2002
Hãy Êm Đi, Lặng Đi
Tháng Mười Một Năm 2002


Hãy Êm Đi, Lặng Đi

Những lời của Ngài trong thánh thư là thích đáng: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.”

Ca đoàn của các thiếu niên trong buổi tối nay đã nhắc nhở tôi những bài ca mà tôi đã hát lúc còn niên thiếu. Với sự nhiệt tình, chúng tôi sẽ:

Kề vai mình vào bánh xe; và cùng đẩy tới.

Làm bổn phận mình với một tấm lòng đầy hứng khởi.

Tất cả chúng ta đều có việc làm; không để ai lẩn tránh.

Hãy kề vai mình vào bánh xe.1

Chúng tôi có một người điều khiển ca đoàn mà đã dạy cho chúng tôi là các thiếu niên hát. Chúng tôi phải hát. Chị Stella Water phe phẩy cây gậy gần kề mặt chúng tôi và đếm nhịp bằng cách gõ mạnh bàn chân lên sàn gỗ khiến nó kêu lên kẽo kẹt.

Nếu chúng tôi hát đúng, Chị Waters để cho chúng tôi chọn một bài thánh ca ưa thích để hát. Hầu như lúc nào thì chúng tôi cũng lựa:

Thưa Thầy, cơn bão tố đang hoành hành dữ dội!

Những ngọn sóng to dâng cao!

Mây đen giăng đầy bầu trời.

Không có nơi ẩn náu cũng chẳng có sự giúp đỡ nào gần bên.

Thầy không lo chúng ta chết sao?

Làm sao Thầy có thể nằm ngủ được

Khi bão tố kéo đến càng mãnh liệt

Và chúng ta sẽ bị vùi sâu trong lòng biển?

Và rồi đoạn hợp xướng mang đến sự trấn an:

Gió to sóng lớn phải tuân theo ý Ngài:

Hãy êm đi, lặng đi; hãy êm đi, lặng đi.

Bất luận đó là cơn cuồng phong trên biển cả

Hay quỷ dữ hoặc loài người,

Không biển nào có thể nuốt chững chiếc thuyền mà có mặt

Đấng Chủ Tể của đại dương, của đất và của trời trên đó.

Chúng sẽ đều ngoan ngoãn tuân theo ý Ngài

Hãy êm đi, lặng đi.2

Khi còn niên thiếu, tôi đã có thể phần nào hiểu được sự nguy hiểm của biển cả đang cuồng nộ. Tuy nhiên, tôi không hiểu nhiều về những kẻ tà ác mà có thể đeo đuổi cuộc sống chúng ta, hủy diệt mơ ước của chúng ta, dập tắt niềm vui của chúng ta và dẫn dắt chúng ta xa khỏi Vương Quốc Thượng Thiên của Thượng Đế.

Có rất nhiều điều tà ác; và mỗi người, trẻ hay già, biết những gì mình cần phải chống lại. Tôi xin kể ra chỉ một vài điều mà thôi:

Điều Tà Ác của Tính Tham Lam; Điều Tà Ác của Tính Bất Lương; Điều Tà Ác của Nợ Nần; Điều Tà Ác của Sự Nghi Ngờ; Điều Tà Ác của Ma Túy; và hai Điều Tà Ác có liên quan với nhau là Tính Không Đứng ĐắnSự Đồi Bại. Mỗi một điều tà ác này có thể gây ra nhiều sự nguy hại cho cuộc sống của chúng ta. Một sự phối hợp những điều tà ác này có thể dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn phần thuộc linh.

Về tính tham lam, sách Truyền Đạo khuyên bảo chúng ta phải thận trọng: “Kẻ tham tiền bạc chẳng hề chán lắc tiền bạc; kẻ ham của cải chẳng hề chán về huê lợi.”3

Chúa Giê Su đã khuyên dạy: “Hãy giữ cẩn thận chớ hà tiện gì hết; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu.”4

Chúng ta phải học cách phân biệt những điều chúng ta cần với những điều chúng ta muốn.

Khi chúng ta nói về điều tà ác của tính bất lương, chúng ta có thể thấy nó trong một số nơi. Một nơi đó là trong trường học. Chúng ta hãy tránh gian lận, giả mạo, lợi dụng những người khác hoặc bất cứ điều gì giống như thế. Hãy đặt tính liêm chính làm tiêu chuẩn của chúng ta.

