2002
Chịu theo những Khuyên Dỗ của Đức Thánh Linh
Tháng Mười Một Năm 2002


Chịu theo những Khuyên Dỗ của Đức Thánh Linh

Những sự thúc giục trong chúng ta bắt đầu từ một nguồn gốc thiêng liêng và khi được tuân theo thì sẽ giúp chúng ta chọn con đường đúng, như vậy bảo vệ chúng ta khỏi những ảnh hưởng tai hại và những khúc quanh nguy hiểm.

Tôi được cha mẹ có lòng chăm sóc nuôi dưỡng trong một căn nhà nơi mà các giá trị được giảng dạy và thực hành đã chuẩn bị con đường cho tôi đến với giáo hội và một sự chấp nhận các nguyên tắc phúc âm. Tôi chịu phép báp têm vào tháng Tám năm 1959 ngay sau sinh nhật thứ mười chín của tôi. Khi tôi suy ngẫm những sự kiện đã xảy ra trước sự cải đạo của tôi, thì tôi nghĩ về kinh nghiệm thơ ấu của mình.

Gần nơi căn nhà mà tôi sống khi còn nhỏ là một căn nhà to lớn. Nó tọa lạc trên khu đất xinh đẹp bao quanh bởi một hàng rào cao làm bằng gỗ ván, có lẽ cao đến sáu bộ Anh. Tôi nhớ lại đã nhìn lén qua các lỗ của các tấm ván nơi mà những cái mắt gỗ đã rơi ra. Điều đó giống như nhìn xuyên qua một kính viễn vọng vào một thế giới khác. Thảm cỏ được bảo trì một cách tuyệt mỹ, khu vườn hoa được chăm sóc kỹ càng và một vườn cây ăn quả cung ứng một khung cảnh thần tiên cho một chỗ ở đặc biệt. Rủi thay, cơ hội thưởng thức quang cảnh ấy luôn luôn ngắn ngủi bởi vì con chó Anh cảnh giác đi rảo quanh khu vườn và lập tức đánh hơi được bất cứ người nào đứng gần bên ngoài cái hàng rào. Mặc dù con chó hung dữ bị nhốt trong vườn, nhưng tiếng khụt khịt đánh hơi của nó khi nó đến gần hàng rào cũng làm tôi khiếp đảm tháo chạy trong khi óc tưởng tượng của tôi vẽ ra hằng bao nhiêu điều có thể đầy nguy hiểm.

Ông Bà Lyons sống trong căn nhà đó là những người dạy học. Họ có một phẩm cách đáng kính và dường như vui hưởng khung cảnh riêng tư mà căn nhà đã tạo cho họ. Để thêm vào sự bố trí, thì Ông Lyons không có bàn tay phải, thay vì thế ông sử dụng một cái móc bằng thép thò ra dưới cổ tay áo choàng của ông. Trong đầu óc trẻ thơ của tôi, tôi có thể tưởng tượng ra được Ông Lyons đuổi theo tôi, chụp cổ áo tôi với cái móc và bắt sống tôi.

Tôi nhớ lại vào một buổi sáng tháng Tám khi tôi được 10 hay 11 tuổi, tiếp theo một đêm với trận gió lớn thổi một cách khác thường, tôi được bạn bè chào hỏi khi tôi rời nhà mình. Rõ ràng là chúng tỏ ra phấn khởi bởi một điều gì đó và hỏi: “Bạn có nghe gió thổi tối qua không?”

Khi tôi nói tôi có nghe, chúng tiếp tục kể cho tôi nghe điều chúng đã khám phá ra được… . gió thổi bay một phần hàng rào quanh nhà của Ông Bà Lyons. Tôi không thể hiểu tại sao điều này tạo ra nhiều phấn khởi như thế và yêu cầu chúng giải thích ý nghĩa đó.

Chúng trả lời còn một cách nhiệt tình hơn nữa: “Tụi mình có thể lui tới các cây táo!”

Tôi vẫn còn rất thận trọng và hỏi: “Nhưng mà Ông Lyons thì sao?”

