2002
Giáo Hội Toàn Cầu Được Ban Phước nhờ vào Tiếng Nói của Các Tiên Tri
Tháng Mười Một Năm 2002


Giáo Hội Toàn Cầu Được Ban Phước nhờ vào Tiếng Nói của Các Tiên Tri

Chúng ta hãy lắng nghe lời các tiên tri của thời kỳ chúng ta khi họ giúp chúng ta chú tâm vào những điều chính yếu đối với kế hoạch của Đấng Sáng Tạo.

Thật là một niềm vui sướng và đặc ân là thành viên thuộc Giáo Hội toàn cầu này và được nâng cao tinh thần bởi các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải! Đại hội này đang được tiếp vận đến 68 quốc gia và được phiên dịch bằng 55 ngôn ngữ. Đây thực là một Giáo Hội toàn cầu với các tín hữu sống ở khắp các quốc gia trên địa cầu. Chúng ta đều là con cái của một Thượng Đế hằng sống và nhân từ, Cha Thiên Thượng của chúng ta. Tôi bày tỏ tình yêu thương của mình đối với các anh chị em là những người tôi yêu mến.

Chỉ cách đây ba tháng, dưới sự lãnh đạo đầy soi dẫn của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, chúng tôi đã cùng tham dự lễ cung hiến Đền Thờ Nauvoo được tái xây cất. Nó làm cho chúng tôi nhớ đến Tiên Tri Joseph Smith và nhắc nhở chúng tôi về các Thánh Hữu thời xưa, về những hy sinh, nỗi đau khổ và nước mắt của họ, nhưng đồng thời lòng can đảm, đức tin và sự tin cậy của họ nơi Chúa. Tổ tiên của tôi không phải là những người tiền phong của thế kỷ thứ mười chín. Tuy nhiên, kể từ những ngày đầu tiên khi tôi gia nhập Giáo Hội, tôi đã cảm nhận được mối liên hệ gần gũi với những người tiền phong thời xưa là những người đã vượt ngang các đồng bằng. Họ là tổ tiên thuộc linh của tôi, cũng như đối với mỗi một tín hữu của Giáo Hội, bất luận quốc tịch, ngôn ngữ hay văn hóa nào. Họ đã thiết lập không những một nơi chốn an toàn ở miền Tây mà còn là nền tảng thuộc linh cho việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế trong tất cả các dân tộc của thế gian.

Bởi vì sứ điệp về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô giờ đây được chấp nhận khắp trên thế giới, nên chúng ta là tất cả những người tiền phong trong phạm vi và hoàn cảnh riêng của mình. Chính trong cảnh hỗn loạn sau Đệ Nhị Thế Chiến ở nước Đức mà gia đình tôi lần đầu biết về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. George Albert Smith là Chủ Tịch lúc bấy giờ. Tôi chỉ là một đứa trẻ và chúng tôi đã hai lần mất hết tất cả vật dụng đồ đạc chỉ trong vòng bảy tháng. Chúng tôi là những người tị nạn với một tương lai bấp bênh. Tuy nhiên, cũng trong bảy năm đó, chúng tôi đã thu đạt thêm nhiều điều mà không có số tiền nào có thể mua được. Chúng tôi tìm ra một nơi trú ẩn thiêng liêng, một chỗ chống giữ khỏi tuyệt vọng—phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài, do một vị tiên tri chân chính và tại thế hướng dẫn.

Trong thời gian thơ ấu này của tôi, tôi đã nô đùa trong những căn nhà bị dội bom và lớn lên giữa những tàn tích do hậu quả của một cuộc chiến bại và với nhận thức rằng quốc gia của tôi đã gây ra nỗi đau đớn khủng khiếp cho nhiều dân tộc trong Đệ Nhị Thế Chiến ghê rợn.

Tin Lành cho biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã ban Sự Chuộc Tội toàn hảo cho nhân loại, cứu chuộc tất cả mọi người từ mộ phần và tưởng thưởng mỗi người tùy theo những việc làm của họ, là quyền năng chữa lành, mang hy vọng và bình an trở về với cuộc sống của tôi.

