2008
Trở Thành một Nhân Chứng của Đấng Ky Tô
Tháng Ba năm 2008


Trở Thành một Nhân Chứng của Đấng Ky Tô

Hình Ảnh
Elder D. Todd Christofferson

Các Vị Sứ Đồ, chiếu theo quyền năng của chức phẩm chức tư tế của họ, được chỉ định làm nhân chứng đặc biệt của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới (xin xem GLGƯ 107:23). Chứng ngôn của họ là thiết yếu trong công việc cứu rỗi của Chúa. Tuy thế Các Vị Sứ Đồ không được và không đứng một mình. Tất cả chúng ta là những người đã chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận đều mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô với sự cam kết là “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (Mô Si A 18:9). Chính là trong vòng khả năng của mỗi người chúng ta để trở thành nhân chứng của Ngài. Quả vậy, Chúa trông cậy vào “những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường” để rao truyền phúc âm của Ngài (xin xem GLGƯ 1:19, 23), và sự mong muốn của Ngài là “cho mọi người đều có thể nói lên trong danh Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Rỗi thế gian” (GLGƯ 1:20).

Hãy suy ngẫm một số cách mà một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có thể trở thành một nhân chứng của Đấng Ky Tô.

Chúng ta là nhân chứng của Đấng Ky Tô khi chúng ta nhận được một chứng ngôn cá nhân chắc chắn rằng Ngài hằng sống.

Việc làm một nhân chứng của Chúa Giê Su Ky Tô trong một ý nghĩa cơ bản nhất là có được một chứng ngôn cá nhân chắc chắn rằng Ngài là Vị Nam Tử thiêng liêng của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Thế. Các Vị Sứ Đồ thời xưa biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Mê Si đã được hứa và đã phán từ kinh nghiệm riêng về Sự Phục Sinh thật sự của Ngài. Tuy nhiên, một nhân chứng của Đấng Ky Tô không cần phải đã thấy Ngài hoặc bước vào nơi hiện diện của Ngài. Khi Phi E Rơ làm chứng cùng Chúa Giê Su: “Chúa là Đấng Ky Tô, Con Đức Chúa Trời hằng sống,” thì Chúa đã đáp rằng sự hiểu biết này không đến như là một kết quả của sự gần gũi của Phi E Rơ hoặc những kinh nghiệm với Chúa Giê Su nhưng bởi vì Cha Thiên Thượng đã mặc khải điều đó cho ông (xin xem Ma Thi Ơ 16:15–17). Chúa Giê Su đã phán rõ ràng cùng Thô Ma rằng một người có thể có cùng một sự tin tưởng hoặc một sự làm chứng mà Thô Ma đã nhận được mà người đó không hề sờ đến Ngài hay nhìn thấy Ngài: “Đức Chúa Giê Su phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy” (Giăng 20:29).

Sự làm chứng của chúng ta về Đấng Ky Tô bắt đầu với chứng ngôn của những người khác—những người mà chúng ta biết hoặc có nghe biết và tin cậy. Chúng ta có lời chứng đã được chép lại của Các Sứ Đồ rằng “Đức Chúa Giê Su này, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:32). Chúng ta có Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước về sự tiền sắc phong, giáo vụ và Sự Chuộc Tội của Ngài. Chúng ta có một chứng thư khác, Sách Mặc Môn, mục đích chính của sách đó là “để thuyết phục cho người Do Thái và người dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu, đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết.”1 Chúng ta có chứng ngôn của Tiên Tri Joseph Smith rằng ông đã trông thấy và nghe Đức Chúa Cha chỉ vào Chúa Giê Su và phán: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17), và lời chứng về sau của Vị Tiên Tri rằng “sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, và chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống! Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài, ngay cả ở bên tay phải của Thượng Đế; và chúng tôi đã nghe được tiếng nói làm chứng rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha” (GLGƯ 76:22–23). Chúng ta có lời chứng đặc biệt về thời kỳ của mình là những người sống giữa chúng ta và từ những người đó, với mắt thấy và tai nghe của mình, chúng ta nhận được lời chứng xác nhận. Nhiều người đã được ban phước thêm để nghe những lời chứng của cha mẹ, ông bà và bạn bè trung thành.