“Ông Bà Lyons không có ở nhà, họ đi thăm bà con.”

“Còn con chó thì ở đâu?” Tôi hỏi dò.

Câu trả lời là: “Gia đình đó đã gửi nó vào chỗ nuôi chó rồi.”

Các bạn của tôi chắc chắn đã thực hiện cuộc nghiên cứu cặn kẽ. Như vậy, yên chí bởi những lời của chúng, chúng tôi vội vã đi đến mục tiêu của mình. Khi bước vào khu vườn chúng tôi trèo lên cây và vội vàng hái trái cây, bỏ đầy vào túi của mình và cũng bỏ vào áo cuốn lại. Trái tim tôi đập thình thịch và mạch tim đập nhanh bởi vì tôi e sợ rằng bất cứ lúc nào con chó hoặc Ông Lyons, hoặc cả hai, sẽ xuất hiện trong vườn và tóm lấy chúng tôi. Chúng tôi chạy ra khỏi phạm trường đến một chỗ vắng người trong khu rừng cây gần đó và, sau khi lấy lại bình tĩnh, bắt đầu ăn các quả táo.

Lúc đó là tháng Tám, và các quả táo chưa chín để ăn được. Thật ra chúng có một vị đắng chát, nhưng vị chua của các quả táo xanh này không làm nản lòng chúng tôi khi chúng tôi hăng hái tiêu thụ chiến lợi phẩm của mình, trong khi giả vờ như bị ép buộc mà giờ đây tôi không thể giải thích được lý do. Sau khi ăn ngấu nghiến hết một số khá nhiều, tôi tự bằng lòng với việc cắn một miếng từ mỗi quả táo còn lại và ném phần còn lại vào bụi cây gần đó. Cuộc vui giảm đi khi cơ thể chúng tôi bắt đầu dần dần phản ứng lại những quả táo mà chúng tôi đã thồn vào bụng quá nhanh. Sự phản ứng hóa học giữa nước trong dạ dày và các quả táo còn xanh khiến tôi trải qua những cơn đau bụng và cảm thấy buồn nôn. Khi tôi ngồi hối tiếc cho điều mình đã làm, tôi nhận thấy rằng một cảm nghĩ trong tôi còn gây ra nhiều sự khó chịu hơn các quả táo còn xanh.

Sự khó khịu nhiều hơn là do việc nhận thức điều tôi đã làm là sai.

Khi các bạn của tôi đề nghị chúng tôi xâm nhập vào khu vườn, tôi đã cảm thấy khó chịu, nhưng vì thiếu can đảm để nói ‘không’ và làm ngơ với những cảm nghĩ của mình. Giờ đây, sau khi hành động đã làm xong, tôi cảm thấy lòng tràn đầy hối hận. Rất lấy làm tiếc là tôi đã lờ đi những thúc giục đã cảnh cáo tôi về sự sai lầm của các hành động của tôi.

Những hàng rào cản bằng vật chất và những quyền lực bên ngoài có thể ngăn cản chúng ta không theo đuổi các con đường sai lạc; nhưng cũng có một cảm nghĩ nơi mỗi người chúng ta, đôi khi được mô tả là giọng nói nhỏ nhẹ êm dịu,1 mà khi được nhận ra và đáp ứng thì sẽ giúp chúng ta không đầu hàng sự cám dỗ.

Nhiều năm về sau, những lời của Chủ Tịch Boyd K. Packer đã làm tôi cảm động sâu xa khi ông dạy rằng: “Chúng ta không thể bắt đầu đi trên một chiều hướng sai mà không bác bỏ trước một lời cảnh cáo.” Tôi đã nghĩ đến thời gian đó và những thời gian khác giống như vậy … những ấn tượng và những sự hiểu biết đến khi chúng ta suy ngẫm về các hậu quả của các hành động của mình.