Dù bất cứ thử thách nào của chúng ta trong cuộc sống đi nữa, thì các gánh nặng của chúng ta cũng có thể trở nên nhẹ nhàng nếu chúng ta tin không những nơi Đấng Ky Tô mà còn nơi khả năng của Ngài và quyền năng của Ngài để tẩy sạch và khuyên giải cuộc sống chúng ta và chấp nhận sự bình an của Ngài.

Chủ Tịch David O. McKay là vị tiên tri trong những năm tôi còn niên thiếu. Dường như tôi quen biết riêng với ông: Tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương, lòng nhân từ và phẩm cách của ông; ông cho tôi sự tin tưởng và lòng can đảm trong cuộc sống thơ ấu của tôi, mặc dù tôi đã lớn lên ở Âu Châu xa hằng ngàn dặm. Tôi cảm thấy rằng ông đã tin cậy tôi và tôi không muốn làm ông thất vọng.

Một nguồn sức mạnh khác là một bức thư do Sứ Đồ Phao Lô viết trong khi ông đang ở trong nhà tù, gửi cho Ti Mô Thê, người cộng sự và người bạn được ông tin cậy nhất. Ông viết:

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ.

“Vậy, con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta” (2 Ti Mô Thê 1:7–8).

Những lời này thốt ra từ một trong các Sứ Đồ thời xưa của Đấng Cứu Rỗi chúng ta có một tầm quan trọng lớn lao đối với tôi trong thời hậu chiến, ngay cả ngày nay. Vậy mà bao nhiêu người trong số chúng ta đã để cho nỗi sợ hãi của mình chi phối trong thời gian này của tình trạng căng thẳng của thế giới, cảnh bấp bênh của kinh tế và chính trị và những thử thách cá nhân.

Thượng Đế đang phán bảo cùng chúng ta bằng một tiếng nói bất biến. Thượng Đế sẽ đối xử với tất cả gia đình nhân loại một cách bình đẳng. Chúng ta có thể sống trong một tiểu giáo khu đông người hoặc một chi nhánh nhỏ, thời tiết hay cây cối của chúng ta có thể khác nhau, nền văn hóa và ngôn ngữ có thể khác biệt, và màu da của chúng ta có thể hoàn toàn khác nhau. Nhưng quyền năng chung và các phước lành của phúc âm phục hồi thì có sẵn cho mọi người, bất luận văn hóa, quốc tịch, chế độ chính trị, truyền thống, ngôn ngữ, hoàn cảnh kinh tế hoặc học vấn.

Ngày nay, chúng ta lại có các vị sứ đồ, tiên tri và mặc khải là những người canh gác trên tháp, những sứ giả của lẽ thật thiêng liêng và chữa lành. Thượng Đế phán bảo chúng ta qua họ. Họ ý thức sâu xa về những hoàn cảnh khác nhau mà chúng ta là các tín hữu đang sống. Họ sống trong thế gian này nhưng không thuộc thế gian này.

Chúng ta có một vị tiên tri hiện sống trên mặt đất này, đó là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Ông biết rõ những thử thách và nỗi sợ hãi của chúng ta. Ông có những câu trả lời được soi dẫn. Cách đây một năm ông đã giảng dạy chúng ta trong cách thức đầy lạc quan và rõ ràng của ông. Ông nói:

“Không cần phải lo sợ. Chúng ta có thể có sự bình an trong lòng mình và sự bình an trong nhà mình. Chúng ta có thể là một ảnh hưởng thiện lành trong thế giới này, mỗi một người chúng ta… .

“… Sự an toàn của chúng ta nằm trong sự hối cải. Sức mạnh của chúng ta đến từ việc tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.” (“Các Thời Kỳ Mà Chúng Ta Sống,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 86).

Các tiên tri ngỏ lời cùng chúng ta trong tôn danh của Chúa và một cách minh bạch. Như Sách Mặc Môn xác nhận: “Vì Đức Chúa Trời ban sự sáng để họ hiểu biết; vì Ngài nói với loài người theo ngôn ngữ của họ, để họ có thể hiểu được” (2 Nê Phi 31:3).

