2002
Nền Tảng Kỳ Diệu của Đức Tin Chúng Ta
Tháng Mười Một Năm 2002


Nền Tảng Kỳ Diệu của Đức Tin Chúng Ta

Xin cám ơn Thượng Đế về sự ban cho tuyệt diệu của Ngài là chứng ngôn, thẩm quyền, và giáo lý liên kết với Giáo Hội này là Giáo Hội đã được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thưa các anh chị em thân mến, tôi cầu xin sự soi dẫn của Chúa trong khi ngỏ lời với các anh chị em. Tôi chưa bao giờ được thoải mái với trách nhiệm lớn lao phải nói chuyện với các Thánh Hữu Ngày Sau. Tôi biết ơn sự tử tế và lòng nhẫn nại của các anh chị em. Tôi luôn luôn cầu nguyện rằng tôi có thể xứng đáng với sự tin cậy của các tín hữu.

Tôi mới vừa trở về sau một cuộc hành trình rất dài. Cuộc hành trình đầy mệt nhọc, nhưng đó là điều tuyệt diệu để được gặp gỡ các Thánh Hữu. Nếu có thể được, tôi sẽ giao tất cả mọi vấn đề hành chính hàng ngày của Giáo Hội cho những người khác, và rồi tôi sẽ dành thời giờ của mình ra để đi gặp gỡ các tín hữu của chúng ta, thăm viếng những người nơi các chi nhánh nhỏ lẫn những người trong các giáo khu lớn. Tôi mong muốn họp mặt với các Thánh Hữu tại bất cứ nơi nào họ sống. Tôi cảm thấy rằng mỗi một tín hữu trong Giáo Hội này đều xứng đáng được viếng thăm. Tôi tiếc rằng vì sự giới hạn của thể xác nên tôi không thể còn bắt tay được với mọi người. Thế nhưng tôi có thể nhìn vào mắt họ với tấm lòng hân hoan và bày tỏ tình thương của tôi và để lại cho họ một phước lành.

Lý do của chuyến đi mới nhất này là để tái cung hiến Đền Thờ Freiberg Germany (Đức) và để cung hiến Đền Thờ The Hague Netherlands (Hòa Lan). Đó là cơ hội của tôi để làm lễ cung hiến Đền Thờ Freiberg cách đây 17 năm. Lúc đó nó là một tòa nhà khá khiêm tốn được xây cất ở một nơi mà lúc đó là Cộng Hòa Dân Chủ Đức, là Miền Đông của một nước Đức bị chia cắt. Việc xây cất ngôi đền thờ này là một phép lạ thật sự. Chủ tịch Monson, Hans Ringger, và những người khác, đã chiếm được cảm tình của các viên chức chính phủ Đông Đức là những người đã đồng ý cho phép xây cất.

Đền thờ đã được sử dụng một cách tốt đẹp trong bao nhiêu năm nay. Giờ đây, bức tường ô nhục không còn nữa. Các tín hữu của chúng ta hành trình đến Freiberg dễ dàng hơn. Tòa nhà đã hư hao sau nhiều năm và giờ đây trở thành không thích nghi nữa.

Đền thờ đã được nới rộng thêm, và được làm cho xinh đẹp và tiện lợi hơn nhiều. Chúng tôi chỉ tổ chức một phiên lễ cung hiến mà thôi. Các thánh hữu kéo đến từ một khu vực rất lớn. Trong căn phòng lớn nơi chúng tôi ngồi, chúng tôi có thể nhìn vào khuôn mặt của nhiều người trong số các Thánh Hữu Ngày Sau khỏe mạnh, vững chắc và kỳ diệu là những người mà qua bao nhiêu năm nay, dù lúc vui hay lúc buồn, dưới sự kiềm chế của chính phủ và giờ đây trong sự tự do hoàn toàn, đã giữ vững đức tin, phục vụ Chúa, và đã nêu gương tốt về phúc âm. Tôi rất buồn đã không thể ôm lấy các anh chị em quả cảm này và cho họ biết tôi yêu thương họ biết bao. Nếu bây giờ họ đang nghe tôi nói, thì tôi hy vọng rằng họ sẽ biết được tình thương yêu đó và sẽ tha thứ cho tôi vì đã vội vàng rời họ đi.

