2002
Những Người Gương Mẫu để Noi Theo
Tháng Mười Một Năm 2002


Những Người Gương Mẫu để Noi Theo

Tất cả chúng ta sống trên thế gian ngày nay cần các tiêu chuẩnọđó là những người gương mẫu để noi theo.

Cách đây nhiều năm tôi đã thán phục khi thấy nơi bìa của một trong các ấn phẩm của Giáo Hội in một bức tranh rất đẹp của Carl Bloch. Cảnh mà người họa sĩ hình dung trong trí mình và rồi sau đóọvới bàn tay siêu việt của Đấng Thầy—họa lên khung vẽ, mô tả Ê Li Sa Bết, vợ của Xa Cha Ri, đón chào Ma Ri, mẹ của Chúa Giê Su. Cả hai đều đang mang thai con trai—những sự giáng thế đầy nhiệm mầu.

Con trai do Ê Li Sa Bết sinh ra được biết đến là Giăng Báp Tít. Như với Chúa Giê Su, con trai của Ma Ri, Giăng cũng thế—có rất ít điều quý báu được ghi chép về những năm tháng niên thiếu của các Ngài. Chỉ có một câu cho chúng ta biết tất cả những gì về cuộc sống của Giăng từ khi ông được sinh ra cho đến giáo vụ của ông với công chúng: “Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y Sơ Ra Ên.”1

Sứ điệp của Giăng rất ngắn. Ông rao giảng đức tin, sự hối cải, phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước và sự ban cho Đức Thánh Linh bởi một thẩm quyền lớn hơn thẩm quyền mà ông có. Ông bảo các môn đồ trung tín của mình: “Ấy không phải ta là Đấng Ky Tô, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài.”2 “Phần ta làm phép báp têm cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến… . Chính Ngài sẽ làm phép báp têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.”3

Rồi phép báp têm của Đấng Ky Tô được thực hiện bởi Giăng Báp Tít. Về sau, Chúa Giê Su đã làm chứng: “Trong những người bởi đàn bà sinh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp Tít.”4

Tất cả chúng ta sống trên thế gian ngày nay cần các tiêu chuẩnọđó là những người gương mẫu để noi theo. Giăng Báp Tít cung ứng cho chúng ta một tấm gương hoàn hảo về lòng khiêm nhường chân thực, bởi vì ông luôn tuân phục Đấng mà chúng ta phải noi theo—Đấng Cứu Rỗi của nhân loại.

Việc học biết về những người khác mà đã tin cậy Thượng Đế và tuân theo những lời giảng dạy của Ngài giúp chúng ta cảm thấy được Thánh Linh mách bảo cùng tâm hồn mình: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.”5 Khi họ kiên quyết tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và tin cậy nơi Ngài, thì họ được ban phước. Khi chúng ta noi theo gương của họ, thì chúng ta cũng sẽ được ban phước một cách tương tự trong thời kỳ và trong thời điểm của mình. Mỗi một người trở thành một gương mẫu để noi theo.

Tất cả chúng ta yêu thích câu chuyện tuyệt vời từ Kinh Thánh về Áp Ra Ham và Y Sác. Thật là khó khăn biết bao cho Áp Ra Ham, trong việc tuân theo lệnh truyền của Thượng Đế, để mang con trai yêu quý của mình là Y Sác đi đến xứ Mô Ri A, để nơi đó dâng con mình làm của lễ thiêu. Các anh chị em có thể tưởng tượng được nỗi đau đớn cùng cực trong lòng ông khi ông đi lượm củi để đốt lửa và hành trình đến nơi đã được định? Chắc chắn là nỗi đau đớn đã hành hạ thân thể ông và dày vò tâm trí của ông khi ông trói Y Sác lại và đặt con mình lên đền thờ trên đống củi và đưa tay ra cầm dao để giết chết con trai mình. Lời phán vinh quang biết bao truyền ra và được chào đón với sự kinh ngạc đầy vui mừng: “Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một của ngươi.”6

Áp Ra Ham hội đủ điều kiện là một người gương mẫu về sự sốt sắng vâng lời.

