2008
Các Lẽ Thật Minh Bạch và Quý Báu
Tháng Ba năm 2008


Các Lẽ Thật Minh Bạch và Quý Báu

Chúng ta được ban phước có được thánh thư ngày sau cũng như Kinh Thánh để giảng dạy chúng ta và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Dưới đây là 25 lẽ thật về Đấng Cứu Rỗi với các câu thánh thư tương xứng và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. (Biểu đồ này không phải là một bản liệt kê bao hàm toàn diện những lời giảng dạy về các đề tài này. Để có thêm những đề tài này, xin xem “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Vị Sứ Đồ,” ở trang 42 của số báo này.)

Giáo Lý

Từ Kinh Thánh

Từ Thánh Thư và Các Vị Tiên Tri Ngày Sau

1 Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử, và Đức Thánh Linh là ba Đấng riêng biệt và riêng rẽ.

“Vì có ba Đấng làm chứng: Đức Chúa Cha, Ngôi Lời, và Đức Thánh Linh, ba Đấng hiệp một” (1 Giăng 5:7; xin xem thêm Ma Thi Ơ 3:16–17; Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55).

“Tôi luôn luôn nói rằng Thượng Đế là một Đấng riêng biệt rõ rệt, Chúa Giê Su Ky Tô là một Đấng riêng rẽ và rõ rệt khác với Thượng Đế Đức Chúa Cha, và rằng Đức Thánh Linh là một Đấng riêng biệt và là một Linh Hồn: và cả ba vị này là ba Đấng riêng biệt và ba Thượng Đế” (Joseph Smith, Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith [2007], 41–42).

2 Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đều có thể xác bằng xương và thịt; Đức Thánh Linh là một Đấng linh hồn.

“Hãy xem tay chân ta: thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem;—thần thì không có thịt xương, và các ngươi thấy ta có” (Lu Ca 24:39; xin xem thêm Sáng Thế Ký 5:1; Giăng 14:9; Phi Líp 3:21).

“Đức Chúa Cha có một thể xác bằng xương và thịt hữu hình như loài người; và luôn cả Đức Chúa Con cũng vậy; nhưng Đức Thánh Linh thì không có thể xác bằng xương và thịt, nhưng là một Đấng Linh Hồn. Nếu không phải như vậy, thì Đức Thánh Linh không thể ở trong chúng ta được” (GLGƯ 130:22; xin xem thêm 3 Nê Phi 11:13–15).

3 Ba Đấng trong Thiên Chủ Đoàn đều đoàn kết trọn vẹn trong mục đích.

“Lạy Cha Thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho con, để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy” (Giăng 17:11).

“Các Ngài là các Đấng riêng biệt, nhưng các Ngài đều hiệp một trong mục đích và nỗ lực. Các Ngài hiệp một trong việc mang đến kế hoạch vĩ đại, thiêng liêng cho sự cứu rỗi và sự tôn cao của con cái của Thượng Đế” (Gordon B. Hinckley, “In These Three I Believe,” Liahona, tháng Bảy năm 2006, 8; xin xem thêm 3 Nê Phi 11:27).

4 Công việc và vinh quang của Thượng Đế là mang đến sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của loài người.

“Mà bây giờ mới bày ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Giê Su Ky Tô, Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết, dùng tin lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng” (2 Ti Mô Thê 1:10; xin xem thêm Giăng 3:16–17; 1 Cô Rinh Tô 15:22; Hê Bơ Rơ 9:11–12, 28).

“Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39; xin xem thêm GLGƯ 29:43).

5 Chúa Giê Su Ky Tô lúc ban đầu ở cùng với Đức Chúa Cha và là Con Đầu Sinh.

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

“Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1–2; xin xem thêm Rô Ma 8:29; Hê Bơ Rơ 1:5–6).

“Từ lúc khởi đầu ta đã ở cùng Đức Chúa Cha và ta là Con Đầu Lòng” (GLGƯ 93:21; xin xem thêm 3 Nê Phi 9:15; Môi Se 2:26).