Những người lập giao ước báp têm nhận được một sự ban cho đặc biệt về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và với ân tứ Đức Thánh Linh là lời chứng rằng chứng ngôn mà chúng ta đã nhận được về Đấng Ky Tô là có thật. Nê Phi đã khẳng định rằng điều này sẽ xảy ra: “Và rồi, các người sẽ được ở trong con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu; phải, các người đã đi vào bằng lối cổng; các người đã làm theo những lệnh truyền của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con; và các người đã tiếp nhận Đức Thánh Linh là Đấng làm chứng cho Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, để cho lời hứa của Ngài được thực hiện, rằng nếu các ngươi đi vào bằng con đường đó, thì các ngươi ắt sẽ nhận được” (2 Nê Phi 31:18; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Chính là ân tứ thuộc linh để tin vào lời của những người khác và một ân tứ thêm nữa “được Đức Thánh Linh ban cho ân tứ để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con của Thượng Đế, và Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian” (GLGƯ 46:13).

Lời chứng này thường đến bằng cảm giác—một cảm giác hừng hực, một cảm giác bình an, một cảm giác an tâm, một cảm giác được soi sáng. Chúa đã ban cho Oliver Cowdery một bằng chứng về Sách Mặc Môn bằng những cảm giác thuộc linh mà xác nhận “những lời hoặc công việc mà ngươi đang ghi chép đây đều thật” (GLGƯ 6:17). Rồi Chúa phán thêm: “Nếu ngươi muốn có thêm bằng chứng khác, thì ngươi hãy hồi tưởng lại đêm mà ngươi đã cầu khẩn ta trong lòng ngươi, để cho ngươi có thể biết về sự thật của những điều này. Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi về vấn đề này rồi hay sao? Ngươi có thể nhận được bằng chứng nào lớn hơn ngoài bằng chứng từ Thượng Đế?” (GLGƯ 6:22–23). Việc Thánh Linh nói sự bình an vào tâm trí của một người thì không phải là một hình thức độc nhất mà qua đó một lời chứng đến, nhưng bởi vì đó là từ Thượng Đế, nên không có điều gì kỳ diệu hơn. Cũng giống như việc nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô trong thánh thư, chúng ta “có thể làm chứng rằng [chúng ta] đã nghe tiếng nói [của Ngài] và biết những lời [của Ngài]” (GLGƯ 18:36), thì chúng ta có thể làm chứng từ những cảm giác thuộc linh đã được xác nhận từ Thượng Đế rằng chúng ta biết Vị Nam Tử của Ngài và rằng Ngài hằng sống.

Chúng ta là nhân chứng của Đấng Ky Tô khi chúng ta sống sao cho phù hợp với những lời giảng dạy của Ngài.

Trong thời gian giáo vụ của Ngài ở Tây Bán Cầu, Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra lệnh truyền này: “Các người hãy đưa cao sự sáng của mình cho nó chiếu sáng trong thế gian. Này, ta là sự sáng mà các ngươi sẽ đưa cao—như các ngươi đã thấy ta làm” (3 Nê Phi 18:24). Những người khác cần phải thấy nơi chúng ta một phần của Chúa Giê Su Ky Tô. Cách chúng ta hành động, nói năng, diện mạo của chúng ta và ngay cả lối suy nghĩ của chúng ta cần phải phản ảnh thiên tính Ngài và đường lối của Ngài. An Ma đã nói về điều đó là kinh nghiệm của một sự thay đổi lớn lao trong lòng mình và thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt (xin xem An Ma 5:14). Cũng trong cùng đặc điểm này, Chúa đã truyền lệnh rằng chúng ta phải giống như Ngài vậy (xin xem 3 Nê Phi 27:27). Mặc dù chúng ta không hiện diện với Ngài trong thời gian giáo vụ của Ngài, nhưng trong khi chúng ta tra cứu thánh thư, thì chúng ta thấy Chúa Giê Su và điều Ngài phán và làm. Và khi chúng ta noi theo mẫu mực đó thì chúng ta làm chứng về Ngài.

