2009
Các Phước Lành của Việc Phục Sự
Tháng Mười năm 2009


Các Phước Lành của Việc Phục Sự

Các tín hữu của Giáo Hội ban phước cho cuộc sống và củng cố chứng ngôn khi họ bắt chước theo gương của Đấng Cứu Rỗi để phục sự những người khác.

Giáo vụ mẫu mực của Chủ Tịch Thomas S. Monson được nổi tiếng trong số các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong hơn sáu thập niên, ông đã tìm đến giúp đỡ những người trong cơn hoạn nạn, mang sự an ủi và bình an đến cho vô số các cá nhân và đích thân phục sự người bệnh và người khổ sở.1

Chủ Tịch Monson đã nói: “Ngày nay, có những tấm lòng cần được làm cho vui vẻ, có những việc làm cần được thực hiện—chính là những tâm hồn quý báu để cứu giúp. Người bệnh, người mệt mỏi, người đói khát, người lạnh lẽo, người bị thương tích, người cô đơn, người già nua, người lang thang, tất cả đều kêu cầu sự giúp đỡ của chúng ta.”2

Trong giáo vụ của mình, Chủ Tịch Monson đã cho thấy sự khác biệt giữa việc điều hành với việc phục sự. Các tín hữu Giáo Hội điều hành các chương trình và các giáo lễ, nhưng họ phục sự các cá nhân, yêu thương họ và đến giúp đỡ họ. Khi tìm đến cứu giúp những người khác, Chủ Tịch Monson đã bắt chước theo Đấng Cứu Rỗi, là Đấng “đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta” (Mác 10:45).

Như bốn câu chuyện sau đây minh họa, Các Thánh Hữu Ngày Sau “đi, làm theo như vậy” (Lu Ca 10:37) ban phước cho những người khác, Giáo Hội và bản thân họ.

Người Sa Ma Ri với Bột Nhão Làm Bánh Kếp

Sự bình phục của tôi tiếp theo cuộc giải phẫu nhỏ không dễ dàng như tôi mong muốn. Nhưng với tư cách là chủ tịch Hội Phụ Nữ trong tiểu giáo khu, tôi đã cảm thấy rằng tôi cần phải giúp đỡ những người khác chứ không yêu cầu xin được giúp đỡ. Vào sáng thứ Hai, ba ngày sau cuộc giải phẫu của mình, tôi phải đánh thức bảy đứa con dậy và sẵn sàng để đi học. Tôi tự hỏi tôi có cần phải giữ đứa con gái lớn nhất ở nhà để giúp lo cho đứa con sơ sinh không.

Trong khi những ý nghĩ này lướt ngang đầu tôi thì tiếng chuông cửa reo vang. Vickie Woodard, người cố vấn thứ nhất của tôi và cũng là một người bạn tốt, đã đến giúp đỡ. Chị nói rằng chị đến đây để làm bánh kếp. Chị cầm một tô bột làm bánh đã pha sẵn trong tay và hỏi tôi chị có thể tìm ra ở đâu cái chảo để chiên bánh. Mấy đứa nhỏ rất vui mừng.

Sau bữa ăn sáng, Vickie đưa mấy đứa trẻ đến trường, dọn dẹp và mang đứa bé sơ sinh về nhà cho đến khi tới giấc ngủ trưa của nó. Về sau, khi tôi hỏi ai đang chăm sóc cho mấy đứa con nhỏ của chị, thì chị cho tôi biết là chồng của chị đã nghỉ làm hai giờ đồng hồ để chị có thể giúp đỡ tôi.

Sự phục vụ của Vickie và người chồng của chị vào ngày đó đã cho phép tôi lấy lại sức lực của mình và giúp cho tôi được bình phục.

Beverly Ashcroft, Arizona, Hoa Kỳ

Cho Một Người trong Những Người Rất Hèn Mọn Này

Một ngày nọ khi tôi ở nhà một mình với đứa con trai út của tôi, thì tôi bị trượt chân cầu thang và ngã. Hậu quả là cơn đau ở bụng kéo dài mấy ngày liền nên tôi đi khám bác sĩ.