Khi chọn quyết định, đừng hỏi: “Những người khác sẽ nghĩ gì?” mà thay vì thế phải là “Tôi sẽ nghĩ gì về mình?”

Những cám dỗ để sa vào nợ nần nhan nhản trước mắt chúng ta nhiều lần mỗi ngày. Tôi xin trích dẫn lời khuyên bảo từ Chủ Tịch Gordon B. Hinckley:

“Tôi lo lắng cho số nợ trả định kỳ đang đè nặng trên vai những người dân trong quốc gia kể cả các tín hữu của chúng ta… .

“Chúng ta bị lừa gạt bởi các mục quảng cáo có sức cám dỗ. Truyền hình quảng cáo lời mời mọc hấp dẫn để cho mượn đến 125 phần trăm giá trị căn nhà của một người. Nhưng không đề cập đến bao nhiêu tiền lời phải trả… .

“Dĩ nhiên, tôi nhận biết rằng có thể cần phải vay tiền để mua một căn nhà. Nhưng chúng ta hãy mua một căn nhà mà mình có đủ khả năng và như vậy giảm bớt số tiền trả định kỳ mà luôn đè nặng trên vai chúng ta không hề có lòng thương xót hay sự giảm thiểu cho đến 30 năm”5

Tôi xin thêm vào: Chúng ta đừng để cho lòng ham muốn của chúng ta vượt quá số tiền mình kiếm được.

Dĩ nhiên, khi thảo luận về điều tà ác của ma túy, tôi gồm cả rượu. Ma túy làm suy yếu khả năng suy nghĩ, lý luận và thực hiện những chọn lựa thận trọng và khôn ngoan. Chúng thường đưa đến sự bạo động, sự ngược đãi vợ con, và chúng có thể tác động lối xử sự mà mang đến sự đau đớn và khổ sở cho những người vô tội. “Hãy nói không đối với ma túy” là một lời phát biểu nói lên quyết tâm của một người. Lời này có thể được hỗ trợ thêm bằng câu thánh thư:

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?

“Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức ChúaTrời là thánh, mà chính anh em là đền thờ.”6

Khi tôi suy xét về những điều tà ác có liên quan với nhau—đó là tính không đứng đắnsự đồi bại, thì tôi cũng nên gồm vào một điều tà ác thứ ba nữa là hình ảnh sách báo khiêu dâm. Cả ba đều đi chung với nhau.

Trong lời giải thích về giấc mơ của Lê Hi, chúng ta thấy sự mô tả thích hợp về sức hủy diệt của hình ảnh sách báo khiêu dâm: “Và sự mù mịt tối tăm là những cám dỗ của quỷ dữ, làm mù quáng và khiến lòng dạ loài người chai đá, cùng dẫn dắt họ đi vào những con đường rộng, để họ phải bị diệt vong và lạc lối.”7

Một Sứ Đồ trong thời nay, Hugh B. Brown, đã nói rằng: “Bất cứ tính không đúng đắn nào mà nảy sinh những ý nghĩ không trong sạch đều là sự làm ô uế thân thể mình—đền thờ mà trong đó Đức Thánh Linh có thể trú ngụ.”8

Buổi tối hôm nay tôi xin đọc cho các anh em nghe một đoạn trích quan trọng từ The Improvement Era. Nó được xuất bản vào năm 1917 nhưng cũng được áp dụng cho bây giờ: “Thói quen hiện thời và thông thường của việc ăn mặc không đứng đắn, sự lan tràn của tiểu thuyết đồi bại trong các ấn phẩm văn chương, trong kịch nghệ và nhất là [phim ảnh],… Tính dễ dãi đối với sự không đứng đắn trong các câu chuyện và cách xử sự hằng ngày đang góp phần vào việc giúp tạo ra sự đồi bại mà có thể hủy diệt linh hồn.”9

Alexander Pope, trong bài thơ đầy soi dẫn của mình “Essay on Man” (Bài Tiểu Luận về Con Người), đã nói:

Sự đồi bại là một yêu quái với diện mạo khủng khiếp

Chỉ cần thấy nó đã ghét nó rồi;