Chúng ta có trách nhiệm không những lắng nghe lời Chúa mà còn hành động theo lời Ngài, ngõ hầu chúng ta có thể nhận được các phước lành của các giáo lễ và các giao ước của phúc âm phục hồi. Ngài phán: “Ta là Chúa bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán, nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả” (GLGƯ 82:10).

Đôi lúc có thể chúng ta cảm thấy bị quá dồn nén, bị tổn thương hay sắp bị ngã lòng khi chúng ta đang cố gắng vất vả để làm các tín hữu toàn hảo của Giáo Hội. Hãy an tâm đi, đã có thuốc chữa lành ở Ga La Át. Chúng ta hãy lắng nghe lời các tiên tri của thời kỳ chúng ta khi họ giúp chúng ta chú tâm vào những điều chính yếu đối với kế hoạch của Đấng Sáng Tạo cho số mệnh vĩnh cửu của con cái của Ngài. Chúa biết chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta, Ngài muốn chúng ta thành công và Ngài khuyến khích chúng ta bằng cách phán rằng: “Và hãy chú tâm làm tất cả những việc … một cách sáng suốt và có trật tự; vì không bắt buộc [những người nam nữ] phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được… .,[nhưng họ] cần phải chuyên tâm” (Mô Si A 4:27).

Chúng ta có siêng năng trong việc sống theo các giáo lệnh của Thượng Đế mà không phải chạy hơn sức mình không? Hay là chúng ta chỉ đang ung dung đi dạo? Chúng ta có đang sử dụng thời giờ, tài năng và phương tiện của mình một cách khôn ngoan không? Chúng ta có tập trung vào những điều quan trọng nhất không? Chúng ta có đang tuân theo lời khuyên dạy đầy soi dẫn của các tiên tri không?

Một ví dụ về tầm quan trọng của nhân loại là củng cố gia đình của chúng ta. Nguyên tắc của buổi họp tối gia đình được ban cho chúng ta vào năm 1915. Chủ Tịch McKay đã lần nữa nhắc nhở các bậc cha mẹ vào năm 1964 rằng “không một sự thành công nào có thể đền bù cho sự thất bại trong nhà” (được trích từ J. E. McCulloch, Home: The Savior of Civilization [1924], 42; trong Conference Report, tháng Tư năm 1964, 5). Năm 1995, các tiên tri của thời kỳ chúng ta đã kêu gọi toàn thể thế gian nên củng cố gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội. Và cách đây chỉ ba năm, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Sứ Đồ đã phát biểu một cách đầy yêu thương: “Chúng tôi khuyên nhủ các bậc cha mẹ và con cái phải dành ưu tiên cao nhất cho sự cầu nguyện chung gia đình, buổi họp tối gia đình, việc học hỏi và hướng dẫn thánh thư, và các sinh hoạt lành mạnh trong gia đình. Dù những sự đòi hỏi hay các sinh hoạt khác có thể xứng đáng và thích hợp đến đâu, chúng cũng không được phép thay thế các bổn phận đã được Thượng Đế giao phó cho mà chỉ có cha mẹ và gia đình mới có thể thực hiện một cách thỏa đáng“ (“Bức Thư từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Liahona, tháng Mười Hai năm 1999, 1).

Chúng ta hãy tái lập sự hiến dâng và cam kết của chúng ta trong sự khiêm nhường và đức tin để tuân theo các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải với tất cả sự chuyên tâm của mình. Chúng ta hãy lắng nghe và học hỏi và được củng cố phần thuộc linh bởi những người nắm giữ tất cả chìa khóa của vương quốc. Và khi chúng ta tham dự đại hội này, cầu xin tâm hồn chúng ta được thay đổi, để sẽ có được một ước muốn lớn lao hầu làm điều thiện (xin xem An Ma 19:33), và chúng ta sẽ là những người tiền phong trong việc xây đắp một nền tảng thuộc linh mà sẽ thiết lập Giáo Hội trong vùng đất của chúng ta trên thế gian. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.