2008
Ta Là Đường Đi
Tháng Ba năm 2008


“Ta Là Đường Đi”

Đấng Cứu Rỗi giảng dạy những bài học quan trọng khi Ngài phán: “Ta là …”

Đôi khi, những kinh nghiệm đáng ghi nhớ nhất với thánh thư đến từ việc có những mẫu mực đột nhiên hiện rõ ra trong khi các anh chị em đang đọc. Ví dụ, có bao giờ các anh chị em để ý thấy rằng có bao nhiêu lần sách Phúc Âm của Giăng đã nói Chúa Giê Su phán “Ta là” không? Khi Chúa Giê Su phán như vậy, Ngài thường đưa ra sự so sánh để giảng dạy cho những người dân biết Ngài là ai và Ngài làm gì cho họ. Hãy xem kỹ những sự so sánh này và các anh chị em sẽ học biết nhiều về Đấng Cứu Rỗi.

Bánh Sự Sống

“Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát… . Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng” (John 6:35, 51).

Lễ Vượt Qua kỷ niệm sự giải phóng dân Y Sơ Ra Ên ra khỏi Ai Cập và gồm có việc ăn bánh không men. Khi gần đến lễ kỷ niệm này, Chúa Giê Su làm phép lạ cho 5.000 người ăn. Nhiều người thấy phép lạ này và đi theo Ngài vì Ngài đã ban cho họ thức ăn, nên Ngài đã giảng dạy cho họ tìm kiếm thức ăn “cho sự sống đời đời” (Giăng 6:27). Rồi Ngài dạy cho họ về bánh ma na, nhắc cho họ nhớ rằng bánh đó đến từ trời để nuôi ăn dân Y Sơ Ra Ên trong vùng hoang dã. Ngài phán: “Ta là bánh của sự sống,” để nói cho họ biết về sự nuôi dưỡng phần thuộc linh mà Cha Thiên Thượng đã gửi qua Ngài, cũng như lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu mà Ngài đã mang đến.

Về sau tại một buổi lễ Vượt Qua, Chúa Giê Su đã dùng bánh để cho thấy thể xác của Ngài là một phần của Tiệc Thánh. Khi hằng tuần dự phần bánh trong lễ Tiệc Thánh, chúng ta được nhắc nhở về Chúa Giê Su Ky Tô—sự hy sinh, Sự Phục Sinh của Ngài, và lời hứa về việc nuôi dưỡng liên tục phần thuộc linh qua sự đồng hành của Thánh Linh của Ngài.

Sự Sáng của Thế Gian

“Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống ” (Giăng 8:12).

Chúa Giê Su tự gọi Ngài là Sự Sáng của Thế Gian vào lúc lễ Lều Tạm. Mỗi đêm trong lúc lễ này, những ngọn đèn của đền thờ được thắp sáng để tiêu biểu cho Sự Sáng của Thượng Đế, mà đã được gửi ra khắp thế gian. Giăng tuyên bố rằng Chúa Giê Su “là Sự Sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người” (Giăng 1:9). Và qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã mặc khải rằng Ánh Sáng của Đấng Ky Tô “là nhờ có Ngài là Đấng soi sáng mắt các ngươi, và đó cũng là ánh sáng làm cho sự hiểu biết của các ngươi được linh hoạt” và ánh sáng đó “đem sự sống cho tất cả mọi vật, [và] nó là luật pháp mà qua đó tất cả mọi vật được chi phối” (GLGƯ 88:11, 13).

Tâm trí và tâm hồn của chúng ta được soi sáng qua Chúa Giê Su Ky Tô. Ánh sáng của Ngài hướng dẫn con đường đi của chúng ta, bằng cách giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa điều tốt với điều xấu và cho chúng ta thấy con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Gốc Nho

“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5).

Chúa Giê Su so sánh Ngài như là gốc nho chính. Gốc nho chính này không những giữ nguyên thân cây được bén rễ trong đất, mà còn nuôi dưỡng tất cả các gốc nho nhỏ hơn, mà tách ra khỏi gốc nho chính và kết trái. Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn nương tựa cho niềm hy vọng của chúng ta và nguồn nuôi dưỡng và tăng trưởng thuộc linh của chúng ta. Qua Ngài, chúng ta nhận được sức mạnh mà chúng ta cần sống ngay chính và làm những việc thiện. Ngài cũng là nền tảng của Giáo Hội và nguồn thẩm quyền của Giáo Hội để thuyết giảng phúc âm và rao truyền khắp nơi trên thế gian.

Đấng Chăn Lành

“Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta” (Giăng 10:14).

Các bổn phận chính của một người chăn chiên là dẫn chiên đến nơi có thức ăn và nước và rồi mang chúng trở về an toàn với bầy chiên. Một người chăn chiên cũng bảo vệ chiên khỏi những hiểm nguy như thú rừng và kẻ trộm. Vì biết rõ bầy chiên của mình nên người chăn chiên có thể biết được khi nào thiếu một con chiên, và rồi người ấy đi tìm nó. Chiên của người ấy tuân phục người ấy và hoàn toàn tin cậy người ấy.

Chúa Giê Su, Đấng Chăn Lành, kêu gọi chúng ta khi chúng ta đi lạc, và nếu chúng ta biết lưu ý đến tiếng Ngài, thì Ngài dẫn chúng ta đến những đồng cỏ an toàn của sự cứu rỗi và cuộc sống vĩnh cửu, bằng cách bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy của cái chết và tội lỗi.

“Ta Là Đấng Hằng Hữu”

“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp Ra Ham, đã có ta” (Giăng 8:58).

Trong một phương diện, khi chỉ phán: “Ta là Đấng hằng hữu,” thì Chúa Giê Su đã nói tất cả rồi. Với cụm từ này, Ngài đã tuyên bố rằng Ngài là Đấng Sáng Tạo thế gian và là Đức Giê Hô Va, Thượng Đế của thời Cựu Ước, mà danh xưng của Ngài thật sự có nghĩa là “Ta là Đấng hằng hữu” (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 3:14).

Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Mê Si và Đấng Cứu Rỗi, là Đấng giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Nhờ vào Ngài và điều mà Ngài đã làm cho chúng ta nên chúng ta có thể có cuộc sống trường cửu và trở thành con người mà chúng ta cần phải trở thành.