Tuy nhiên, khi nhìn nó quá thường, và quen thuộc bộ mặt nó,

Thì chúng ta chịu đựng nó, có thiện cảm với nó và rồi chấp nhận nó.10

Có lẽ một lời tóm tắt liên quan đến điều tà ác này có thể tìm thấy trong thư của Phao Lô gửi cho người Cô Rinh Tô: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”11

Đối với mỗi người chúng ta, tốt hơn hết là nên luôn nghe và vâng theo lương tâm, vì lương tâm luôn cảnh cáo chúng ta với tư cách là một người bạn trước khi trừng phạt chúng ta với tư cách là quan tòa.

Chính Chúa đã ban cho chúng ta lệnh truyền tối hậu này: “Các ngươi là kẻ mang khí dụng của Chúa, hãy làm cho sạch mình!”12

Thưa các anh em, có một trách nhiệm mà không một người nào có thể tránh được. Đó là tác động của ảnh hưởng cá nhân.

Ảnh hưởng của chúng ta chắc chắn là tác động nơi riêng từng người trong gia đình mình. Đôi khi chúng ta là những người cha quên rằng, khi xưa mình cũng là những thiếu niên, và các thiếu niên thì thỉnh thoảng có thể làm cho cha mẹ bực mình.

Tôi nhớ lại là khi còn niên thiếu tôi rất thương chó. Một ngày nọ tôi lấy chiếc xe kéo của mình và bỏ lên đó cái sọt đựng cam và rồi đi kiếm các con chó. Vào thời đó chó có thể được tìm thấy ở khắp nơi: tại trường học, đi dọc theo lề đường, hoặc đi rong nơi khu đất trống, là nơi mà có rất nhiều chó. Khi tôi tìm ra một con chó và bắt nó, thì tôi đặt nó vào trong cái sọt đựng cam, mang nó về nhà và nhốt nó trong vựa than và khóa cửa lại. Bữa nọ, tôi nghĩ tôi đã mang về nhà sáu con chó đủ kích thước và bắt giữ chúng trong tù nơi vựa than. Tôi không biết tôi sẽ làm gì với những con chó này nên tôi không cho ai biết về việc tôi làm.

Cha tôi đi làm về và, như thường lệ, lấy cái thùng đựng than và đi đến vựa than để đổ than vào. Các anh em có thể tưởng tượng được sự sửng sốt và hoàn toàn kinh ngạc của ông khi ông mở cánh cửa và lập tức đối diện với sáu con chó, tất cả cùng một lúc đều cố gắng trốn thoát không? Như tôi nhớ lại, thì Cha hơi hốt hoảng một tí và rồi ông bình tĩnh lại và dịu dàng bảo tôi: “Tommy, vựa than là để chứa than. Những con chó của người khác thì không phải thuộc vào chỗ đấy.” Bằng cách quan sát ông, tôi đã học được một bài học kiên nhẫn và điềm tĩnh.

Đó là một điều tốt mà tôi đã làm, cũng trong một sự kiện tương tự đã xảy ra trong cuộc sống của tôi với đứa con trai út của chúng tôi, là Clark.

Clark luôn yêu thích thú vật, chim chóc, loài bò sát—bất cứ sinh vật nào đang sống. Đôi khi điều đó gây ra một tình trạng hỗn loạn nhỏ trong nhà chúng tôi. Một ngày nọ, trong thời niên thiếu của nó, nó đi về nhà từ hẽm núi Provo Canyon với một con rắn nước mà nó đặt tên là Herman.

Hầu như ngay trong nháy mắt, Herman đi lạc. Chị Monson tìm thấy nó ở trong hộc tủ đựng muỗng nĩa. Các con rắn nước thường đi đến một nơi mà các anh chị em ít khi nào ngờ tới. Vậy là, Clark dời nó vào bồn tắm, lấy một cái nút chặn lại ống dẫn nước, đổ vào một ít nước và dán một cái bảng ở ngoài sau bồn tắm viết rằng: “Đừng sử dụng bồn tắm này. Nó thuộc về Herman.” Vậy là chúng tôi phải sử dụng buồng tắm khác trong khi Herman chiếm lấy nơi đã được cô lập đó.

