2008
Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô
Tháng Ba năm 2008


Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô

Hình Ảnh
President Henry B. Eyring

Câu “đến cùng Đấng Ky Tô” là một lời mời. Đó là lời mời gọi quan trọng nhất mà các anh chị em có thể đưa ra cho một người khác. Đó là lời mời quan trọng mà bất cứ người nào cũng có thể chấp nhận. Từ lúc đầu của Sự Phục Hồi phúc âm trong gian kỳ này, đã có trách nhiệm được Chúa Giê Su Ky Tô đưa ra cho những người đại diện Ngài. Trách nhiệm của họ là “cảnh cáo, giải nghĩa, khuyên nhủ, giảng dạy, và mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô.”1

Mỗi tín hữu của Giáo Hội, khi chấp nhận giao ước báp têm, trở thành một môn đồ, là người đã hứa sẽ đứng làm nhân chứng của Chúa Giê Su Ky Tô bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào mà người ấy hiện diện.2 Mục đích của sự làm chứng của chúng ta là mời gọi những người khác đến cùng Ngài.

Tất cả chúng ta cần phải tha thiết quan tâm đến việc học hỏi cách đưa ra lời mời gọi đó một cách hữu hiệu. Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng một số người sẽ không đáp ứng. Chỉ có một số ít nguời đáp ứng khi chính Đấng Cứu Rỗi đưa ra lời mời gọi này trong thời gian giáo vụ trần thế của Ngài. Nhưng nỗi vui mừng của Ngài lớn lao biết bao nơi những người mà chúng ta đã mời gọi và đến cùng Ngài.

Biết Rằng Ngài Là con Đường

Thật là đáng bõ công để suy ngẫm về những giây phút trong cuộc đời chúng ta khi có những người chịu đáp ứng. Bản thân tôi đã thấy mẫu mực khi có những người đã chấp nhận lời mời gọi đó. Trong mỗi trường hợp, Đức Thánh Linh đã biểu hiện ít nhất ba lẽ thật cho họ. Những kinh nghiệm đều không phải luôn luôn đến theo thứ tự mà tôi sẽ liệt kê, nhưng những kinh nghiệm đó đều đến với tấm lòng của những người thật sự đến cùng Đấng Ky Tô.

Trước hết, những người này đến để cảm thấy rằng chỉ có một cách duy nhất để họ có thể có được hạnh phúc mà họ muốn nhất trong cuộc sống này và trong thế giới sắp tới là qua Chúa Giê Su Ky Tô. Những người này đến để tin rằng những lời này từ Sách Mặc Môn: “Này, tôi nói cho các người hay rằng, như những việc này đều có thật, và như Đức Chúa Trời hằng sống, thì không còn một danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này, ngoài danh hiệu Chúa Giê Su Ky Tô này mà tôi đã nói đến, tức là danh hiệu mà nhờ đó loài người mới có thể được cứu.”3

Sự quả quyết đó không phải dễ dàng để cảm nhận được trong một thế giới mà có nhiều tiếng nói rằng không có Thượng Đế, rằng không có tội lỗi, và rằng hạnh phúc được tìm thấy trong sự khoái lạc. Nhưng những tiếng nói của chúng ta có thể mạnh mẽ hơn nếu chúng ta có thể có được ân tứ để chia sẻ một chứng ngôn chắc chắn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và Đấng Cứu Thế. Sự làm chứng đó sẽ đến một cách mạnh mẽ nhất từ những kinh nghiệm riêng của các anh chị em với Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đang tác động trong cuộc sống của các anh chị em. Nếu các anh chị em thường suy ngẫm về cách mà Sự Chuộc Tội đã thay đổi các anh chị em và nếu các anh chị em thường cảm tạ, thì các anh chị em sẽ thấy rằng sự làm chứng của mình về Ngài đạt được quyền năng để làm cảm động tấm lòng của những người khác. Khi những người mà các anh chị em mời từ chứng ngôn của riêng mình cảm nhận được lời chứng đó, thì họ sẽ chấp nhận Ngài là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của họ. Và sự chấp nhận đó, khi nó đến, sẽ làm ấm lòng của họ và của các anh chị em.