Nếu ai trong chúng ta cảm thấy những thử thách của mình vượt qua khả năng của mình để đối phó, thì hãy để người này đọc về Gióp. Bằng cách làm như vậy, thì sẽ có cảm nghĩ: “Nếu Gióp có thể chịu đựng và khắc phục được, thì tôi cũng sẽ làm được vậy.”

Gióp là một người “trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác.”7 Là người tin kính trong cách cư xử và giàu có, Gióp phải đương đầu với một cuộc thử thách mà có thể hủy diệt bất cứ người nào khác. Tài sản bị mất, bạn bè khinh miệt, lòng đầy đau khổ, gia đình tiêu tán, ông đã được thúc giục “phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi.”8 Ông đã chống cự lại sự cám dỗ và thốt ra từ đáy lòng cao quý của mình: “Chánh giờ này, Đấng chứng tôi ở trên trời, và Đấng bảo lãnh cho tôi ở tại nơi cao.”9 “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống.”10

Gióp trở thành một người gương mẫu về lòng kiên nhẫn vô hạn. Cho đến ngày nay, chúng ta nói đến những người có lòng kiên trì là có được sự nhịn nhục của Gióp. Ông nêu một tấm gương cho chúng ta noi theo.

Một “người công bình và trọn vẹn [trong đời mình],” một người “đồng đi cùng Đức Chúa Trời,”11 là tiên tri Nô Ê. Được sắc phong chức tư tế vào lúc còn nhỏ, “ông trở thành người rao giảng sự ngay chính và rao truyền phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, giảng dạy đức tin, sự hối cải, phép báp têm và sự chấp nhận Đức Thánh Linh.”12 Ông cảnh cáo rằng việc không tuân theo sứ điệp của ông sẽ mang lụt lội đến cho những người đã nghe tiếng của ông nhưng không nghe theo lời ông.

Nô Ê tuân theo lệnh truyền của Thượng Đế đóng một chiếc tàu, để ông và gia đình mình có thể được cứu khỏi sự hủy diệt. Ông tuân theo những lời chỉ dẫn của Thượng Đế để tập hợp mỗi loài sinh vật một cặp để chúng cũng có thể được cứu khỏi nước lụt.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Vì chưa có dấu hiệu gì của mưa và lụt, nên những lời cảnh cáo [của Nô E] được xem là vô lý . Thật là rồ dại biết bao để đóng một chiếc tàu trên đất khô với mặt trời vẫn sáng ngời và cuộc sống vẫn trôi qua như thường lệ! Nhưng thời giờ đã hết… Trận lụt kéo đến. Kẻ không vâng lời … bị chết đuối. Phép lạ về chiếc tàu tiếp theo đức tin được biểu hiện khi đóng chiếc tàu.”13

Nô Ê có đức tin vững chắc để tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế. Cầu xin cho chúng ta mãi mãi được giống như thế. Cầu xin cho chúng ta nhớ rằng sự thông sáng của Thượng Đế luôn luôn dường như là điều rồ dại đối với loài người; nhưng bài học lớn lao nhất mà chúng ta có thể học được trên trần thế là khi Thượng Đế phán bảo và chúng ta vâng theo, thì chúng ta sẽ luôn làm đúng.

Một gương mẫu về người phụ nữ lý tưởng là Ru Tơ. Cảm nhận được tấm lòng buồn phiền của người mẹ chồng của mình là Na Ô Mi—là người đang đau khổ vì mất hai đứa con trai tốt của mình—cảm thấy rằng có lẽ những nỗi giằn vặt của nỗi thất vọng và cô đơn đang làm héo hon tâm hồn của Na Ô Mi, nên Ru Tơ đã thốt ra lời mà đã trở thành lời nói đầy truyền thống trung thành: “Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi.”14 Các hành động của Ru Tơ cho thấy sự thành thực trong lời nói của bà.