Nhưng rồi một ngày nọ, chúng tôi sửng sốt vì Herman biến mất. Tên của nó phải là ảo thuật gia Houdini mới đúng. Nó đi mất rồi! Vậy nên ngày hôm sau Chị Monson chùi rửa bồn tắm và chuẩn bị để sử dụng nó lại như thường lệ. Vài ngày trôi qua.

Một buổi chiều nọ, tôi quyết định đã đến lúc đi tắm một cách nhàn hạ; nên tôi đổ đầy nước ấm vào bồn, và rồi tôi nằm xuống thanh thản trong bồn trong một vài giây lát thoải mái. Tôi đang nằm đó để suy ngẫm thì nước xà bông dâng lên đến chỗ tháo nước và bắt đầu trào ra nơi đó. Các anh chị em có thể tưởng tượng nỗi ngạc nhiên của tôi khi, với mắt tôi tập trung vào chỗ tháo nước, Herman lội ra, ngay trước mặt tôi. Tôi kêu vợ tôi: “Frances ơi! Herman nè!”

Vậy là, Herman bị bắt trở lại, bỏ vào một cái thùng có nắp đậy, và chúng tôi đi đến công viên Vivian Park ở hẽm núi Provo Canyon và thả Herman xuống nơi đó vào dòng nước xinh đẹp của con lạch South Fork Creek. Chúng tôi không còn thấy Herman nữa.

Trong Giáo Lý và Giao Ước, tiết 107, câu 99, có một lời khuyên bảo ngắn nhưng trực tiếp cho mỗi người mang chức tư tế: “Vậy nên, ngay từ giờ phút này, mọi người phải học hỏi để hiểu rõ bổn phận mình để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.” Tôi luôn tôn trọng nghiêm chỉnh lệnh truyền này và đã cố gắng sống theo lời hướng dẫn của nó.

Đôi khi trong tâm trí tôi, tôi thường nghe đi nghe lại lời hướng dẫn chỉ đạo mà Chủ Tịch John Taylor đưa ra cho các anh em của Chức Tư Tế: “Nếu các anh em không tôn trọng những sự kêu gọi của mình, thì Thượng Đế sẽ bắt các anh em phải chịu trách nhiệm cho những người mà đáng lẽ các anh em đã cứu vớt nếu các anh em thi hành bổn phận mình.”13

Trong việc thi hành các trách nhiệm của chúng ta, tôi đã học biết được rằng khi chúng ta lưu tâm vào lời thúc giục của Thánh Linh và hành động theo ngay, thì Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ hướng dẫn bước chân mình và ban phước cho cuộc sống của mình và cuộc sống của những người khác. Tôi biết rằng không có kinh nghiệm nào dịu dàng hơn hay cảm nghĩ nào quý báu hơn việc lắng nghe sự thúc giục của Thánh Linh, mới nhận biết rằng Chúa đã đáp ứng lời cầu nguyện của một người khác qua các anh chị em.

Có lẽ tôi chỉ cần đưa ra một ví dụ cũng đủ. Một ngày nọ cách đây chỉ hơn một năm, sau khi lo xong công việc ở văn phòng, tôi cảm thấy được một ấn tượng mạnh mẽ phải đi thăm một góa phụ lớn tuổi đang là bệnh nhân trong dưỡng đường St. Joseph Villa. Tôi lái xe thẳng đến đó.

Khi tôi vào phòng bà, tôi thấy căn phòng trống không. Tôi hỏi nhân viên phục dịch nơi nào thì tôi có thể tìm thấy bà và được dẫn đến một phòng ngồi chơi. Tôi tìm ra người góa phụ dịu dàng này ở đó, đang trò chuyện với người chị em của bà và một người bạn khác. Chúng tôi cùng nhau trò chuyện vui vẻ.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, thì một người đi đến cửa phòng để lấy một lon nước ngọt từ máy bán nước ngọt. Anh nhìn qua tôi và nói: “Ủa, ông là Tom Monson.”

Tôi trả lời: “Vâng. Và anh thì trông giống như người của dòng họ Hemingway.” Anh nhận mình là Stephen Hemingway, con trai của Alfred Eugene Hemingway là người đã phục vụ với tư cách là vị cố vấn của tôi khi tôi làm giám trợ và tôi gọi người này là Gene. Stephen cho tôi biết là cha anh cũng ở nơi đó và sắp chết. Ông ấy đã gọi tên tôi và gia đình đã muốn liên lạc với tôi nhưng không thể tìm ra số điện thoại của tôi.

