2002
Ban Phước cho Gia Đình mình Qua các Giao Ước của chúng ta
Tháng Mười Một Năm 2002


Ban Phước cho Gia Đình mình Qua các Giao Ước của chúng ta

Nếu chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, thì đối lại những lời hứa chúng ta nhận được rất lớn lao.

Thưa các chị em, thật là điều kỳ diệu để được hiện diện với các chị em trong buổi tối nay. Các chị em là những phụ nữ thật tốt lành. Các chị em là các con gái trung tín, ngay chính của Thượng Đế, cố gắng hết khả năng mà mình có thể làm để tuân giữ các giao ước mà các chị em đã lập với Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Tôi hy vọng mỗi một người trong số các chị em có được cơ hội để nhìn thấy tấm bích chương mà chúng tôi đã chọn để tiêu biểu cho chủ đề của chúng ta là: “Tôi đây, xin phái tôi đi.” Bức tranh, có tựa đề là Những Người Tiền Phong Đến, được thực hiện bởi Chị Minerva Teichert, một người mẹ, người vợ và người họa sĩ đáng kính. Chúng tôi yêu thích bức tranh này. Chúng tôi yêu thích vẻ mặt của người phụ nữ này khi bà bước đi với gia đình bà bên cạnh. Và chúng tôi yêu thích nhất là cái túi của bà. Mặc dù chúng tôi sẽ không bao giờ biết được thứ gì đựng trong cái túi đó, nhưng nó nhắc nhở tôi về những cái túi khác mà tôi thấy ở nhà thờ. Tôi đã mang chúng và tôi chắc là các chị em cũng thế! Vào nhiều thời điểm khác nhau, cái túi của tôi đựng thánh thư, các tài liệu học tập, bình sữa, sách giải trí cho các em nhi đồng, giấy, viết chì màu.

Thưa các chị em, cũng giống như chúng ta mang cái túi của mình tại nhà thờ, thì chúng ta cũng thế, theo lối ẩn dụ, cần mang cái túi khác với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta điọvà trong cái túi này là kho tàng giao ước của chúng ta—bởi vì chúng ta là các phụ nữ đã lập giao ước với Thượng Đế. Tôi muốn ngỏ lời cùng các chị em về cách thức các giao ước của chúng ta có thể củng cố các gia đình ngay chính.

Điều quan trọng cho chúng ta là nhận thức rằng không thể diễn tả một gia đình ngay chính bằng một cách thức nhất định. Một số gia đình ngay chính có hai người cha và mẹ; nhưng đôi khi, vì chết hay ly dị, thì chỉ có một người. Một số gia đình ngay chính có đông con. Các gia đình khác, ít nhất là vào lúc này, lại không có con. Đa số các tín hữu sống độc thân một thời gian trong cuộc sống của mình, nhưng Anh Cả Marvin J. Ashton đã dạy chúng ta rằng “Thượng Đế cộng với một người thành một gia đình.”1 Trong một số các gia đình ngay chính chỉ có người cha làm việc ở ngoài, và những lúc khác, cả hai cha mẹ đều phải làm việc. Như vậy, mặc dù chúng ta có thể khác biệt, nhưng những gì mà các gia đình ngay chính có chung với nhau là các giao ước mà họ xem là thiêng liêng.

Tôi nghĩ trước hết về các giao ước liên quan đến các luật pháp của phúc âm: chẳng hạn như đóng tiền thập phân, đi tham dự nhà thờ và Lời Thông Sáng. Thưa các chị em, tôi không cần phải nói cho các chị em biết rằng nếu chúng ta tuân giữ các giao ước này, thì gia đình của chúng ta sẽ được ban phước. Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ không bao giờ chịu đau khổ; nhưng cuối cùng, chúng ta biết rằng có một phần thưởng cho việc tuân giữ những lời hứa của mình.

Các giao ước khác buộc chúng ta phải có tư cách đạo đức: cả nguyên tắc xử thế của chúng ta đối với người khác lẫn tiêu chuẩn hạnh kiểm liên quan đến thân thể của mình. Chúng ta cần dạy con cái mình phải có tư cách đạo đức: tính lương thiện, sự lễ phép, tính liêm chính, sự tử tế trong lời nói và hành động. Chúng ta gửi con cái mình ra đời, nơi mà những tư cách này đang suy đồi, nhưng chúng ta phải dạy dỗ chúng qua lời nói và, quan trọng hơn, qua tấm gương, các hành động tao nhã và tốt đẹp.

