối thực hành chung là phép báp têm cho trẻ sơ sinh để lấy đi những hậu quả của điều được mô tả là tội lỗi của A Đam và Ê Va. Dưới giáo lý của Sự Phục Hồi, phép báp têm nhằm cho sự xá miễn tội lỗi riêng của một người. Nó trở thành một giao ước giữa Thượng Đế với con người. Nó được thực hiện vào tuổi chịu trách nhiệm khi người ta đủ khôn lớn để nhận biết điều đúng với điều sai. Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước tượng trưng cho cái chết và sự chôn cất của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Sinh của Ngài.

Tôi sẽ đề cập đến một lẽ thật khác đã được mặc khải.

Chúng ta được cho biết rằng Thượng Đế không thiên vị người nào, vậy mà, không có một giáo hội nào khác mà tôi biết được, cho những người đã chết cơ hội để nhận mọi phước lành mà được ban cho người sống. Giáo lý quan trọng của sự cứu rỗi cho người chết thì độc nhất trong Giáo Hội này.

Con người khoác lác rằng họ “đã được cứu,” nhưng cùng lúc thú nhận rằng tổ tiên của họ đã không và không thể được cứu.

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su thay cho tất cả mọi người tiêu biểu cho một sự hy sinh lớn lao thay cho người khác. Ngài nêu ra gương mẫu mà qua đó Ngài trở thành người đại diện cho tất cả nhân loại. Gương mẫu này là gương mẫu mà qua đó một người có thể hành động thay cho một người khác được thực hiện trong các giáo lễ của nhà của Chúa. Nơi đây chúng ta phục vụ thay cho những người đã chết mà không biết được phúc âm. Sự chọn lựa của họ để chấp nhận hay chối bỏ giáo lễ được thực hiện. Họ được đặt ngang hàng với những người sống trên thế gian. Người chết được ban cho cùng một cơ hội như người sống. Một lần nữa, thật là một sự ban cho đầy vinh quang và kỳ diệu mà Thượng Đế đã thực hiện qua sự mặc khải của Ngài cho Vị Tiên Tri của Ngài.

Tính chất vĩnh cửu của con người đã được mặc khải. Chúng ta là các con trai và các con gái của Thượng Đế. Thượng Đế là Cha linh hồn của chúng ta. Chúng ta đã sống trước khi chúng ta đến đây. Chúng ta có được cá tính. Chúng ta sinh ra trên đời này dưới một kế hoạch thiêng liêng. Chúng ta đến đây để trắc nghiệm sự xứng đáng của chúng ta, hành động trong quyền tự quyết mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Khi chúng ta chết, chúng ta sẽ tiếp tục sống. Cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta gồm có ba giai đoạn: một, cuộc sống tiền dương thế của chúng ta; hai, cuộc sống trên trần thế của chúng ta; và ba, cuộc sống sau khi chết. Khi chết, chúng ta giã từ thế gian này và bước qua bức màn che để vào vương quốc mà chúng ta xứng đáng để bước vào. Một lần nữa, đây là một giáo lý độc nhất, nổi bật, và quý báu của Giáo Hội này mà đã đến qua sự mặc khải.

Tôi xin đưa ra phần tóm tắt ngắn gọn về sự hiểu biết dồi dào và thẩm quyền từ Thượng Đế ban cho Vị Tiên Tri của Ngài. Nếu còn thời giờ, tôi có thể nói về nhiều điều khác nữa. Có một điều nữa mà tôi phải đề cập đến. Đây là nguyên tắc của sự mặc khải hiện đại. Tín Điều mà Vị Tiên Tri đã viết ra nói rằng:

“Chúng tôi tin tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải, và chúng tôi tin rằng Ngài sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế” (Những Tín Điều 1:9).

Một giáo hội đang tăng trưởng, một giáo hội lan rộng khắp nơi trên thế gian trong những thời kỳ khó khăn này, cần sự mặc khải liên tục từ ngai vàng của thiên thượng để hướng dẫn và đẩy mạnh giáo hội đến trước.

Với lời cầu nguyện và sự thiết tha tìm biết ý muốn của Chúa, chúng ta làm chứng rằng hướng đi đã nhận được, rằng sự mặc khải đến, và Chúa ban phước cho Giáo Hội của Ngài khi Giáo Hội đang tiến bước trên con đường vận mệnh.

Trên nền tảng vững chắc của sự kêu gọi thiêng liêng của Tiên Tri Joseph và những điều mà Thượng Đế mặc khải qua ông, chúng ta tiến bước. Nhiều điều đã được thực hiện trong việc mang chúng ta đến ngày hôm nay. Nhưng cũng còn thêm nhiều điều nữa để được thực hiện trong tiến trình mang phúc âm phục hồi này đến “dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải Huyền 14:6).

Tôi hân hoan trong cơ hội kết giao cùng với các anh chị em khi chúng ta tiếp tục sống trong đức tin. Đôi khi gánh nặng rất khó gánh, như các anh chị em biết rõ. Nhưng chúng ta chớ nên than vãn. Chúng ta hãy bước đi trong đức tin, mỗi nguời làm phần vụ của mình.

Trong năm kỷ niệm này, qua những hành động của mình, chúng ta hãy vinh danh Vị Tiên Tri, mà qua ông Thượng Đế đã mặc khải rất nhiều điều như thế.

Joseph sinh vào một ngày lạnh lẽo năm 1805 ở Vermont. Mạng sống của ông đã kết thúc vào một buổi trưa oi bức năm 1844 ở Illinois. Trong 38 năm rưỡi ngắn ngủi của đời ông, ông có được một sự dồi dào vô song trong sự hiểu biết, các ân tứ và giáo lý . Nhìn một cách khách quan, đó là thực chất của chứng ngôn cá nhân của hằng triệu Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế gian. Các anh chị em và tôi được vinh hạnh là những người trong số này.

Khi còn nhỏ, tôi rất thích nghe một người, với giọng nam trung mạnh mẽ, hát những lời nhạc của John Taylor:

Vị Tiên Kiến, Vị Tiên Kiến, Joseph Vị Tiên Kiến!…

Tôi rất thích nghĩ về ông một cách trìu mến;

Người đã được Thượng Đế chọn và bạn của nhân loại,

Ông phục hồi chức tư tế;

Ông cũng có thể thấy quá khứ và tương lai…

Và cho thấy kế hoạch thiên thượng.

(“The Seer, Joseph, The Seer,” Hymns [1948], số 296)

Ông quả thật là vị tiên kiến. Ông là một vị mặc khải. Ông là một vị tiên tri của Thượng Đế hằng sống là Đấng đã phán bảo cùng thế hệ của thời ông và tất cả các thế hệ tương lai.

Tôi xin thêm vào điều này lời chứng trang nghiêm của tôi về sự thiêng liêng của sự kêu gọi của ông, về đức hạnh của cuộc sống của ông, và về sự ấn chứng của chứng ngôn của ông với cái chết của ông, trong thánh danh của Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.