Từ nơi đó chúng tôi đã bay đi Pháp để giải quyết công việc của Giáo Hội. Sau đó chúng tôi bay đi Rotterdam rồi lái xe đến The Hague. Làm việc trong ba quốc gia cùng một ngày là thời khắc biểu khá bận rộn cho một người già.

Buổi sáng hôm sau chúng tôi làm lễ cung hiến Đền Thờ The Hague Netherlands (Hòa Lan). Có bốn phiên lễ. Đó thật là một kinh nghiệm cảm động và kỳ diệu.

Đền thờ này là một công trình xinh đẹp trong một khu vực tốt. Tôi rất biết ơn về ngôi nhà này của Chúa mà sẽ thích nghi cho các Thánh Hữu ở Hòa Lan, Bỉ và một số vùng ở Pháp. Những người truyền giáo đã được gửi đến vùng đó ở Âu Châu lần đầu tiên vào năm 1861. Hàng ngàn người đã gia nhập Giáo Hội. Phần lớn những người đó đã di cư đến Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây, tại chỗ đó, chúng ta còn một nhóm đông Thánh Hữu Ngày Sau yêu quý và trung tín là những người xứng đáng được một ngôi nhà của Chúa ở giữa họ.

Tôi đã quyết tâm rằng trong khi chúng tôi ở tại phần đất đó của thế giới chúng tôi sẽ đi thăm những khu vực khác. Vì vậy chúng tôi đã bay đến Kiev ở Ukraine. Tôi đã đến nước đó cách đây 21 năm. Giờ đây có một ý thức mới về sự tự do trong bầu không khí. Thật là một sự soi dẫn để gặp gỡ hơn 3.000 Thánh Hữu người Ukraine. Các tín hữu đã đến từ khắp nơi trong nước và trải qua nhiều khó khăn và phí tổn để đến nơi đó.

Một gia đình nọ không có đủ tiền để mang cả gia đình đi. Cha mẹ ở lại nhà và gửi con cái của họ đi để chúng có thể có được cơ hội gặp gỡ chúng tôi.

Từ nơi đó chúng tôi đi Mạc Tư Khoa, Nga. Tôi cũng đã đến nơi đó cách đây 21 năm, và có một sự thay đổi. Sự thay đổi này giống như dòng điện. Các anh chị em không thể thấy nó được. Nhưng các anh chị em có thể cảm thấy nó được. Tại chỗ này chúng tôi lại có được một buổi họp kỳ diệu, với cơ hội trò chuyện với các vị viên chức chính phủ quan trọng như chúng tôi đã làm ở Ukraine.

Thật là một đặc ân vô giá và quý báu để gặp gỡ các Thánh Hữu tuyệt vời này là những người đã được quy tụ lại “mỗi thành một người, mỗi họ hai người,” với nhóm dân Si Ôn trong sự ứng nghiệm lời tiên tri của Giê Rê Mi (xin xem Giê Rê Mi 3:14). Cuộc sống không dễ dàng cho họ. Gánh của họ nặng nề. Nhưng đức tin của họ thì vững mạnh và chứng ngôn của họ thì sáng ngời.

Tại những nơi xa xôi này, là những nơi xa lạ đối với đa số những người trong Giáo Hội, ngọn lửa phúc âm rực cháy và soi sáng con đường cho hàng ngàn người.

Rồi chúng tôi bay đến Iceland (Băng Đảo). Đó là một nơi xinh đẹp với những người dân mỹ miều. Nơi đây, chúng tôi đã có được một cuộc họp lâu với vị tổng thống của quốc gia, một người rất đặc biệt và tài giỏi mà đã từng đến Utah và nói nhiều điều thật tốt về các tín hữu của chúng ta.

Một lần nữa chúng tôi đã họp với các Thánh Hữu. Thật là một sự soi dẫn để nhìn vào khuôn mặt của họ trong khi họ chen chúc nhau trong nhà hội của chúng ta tại thành phố Reykjavík.