Giao Ước và Vâng Lời

Thứ nhì, những người mà tôi biết thì đã thật sự đến cùng Ngài và lập các giao ước để vâng lời và noi theo Ngài. Nó có thể bắt đầu bằng cách tuân giữ những lời cam kết giản dị, chẳng hạn như đọc Sách Mặc Môn hoặc đi dự lễ Tiệc Thánh. Nó phải phát sinh từ đức tin của họ rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và Đấng Cứu Rỗi. Khi họ tuân giữ sự cam kết do đức tin đó mà có, thì họ cảm thấy một điều gì đó. Có lẽ họ không thể nói lên bằng lời về cảm nghĩ đó nhưng họ cảm thấy khoan khoái hơn. Sự vâng lời, ngay cả trong những điều nhỏ nhặt, cũng mang đến phước lành đó từ Thượng Đế. Và, cuối cùng, họ bắt đầu cảm thấy một tấm lòng hối cải và với điều đó là một ước muốn để lập giao ước báp têm, để mang lấy danh của Đấng Cứu Rỗi và được thanh tẩy khỏi tội lỗi.

Có những người tiến đến việc có sự lựa chọn cốt yếu đó với nhiều lý do. Thoạt tiên, một người mà chúng tôi đã giảng dạy đã không thể thấy được sự cần thiết của phép báp têm. Xét cho cùng, người ấy đã cố gắng có cuộc sống tốt lành trong suốt đời mình. Người ấy không phạm tội nặng. Người ấy đã chịu phép báp têm khi còn nhỏ trong một giáo hội khác. Nhưng rồi có hai điều đến với tâm trí của người ấy. Điều thứ nhất là Đấng Cứu Rỗi chịu phép báp têm vì sự vâng vlời, dù Ngài chưa bao giờ phạm tội. Điều kia là người ấy muốn lập giao ước với Đấng Cứu Rỗi qua thẩm quyền của chức tư tế chân chính, cũng giống như Đấng Cứu Rỗi đã đi đến với Giăng để chịu phép báp têm.

Một thanh niên khác mà chúng tôi đã giảng dạy chọn để chịu phép báp têm vì có một tâm hồn đau khổ do sự buồn phiền mà người ấy cảm thấy vì tội lỗi của mình. Khi ra khỏi hồ báp têm, người ấy đã ôm chặt lấy tôi, nước mắt chảy dài trên má anh, và nói vào tai tôi: “Tôi đã được trong sạch. Tôi đã được trong sạch.”

Những sự lựa chọn của họ để lập giao ước báp têm phát sinh từ một đức tin chung. Họ biết rằng nếu họ chịu tuân giữ một giao ước để tuân theo các giáo lệnh của Đấng Cứu Rỗi, thì Ngài sẽ giữ giao uớc của Ngài với họ để đưa họ đến cuộc sống vĩnh cửu. Họ sẵn sàng đến cùng Ngài để họ có thể được thay đổi và được Ngài hướng dẫn và, cuối cùng, trở thành giống như Ngài.

Cố Gắng để Trở Thành Giống như Ngài

Điều đó đưa đến điều thứ ba mà tôi đã thấy trong cuộc sống của những người thật sự đến cùng Ngài. Họ cố gắng trở thành giống như Ngài. Họ bắt đầu cố gắng làm cho những người khác vì họ biết rằng Ngài cũng sẽ làm. Các anh chị em và tôi đã thấy điều đó nơi những người trung tín ngay sau khi họ chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Có lần tôi đi với người bạn đồng hành truyền giáo của mình đến thăm một gia đình mà chúng tôi đã giảng dạy và làm phép báp têm chỉ một vài tuần trước. Hai người cha mẹ đưa chúng tôi xuống tầng hầm của nhà họ để chỉ cho chúng tôi thấy một căn phòng. Đó là phòng ngủ của một trong hai đứa con gái của họ. Nhưng bây giờ đứa con gái ấy đã dọn vào phòng của chị mình. Căn phòng mà đứa con gái bỏ trống được chất đủ thứ đồ mà gia đình sẽ cần trong trường hợp khẩn cấp.