Tiên Tri Mặc Môn mở rộng tầm nhìn của chúng ta về nguồn gốc của những ấn tượng đó trong những lời này: “… Linh của Đấng Ky Tô được ban cho mọi người, để họ có thể phân biệt được thiện ác.”2

Khái niệm là tất cả chúng ta đều có ân tứ hướng dẫn này được xác nhận trong Sách Phúc Âm theo như Thánh Giăng mà trong đó đã được viết về Đấng Cứu Rỗi: “Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người.”3

Những sự thúc giục này trong chúng ta bắt đầu từ một nguồn gốc thiêng liêng và khi được tuân theo thì sẽ giúp chúng ta chọn con đường đúng, như vậy bảo vệ chúng ta khỏi những ảnh hưởng tai hại và những khúc quanh nguy hiểm.

Vài tuần sau kinh nghiệm với những quả táo, tôi bắt đầu đi theo các bạn của tôi vào khu rừng cây gần nhà, dự kiến rằng chúng tôi sẽ bày ra sinh hoạt hay trò chơi nào đó. Khi tôi đến gần chúng, chúng đang tụ tập lại với nhau. Tôi thấy khói đang bốc lên không trên đầu chúng và nhận ra mùi thuốc lá đang cháy. Một đứa trong đám chúng đã lấy được một bao thuốc lá, và chúng đang hút thuốc. Chúng mời tôi nhập cuộc nhưng tôi từ chối. Chúng nài nỉ, cho rằng sự không sẵn lòng tham gia là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Những lời trêu chọc của chúng biến thành nhạo báng kết hợp với những lời nhận xét hạ cấp. Nhưng không có điều gì mà chúng nói hay làm có thể thuyết phục tôi thay đổi ý định của mình. Tôi đã không được nuôi dưỡng với một sự hiểu biết về phúc âm phục hồi và không biết gì về Lời Thông Sáng, nhưng tôi đã được một cảm tưởng trong lòng ngăn cản tôi không nên tham gia với chúng.

Khi tôi đi về nhà ngẫm nghĩ lại quyết định tôi đã làm, thì tôi cảm thấy vui trong lòng. Mặc dù những kỳ vọng của tôi trong ngày đã không xảy ra và tôi đã phải tìm một cách thức để có thời giờ bận rộn mà không chơi với các bạn của mình, tôi đã khám phá ra được một điều gì đó về bản thân tôi—về nguồn hạnh phúc thật sự và sự hăng hái từ việc chọn quyết định đúng, bất luận tình huống hay kết quả có ra sao đi nữa.

Sự mặc khải mà Tiên Tri Joseph Smith nhận được mô tả những lợi ích liên kết với sự tuân theo nguồn hướng dẫn cố hữu này trong những đoạn thánh thư sau đây: “Và Thánh Linh ban ánh sáng cho mọi người bước vào thế gian; và Thánh Linh soi sáng cho tất cả mọi người trên thế gian để lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh.”4

Không những câu này cung ứng thêm một bằng chứng rằng chúng ta đều có quyền nhận được nguồn hướng dẫn thiêng liêng này, mà nó còn nhấn mạnh đến sự cần thiết của chúng ta để lắng nghe hay tuân theo và đáp ứng những sự thúc giục mà chúng ta nhận được. Lời hứa kèm theo sau đó có một ý nghĩa lớn lao đối với tôi: “Và tất cả những ai biết nghe tiếng nói của Thánh Linh đều sẽ đến với Thượng Đế tức là Đức Chúa Cha.”5

Những cảm tưởng này, đôi khi được nói đến như là lương tâm nhưng còn được định nghĩa một cách chính xác hơn là Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, không những giúp chúng ta trong việc quyết định điều gì đúng và điều gì sai mà, nếu tuân theo, chúng còn sẽ dẫn chúng ta đến nguồn ánh sáng đó phát ra từ nơi hiện diện của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.6

Đấng Cứu Rỗi đã hứa với các môn đồ của Ngài: “Nếu các người yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta. Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật.”7 Ngài còn mô tả thêm ân tứ này là: “Đấng Yên Ủi tức là Đức Thánh Linh.”8 Một người có thể trải qua những sự biểu hiện của Đức Thánh Linh nhưng ân tứ thì được ban cho và chỉ có thể được tiếp nhận bằng lễ đặt tay tiếp theo phép báp têm mà thôi.9

Tôi đã biết nhận thức một cách trọn vẹn lý do tại sao điều này được viết về các môn đồ của Ngài trên Tây Bán Cầu: “Họ cầu xin điều mà họ mong muốn nhất; họ mong muốn được ban cho Đức Thánh Linh.”10

Ngài là sứ giả toàn hảo của lẽ thật.