Tôi có thai vào lúc ấy và những cuộc xét nghiệm cho thấy rằng cái nhau thai của tôi đã bị tách rời. Tình trạng này đòi hỏi phải nghỉ ngơi hoàn toàn, nếu không thì tôi có thể mất đứa bé trong bụng.

Tôi rất lo lắng vì chúng tôi có ba đứa con nhỏ và không đủ khả năng để trả tiền cho người đến giúp việc. Tuy nhiên, các chị em phụ nữ trong chi nhánh của tôi đã biết được hoàn cảnh của tôi, và dù không được yêu cầu, họ cũng đến phụ giúp tôi. Họ tự tổ chức thành ba nhóm để giúp đỡ tôi buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều.

Họ đến giặt đồ, ủi đồ, nấu ăn, dọn dẹp và giúp mấy đứa con của tôi làm bài tập ở nhà. Một chị phụ nữ tên là Rute, chịu phép báp têm vào Giáo Hội trong khi tôi bị bệnh phải nằm trên giường, đã trở nên quen thuộc trong nhà của chúng tôi. Rute, là một y tá, đã đến giúp ban đêm và giúp chích thuốc khi cần.

Tôi không cần phải hỏi xin điều gì cả; các chị em phụ nữ này biết trước các nhu cầu của tôi và lo liệu mọi việc. Khi họ có nhiều người giúp đỡ hơn là họ cần, thì một chị phụ nữ ngồi trò chuyện với tôi. Họ làm như vậy trong ba tháng.

Các chị em phụ nữ này đã mang đến sức mạnh, tình yêu thương và sự tận tâm. Họ ban phát thời giờ và tài năng của họ. Họ hy sinh để có mặt ở đó. Họ chưa hề đòi hỏi bất cứ điều gì để bồi đáp lại. Họ yêu thương và họ phục vụ, noi theo gương của Chúa là Đấng đã dạy chúng ta: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma Thi Ơ 25:40).

Enilze do Rocio Ferreira da Silva, Paraná, Brazil

Chỉ Cần Mang Quần Áo của Chúng Đến

Trong khi chồng tôi, Brandon, đang đi công tác ở Orlando, Florida, thì một buổi tối nọ anh thức dậy và bị sốt cao cộng thêm khó thở. Anh gọi xe cứu thương đến chở anh vào bệnh viện nơi mà anh biết được rằng anh mắc bệnh viêm phổi nặng.

Vì Brandon và tôi có mấy đứa con trai độ tuổi mới biết đi, tôi không thể đi ngay từ nhà mình ở Pennsylvania đến Florida. Tôi gọi điện thoại cho Brandon hằng ngày, hy vọng rằng anh sẽ được khả quan để anh có thể trở về với chúng tôi.

Tuy nhiên, tình trạng của Brandon đã trở nên tệ hại hơn. Khi một y tá tại bệnh viện thúc giục tôi đến bệnh viện càng sớm càng tốt, thì tôi đã bắt đầu nghĩ xem ai có thể trông nom mấy đứa con trai của tôi.

Mẹ tôi đồng ý lấy ngày nghỉ phép và nói rằng bà sẽ đến ngay khi bà có thể đến, nhưng chuyến bay tôi cần phải đi lại khởi hành trước khi bà đến. Tôi gọi điện thoại cho một vài người bạn để xem họ có thể trông mấy đứa con trai của tôi cho đến khi mẹ tôi đến không. Một người bạn từ Hội Phụ Nữ, Jackie Olds, nói rằng chị sẵn lòng trông coi chúng.

Chị nói: “Chỉ cần mang quần áo và tã của chúng lại thôi và tôi sẽ giữ chúng trong bao nhiêu ngày cũng được để chị đi.”

Tôi bắt đầu từ chối vì chị phụ nữ này, đã phải giữ ba đứa con của chị rồi, có một cuộc sống đầy bận rộn, nhưng chị vẫn nài nỉ. Khi tôi đưa mấy đứa con trai của tôi đến một lát sau, thì chị an ủi tôi bằng cách nói: “Đừng lo cho chúng. Hãy lo về việc làm cho Brandon khỏe hơn và mang anh ấy về nhà. Tôi đã từng trông nom mấy đứa bé trước đây rồi.”

