2009
Chúng Tôi Đến Đây để Xem Đền Thờ
Tháng Mười năm 2009


Chúng Tôi Đến Đây để Xem Đền Thờ

Rees Bandley, Utah, Hoa Kỳ

Một ngày mùa thu nọ vào lúc ca của tôi với tư cách là người làm việc trong Đền Thờ Salt Lake, thì một thanh niên và bạn bè của cậu ấy, rõ ràng là không ăn mặc theo cách để vào thờ phượng trong đền thờ, đi đến.

Cậu thanh niên nói: “Chúng tôi đến đây để xem đền thờ.”

Tôi hỏi: “Cậu có giấy giới thiệu đi đền thờ không?”

Người thanh niên suy nghĩ một lát, rồi nói: “Vâng. Mẹ tôi có một người bạn theo đạo Mặc Môn ở Minnesota. Người ấy khuyên chúng tôi nên đến xem đền thờ.”

Tôi cảm thấy có ấn tượng phải kéo các thanh niên qua một bên và nói chuyện với họ. Tên của cậu thanh niên đó là Lars. Tôi giải thích cho cậu ấy biết rằng không phải là cậu không thể đến đền thờ mà Cha Thiên Thượng còn muốn cậu đến nữa. Tôi nói với Lars rằng trước hết cậu phải chuẩn bị, và tôi giải thích phải làm thế nào.

Vào lúc đó, tôi chỉ mới tích cực trong Giáo Hội trong một thời gian ngắn mà thôi. Tôi đã phục vụ truyền giáo nhưng về sau đã rời bỏ Giáo Hội sau khi vướng vào kỹ nghệ làm trò vui giải trí và dùng ma túy và rượu. Tôi nghĩ rằng gia đình tôi sẽ cảm kích về sự nghiệp và sự giàu có của tôi, nhưng mẹ tôi không quan tâm đến bất cứ thứ gì. Thay vì thế, bà luôn luôn để tên tôi vào danh sách cầu nguyện trong đền thờ, điều đó khiến cho tôi tức giận.

Người phụ nữ mà tôi kết hôn cũng đã rời bỏ Giáo Hội. Vào lúc đứa con gái tám tuổi của chúng tôi, Tori, bắt đầu đặt những câu hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng tôi đã ở dưới đáy của cuộc sống thuộc linh. Mặc dù tôi đã phục vụ truyền giáo nhưng tôi không thể nhớ bất cứ điều gì về Đấng Cứu Rỗi.

Tôi nói với Tori: “Có những người hội đủ điều kiện để dạy con về Chúa Giê Su. Tại sao con không nói chuyện với họ?”

Một vài ngày sau, hai chị truyền giáo gõ cửa nhà chúng tôi. Tori mời họ vào và bắt đầu nhận những bài thảo luận của người truyền giáo. Từ một căn phòng khác, tôi nghe trộm hai chị truyền giáo giảng dạy giáo lý mà tôi nhận ra là chân chính.

Một trong hai chị hỏi Tori sau bài thảo luận thứ ba: “Em có muốn chịu phép báp têm không?”

Nó đáp: “Vâng ạ”.

“Cha em sẽ làm phép báp têm cho em chứ?”

Tôi đã không đi nhà thờ trong 20 năm nhưng tôi biết rằng cuộc sống của tôi phải thay đổi. Tôi ngồi tham dự vào một vài bài thảo luận cuối cùng, chúng tôi bắt đầu tham dự nhà thờ và vợ tôi và tôi họp với vị giám trợ. Khi hối cải, tôi quyết định rằng tôi cần phải làm mọi việc có thể làm để bù đắp lại những năm tháng mà tôi đã đánh mất. Tôi thay đổi nghề nghiệp, làm vinh hiển những sự kêu gọi của tôi trong Giáo Hội, được làm lễ gắn bó với vợ con tôi, và trở thành một người làm việc trong đền thờ. Chính vì thế mà tôi biết rằng một nhóm thanh niên đầy tò mò cũng có thể trở nên xứng đáng để được đi đền thờ.

Mùa xuân kế tiếp, Lars viết thư cho tôi, cám ơn tôi đã giải thích ý nghĩa thật sự của một giấy giới thiệu đi đền thờ. “Tôi đã thật sự biết nhiều hơn về một giấy giới thiệu đi đền thờ. Thực ra, tôi đã chịu phép báp têm và nhận được giấy giới thiệu của tôi vào tháng Giêng vừa qua!” Mắt tôi nhòa lệ khi tôi nhìn vào tấm ảnh gửi kèm trong thư với cậu ấy trong quần áo báp têm màu trắng và với những người truyền giáo mà đã giảng dạy cho cậu ấy.

Hành trình trở về đền thờ của tôi rất khác thường và việc biết được cuộc hành trình của Lars là một phước lành kỳ diệu đã nhắc cho tôi nhớ cách chúng ta đều có thể ảnh hưởng tốt đến những người khác như thế nào.