2002
Cùng Các Người Nam của Chức Tư Tế
Tháng Mười Một Năm 2002


Cùng Các Người Nam của Chức Tư Tế

Các anh em nắm giữ chức tư tế quý báu này, hãy ghi lòng tạc dạ điều đó. Hãy xứng đáng với chức tư tế trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

Thưa các anh em thân mến của tôi, giờ đây tôi ngỏ lời với một ước muốn là sẽ có ích cho các anh em. Tôi cầu xin Thánh Linh của Chúa hướng dẫn tôi.

Tôi không cần phải cho các anh em biết là chúng ta đã trở thành một Giáo Hội rất to lớn và phức tạp. Chương trình của chúng ta thì mênh mông và con số các tín hữu của chúng ta trên khắp thế giới thì rất là bao quát đến nỗi khó để lĩnh hội được. Chúng ta là một Giáo Hội với cấp lãnh đạo không được trả tiền. Đó thật là một điều phi thường và kỳ diệu. Nó phải luôn luôn được như thế. Nó không bao giờ được chuyển hướng đến việc trả nhiều tiền cho việc phục vụ Giáo Hội. Nhưng chúng ta biết rằng gánh nặng điều hành đè trên vai các giám trợ và các chủ tịch giáo khu của chúng ta cũng như một số người khác. Ý thức được sự kiện đó đã đưa đến việc Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Mười Hai tổ chức một số buổi họp, một số này dài và đầy thích thú, mà trong đó chúng tôi đã thực sự mổ xẻ từng khía cạnh một của Giáo Hội. Mục tiêu của chúng tôi là xem có thể nào có một số chương trình mà chúng tôi có thể chấm dứt không. Nhưng khi chúng tôi phân tích những chương trình này, thì chúng tôi đã không thấy là có gì nhiều để loại bỏ. Loại bỏ một chương trình giống như mang đem cho một trong số con cái của mình. Các anh em không thể chịu nổi điều đó. Nhưng tôi muốn bảo đảm với các anh em rằng chúng tôi nhận thức được các gánh nặng mà các anh em đang mang và thời giờ mà các anh em đang bỏ ra. Trong buổi họp chức tư tế này, tôi muốn đề cập đến một ít điều mà chúng tôi đã thảo luận. Tôi nghĩ các anh em sẽ nhận thấy rằng chúng tôi đã có làm một vài tiến bộ mặc dù có thể rất nhỏ.

Tôi sẽ nói chuyện cùng các anh em về một số điều khác nhau.

Chúng tôi đã nhất quyết rằng kể từ ngày 1 tháng Mười Một, các giấy giới thiệu đi đền thờ sẽ có giá trị trong hai năm thay vì một năm. Điều này sẽ cắt bớt thời gian mà các giám trợ và chủ tịch giáo khu và các cố vấn của họ phải bỏ ra trong các cuộc phỏng vấn cho giấy giới thiệu đi đền thờ. Dĩ nhiên, nếu bất cứ lúc nào người nắm giữ giấy giới thiệu trở nên không xứng đáng với việc đi đền thờ, thì lúc bấy giờ, đó sẽ là trách nhiệm của vị giám trợ hay chủ tịch giáo khu thu hồi lại giấy giới thiệu đi đền thờ của cá nhân đó.

Nhưng kinh nghiệm đã cho thấy rằng có rất ít điều đó xảy ra. Và vậy thì, thưa các anh em, điều này sẽ trở thành chương trình, Bắt đầu ngày một tháng Mười Một, bất luận ngày tháng đề trên giấy giới thiệu đi đền thờ là ngày nào, thì thời hạn sẽ được gia hạn thêm một năm nữa. Giấy giới thiệu rồi sẽ được tái gia hạn mỗi hai năm thay vì mỗi năm như hiện tại. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ có lợi. Chúng tôi tin rằng nó sẽ có lợi.

Một điều khác nữa.

Anh Cả Ballard đã ngỏ lời cùng các anh em về những người truyền giáo. Tôi xin tán thành điều anh ấy nói. Tôi hy vọng rằng các thiếu niên của chúng ta và các thiếu nữ của chúng ta sẽ chấp nhận và xứng đáng với sự thử thách mà anh ấy đã đề ra. Chúng tôi phải nâng cao các tiêu chuẩn về sự xứng đáng và điều kiện đòi hỏi cho những người sẽ ra đi phục vụ trên thế gian với tư cách là những người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô.