Và tiêu chuẩn hạnh kiểm của chúng ta liên quan đến thân thể của chúng ta thì sao? Thưa các chị em, chúng ta cần phải là những tấm gương cho con cái mình về những gì chúng ta trông mong trong cách ăn mặc, diện mạo và trong sự trinh khiết. Cách đây hai năm, Chủ Tịch Hinckley đứng giữa buổi họp này và khuyên bảo chúng ta phải “dạy dỗ con cái [mình] khi chúng còn trẻ và nhỏ, và không bao giờ bỏ cuộc.”2 Tiêu chuẩn cho tất cả chúng ta thì rõ ràng, nhưng những điều chúng ta biết là những đường lối của thế gian thường trở thành những đường lối của chúng ta và con cái chúng ta.

Có lần tôi nghe một người mẹ nói rằng với tất cả các ảnh hưởng xấu xa trước mắt các con gái của chị, chị đã phải chọn chống cự lại ảnh hưởng xấu xa nào. Chị đã chọn không phản đối các tiêu chuẩn về áo quần thiếu kín đáo của chúng. Nhưng sự trang nhã là một trận chiến đáng bõ công để đánh bởi vì nó thường ảnh hưởng nhiều hơn đến các vấn đề đạo đức. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải đòi hỏi các con gái và các con trai của mình phải che phủ từ cổ đến mắt cá chân, mà điều này có nghĩa rằng chúng ta giúp đỡ chúng ăn mặc theo một cách thức mà cho thấy chúng là con cái của Thượng Đế. Thưa các chị em, các chị em là các bà mẹ khôn ngoan và tuyệt diệu. Các chị em không cần một sổ tay hướng dẫn thảo ra những gì có thể chấp nhận trong lối ăn mặc. Hãy noi theo Thánh Linh và các chị em và con cái của mình sẽ biết điều gì là đúng.

Chúng ta cũng cần phải chắc chắn rằng các con cái của mình hiểu được những kỳ vọng của Chúa về lối sống tình dục. Tiêu chuẩn liên quan đến sự trinh khiết thì không bao giờ thay đổi—các con cái phải biết điều gì đúng và điều gì sai. Tuy nhiên, thường khi chúng ta đang nhìn thấy con cái mình biện minh cho cách ăn ở mà chúng biết là sai trái và tiêu biểu cho cách ăn ở của thế gian. Chúng ta cần bỏ qua bất cứ sự ngượng ngịu hay nỗi bực dọc mà chúng ta có thể cảm thấy, ngõ hầu chúng ta có thể có được những cuộc thảo luận với các con cái của mình đang trong tuổi niên thiếu. Chúng cần biết một cách cụ thể, chứ không phải một cách tổng quát, lối cư xử nào thì có thể chấp nhận được cho một người nam và người nữ ngoài vòng hôn nhân. Nếu chúng ta không dạy cho chúng các tiêu chuẩn này, thì thế gian sẽ dạy cho chúng và kết quả thì rất tai hại.

Nguyên tắc đó cũng áp dụng cho một mối đe dọa mới nhất: kỹ thuật. Tiếc thay, bộ phận lọc tốt nhất được làm ra cũng không bảo đảm những điều đồi bại sẽ không vào nhà của chúng ta. Mặc dù Mạng Lưới Internet thì thật là tuyệt diệu, nhưng chúng ta cũng phải thận trọng đối với nó và các ảnh hưởng truyền thông khác trong nhà. Hình ảnh sách báo khiêu dâm đang trở thành rất phổ biến và dần dần xâm nhập vào đời sống của các thánh hữu và hướng lòng họ xa rời các tiêu chuẩn của Thượng Đế.

Giao ước quan trọng nhất liên quan đến gia đình là giao ước hôn nhân vĩnh cửu. Chúng ta biết rằng “hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.”3 Gia đình của chúng ta là trách nhiệm cao quý nhất cũng như phước lành lớn nhất của chúng ta.