Tôi nhớ lại một tấm gương của một linh mục Công Giáo mà tôi đã biết khi chúng tôi cùng làm việc trong những sinh hoạt phục vụ cộng đồng ở Nashville, Tennessee. Cha Charles Strobel đã phát triển một dự án để mang mỗi lần một vài người vô gia cư vào chương trình huấn nghệ và cơ hội hướng nghiệp cho họ. Ông hiến dâng vô số giờ đồng hồ để giúp những người này có một sự thay đổi vĩnh viễn cho điều tốt hơn và trở nên tự túc. Tôi rất ngạc nghiên khi biết rằng mẹ của ông đã bị một người vô gia cư giết chết vài năm trước đó. Tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô của Cha Strobel đã dành cho những người mà trong số họ có người đã bạo động lấy đi mạng sống quý báu của mẹ ông.

Sứ điệp chính yếu của các sứ đồ và các vị tiên tri trong mọi thời đại là sự cần thiết hối cải để nhận được một sự xá miễn các tội lỗi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự hối cải của chúng ta làm chứng về Ngài và quyền năng của ân điển của Ngài để tha thứ và thanh tẩy chúng ta. Chúng ta không cần phải đạt đến sự toàn hảo về sự làm chứng của mình để được hội đủ điều kiện miễn là chúng ta cố gắng sống một cuộc sống thích hợp với tiêu chuẩn của Đấng Cứu Rỗi. Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) đã khuyên dạy một cách khôn ngoan về sự kiên nhẫn lẫn chuyên cần trong tiến trình này:

“Việc trở thành giống như Đấng Ky Tô là một mục tiêu suốt đời và thường gồm có sự tăng trưởng và thay đổi mà rất chậm, hầu như không thể nhận thấy được… .

“… Đối với mỗi người cải đạo giống như Phao Lô, Ê Nót, và Vua La Mô Ni, thì có hằng trăm ngàn người tìm ra tiến trình hối cải rất khó phát hiện, rất khó nhận thấy. Ngày qua ngày, họ đến gần Chúa hơn, mà không nhận biết rằng họ đang xây đắp một cuộc sống giống như Thượng Đế. Họ sống một cuộc sống thầm lặng thiện lành, phục vụ và cam kết. Họ giống như những người dân La Man, là những người mà Chúa nói: ‘đã được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh mà họ không hay biết điều đó’ (3 Nê Phi 9:20; chữ nghiêng được thêm vào).”2

Chúng ta là nhân chứng của Đấng Ky Tô khi chúng ta giúp những người khác đến cùng Ngài.

Nê Phi thuật lại trong một lối diễn đạt đầy vui mừng: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26). Chúng ta cũng có thể tích cực như vậy trong việc giúp những người khác, nhất là con cái của chúng ta, đến cùng Đấng Ky Tô.

Câu nói của Nê Phi “chúng tôi nói về Đấng Ky Tô ” ám chỉ rằng chúng ta không ngần ngại khi nói về những cảm nghĩ của mình về Đấng Cứu Rỗi trong những cuộc chuyện trò và trong những khung cảnh thân mật. Đây thường là những trường hợp mà trong đó một người nói chuyện với một người với sự cởi mở và thân thiện, chúng ta có thể thảo luận về việc Ngài là ai và điều Ngài đã làm và giảng dạy, bằng cách khuyến khích những người khác yêu mến và noi theo Ngài.

“Chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô” ám chỉ rằng chúng ta sống với một thái độ thường thường vui vẻ mà phản ảnh đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô. Chúng ta biết rằng “ân điển của Ngài sẽ đủ” cho chúng ta để được cứu chuộc khỏi cái chết và tội lỗi và được toàn thiện trong Ngài (xin xem Mô Rô Ni 10:32–33). Mặc dù chúng ta trải qua những nỗi thất vọng và ngay cả thảm cảnh, nhưng chúng ta biết rằng nhờ vào Ngài, hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta được bảo đảm. Khi đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô chiếu sáng ngời, thì chúng ta cho những người “mệt mỏi và gánh nặng” thấy cách tìm sự nghỉ ngơi nơi Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30).

“Chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô” chắc chắn ám chỉ đến công việc truyền giáo của những người truyền giáo trọn thời gian và các tín hữu, nhưng cũng gồm có điều mà chúng ta làm trong những buổi lễ thờ phượng, các lớp học Trường Chúa Nhật, và những bối cảnh tương tự nơi mà Ngài là đề tài học tập và giảng dạy. Việc tham gia của chúng ta với tư cách là giảng viên lẫn học viên là một phần của sự làm chứng của chúng ta về Ngài, và việc học tập cá nhân dựa vào sự tham gia đó sẽ gia tăng sự làm chứng về tín ngưỡng của chúng ta.

“Chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô” có nghĩa là chúng ta bày tỏ chứng ngôn của mình về Ngài bởi quyền năng của Thánh Linh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:3). “Sự làm chứng cho Đức Chúa Giê Su là đại ý của lời tiên tri” (Khải Huyền 19:10). Như những người thời xưa đã tiên tri về sự giáng lâm thứ nhất của Ngài, chúng ta cũng xác nhận bằng lời và bằng hành động những lời tiên tri về sự Tái Lâm của Ngài. Bằng cách thực hiện phép báp têm và các giáo lễ thiêng liêng khác cho tổ tiên của mình qua thẩm quyền chức tư tế đã được Ê Li phục hồi trong khi trông chờ “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê Hô Va” (Ma La Chi 4:5–6; xin xem thêm GLGƯ 2; 128:17–18), chúng ta làm chứng rằng Đấng Ky Tô sẽ tái lâm và rằng lòng của chúng ta cần phải trở về cùng tổ phụ chúng ta để chuẩn bị cho ngày giáng lâm của Ngài (xin xem Ma La Chi 4:6; GLGƯ 2:2).

“Chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi” ám chỉ sự khôn ngoan của việc ghi chép thường xuyên chứng ngôn của chúng ta về Đấng Ky Tô. Chúng ta hiểu rằng chứng ngôn mà chúng ta chia sẻ đã được “ghi chép trên trời để các thiên sứ được thấy; và họ vui mừng vì [chúng ta]” (GLGƯ 62:3). Con cháu của chúng ta và những người khác có thể kính trọng và vui mừng về sự làm chứng của chúng ta về Đấng Ky Tô đã được viết xuống hoặc chép lại vì lợi ích của họ ngay cả trước khi họ sinh ra.

Khi các anh chị em cảm nhận được lời chứng của Đức Thánh Linh về Ngài, đã được xác nhận và tái xác nhận với tâm hồn của mình trong nhiều kinh nghiệm và bối cảnh, khi các anh chị em cố gắng giơ cao sự sáng của tấm gương của Ngài trong cuộc sống của mình hằng ngày, và khi các anh chị em chia sẻ chứng ngôn với những người khác và giúp họ học hỏi và noi theo Ngài, thì các anh chị em là nhân chứng của Chúa Giê Su Ky Tô. Thượng Đế ban cho các anh chị em ước muốn trong lòng mình để được là trong số những người “đã nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su” (GLGƯ 76:51) và trung tín với chứng ngôn đó trong suốt cuộc sống hữu diệt (xin xem GLGƯ 138:12).

Ghi chú

  1. Trang tựa Sách Mặc Môn.

  2. “A Mighty Change of Heart,” Tambuli, tháng Ba năm 1990, 7.