Lúc ấy, tôi biết rằng mấy đứa con trai của tôi sẽ được an toàn, vui vẻ và được chăm sóc chu đáo, và đã thật sự được như vậy. Tôi đã có thể ở bên chồng tôi, bị bệnh trầm trọng lúc tôi đến bệnh viện. Nhưng sau một vài ngày, anh đã đủ khỏe để trở về nhà.

Tôi biết ơn một người bạn tốt mà đã đáp ứng—nhiều hơn điều tôi đã nhờ chị—và phục sự chúng tôi trong lúc hoạn nạn.

Kelly Parks, Pennsylvania, Hoa Kỳ

Sự Phục Vụ ở Bên Giường

Anh Anderson, chủ tịch đầy năng động 35 tuổi của Hội Thiếu Niên trong tiểu giáo khu, là loại người lãnh đạo giới trẻ mà mọi người đều ngưỡng mộ: người truyền giáo toàn thời gian trước đây, cha của năm đứa con, chủ cơ sở kinh doanh, có tâm hồn trẻ trung. Nhưng giờ đây anh ấy mắc bệnh ung thư máu. Sau khi nhận được tin này từ vị giám trợ, Ryan Hill, người phụ tá thứ nhất của nhóm túc số thầy tư tế, bắt tay ngay vào hành động, kêu gọi mỗi thầy tư tế tích cực và kém tích cực trong nhóm túc số của mình.

Em ấy đã lặp đi lặp lại trong mỗi cú điện thoại: “Chúng ta sẽ đi đến bệnh viện để thăm Anh Anderson. Chúng tôi cần mọi người. Anh có đến được không?”

Một thầy tư tế nói: “Tôi không chắc là tôi có thể đi được. Có lẽ tôi phải đi làm.”

Ryan đáp: “Vậy thì chúng tôi sẽ chờ cho đến khi anh đi làm về. Đây là điều mà chúng ta cần phải cùng nhau làm.”

Người thành viên của nhóm túc số ấy nói: “Được. Tôi sẽ xem có thể đổi ca với một người khác không.”

Tất cả 11 thầy tư tế đi đến bệnh viện. Những người kém tích cực và những người chưa bao giờ vắng mặt trong buổi họp ngày Chúa Nhật đều có mặt ở đó. Họ cùng cười, cùng khóc và cùng cầu nguyện và lập ra chương trình trong tương lai với nhau. Trong những tháng kế tiếp, họ hoạch định thời gian để xoa bóp chân cho Anh Anderson khi máu của anh không lưu thông, thay phiên nhau hiến tiểu huyết cầu trong các buổi hiến máu kéo dài hai giờ để anh chỉ nhận máu của họ mà thôi, và còn lái xe 32 kilômét vào đêm khiêu vũ đặc biệt do trường tổ chức với các cô bạn gái (kể cả hai thiếu nữ không phải là tín hữu của Giáo hội) đến bên cạnh giường bệnh viện để anh ấy có thể chia sẻ với họ những kinh nghiệm của họ trong trường trung học.

Trong những ngày cuối cùng của mình, Anh Anderson đã yêu cầu các thầy tư tế hãy phục vụ truyền giáo, kết hôn trong đền thờ và giữ liên lạc với nhau. Hơn mười hai năm sau, sau khi đi truyền giáo trở về, kết hôn trong đền thờ và bắt đầu có gia đình riêng của mình, họ vẫn còn nhớ đến những kinh nghiệm thuộc linh của khúc quanh này về việc cùng nhau phục vụ với người lãnh đạo yêu dấu của họ.

Norman Hill, Texas, Hoa Kỳ

Ghi Chú

  1. Xin xem Quentin L. Cook, “Hãy Chú Tâm vào Lời Nói của Các Vị Tiên Tri,” Liahona, tháng Năm năm 2008, 49–50.

  2. Thomas S. Monson, “Your Jericho Road,” Tambuli, tháng Chín năm 1989, 6.

Tranh ảnh do Gregg Thorkelson minh họa