2009
Các Phước Lành của Đền Thờ
Tháng Mười năm 2009


Các Phước Lành của Đền Thờ

Từ một bài nói chuyện trong buổi họp đặc biệt devotional ở trường Brigham Young University vào ngày 15 tháng Mười Một năm 2005. Muốn có toàn bộ bài nói chuyện bằng tiếng Anh, xin xem http://speeches.byu.edu.

Đền thờ là một tòa nhà thiêng liêng, một chốn thánh nơi mà các nghi thức và giáo lễ cứu rỗi thiết yếu được thực hiện để chuẩn bị chúng ta cho sự tôn cao.

Hình Ảnh
Elder Robert D. Hales

Các phước lành của lễ thiên ân trong đền thờ là thiết yếu cho mỗi người chúng ta giống như phép báp têm của chúng ta. Vì lý do này chúng ta cần phải tự chuẩn bị ngõ hầu chúng ta có thể được trong sạch để bước vào đền thờ của Thượng Đế.

Cơ hội vào đền thờ và tự mang lấy các giao ước thiêng liêng nơi đó là một trong các phước lành lớn lao nhất dành sẵn cho chúng ta trên trần thế. Rồi, sau khi chúng ta tự mang lấy các giao ước đó, thì sự vâng lời của chúng ta trong việc sống theo các giao ước đó hằng ngày là sự chứng tỏ về đức tin, tình yêu thương, sự tận tâm và sự cam kết thiêng liêng của chúng ta để làm vinh hiển Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự vâng lời của chúng ta cũng chuẩn bị cho chúng ta sống với hai Ngài trong các chốn vĩnh cửu. Các giáo lễ cứu rỗi của đền thờ là thiết yếu cho—và ngay cả là sự tập trung chính của—kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu.

Giáo Lý Đền Thờ

Đền thờ thật sự là một nơi mà các anh chị em “sống trong thế gian nhưng không thuộc vào thế gian.” Khi các anh chị em gặp rắc rối và có những quyết định thiết yếu mà đè nặng lên tâm trí và tâm hồn của mình, thì các anh chị em có thể mang những lo âu của mình đến đền thờ và nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng.

Chúng ta cần phải đạt được một chứng ngôn và một cảm nghĩ nghiêm túc về đền thờ là nhà của Chúa. Muốn bảo tồn sự thiêng liêng của đền thờ và mời gọi Thánh Linh ban phước cho những người bước vào đền thờ thánh để nhận các giáo lễ và các giao ước của họ, chúng ta được dạy rằng không một vật ô uế nào được vào đền thờ. Sự tôn kính trong đền thờ là một yếu tố quan trọng trong việc mời gọi Thánh Linh ngự ở bên trong đền thờ mỗi giờ trong mỗi ngày.

Khi tôi còn bé, cha tôi mang tôi từ Long Island, New York đến đi bộ trên khu sân vườn của Đền Thờ Salt Lake, sờ vào đền thờ, và thảo luận về tầm quan trọng của đền thờ trong cuộc sống của tôi. Chính trong dịp đó tôi đã quyết định rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại để tiếp nhận các giáo lễ của đền thờ.

Trong suốt lịch sử, trong mọi gian kỳ, Chúa đều truyền lệnh cho các vị tiên tri rằng đền thờ cần phải được xây cất để dân Ngài có thể nhận được các giáo lễ đền thờ. Môi Se và dân Y Sơ Ra Ên được ban phước với một đền thờ di động, ngôi đền tạm, nơi mà công việc của giáo lễ thiêng liêng theo luật Môi Se được thực hiện—và nơi mà, thỉnh thoảng, Chúa hiện đến để nói chuyện với Môi Se. Vua Sa Lô Môn đã hoàn thành một ngôi đền thờ xinh đẹp ở Giê Ru Sa Lem, mà sau này đã bị tàn phá. Rồi, trong thời gian giáo vụ của Đấng Ky Tô, một ngôi đền thờ khác ở Giê Ru Sa Lem đã được xây cất.

Chúng ta biết được từ Sách Mặc Môn rằng Nê Phi đã xây cất một đền thờ “theo cách thức của đền thờ Sa Lô Môn” (2 Nê Phi 5:16). Các vị tiên tri người Nê Phi khác, kể cả Gia Cốp và Vua Bên Gia Min, đã giảng dạy cho dân chúng tại đền thờ (xin xem Gia Cốp 1:17; Mô Si A 1:18).