Trong tất cả những nơi này cùng với tất cả những cơ hội này để được nói chuyện với rất nhiều người, thì có một điều đã liên tục hiện ra trong ý nghĩ của tôi ọ sự kỳ diệu của công việc này, sự kỳ diệu tuyệt đối của công việc này. Những lời của bài thánh ca tuyệt vời của chúng ta do ca đoàn hát đã lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi:

Tìm đâu cho thấy một nền vững vàng bằng niềm tin

Đặt nơi điều mà Giê Su đã ban cho từ xưa!

(“Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6)

Chúng ta, là các Thánh Hữu Ngày Sau có thực sự hiểu biết và biết ơn sức mạnh của vị thế của chúng ta chăng? Trong số các tôn giáo của thế giới, tôn giáo của chúng ta thật độc đáo và kỳ diệu.

Giáo Hội này có phải là một cơ sở giáo dục không? Phải. Chúng ta giảng dạy liên tục và không ngừng trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Có phải đó là một cơ sở mang tính chất xã hội không? Quả thật vậy. Đó là một gia đình đông bạn bè cùng nhau hòa đồng và vui chơi với nhau. Có phải đó là một tổ chức tương trợ không? Phải. Nó có một chương trình đáng kể để vun trồng sự tự túc và trợ cấp cho những người gặp cảnh khốn cùng. Nó có tất cả những chức năng này và hơn thế nữa. Nhưng, vượt lên trên những điều này, thì nó chính là Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế được thiết lập và hướng dẫn bởi Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, để ban phước lành cho tất cả những ai đến cùng với Giáo Hội này.

Chúng tôi tuyên bố rõ ràng và minh bạch rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã đích thân hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith.

Khi tôi được Mike Wallace phỏng vấn trong chương trình truyền hình 60 Minutes (60 Phút), ông ấy đã hỏi tôi có thực sự tin vào sự kiện đó không. Tôi trả lời: “Thưa ông, có. Đó là phép lạ của điều này”.

Đó là cảm nghĩ của tôi về điều ấy. Toàn thể sức mạnh của chúng ta dựa vào giá trị của khải tượng đó. Hoặc là nó có xảy ra hoặc là không. Nếu nó không xảy ra, thì công việc này là sự lừa gạt. Nếu nó có xảy ra, thì đây là công việc quan trọng và kỳ diệu nhất dưới gầm trời.

Thưa các anh chị em của tôi, hãy suy ngẫm điều này. Trong hàng thế kỷ các tầng trời đã bị niêm phong. Những người nam nữ tốt lành, một số không ít—là những vĩ nhân và tuyệt vời—đã cố gắng sửa đổi, củng cố và cải tổ lối thờ phượng và việc nghiên cứu giáo lý của họ. Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng đối với họ. Thế giới được tốt lành hơn biết bao nhờ vào hành động dũng cảm của họ. Mặc dù tôi tin rằng công việc của họ đã được soi dẫn, nhưng nó không được ân sủng với các tầng trời được mở ra, với sự hiện đến của Thượng Đế.

Rồi vào năm 1820 đã xảy đến sự biểu hiện vinh quang để đáp ứng lời cầu nguyện của một thiếu niên là người đã đọc trong quyển Kinh Thánh của gia đình mình những lời của Gia Cơ: “Ví bằng, trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Thượng Đế, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia Cơ 1:5).

Giá trị của Giáo Hội dựa vào kinh nghiêm độc nhất và kỳ diệu đó.

Trong tất cả lịch sử của các tôn giáo được ghi chép thì không có gì sánh bằng với kinh nghiệm này. Kinh Thánh Tân Ước thuật lại phép báp têm của Chúa Giê Su khi tiếng nói của Thượng Đế đã được nghe thấy và Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình dạng một con chim bồ câu. Trên Núi Hóa Hình, Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng đã nhìn thấy Chúa biến hình trước mặt họ. Họ đã nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha nhưng họ không trông thấy Ngài.