Qua lòng trung thành không đổi dời của Ru Tơ đối với Na Ô Mi, bà đã kết hôn cùng Bô Ô mà qua đó bàọngười ngoại quốc và người cải đạo từ xứ Mô Áp—trở thành bà cố của Đa Vít và, vì thế, là một tổ tiên của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Giờ đây tôi xin quay về với một vị tiên tri đầy quyền năng trong Sách Mặc Môn—đó là Nê Phi, con trai của Lê Hi và Sa Ri A. Ông trung tín và vâng lời Thượng Đế, can đảm và gan dạ. Khi được trao cho sự chỉ định khó khăn là đi lấy các bảng khắc bằng đồng từ La Ban, ông đã không than oán, mà còn nói: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa phán dạy, vì con biết, Chúa không bao giờ truyền dạy con cái loài người làm điều gì mà lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Chúa phán truyền.”15 Có lẽ hành động can đảm này đã gợi ý cho một câu hát đầy sự khuyên dạy cho chúng ta được tìm thấy trong bài thánh ca “Thanh Sắt”:

Đối với Nê Phi, Vị Tiên Kiến của thời xưa,

Một khải tượng đã đến từ Thượng Đế…

Hãy nắm lấy thanh sắt, thanh sắt;

Thanh sắt vững chắc, sáng ngời và chân chính.

Thanh sắt là lời của Thượng Đế;

Thanh sắt hướng dẫn chúng ta đi một cách an toàn.16

Nê Phi là một tấm gương về sự quyết tâm không lay chuyển.

Không có một sự mô tả về gương mẫu nào cho chúng ta noi theo mà sẽ được trọn vẹn nếu không kể đến Joseph Smith, vị tiên tri đầu tiên của gian kỳ này. Khi mới lên 14 tuổi, người thiếu niên can đảm này đã bước vào khu rừng mà về sau được gọi là thiêng liêng, và tiếp nhận sự đáp ứng cho lời cầu nguyện thành thực của ông.

Tiếp theo đó Joseph đã không ngừng bị ngược đãi khi ông kể cho những người khác nghe câu chuyện về khải tượng vinh quang mà ông nhận được trong khu rừng đó. Tuy nhiên, mặc dù ông đã bị chế nhạo và khinh miệt, ông vẫn đứng vững vàng. Ông nói: “Tôi đã mục kích khải tượng và tôi cũng biết là Thượng Đế cũng biết như vậy nữa, nên tôi không thể nói khác được, hay đúng hơn là tôi không dám nói khác.”17

Dần dần, khi chạm trán với sự đối nghịch hầu như liên tục và luôn được hướng dẫn bởi bàn tay của Chúa, Joseph đã tổ chức Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông đã chứng tỏ can đảm trong tất cả mọi điều ông làm.

Vào cuối đời ông, khi ông bị bắt giải cùng với anh của ông là Hyrum đến Ngục Thất Carthage, ông đã dũng cảm đương đầu với điều mà ông biết một cách chắc chắn rằng sẽ xảy ra cho ông và ông đã đóng ấn chứng ngôn của mình bằng với chính máu mình.

Khi chúng ta đương đầu với các thử thách của cuộc sống, cầu xin cho chúng ta cũng luôn bắt chước tấm gương can đảm không dao động đó của Tiên Tri Joseph Smith.

Trước mắt chúng ta hôm nay là một vị tiên tri khác của Thượng Đếọchính là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, yêu quý của chúng ta. Ông đã chủ tọa Giáo Hội đang trong thời kỳ phát triển mạnh nhấtọcả về con số lẫn địa dư—trong lịch sử của chúng ta. Ông đã đi thăm những xứ mà trước đây chưa bao giờ được các vị lãnh đạo Giáo Hội đến thăm và đã tiếp xúc với các vị lãnh đạo chính quyền và với các tín hữu trên khắp thế giới. Tình yêu thương của ông đối với các dân tộc vượt xa hàng rào ngôn ngữ và văn hóa.