Giờ đây chúng ta có được một tập tục đầy thú vị trong Giáo Hội. Những người đi truyền giáo có được một buổi liên hoan chia tay. Trong một số tiểu giáo khu, điều này đã trở thành một vấn đề. Bởi vì có quá nhiều người truyền giáo ra đi và những người truyền giáo trở về nhà, nên hầu hết các buổi lễ Tiệc Thánh vào ngày Chúa Nhật thì dành hết cho những buổi họp chia tay và những buổi họp đoàn tụ với gia đình.

Không một người nào khác trong Giáo Hội có được buổi liên hoan chia tay khi bắt đầu một sự phục vụ đặc biệt. Chúng ta chưa bao giờ có loại tiệc liên hoan đặc biệt cho vị giám trợ mới được kêu gọi, cho một vị chủ tịch giáo khu, cho một chủ tịch Hội Phụ Nữ, cho một vị Thẩm Quyền Trung Ương, hay bất cứ người nào khác mà tôi có thể nghĩ ra được. Tại sao chúng ta lại phải có những buổi liên hoan chia tay cho người truyền giáo?

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai, sau khi thành tâm và thận trọng suy xét, đã đi đến quyết định rằng chương trình hiện nay về các buổi liên hoan chia tay của người truyền giáo phải được sửa đổi.

Người ra đi truyền giáo sẽ được cho cơ hội nói chuyện trong 15 hoặc 20 phút tại buổi lễ Tiệc Thánh. Nhưng cha mẹ và anh chị em thì sẽ không được mời nói chuyện. Có thể có hai hoặc nhiều hơn những người ra đi truyền giáo nói chuyện trong cùng một buổi lễ. Buổi lễ sẽ thuộc toàn quyền quyết định của vị giám trợ và sẽ không được sắp xếp bởi gia đình. Sẽ không có phần âm nhạc đặc biệt hoặc bất cứ điều gì giống như thế.

Chúng tôi biết rằng điều này sẽ là một thất vọng lớn lao cho nhiều gia đình. Các bậc cha mẹ, các anh chị em, và bạn bè đã tham gia vào lúc trước. Chúng tôi yêu cầu các anh em chấp nhận quyết định này. Nếu có một buổi liên hoan nào đã được sắp đặt rồi, thì có thể tiến hành. Nhưng trong tương lai, xin đừng dự tính theo tập tục đó. Chúng tôi tin chắc rằng khi tất cả những khía cạnh của tình huống đã được xem xét, thì đây là một quyết định khôn ngoan. Thưa các anh em thân mến của tôi, xin hãy chấp nhận điều đó. Tôi cũng đưa ra lời yêu cầu khẩn thiết này cho các chị em, đặc biệt là những người mẹ.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng các buổi tiệc tại nhà được sửa soạn công phu sau buổi lễ Tiệc Thánh nơi mà người truyền giáo nói chuyện cũng không thích hợp. Những người trong gia đình có thể quy tụ lại với nhau. Chúng tôi không phản đối điều này. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu rằng không có buổi tiếp tân cho công chúng mà một số đông người được mời đến.

Công việc phục vụ truyền giáo là một kinh nghiệm thật kỳ diệu mà mang đến với nó phần thưởng rộng rãi. Và khi một người truyền giáo trở về cùng gia đình và tiểu giáo khu của mình thì người ấy lại có thể được cho cơ hội để nói chuyện trong buổi lễ Tiệc Thánh.

Điều kế tiếp.

Tôi xin được trình bày cùng các anh em bản tường trình vắn tắt về Quỹ Giáo Dục Luân Lưu mà đã được thiết lập cách đây một năm rưởi tại đại hội tháng Tư. Giờ đây chương trình được tiến hành một cách vững chắc. Chúng ta có được một số tiền đáng kể do các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín đóng góp. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm trong những ngày sắp đến để có thể trợ giúp một số đông hơn những người xứng đáng được giúp đỡ.

Ngày nay, khoảng 5.000 người nam và người nữ, đa số là người trẻ, đang có được học vấn là những người có thể đã không có cơ hội nếu không có chương trình đó. Hãy nghĩ đến các kết quả của chương trình này. Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín này được tặng cho một cái thang để họ có thể leo ra khỏi hoàn cảnh nghèo khó mà họ và tổ tiên của họ đã sống trong đó. Khả năng kiếm tiền của họ đang được gia tăng nhiều. Khả năng lãnh đạo của họ đang được phát triển. Họ sẽ trở thành những người nam và những người nữ có đặc tính tốt lành, những tín hữu của Giáo Hội mà sẽ xúc tiến chương trình này của Giáo Hội trong một cách thức không thể tưởng tượng được trước đây.