6 Trong tiền dương thế, Cha Thiên Thượng chọn Chúa Giê Su làm Đấng Cứu Rỗi.

“[Đấng Ky Tô] đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em” (1 Phi E Rơ 1:20; xin xem thêm Khải Huyền 13:8).

“Con Trai Yêu Dấu của ta, tức là Kẻ Được Yêu Dấu và Được Chọn Lựa từ lúc khởi thủy, nói với ta rằng—Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi ” (Môi Se 4:2; xin xem thêm Ê The 3:14).

7 Dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, Chúa Giê Su là Đấng Sáng Tạo thế gian.

“Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3; xin xem thêm Ê Sai 40:28; Cô Lô Se 1:16).

“Này, ta là Giê Su Ky Tô, Con của Thượng Đế. Ta đã tạo dựng trời đất cùng tất cả vạn vật trong đó” (3 Nê Phi 9:15; xin xem thêm Mô Si A 3:8; Môi Se 1:33).

8 Chúa Giê Su Ky Tô là Đức Giê Hô Va của thời Cựu Ước.

“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi trước khi chưa có Áp Ra Ham, đã có ta” (Giăng 8:58; xin xem thêm Sáng Thế Ký 22:14; 1 Cô Rinh Tô 10:1–4).

“Chúng ta mang trong lòng mình một sự tin chắc vững vàng và không lay chuyển về sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là Đức Giê Hô Va vĩ đại của thời Cựu Ước, Đấng Sáng Tạo, dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, đã làm mọi việc” (Gordon B. Hinckley, “A Season for Gratitude,” Liahona, tháng Mười Hai năm 1997, 4; xin xem thêm Áp Ra Ham 2:8).

9 Chúa Giê Su là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong thể xác.

“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật (chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha)” (Giăng 1:14; xin xem thêm Giăng 3:16).

“Tôi biết Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến, phải, Vị Nam Tử, Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha, đầy ân điển, lòng xót thương và lẽ thật. Và này, chính Ngài sẽ đến để cất bỏ tội lỗi của thế gian, phải, tội lỗi của bất cứ kẻ nào vững tin nơi danh Ngài” (An Ma 5:48; xin xem thêm An Ma 9:26; GLGƯ 93:11).

10 Chúa Giê Su là tấm gương toàn hảo cho nhân loại.

“Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:15; xin xem thêm 1 Phi E Rơ 2:21).

“Một trong các mục đích chính của cuộc sống chúng ta là chúng ta có thể làm theo giống như hình ảnh của Ngài là Đấng đã có thể xác không tì vết—tinh khiết, trong sạch, và không vết nhơ! Đấng Ky Tô đến không những để chuộc tội lỗi của thế gian, mà còn nêu gương trước mọi người và thiết lập tiêu chuẩn về sự toàn hảo của Thượng Đế, về luật pháp của Thượng Đế, và về sự vâng lời Cha Thiên Thượng” (Joseph F. Smith, Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith [1998], 151; xin xem thêm 2 Nê Phi 31:16; 3 Nê Phi 18:16).

11 Khi Chúa bắt đầu giáo vụ trần thế của Ngài, Ngài đã thiết lập Giáo Hội của Ngài.

“Ấy chính Ngài đã cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư;

“Để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 4:11–12; xin xem thêm Ma Thi Ơ 16:18; Lu Ca 6:13).

“Chúng tôi tin ở cùng một loại tổ chức mà đã có trong Giáo Hội Nguyên Thủy, nghĩa là cũng có các vị sứ đồ, tiên tri, giám trợ, thầy giảng, các vị rao giảng phúc âm, và vân vân” (Những Tín Điều 1:6; xin xem thêm 3 Nê Phi 12:1).

12 Đấng Cứu Rỗi phó mạng sống của Ngài để cứu chuộc các tội lỗi của toàn thể nhân loại.

“Vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma Thi Ơ 26:28; xin xem thêm Ê Sai 53:5–6; 1 Giăng 2:1–2).

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải; …

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từ lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—

“Tuy nhiên, vinh quang thuộc về Đức Chúa Cha, và ta tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người” (GLGƯ 19:16, 18–19; xin xem thêm 1 Nê Phi 11:32–33).