Tại sao Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử lại hiện đến cùng một thiếu niên, chỉ là một chú bé con? Một lý do là Các Ngài đến để khởi đầu một gian kỳ phúc âm vĩ đại nhất trong mọi thời đại, khi tất cả các gian kỳ trước sẽ được gộp lại thành một.

Có ai có thể nghi ngờ rằng thời kỳ mà chúng ta đang sống là thời kỳ tuyệt diệu nhất trong lịch sử của thế gian không? Đã có một sự nở rộ kỳ diệu của khoa học, y khoa, truyền thông, giao thông, không thời nào sánh bằng trong tất cả các sử biên niên của loài người. Có phải là điều hợp lý để tin rằng cũng phải có một sự thăng hoa về kiến thức thuộc linh là một phần của thời kỳ phục hưng của ánh sáng và sự hiểu biết có một không hai này không?

Dụng cụ trong công việc này của Thượng Đế là một thiếu niên với tâm trí không bị triết lý của con người làm cho hoang mang. Tâm trí đó còn non trẻ và không bị ảnh hưởng bởi những điều giảng dạy truyền thống lúc bấy giờ.

Thật là điều dễ dàng để thấy lý do tại sao người ta không chấp nhận câu chuyện này. Nó hầu như vượt xa tầm hiểu biết. Vậy mà nó lại rất hợp lý . Những người đã quen thuộc với Kinh Thánh Cựu Ước thì nhận biết sự hiện đến của Đức Giê Hô Va cùng các tiên tri là những người đã sống trong thời kỳ tương đối giản dị đó. Họ có thể chối bỏ một cách hợp pháp sự cần thiết để có sự hiện đến của Thượng Đế trên trời và Vị Nam Tử phục sinh của Ngài vào thời kỳ rất phức tạp này của lịch sử của thế gian không?

Chúng tôi làm chứng về những điều phi thường này—rằng Các Ngài đã hiện đến, Joseph đã nhìn thấy Các Ngài trong vinh quang rực rỡ của Các Ngài, Các Ngài đã phán bảo cùng ông và ông đã nghe và ghi chép những lời của Các Ngài.

Tôi có quen biết một người được xem là trí thức đã nói rằng Giáo Hội đã bị lậm sâu vào lịch sử của nó. Câu đáp của tôi là nếu không có lịch sử đó thì chúng tôi không có gì cả. Sự thật của sự kiện độc đáo, đặc biệt và phi thường đó là phần quan trọng nhất của đức tin chúng ta.

Nhưng khải tượng vinh quang này chỉ là sự khởi đầu của một loạt biểu hiện mà cấu tạo lịch sử xa xưa của công việc này.

Nếu như khải tượng đó không đủ để chứng thực tính chất và sự xác thực của Đấng Cứu Chuộc của loài người, thì sự ra đời của Sách Mặc Môn tiếp theo đó có thể làm điều ấy. Sách này là một thứ mà người ta có thể cầm trong tay mình, có thể thử nâng nó lên để đánh giá nó. Người đó có thể đọc. Người đó có thể cầu nguyện về sách vì nó chứa đựng lời hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ xác nhận lẽ thật của nó nếu sự chứng thực đó được tìm kiếm bằng lời cầu nguyện.

Quyển sách đặc biệt này đứng lên với tư cách là một chứng thư về sự xác thực hằng sống của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Kinh Thánh nói rằng “cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn” (Ma Thi Ơ 18:16). Kinh Thánh, chứng thư của Cựu Thế Giới, là một bằng chứng. Sách Mặc Môn, chứng thư của Tân Thế Giới, là một bằng chứng khác.

Tôi không thể hiểu được tại sao giới Ky Tô Giáo không chấp nhận quyển sách này. Tôi thiết tưởng họ sẽ tìm kiếm bất cứ điều gì và mọi điều nào mà sẽ xác nhận chắc chắn sự xác thực và thiên tính của Đấng Cứu Rỗi của thế gian.