Thật đặc biệt, khi Chúa Giê Su Ky phục sinh hiện đến cùng dân Nê Phi vào năm 34 Sau Công Nguyên, Ngài đã đến đền thờ (xin xem 3 Nê Phi 11:1–11).

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Giáo Hội không được và không thể tổ chức trọn vẹn, theo thứ tự thích hợp của nó cho đến khi Đền Thờ được hoàn thành nơi mà những chỗ sẽ được cung ứng để thực hiện các giáo lễ của Chức Tư Tế.”1

Đền Thờ Kirtland là ngôi đền thờ đầu tiên trong những ngày sau, và nó đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi các chìa khóa của chức tư tế. Joseph Smith, do một lời cầu nguyện, đã được Chúa Giê Su đến viếng thăm trong Đền Thờ Kirtland vào ngày 3 tháng Tư năm 1836 (xin xem GLGƯ 110). Đấng Cứu Rỗi hiện đến trong vinh quang và chấp nhận Đền Thờ Kirtland là nhà của Ngài. Vào dịp đó, Môi Se, Ê Li A và Ê Li cũng hiện đến để trao cho các chìa khóa chức tư tế mà họ nắm giữ. Ê Li phục hồi các chìa khóa của quyền năng gắn bó, như Ma La Chi đã hứa, để chúng ta có thể vui hưởng các phước lành trọn vẹn của đền thờ trong cuộc sống của chúng ta.

Các tổ tiên tiền phong của chúng ta đã hoàn thành Đền Thờ Nauvoo và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng trong đó. Đền Thờ Nauvoo là ngôi đền thờ đầu tiên mà trong đó các lễ thiên ân và lễ gắn bó được thực hiện, đã cho thấy sức mạnh lớn lao đối với những người tiền phong khi họ chịu gian khổ vượt qua những cánh đồng để đến Si Ôn trong Thung Lũng Salt Lake. Họ được ban cho quyền năng trong đền thờ thánh. Vợ chồng được làm lễ gắn bó với nhau. Con cái được làm lễ gắn bó với cha mẹ. Nhiều người trong số họ đã có những người trong gia đình chết dọc theo đường đi, nhưng họ biết rằng đó không phải là kết cục đối với họ. Họ đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ cho suốt vĩnh cửu. Về sau, qua sự mặc khải do Chủ Tịch Brigham Young nhận được, Các Thánh Hữu xây thêm nhiều đền thờ ở miền Tây.

Ngày nay đã có 130 đền thờ đang hoạt động, cho phép các tín hữu trung tín của Giáo Hội trên khắp thế gian đi đến nhà của Chúa để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ của họ và lập các giao ước với Ngài.

Các Giáo Lễ Đền Thờ

“Mục đích chính yếu của đền thờ là cung ứng các giáo lễ cần thiết cho sự tôn cao của chúng ta trong thượng thiên giới. Các giáo lễ đền thờ hướng dẫn chúng ta đến với Đấng Cứu Rỗi và mang đến cho chúng ta các phước lành nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các đền thờ là viện đại học tuyệt diệu nhất để học hỏi mà con người biết được, mang đến cho chúng ta sự hiểu biết và sự thông sáng về Sự Sáng Tạo thế gian. Những chỉ dẫn của lễ thiên ân mang đến sự hướng dẫn về cách chúng ta cần phải sống cuộc sống của mình ở nơi trần thế này. Ý nghĩa của từ ngữ thiên ân là “sự ban cho.” Giáo lễ gồm có một loạt những chỉ dẫn về cách chúng ta phải sống theo và các giao ước mà chúng ta lập để sống một cách ngay chính bằng cách tuân theo Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Một giáo lễ quan trọng khác là được làm lễ gắn bó cho thời vĩnh cửu trong hôn nhân thượng thiên. Giao ước hôn nhân này cho phép con cái được làm lễ gắn bó với cha mẹ và con cái sinh ra trong giao ước để trở thành phần tử của một gia đình vĩnh cửu.

Giáo Lý và Giao Ước dạy chúng ta rằng: “Bất cứ điều gì ngươi đóng ấn dưới thế gian cũng sẽ được đóng ấn trên trời, và bất cứ điều gì ngươi ràng buộc dưới thế gian, trong danh ta và qua lời nói của ta, lời Chúa phán, thì cũng sẽ được ràng buộc vĩnh viễn trên trời” GLGƯ 132:46

Khi một cặp vợ chồng quỳ xuống tại bàn thờ, tôi với tư cách là người làm lễ gắn bó biết vai trò của mình với tư cách là người đại diện cho Chúa. Tôi biết rằng điều gì được đóng ấn dưới thế gian thì thật sự được đóng ấn ở trên trời—và sẽ không bao giờ bị đứt quãng nếu những người được làm lễ gắn bó vẫn luôn luôn trung tín và kiên trì đến cùng.