Tôi cáo từ ngay và đi với Stephen lên đến phòng của vị cố vấn cũ của tôi, nơi mà những người con khác của ông cũng đang họp nhau lại, vợ ông đã qua đời mấy năm trước. Những người trong gia đình tin rằng cuộc gặp gỡ của tôi với Stephen trong phòng ngồi chơi là sự đáp ứng từ Cha Thiên Thượng của chúng ta cho ước muốn lớn lao của họ rằng tôi sẽ trông thấy người cha của họ trước khi ông chết. Tôi cũng cảm thấy rằng đúng là như vậy, bởi vì nếu Stephen không bước vào căn phòng mà tôi đang thăm viếng đúng vào lúc anh bước vào, thì tôi đã không biết được rằng Gene đang ở nơi đó.

Chúng tôi ban một phước lành cho Gene. Tinh thần bình an ngự trị nơi đó. Chúng tôi có được một cuộc chuyện trò thú vị, và sau đó tôi ra về.

Buổi sáng hôm sau một cú điện thoại cho biết rằng Gene Hemingway đã qua đời—chỉ 20 phút sau khi ông nhận được phước lành từ con trai của ông và tôi.

Tôi dâng một lời cầu nguyện cảm tạ thầm lặng lên Cha Thiên Thượng về ảnh hưởng hướng dẫn của Ngài đã thúc giục tôi đi thăm St. Joseph Villa và dẫn dắt tôi đến với người bạn thân yêu của tôi, Alfred Eugene Hemingway.

Tôi thích nghĩ rằng những ý nghĩ của Gene Hemingway trong buổi tối đó, khi chúng tôi nhận hưởng vinh quang của Thánh Linh, đã tham gia vào lời cầu nguyện chân thành và ban cho phước lành chức tư tế, vang vọng những lời được nói đến trong thánh ca “Thưa Thầy, Cơn Bão Tố Đang Hoành Hành Dữ Dội,” mà tôi đã trích dẫn vào đoạn đầu sứ điệp của tôi:

Xin nán lại, Hỡi Đấng Cứu Chuộc thiêng liêng!

Xin đừng bỏ tôi nữa,

Và với niềm hân hoan tôi sẽ đến nơi an toàn sung sướng

Và nghỉ ngơi trên bờ biển hạnh phúc.

Tôi vẫn còn yêu thích bài thánh ca đó và làm chứng với các anh em đêm nay về sự an ủi mà bài thánh ca đó mang đến:

Bất luận đó là cơn cuồng phong trên biển cả

Hay quỷ dữ hoặc loài người,

Không biển nào có thể nuốt chững chiếc thuyền mà có mặt

Đấng Chủ Tể của đại dương, của đất và của trời trên đó.

Chúng sẽ đều ngoan ngoãn tuân theo ý Ngài

Hãy êm đi, lặng đi.14

Những lời của Ngài trong thánh thư là thích đáng: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.”15

Tôi làm chứng cho lẽ thật này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Will L. Thompson (1847õ1909), “Put Your Shoulder to the Wheel,” Hymns, số 252.

  2. Mary Ann Baker (vào khoảng năm 1874), “Master, the Tempest Is Raging,” Hymns, số 105.

  3. Truyền Đạo 5:10.

  4. Lu Ca 12:15.

  5. “To the Boys and to the Men,” Liahona, tháng Giêng năm 1999, 65.

  6. 1 Cô Rinh Tô 3:16õ17.

  7. 1 Nê Phi 12:17.

  8. The Abundant Life (1965), 65.

  9. Joseph F. Smith, “Unchastity the Dominant Evil of the Age,” Improvement Era, tháng Sáu năm 1917, 742.

  10. Trong John Bartlett, Familiar Quotations, xuất bản lần thứ 14 (1968), 409.

  11. 1 Cô Rinh Tô 10:13.

  12. GLGƯ 133:5.

  13. Được trích trong Hugh B. Brown, The Abundant Life, 37.

  14. Hymns, số 105.

  15. Thi Thiên 46:10.