Với khải tượng của một tiên tri, ông đã đề ra Quỹ Giáo Dục Luân Lưu mà giúp các tín hữu của chúng ta thoát ra cảnh nghèo túng trong nhiều khu vực của thế giới và cung ứng những kỹ năng và sự đào tạo mà làm cho các thanh niên thiếu nữ hội đủ điều kiện để có được việc làm với số lương cao. Kế hoạch đầy soi dẫn này đã mang đến ánh sáng hy vọng cho những người cảm thấy bị đọa đày với số kiếp thấp hèn nhưng giờ đây là những người có được cơ hội cho một tương lai sáng lạn hơn.

Chủ Tịch Hinckley đã không ngừng gắng sức để mang lại các phước lành thiêng liêng cho các tín hữu của Giáo Hội trên khắp thế giới bằng cách cung ứng các đền thờ mà mọi người có thể đến được. Ông có khả năng nâng đỡ những người thuộc mọi hoàn cảnh và quá trình, bất luận họ thuộc tôn giáo nào. Ông là một tấm gương về tính lạc quan hoàn toàn, và chúng ta kính trọng ông là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.

Các đức tính duy nhất có được nơi những người nam và người nữ này mà tôi đã đề cập đến có thể là một sự giúp đỡ vô giá cho chúng ta khi chúng ta đối đầu với những vấn đề và thử thách trước mắt. Tôi xin phép được minh họa bằng cách nói đến kinh nghiệm của gia đình Jerome Kenneth Pollard ở Oakland, California.

Tháng Năm vừa qua, khi Anh Cả Taavili Joseph Samuel Pollard đi đến văn phòng phái bộ truyền giáo vào lúc hoàn tất công việc truyền giáo của anh ở Zimbabwe, chiếc xe của phái bộ truyền giáo mà anh lái vì lý do nào đó đã mất kiểm soát, quay vòng và đụng phải một cái cây. Một người bộ hành đã có thể cứu người bạn đồng hành của Anh Cả Pollard, nhưng Anh Cả Pollard, bị ngất đi trong chiếc xe phực cháy. Anh Cả Pollard chết. Mẹ anh đã qua đời tám năm trước đó; do đó, cha anh một mình nuôi dưỡng gia đình. Một người em đang truyền giáo ở Phái Bộ Truyền Giáo West Indies.

Khi tin tức về cái chết của Anh Cả Pollard đến với cha của anh, người đàn ông khiêm nhường này—là người cũng đã mất vợ—gọi người con trai đang phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo West Indies để cho người này biết về cái chết của anh mình. Trong cuộc điện đàm viễn liên đó, Anh Pollard và con trai của anh, chắc chắn là đang buồn khổ và đau lòng, đã cùng hát bài “Tôi Là Con Đức Chúa Cha.”18 Trước khi chấm dứt cuộc điện đàm, người cha dâng một lời cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng, cảm tạ Ngài về các phước lành của mình và tìm kiếm sự an ủi thiêng liêng của Ngài.

Sau này Anh Pollard giải thích rằng anh biết gia đình anh sẽ được bình an, bởi vì họ có được chứng ngôn mạnh mẽ về Phúc Âm và về Kế Hoạch Cứu Rỗi.