Tôi xin đan cử một ví dụ. Người thiếu nữ đầu tiên nhận được một số tiền cho vay giờ đây đã hoàn tất một năm huấn luyện và làm đơn xin tiền cho năm cuối khóa huấn luyện của mình. Chị ấy đang học nghề phụ tá nha sĩ.

Trước đây, chị ấy làm việc trong một hiệu ăn kiếm được 130 Mỹ kim một tháng. Điều đoán trước là khi chị hoàn tất khóa huấn luyện của mình trong một thời gian ngắn, chị sẽ nhận được 650 Mỹ kim một tháng. Và số lương đó sẽ gia tăng theo năm tháng.

Thật là một sự khác biệt kỳ diệu mà một ít mỹ kim đã tạo ra khi được sử dụng đúng. Giờ đây, các anh em có thể nhân kinh nghiệm của chị đó cho 5.000. Đó là một điều đáng kể nhất để suy ngẫm. Các học viên đang được huấn luyện để trở thành những người thợ máy, những người phân tích hệ thống điện toán, những chuyên viên hành chính, những kỹ thuật gia điều dưỡng, những nhà chuyên môn hệ thống tin học, những y tá, những nhân viên bệnh viện, những thảo chương viên điện toán, những kỹ sư điện toán, những người thiết kế thời trang, những kế toán viên, những thợ điện, những giáo viên Anh ngữ, những người làm bánh, những người quản lý khách sạn và những người thiết kế đồ thị, ấy là mới chỉ kể ra một vài số thôi.

Những triển vọng thì vô hạn và những gì đang xảy ra thì quả thật là một điều kỳ diệu và phi thường.

Điều kế tiếp mà tôi muốn đề cập đến là buổi họp tối gia đình. Chúng tôi e rằng chương trình thật quan trọng này đang bị lơ là trong quá nhiều lãnh vực. Thưa các anh em, không có điều gì quan trọng hơn gia đình của các anh em. Chương trình này được bắt đầu vào năm 1915, cách đây 87 năm, khi Chủ Tịch Joseph F. Smith khuyến khích các Thánh Hữu Ngày Sau dành riêng ra một buổi tối trong một tuần cho gia đình. Đó là thời gian giảng dạy, đọc thánh thư, trau giồi tài năng, thảo luận những vấn đề của gia đình. Đó không phải là thời gian tham dự những trận đấu thể thao hoặc bất cứ điều gì giống như vậy. Dĩ nhiên, nếu điều đó là sinh hoạt thỉnh thoảng của gia đình thì có thể được. Nhưng trong cuộc sống hối hả hỗn loạn ngày càng gia tăng của chúng ta, thì điều quan trọng là các bậc cha mẹ phải ngồi xuống với con cái mình, cùng cầu nguyện chung, chỉ dạy chúng trong những cách thức của Chúa, cân nhắc những vấn đề của gia đình mình và để cho con cái chứng tỏ tài năng của chúng. Tôi rất hài lòng là chương trình này đến dưới sự mặc khải của Chúa để đáp ứng nhu cầu của những gia đình trong Giáo Hội.

Nếu cách đây 87 năm, đã có nhu cầu đó thì tất nhiên nhu cầu đó càng cần nhiều hơn ngày nay.

Rồi sau đó quyết định đã được chọn để tối thứ Hai phải được dành ra cho sinh hoạt gia đình này. Trong những khu vực mà có một số đông các tín hữu Giáo Hội, thì các viên chức và những người khác đã tôn trọng chương trình và không hoạch định những chương trình sinh hoạt trong buổi tối đó.

Giờ đây dường như có một khuynh hướng gia tăng để hoạch định những chương trình khác vào tối thứ Hai. Chúng tôi xin phép yêu cầu các viên chức trường học công cộng và những người khác để cho chúng tôi có được buổi tối này trong một tuần để xúc tiến chương trình quan trọng và theo truyền thống này. Chúng tôi yêu cầu rằng họ không hoạch định những chương trình mà sẽ đòi hỏi thời giờ của các trẻ em vào các buổi tối thứ Hai. Chúng tôi tin họ sẽ nhận biết được rằng điều quan trọng nhất là các gia đình có được cơ hội, ít nhất một lần một tuần, cùng họp mặt lại với nhau mà không xung đột với bổn phận đối với trường học. Chúng ta sẽ thực là biết ơn nếu họ chịu hợp tác trong vấn đề này. Và chúng tôi khuyến khích, trong một cách thức quyết liệt nhất nếu có thể, các bậc cha mẹ lưu tâm một cách nghiêm chỉnh nhất đến cơ hội và thử thách này để làm cho buổi tối thứ Hai thành một thời gian thiêng liêng cho gia đình.