Khi tôi nhìn lại cuộc sống của tôi, thì rõ ràng đối với tôi là nhiều quyết định—một số dường như nhỏ nhặt vào lúc ấy, và một số khác thì tôi đã phải vất vả khó khăn với chúng bởi vì tầm quan trọng của chúng—đã khiến cho tôi phải đạt đến một nếp sống thuộc linh cao hơn nếu tôi không chịu theo sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh.11

Nếu không có ân tứ vinh quang này thì chúng ta không thể thấu hiểu được mục đích của cuộc sống hay kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu.12 Bởi vì “… loài người không thể nào tìm hiểu được hết những đường lối của Ngài. Và chẳng có một ai hiểu được đường lối của Ngài nếu không nhờ sự mặc khải của Ngài ban cho…”13

Trông cậy vào lý luận và sử dụng trí khôn ngoan thì không đủ, “Loài người cũng không thể phổ biến nổi những điều này, vì chúng chỉ được biểu lộ cho thấy và hiểu được nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh mà thôi, là quyền năng mà Thượng Đế ban cho những ai yêu mến Ngài và biết trở nên thanh khiết trước nhan Ngài.”14

Tôi không thể tìm ra được lời để bày tỏ một cách thích đáng những cảm nghĩ của tôi về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô và ân tứ Đức Thánh Linh. Đó là “… lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.”15

Hãy suy ngẫm lời cầu nguyện của Đấng Cứu Rỗi lên Đức Chúa Cha, về Mười Hai Vị nơi xứ Phong Phú, được bày tỏ bằng những lời này:

“Thưa Cha, con xin cám ơn Cha đã ban Đức Thánh Linh cho những người được con lựa chọn; và vì đức tin của họ đối với con nên con đã chọn họ ra từ trong số những người thế gian này.

“Thưa Cha, con cầu xin Cha ban Đức Thánh Linh cho những ai sẽ tin vào những lời nói của họ.”16

Trong thế giới đầy bất an hỗn loạn này, chúng ta có thể tìm được sự bảo đảm và vui hưởng sự bình an của lương tâm bằng cách tin vào những lời của các Tiên Tri và qua sự đồng hành của Đấng An Ủi. Như vậy, chúng ta có thể biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi của thế gian.17

Tôi xin làm chứng về những lẽ thật này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem George Q. Cannon, Gospel Truth, do Jerreld L. Newquist (1987) tuyển chọn, 250.

  2. Mô Rô Ni 7:16.

  3. Giăng 1:9.

  4. GLGƯ 84:46.

  5. GLGƯ 84:47.

  6. Xin xem Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 60.

  7. Giăng 14:15õ17.

  8. Giăng 14:26.

  9. Xin xem Joseph Fielding Smith, Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập (1957õ66), 2:154; xin xem thêm Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38; 8:12õ17; 19:1õ6.

  10. 3 Nê Phi 19:9.

  11. Xin xem Mô Si A 3:19; Mô Rô Ni 7:13.

  12. Xin xem An Ma 34:9.

  13. Gia Cốp 4:8.

  14. GLGƯ 76:116.

  15. Thi Thiên 119:105; xin xem thêm Answers to Gospel Questions, 2:149õ51.

  16. 3 Nê Phi 19:20õ21.

  17. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:3; Joseph Smith, Teachings of the Prophet Joseph Smith, do Joseph Fielding Smith (1976) tuyển chọn, 243.