13 Một mình Chúa Giê Su có thể đền trả hình phạt cho tội lỗi của chúng ta.

“Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

“Ngài đã có thể hoàn thành sứ mệnh của Ngài vì Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế và Ngài có được quyền năng của Thượng Đế… .

“Không một người phàm nào có được quyền năng hay khả năng để cứu chuộc tất cả những người khác khỏi tình trạng thất lạc và sa ngã của họ, cũng như không có một người nào khác có thể tự nguyện phó mạng sống của mình và do đó mang đến một sự phục sinh chung cho tất cả những người phàm tục khác.

“Chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể và sẵn lòng thực hiện một hành động yêu thương cứu chuộc như vậy” (Ezra Taft Benson, “Jesus Christ—Our Savior and Redeemer,” Tambuli, tháng Mười Hai năm 1990, 5; xin xem thêm An Ma 34:8–10).

14 Chúa Giê Su đã cởi bỏ dây trói buộc của cái chết.

“Nhưng bây giờ Đấng Ky Tô đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1 Cô Rinh Tô 15:20; xin xem thêm Giăng 14:19; 1 Cô Rinh Tô 15:54).

“Này có một cái chết được mệnh danh là cái chết thể chất; và cái chết của Đấng Ky Tô sẽ cởi bỏ những dây trói buộc của cái chết thể chất này, để mọi người có thể sống lại từ cái chết thể chất này” (An Ma 11:42; xin xem thêm Mô Si A 16:7–8; An Ma 22:14).

15 Chúa Giê Su là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Thế.

“Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con để làm Cứu Chúa thế gian” (1 Giăng 4:14; xin xem thêm Lu Ca 2:11).

“Ngài sẽ xuống thế gian để cứu vớt tất cả loài người nếu họ biết nghe theo lời của Ngài; vì này, Ngài sẽ hứng lại những sự đau đớn của mọi người, phải, những sự đau đớn của từng sinh linh một” (2 Nê Phi 9:21; xin xem thêm GLGƯ 66:1; Môi Se 1:6).

16 Chúa Giê Su là Đấng Mê Si của Kinh Tân Ước.

“Người đàn bà thưa: tôi biết rằng Đấng Mê Si nghĩa là Đấng Ky Tô phải đến; khi Ngài đã đến sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta.

“Đức Chúa Giê Su phán rằng: Ta, người đang nói với người đây, chính là Đấng đó” (Giăng 4:25–26; xin xem thêm Lu Ca 4:16–21).

“Phải, sáu trăm năm kể từ lúc cha tôi rời Giê Ru Sa Lem, Đức Chúa Trời sẽ lập lên giữa dân Do Thái một vị tiên tri—đó là Đấng Mê Si, hay nói cách khác, đó là Đấng Cứu Rỗi của thế gian vậy” (1 Nê Phi 10:4; xin xem thêm 2 Nê Phi 2:26; Môi Se 7:53).

17 Chúa đã phục sự ở giữa “các chiên khác” của Ngài ở Mỹ Châu thời xưa.

“Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy và một người chăn mà thôi” (Giăng 10:16).

“Và quả thật, ta nói cho các ngươi hay rằng, chính các ngươi là những người ta muốn ám chỉ tới khi ta nói với chúng rằng: Ta còn có chiên khác không thuộc đàn chiên này; ta cũng cần phải đem chúng về, và chúng sẽ nghe tiếng ta; rồi sẽ chỉ có một đàn chiên và một người chăn chiên mà thôi” (3 Nê Phi 15:21; xin xem thêm 3 Nê Phi 19:2–3; 26:13, 15).

18 Chúa Giê Su là Đấng Trung Gian và Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha.

“Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê Su Ky Tô là người” (1 Ti Mô Thê 2:5; xin xem thêm 1 Giăng 2:1).

“Hãy nức lòng và vui mừng, vì ta đang ở giữa các ngươi, và ta là Đấng biện hộ cho các ngươi với Đức Chúa Cha” (GLGƯ 29:5; xin xem thêm 2 Nê Phi 2:27–28; GLGƯ 45:3–5).