Chủ đề của đại hội này là “Tôi đây, xin phái tôi đi.” Những lời này là một lời hứa với Chúa, và một việc bày tỏ sự sẵn lòng của chúng ta để phục vụ. Nếu chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, thì đối lại những lời hứa chúng ta nhận được rất lớn lao. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã viết:

“Việc các bậc cha mẹ có trách nhiệm mà mất một trong số các con cái của họ, trong một thời gian, vì các ảnh hưởng mà họ không thể kiểm soát được thì rất thường. Họ đau khổ vì các đứa con trai hay con gái ngỗ nghịch. Họ bối rối trước lý do tại sao họ bất lực khi họ đã hết sức cố gắng để làm những gì họ phải làm.

“Tôi tin rằng một ngày nào đó các ảnh hưởng tà ác đó sẽ bị loại bỏ… .

“Chúng ta không thể quá nhấn mạnh giá trị của lễ hôn phối đền thờ, mối dây ràng buộc của giáo lễ gắn bó, và các tiêu chuẩn xứng đáng đòi hỏi nơi họ. Khi các bậc cha mẹ tuân giữ các giao ước mà họ đã lập tại bàn thờ của đền thờ, thì các con cái của họ sẽ mãi mãi gắn bó với họ.”4

Thưa các chị em, lời hứa đó cho tôi thật nhiều hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau sống cuộc sống của mình với sự tin tưởng, cái túi hành trang sáng ngời giữ chặt trong tay mình, nhưng chúng ta cũng hãy trút bỏ những thứ đựng trong túi mà chúng ta không cần. Sức nặng dư thừa ấy chỉ làm chậm bước chúng ta mà thôi. Thưa các chị em, chúng ta hãy loại bỏ khỏi mình những chữ “nếu mà” và “phải chi” và “trao gánh nặng [của mình] cho Chúa”.5 Tôi cũng cần làm điều này với các chị em. Chúng ta hãy làm với hết sức mình có thể làm mỗi ngày và để Chúa bù đắp cho những gì chúng ta không làm được. Đó là một trong những lời hứa Ngài đã lập với chúng ta.

Cuối cùng, tôi xin được kể cho các chị em nghe về một phụ nữ mà tôi chưa từng gặp bao giờ, nhưng tôi yêu thương tha thiết bởi vì bà đã trung thành với các giao ước của mình. Bà cố ngoại của tôi, Charlotte Gailey Clark, là một trong số 295 người cuối cùng nhận được các giao ước của mình trong Đền Thờ Nauvoo trước khi bắt đầu chuyến di cư về miền Tây. Ngôi đền thờ đã đóng cửa kể từ khi các thánh hữu bị ép buộc phải rời đi, nhưng tất cả những người đó xứng đáng nhưng chưa có cơ hội để tiếp nhận các lễ thiên ân của họ. Bà cố ngoại của tôi và chồng bà sẽ dẫn gia đình họ đi về miền tây, và bà muốn nhận được các giao ước của mình trước khi bà bắt tay vào quyết tâm làm cuộc hành trình ấy. Tôi đã nghĩ về bà rất thường trong mấy tháng vừa qua. Một ngày nào đó tôi muốn nói cùng bà rằng: “Thưa bà cố, cám ơn bà đã tuân giữ các giao ước của bà. Cháu thật là có phước để làm cháu gái của bà. Lòng trung tín của bà đã ban phước cho cháu và gia đình cháu—và sẽ tiếp tục ban phước cho tất cả chúng cháu trong suốt các thế hệ.” Và thưa các chị em, các con cháu của chúng ta một ngày nào đó sẽ có thể nói điều đó với chúng ta, và về chúng ta. Một ngày nào đó, chúng sẽ cám ơn chúng ta đã tuân giữ cái “túi” giao ước với chúng ta, và sử dụng cái túi này để ban phước cho cuộc sống của gia đình mình.

Cầu xin Cha Thiên Thượng của chúng ta ban phước cho chúng ta để tuân giữ các giao ước của mình ngõ hầu gia đình của chúng ta có thể được củng cố và được ban phước lành nhờ vào cuộc sống ngay chính của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Be a Quality Person,” buổi họp giáo lý của các tín hữu độc thân, ngày 30 tháng Tám năm 1992.

  2. “Thử Thách Lớn Nhất của Người Mẹ,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 114.

  3. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 1998, 24.

  4. “Our Moral Environment,” Ensign, tháng Năm năm 1992, 68.

  5. Thi Thiên 55:22.