Chúng tôi đã không dạy họ bất cứ điều gì về việc chuẩn bị trong trường hợp khẩn cấp. Khi chúng tôi hỏi lý do tại sao họ đã làm một điều rất khó một cách nhanh chóng như vậy, thì họ đáp rằng họ đã đọc trong một tạp chí Giáo Hội rằng Chúa muốn các gia đình phải sẵn sàng tự lo cho mình và lo cho những người khác. Họ nói: “Đó không phải là điều mà Các Thánh Hữu Ngày Sau làm sao?”

Đức tin giản dị đó đã dành cho mọi điều mà họ cảm thấy Đấng Cứu Rỗi muốn họ phải làm. Và ước muốn của họ để noi theo Ngài thì tồn tại rất lâu. Và điều đó đã thay đổi họ. Họ luôn luôn tử tế cố gắng giúp đỡ những người khác. Nhưng khả năng đó cho thấy lòng bác ái gia tăng. Và đó là mẫu mực ở tất cả những người mà tôi biết đã tiếp tục đến cùng Ngài trong suốt đời họ.

Đôi khi chúng ta nói về việc giữ chân các tín hữu thể như chúng ta ngăn không cho họ rời bỏ Giáo Hội. Chúng ta có thể và chúng ta phải là một người bạn đối với những người đã chọn để đến cùng với Ngài. Họ có thể trở nên chán nản khi những thử thách đến, đó là cách mà thử thách luôn luôn có. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng những người bạn tốt nhất và đáng tin cậy nhất mà họ có là Đấng Cứu Rỗi và Cha của Ngài, cũng là Cha của họ. Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi sẽ gửi Đức Thánh Linh đến với họ để an ủi họ và xác nhận đức tin của họ nếu họ khiêm nhường vâng lời. Vậy nên, chẳng hạn, khi đi thăm viếng giảng dạy hoặc giảng dạy tại gia với một tín hữu mới, nếu các anh chị em đưa cho người ấy cơ hội để cầu nguyện, giảng dạy hoặc sắp xếp cuộc hẹn, thì các anh chị em có thể đưa cho người ấy sức mạnh nhiều hơn chỉ là sự bày tỏ tình yêu mến. Điều đó sẽ mang đến quyền năng của thiên thượng. Và điều đó sẽ nâng đỡ họ qua những thử thách và bảo vệ họ khỏi lòng kiêu hãnh khi các phước lành bắt đầu đến với họ, như các phước lành sẽ luôn luôn đến.

Một Sự Thay Đổi trong Lòng

Một điều kỳ diệu khác cũng sẽ xảy ra. Khi các anh chị em nỗ lực mời gọi những người khác đến cùng Đấng Ky Tô, thì tấm lòng của các anh chị em cũng sẽ thay đổi. Các anh chị em sẽ làm công việc của Ngài cho Ngài. Các anh chị em sẽ thấy rằng Ngài giữ lời hứa của Ngài để hiệp một với các anh chị em trong sự phục vụ của các anh chị em. Các anh chị em sẽ tiến đến việc biết Ngài. Và cuối cùng, các anh chị em sẽ tiến đến việc giống như Ngài và “trở nên toàn thiện trong Ngài.”4 Bằng cách giúp đỡ những người khác đến cùng Ngài, các anh chị em sẽ thấy rằng các anh chị em cũng đã tự mình đến cùng Ngài. Nếu muốn được gần Ngài, cảm nhận được sự bình an của Ngài, các anh chị em có thể làm điều đó tốt nhất là trong sự phục vụ Ngài.

Ngài là Đấng đã phán:

“Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”5

Tôi xin làm chứng rằng Ngài sẽ giữ lời hứa đó với những người mà chúng ta mời đến cùng Ngài. Và Ngài giữ lời hứa đó với những người phục vụ Ngài bằng cách đưa ra lời mời gọi.

Ghi chú

  1. GLGƯ 20:59.

  2. Xin xem Mô Si A 18:8–10.

  3. 2 Nê Phi 25:20.

  4. Mô Rô Ni 10:32.

  5. Ma Thi Ơ 11:28–30.