19 Chúa là Sự Sáng và Sự Sống của thế gian.

“Đức Chúa Giê Su lại cất tiếng phán cùng chúng rằng: Ta là sự sáng của thế gian, người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12; xin xem thêm Thi Thiên 27:1; Giăng 1:9).

“Vì thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, ta là An Pha và Ô Mê Ga, là ban đầu và cuối cùng, là sự sáng và sự sống của thế gian—sự sáng soi trong tối tăm và tối tăm chẳng hề hiểu nó” (GLGƯ 45:7; xin xem thêm Mô Si A 16:9; GLGƯ 12:9).

20 Chúa Giê Su có thể giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.

“Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Hê Bơ Rơ 2:18; xin xem thêm Ê Sai 53:5).

“Và Ngài sẽ nhận lại cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12; xin xem thêm GLGƯ 62:1).

21 Đấng Cứu Rỗi có thể thay đổi bản tính con người.

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Ky Tô, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô Rinh Tô 5:17; xin xem thêm 1 Giăng 5:4).

“Ngươi chớ kinh ngạc khi thấy tất cả loài người, phải, cả nam lẫn nữ, tất cả các quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc, đều phải được tái sinh; phải, được Thượng Đế sinh ra, được chuyển từ trạng thái trần tục và sa ngã qua trạng thái ngay chính, được Thượng Đế cứu chuộc, và trở thành những con trai và con gái của Ngài;

“Và như vậy họ trở thành những sinh linh mới; và nếu họ không làm điều này thì không có cách gì họ có thể thừa hưởng được vương quốc của Thượng Đế” (Mô Si A 27:25–26; xin xem thêm Mô Si A 5:2, 7; An Ma 5:14).

22 Chúa đã phục hồi Giáo Hội nguyên thủy của Ngài trong những ngày sau cùng.

“Chúa sai Đấng Ky Tô đã định cho các ngươi, tức là Giê Su,

“Mà trời phải rước về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên tri” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:20–21; xin xem thêm Ma Thi Ơ 17:11).

“Và cả những ai được ban cho những giáo lệnh này cũng có thể có quyền năng đặt nền tảng của giáo hội này và đem nó ra khỏi nơi mù mịt và tối tăm, là giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này, và ta là Chúa rất hài lòng” (GLGƯ 1:30; xin xem thêm GLGƯ 20).

23 Chúa Giê Su hướng dẫn Giáo Hội của Ngài qua các vị tiên tri đã được chọn của Ngài.

“[Anh em] đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:20).

“Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng đứng đầu Giáo Hội. Đây là Giáo Hội của Ngài. Nhưng người đứng đầu giáo hội trên trần thế là vị tiên tri của chúng ta” (Gordon B. Hinckley, “The Church Is on Course,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 53; xin xem thêm GLGƯ 21:1–5).

24 Một ngày nào đó, Chúa Giê Su sẽ trở lại thế gian.

“Giê Su này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các người đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:11; xin xem thêm 1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:16; Khải Huyền 1:7).

“Vì ta sẽ hiện ra từ trên trời với quyền năng và vinh quang lớn lao cùng với muôn quân trên ấy, và sẽ ở với loài người trên thế gian trong sự ngay chính suốt một ngàn năm, và những kẻ tà ác sẽ không sống sót” (GLGƯ 29:11; xin xem thêm GLGƯ 34:6; Môi Se 7:62–64).

25 Chúa sẽ phán xét thế gian trong sự ngay chính.

“Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:31; xin xem thêm Thi Thiên 9:8; Ê Sai 11:3–4).

“Những ai hối cải và chịu phép báp têm trong danh ta thì sẽ được tràn đầy; và nếu kẻ đó kiên trì đến cùng, này, kẻ đó sẽ được xem như vô tội trước mặt Cha ta vào ngày ta đứng phán xét thế gian” (3 Nê Phi 27:16; xin xem GLGƯ 19:1–3).