Tôi có nhận được một số lời mời tham gia vào cộng đồng vào những buổi họp thứ Hai thuộc loại này hay loại khác. Tôi đều từ chối những lời mời này với lòng biết ơn, nhưng với lời giải thích rằng tôi đã dành ngày thứ Hai làm thời gian cho buổi họp tối gia đình. Tôi hy vọng các anh em cũng sẽ làm thế.

Điều kế tiếp.

Thưa các anh em, tôi muốn khuyến khích lần nữa tầm quan trọng của sự tự túc về phần mỗi cá nhân tín hữu Giáo Hội và gia đình.

Không ai trong chúng ta biết được khi nào thì một tai ương có thể xảy ra. Bệnh hoạn, thương tật, thất nghiệp đều có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai trong chúng ta.

Chúng ta có một chương trình an sinh tốt đẹp với những tiện nghi dễ dàng cho những thứ như kho dự trữ lúa thóc trong nhiều khu vực khác nhau. Đó là điều quan trọng để chúng ta làm điều này. Nhưng chỗ tốt nhất để dự trữ một số thực phẩm là trong nhà mình, cùng với một ít tiền tiết kiệm. Chương trình an sinh tốt nhất là chương trình an sinh của chính chúng ta.

Tôi không tiên đoán một thảm họa sắp xảy ra. Tôi hy vọng rằng sẽ không có một thảm họa nào cả. Nhưng phải để tính thận trọng điều khiển cuộc sống của chúng ta. Mỗi người mà sở hữu một căn nhà phải biết cần có bảo hiểm hỏa hoạn. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng sẽ không bao giờ có hỏa hoạn. Tuy nhiên, chúng ta trả tiền bảo hiểm để bảo vệ nếu có một thảm họa xảy ra.

Chúng ta cũng phải làm như vậy về chuyện có liên quan đến sự an lạc của gia đình.

Chúng ta có thể bắt đầu với một cách thật giản dị. Chúng ta có thể bắt đầu với việc dự trữ thức ăn cho một tuần và dần dần tăng số thức ăn cho một tháng, và rồi ba tháng. Giờ đây tôi đang nói đến thực phẩm cho những nhu cầu cơ bản. Như tất cả các anh em nhận biết thì lời khuyên bảo đó cũng không mới mẻ gì. Nhưng tôi e rằng nhiều người cảm thấy rằng việc dự trữ thức ăn cho thời gian dài hạn thì vượt quá khả năng của họ nên họ không nỗ lực gì cả.

Thưa các anh em, hãy bắt đầu với con số nhỏ và dần dần xây đắp hướng về một mục tiêu hợp lý . Hãy để dành đều đặn một ít tiền và các anh em sẽ ngạc nhiên khi thấy nó tích lũy.

Hãy trả hết nợ nần và giải thoát cho mình khỏi vòng nô lệ khủng khiếp mà nợ nần sinh ra.

Chúng ta nghe nói nhiều về món nợ cầm cố nhà lần thứ nhì. Giờ đây tôi được cho biết là còn có món nợ cầm cố nhà lần thứ ba.

Hãy có sự kỷ luật tự giác trong những vấn đề chi tiêu, trong những vấn đề mượn nợ, trong những thói quen mà dẫn đến sự phá sản và nỗi khốn khổ mà đi kèm theo điều đó.

Giờ đây, cuối cùng, thưa các anh em của tôi, tôi muốn được trở lại một chút về một vấn đề mà tôi đã nói trước đây và những người nói chuyện khác cũng đã đề cập đến trong đại hội của chúng ta. Tôi muốn nói đến kỷ luật đạo đức của các tín hữu của Giáo Hội.

Có quá nhiều người bị sa vào lưới đồi bại và tất cả những hậu quả đắng cay do các hành động đồi bại đó gây ra. Đối với các em trai có mặt đêm nayọcác em thiếu niên—Tôi muốn nói bằng một lời nói quyết liệt nhất mà tôi có thể có, phải tránh xa tội lỗi về mặt đạo đức. Các em biết điều nào đúng và điều nào sai. Các em không thể dùng sự không biết làm sự bào chữa cho hành vi không thể chấp nhận được.