Tôi đã quan sát trong nhiều năm nhiều cặp vợ chồng đã có thể duy trì hôn nhân được vững mạnh và sinh động khi họ vẫn trung thành với các giao ước mà họ tự mang lấy trong đền thờ. Các cặp vợ chồng thành công này đều có chung vài điều.

Thứ nhất, mỗi cá nhân trong các cặp vợ chồng này biết rằng họ là ai—các con trai và các con gái của Thượng Đế. Họ đặt ra các mục tiêu vĩnh cửu để được sống một lần nữa với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cố gắng từ bỏ những đường lối của con người thiên nhiên (xin xem Mô Si A 3:19).

Thứ nhì, họ biết giáo lý và tầm quan trọng của các giáo lễ cứu rỗi của đền thờ và các giao ước đền thờ và họ cần phải hoàn tất các mục tiêu vĩnh cửu.

Thứ ba, họ chọn nhận được các phước lành vĩnh cửu của vương quốc của Thượng Đế thay vì các của cải tạm bợ của thế gian.

Thứ tư, các cặp vợ chồng này nhận biết rằng khi họ được làm lễ gắn bó cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu, họ đã chọn một người bạn đời vĩnh cửu—thời kỳ tán tỉnh những người khác đã kết thúc! Không cần phải tìm xa hơn nữa!

Thứ năm, các cặp vợ chồng này nghĩ về nhau trước khi họ nghĩ đến bản thân mình. Lòng ích kỷ giết chết những cảm giác thuộc linh. Khi họ giao tiếp với Chúa trong sự cầu nguyện thì họ cùng nhau tăng trưởng chứ không tách xa nhau. Họ nói chuyện với nhau, do đó không bao giờ để cho những chuyện nhỏ nhặt trở thành to chuyện. Họ nói với nhau ngay về những “những điều nhỏ nhặt nhưng làm cho khó chịu” mà không sợ làm phật lòng người kia. Theo cách này, khi những cảm nghĩ bị tổn thương chồng chất thì họ chia sẻ với nhau. Việc chia sẻ với nhau những điều bực mình ngay lập tức thì tốt hơn là đợi đến khi nổi giận. Họ sẵn lòng xin lỗi và xin được tha thứ nếu họ làm tổn thương người mà họ yêu thương. Họ bày tỏ tình yêu thương với nhau và trở nên gần gũi hơn. Họ nâng đỡ và củng cố lẫn nhau.

Các Phước Lành Đền Thờ

Đền thờ là một tòa nhà thiêng liêng, một chốn thánh nơi mà các nghi thức và các giáo lễ cứu rỗi thiết yếu được thực hiện để chuẩn bị chúng ta cho sự tôn cao. Việc chúng ta đạt được một sự hiểu biết chắc chắn rằng sự chuẩn bị của chúng ta để vào ngôi nhà thánh và sự tham dự của chúng ta trong những nghi thức và các giao ước này là một số trong những sự kiện đầy ý nghĩa nhất mà chúng ta sẽ kinh nghiệm được trong cuộc sống trần thế của mình.

Chúng ta tự nguyện đến từ nơi hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha đến nơi trần thế này với quyền tự quyết, và biết rằng chúng ta sẽ có “sự tương phản trong mọi sự việc” 2 Nê Phi 2:11). Mục tiêu của chúng ta là tự mang lấy trọn bộ giáp bào của Thượng Đế và chống lại “các tên lửa của kẻ ác” với tấm khiên che của đức tin và cây gươm của Thánh Linh (xin xem GLGƯ 27:15–18), để kiên trì chịu đựng đến cùng, và xứng đáng đứng lên và sống nơi hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, trong suốt thời vĩnh cửu—để đạt được điều mà được gọi là cuộc sống vĩnh cửu.

Ghi Chú

  1. History of the Church, 4:603.

Hình Đền Thờ Salt Lake do Welden C. Andersen thực hiện; phải: hình ảnh do John Luke minh họa

Môi Se và dân Y Sơ Ra Ên được ban phước với một đền thờ di động, ngôi đền tạm, nơi mà công việc của giáo lễ thiêng liêng theo luật Môi Se được thực hiện—và nơi mà, thỉnh thoảng, Chúa hiện đến để nói chuyện với Môi Se.

Tranh do Ted Henninger minh họa