Tiếp theo đó là sự phục hồi của chức tư tế—trước hết, là Chức Tư Tế A Rôn dưới đôi tay của Giăng Báp Tít, là người đã làm phép báp têm cho Chúa Giê Su tại Giọt Đăng.

Rồi đến Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng, các Sứ Đồ của Chúa, là những người đã truyền ban trong thời đại này những gì mà họ đã nhận được dưới bàn tay của Đấng Thầy là người mà họ từng đi cùng, tức là “chìa khóa nước thiên đàng” với thẩm quyền để ràng buộc ở trên trời những gì mà họ ràng buộc ở dưới đất (xin xem Ma Thi Ơ 16:19).

Sau đó đến sự ban cho các chìa khóa tư tế khác dưới bàn tay của Môi Se, Ê Li A và Ê Li.

Thưa các anh chị em của tôi, xin hãy nghĩ đến điều này. Hãy nghĩ đến sự kỳ diệu của điều này.

Đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su đã được phục hồi. Chúng ta đều là các Thánh Hữu Ngày Sau. Chúng tôi xin làm chứng rằng các tầng trời đã được mở ra, các bức màn đã được vén lên, Thượng Đế đã phán bảo và Chúa Giê Su Ky Tô đã đích thân biểu hiện, và tiếp theo sau bởi một sự ban cho thẩm quyền thiêng liêng.

Chúa Giê Su Ky Tô là nền tảng thiết yếu của công việc này được xây dựng trên “nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” (Ê Phê Sô 2:20).

Sự Phục Hồi kỳ diệu này phải làm cho chúng ta thành những người có lòng khoan dung, có tình láng giềng thuận hòa, có lòng biết ơn và tử tế đối với những người khác. Chúng ta không thể khoe khoang. Chúng ta không thể kiêu ngạo. Chúng ta có thể biết ơn và chúng ta cần phải luôn như thế. Chúng ta có thể khiêm nhường là điều mà chúng ta nên luôn như thế.

Chúng ta yêu mến các tín đồ của những giáo hội khác. Chúng ta cùng làm chung với họ trong những việc có chính nghĩa. Chúng ta kính trọng họ. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên cội rễ của mình. Những cội rễ đó đâm chồi sâu trong đất của sự khai mở gian kỳ này là gian kỳ cuối cùng, gian kỳ trọn vẹn.

Thật là một sự soi dẫn để nhìn vào khuôn mặt của những người nam người nữ khắp thế gian mà giữ trong lòng mình một sự tin chắc trang nghiêm về lẽ thật của nền tảng này.

Khi nói về thẩm quyền thiêng liêng, thì đây là phần căn bản và quan trọng nhất của cả vấn đề.

Xin cám ơn Thượng Đế về sự ban cho tuyệt diệu của Ngài là chứng ngôn, thẩm quyền, và giáo lý liên kết với Giáo Hội này là Giáo Hội đã được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đây phải là sứ điệp quan trọng và duy nhất của chúng ta cho thế gian. Chúng ta không đưa ra sứ điệp với sự khoác lác. Chúng ta làm chứng với lòng khiêm nhường, nhưng với sự nghiêm trang và sự tuyệt đối chân thành. Chúng ta mời gọi tất cả mọi người, cả thế gian, lắng nghe chứng từ này và tìm hiểu sự thật về nó. Cầu xin Thượng Đế ban phước cho chúng ta, là những người tin vào những biểu hiện thiêng liêng của Ngài và giúp chúng ta mở mang thêm kiến thức về những sự kiện vĩ đại và kỳ diệu này đến với tất cả những ai chịu lắng nghe. Với những người này chúng ta xin nói trong một tinh thần yêu thương, các bạn hãy đem với mình tất cả những điều gì tốt lành và chân thật mà các bạn đã nhận được từ bất cứ nguồn gốc nào và đến với chúng tôi để chúng tôi xem chúng tôi có thể thêm điều gì cho các bạn. Tôi xin đưa ra lời mời gọi này cho những người nam người nữ khắp nơi cùng với chứng ngôn long trọng của tôi rằng công việc này là chân chính, vì tôi biết lẽ thật của nó bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.