Làm thế nào các em có thể nghĩ rằng các em có thể dính líu vào những lối thực hành đồi bại và rồi đi truyền giáo với tư cách là người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô? Các em nghĩ rằng các em có thể xứng đáng đi vào Nhà của Chúa, được kết hôn nơi đó cho thời tại thế và thời vĩnh cửu, nếu các em tham gia vào những lối thực hành như thế sao?

Tôi thiết tha đề nghị với các em, những người bạn trẻ thân mến của tôi, phải tránh lối ăn ở như thế. Nó sẽ không dễ dàng. Nó sẽ đòi hỏi kỷ luật tự giác. Những cám dỗ mà các em đương đầu thì mạnh mẽ và đầy mời mọc. Chúng là những cám dỗ của kẻ nghịch thù tài tình. Các em cần sức mạnh mà đến từ sự cầu nguyện.

Hãy tránh xa những thứ khiêu dâm trên Mạng Lưới Internet. Nó chỉ có thể kéo các em xuống. Nó có thể dẫn đến sự hủy diệt các em.

Đừng quên rằng các em nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Khi Giăng Báp Tít truyền ban Chức Tư Tế A Rôn cho Joseph Smith và Oliver Cowdery, ông đã nói rằng chức tư tế này “nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải và phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá tội” (GLGƯ 13).

Các em có muốn được sự phù trợ của các thiên sứ không?

Sự phù trợ đó sẽ mang đến với nó các phần thưởng không thể so sánh được. Hãy chọn con đường cao quý trong cuộc sống của các em và Thượng Đế sẽ ban phước cho các em và nuôi dưỡng các em và “nắm tay [các em] mà dẫn dắt, và sẽ đáp lại lời cầu nguyện [của các em]” (xin xem GLGƯ 112:10).

Đối với những người nam trưởng thành, tôi cũng đưa ra lời yêu cầu khẩn thiết và lời cảnh cáo đó. Các hành động nhỏ đưa đến những thảm kịch lớn. Chúng ta đương đầu với chúng một cách liên tục. Có rất nhiều nỗi đau lòng, oán giận, vỡ mộng và ly dị trong số chúng ta.

Tôi xin phép một lần nữa nói đến một vấn đề mà tôi đã đề cập đến rất nhiều trong quá khứ. Tôi nói về tội lỗi xấu xa và hèn hạ của việc ngược đãi trẻ em.

Chúng ta không thể tha thứ điều đó. Chúng ta sẽ không tha thứ điều đó. Bất cứ ai ngược đãi một đứa trẻ thì có thể bị Giáo Hội kỷ luật cũng như có thể bị truy tố theo luật pháp.

Sự ngược đãi trẻ em là một sự xúc phạm đến Thượng Đế. Chúa Giê Su phán về vẻ xinh đẹp và ngây thơ của trẻ em. Đối với người nào mà có khuynh hướng có thể dẫn đến sự ngược đãi trẻ em, tôi nói với lời nói mạnh mẽ nhất mà tôi có thể có là phải tự kỷ luật mình. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ trước khi các anh em làm tổn thương một đứa trẻ và làm hỏng chính đời mình.

Các anh em nắm giữ chức tư tế quý báu này, hãy ghi lòng tạc dạ điều đó. Hãy xứng đáng với chức tư tế trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

Nếu các anh em làm như thế thì các anh em sẽ nhận hưởng “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết “ (Phi Líp 4:7).

Cầu xin Thượng Đế ban phước cho các anh em, các anh em thân mến của tôi đang nắm giữ chức tư tế, trẻ tuổi và lớn tuổi. Các bậc làm cha, hãy nêu gương cho con cái mình. Các em trai, hãy trông cậy vào cha mình để có được sự khôn ngoan, hướng dẫn và hiểu biết.

Lớn lao thay những lời hứa của Chúa với những người bước đi trong đức tin. Tôi để lại cho các anh em phước lành, tình yêu thương và chứng ngôn của tôi. Thật là một lực lượng vĩ đại và kỳ diệu của điều thiện trong chức tư tế này nếu chúng ta đoàn kết và cùng một lòng tiến bước. Cầu xin Chúa ban phước cho chúng ta để làm như vậy, tôi chân thành cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.