Thưa các anh chị em của tôi, trong gian kỳ trọn vẹn kỳ diệu này, trong khi chúng ta trải qua cuộc sống trần thế và đối phó với những thử thách và khó khăn của tương lai, cầu xin cho chúng ta nhớ đến các tấm gương của những người gương mẫu này để noi theo mà tôi đã nói đến trong buổi sáng này. Cầu xin cho chúng ta có được lòng khiêm nhường chân thực của Giăng Báp Tít, sự sốt sắng vâng lời của Áp Ra Ham, lòng kiên nhẫn vô hạn của Gióp, đức tin vững chắc của Nô Ê, lòng trung thành không đổi dời của Ru Tơ, sự quyết tâm không lay chuyển của Nê Phi, sự can đảm không dao động của Joseph Smith và tính lạc quan trọn vẹn của Chủ Tịch Hinckley. Những đức tính này sẽ là một pháo đài vững mạnh cho chúng ta trong suốt cuộc sống của mình.

Cầu xin cho chúng ta luôn được hướng dẫn bởi Đấng Gương Mẫu, chính là con trai của Ma Ri, Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô—mà cuộc sống của chính Ngài đã cung ứng một gương mẫu toàn hảo cho chúng ta noi theo.

Sinh ra nơi chuồng bò, được đặt trong máng lừa, Ngài đã giáng lâm từ trời để sống trên thế gian với tư cách là một người trần thế và thiết lập Vương Quốc của Thượng Đế. Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Ngài đã giảng dạy luật pháp cao hơn cho loài người. Phúc âm vinh quang của Ngài đã thay đổi lối suy nghĩ của thế gian. Ngài ban phước cho người bệnh; Ngài khiến kẻ què đi được, người mù thấy được, người điếc nghe được. Ngài còn làm cho người chết sống lại.

Phản ứng về sứ điệp thương xót của Ngài, những lời thông sáng của Ngài, các bài học về cuộc sống của Ngài ra sao? Có rất ít người cao quý biết ơn Ngài. Họ lau chân Ngài. Họ học hỏi lời Ngài. Họ noi theo gương Ngài.

Rồi có những người chối bỏ Ngài. Khi được Phi Lát hỏi: “Vậy, còn Giê Su gọi là Đấng Ky Tô, thì ta sẽ xử thế nào?”19 thì họ la lên: “Hãy đóng đinh nó vào thập tự giá.”20 Họ nhạo báng Ngài. Họ cho Ngài uống dấm. Họ sỉ vả Ngài. Họ lấy cây sậy đánh đầu Ngài. Họ nhổ trên Ngài. Họ đóng đinh Ngài.

Suốt khắp các thế hệ, sứ điệp của Chúa Giê Su cũng vẫn vậy. Ngài đã phán cùng Phi E Rơ và Anh Rê ở bờ biển Ga Li Lê xinh đẹp: “Hãy theo ta.”21 Cùng một lời kêu gọi: “Hãy theo ta”22 đối với Phi Líp thời xưa. Đối với người Lê Vi thâu thuế có lời chỉ thị: “Hãy theo ta.”23 Đối với các anh chị em và tôi, nếu chúng ta chịu lắng nghe, thì cũng sẽ có một lời mời gọi ấy: “Hãy theo ta.”

Lời cầu nguyện của tôi hôm nay là chúng ta phải làm như thế. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu Ca 1:80.

  2. Giăng 3:28.

  3. Lu Ca 3:16.

  4. Ma Thi Ơ 11:11.

  5. Thi Thiên 46:10.

  6. Sáng Thế Ký 22:9õ10, 12.

  7. Giốp 1:1.

  8. Giốp 2:9.

  9. Giốp 16:19.

  10. Giốp 19:25.

  11. Sáng Thế Ký 6:9.

  12. Bible Dictionary, “Noah,” 738õ739.

  13. Trong Conference Report, tháng Mười năm 1952, 48.

  14. Ru Tơ 1:16.

  15. 1 Nê Phi 3:7.

  16. Joseph L. Townsend (1849õ1942), Hymns, số 274.

  17. Joseph SmithọLịch Sử 1:25.

  18. Naomi W. Randall (1908õ2001), Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

  19. Ma Thi Ơ 27:22.

  20. Mác 15:13.

  21. Ma Thi Ơ 4:19.

  22. Giăng 1:43.

  23. Lu Ca 5:27.