2002
Một Tiếng Nói Hoan Hỷ cho Các Con Trẻ của Chúng Ta
Tháng Mười Một Năm 2002


Một Tiếng Nói Hoan Hỷ cho Các Con Trẻ của Chúng Ta

Đây là nhiệm vụ của chúng ta, đây là cơ hội của chúng ta để siêng năng giảng dạy và làm chứng cùng con cái của mình về lẽ trung thực của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi rất thích các dấu chấm than! Tôi thường dùng chúng khi viết những lời ghi chép cho mình và cho những người khác. Đó là một cách thức cho thấy sự nhiệt tình và cam kết. Một trong các câu thánh thư ưa thích nhất của tôi được chấm câu bằng dấu chấm than:

“Giờ đây, chúng ta nghe được những gì trong phúc âm mà chúng ta đã nhận được? Một tiếng nói hoan hỷ !” Có 14 dấu chấm than nữa trong phần cuối của câu này và trong bốn câu kế tiếp. Chúng ta đọc từng phần như sau:

“Một tiếng nói thương xót phát ra từ trên trời; và một tiếng nói chân thật phát ra từ thế gian… một tiếng nói hoan hỷ … hết sức vui mừng… .

“…Thật vinh quang thay cho tiếng nói chúng ta nghe được từ trời, tiếng nói ấy phán truyền vào tai chúng ta sự vinh quang, cứu chuộc…!”1 —với một dấu chấm than.

Chúng ta có thể nghe một tiếng nói hoan hỷ mà mang lại những lời reo hy vọng và vui mừng trong cuộc sống của chúng ta. Niềm vui về chứng ngôn của chúng ta về Đấng Cứu Rỗi có thể nhấn mạnh đến mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta trong khi chúng ta tìm cách đến cùng Đấng Ky Tô.

Còn các trẻ em của chúng ta thì sao? Chúng có nghe thấy những lời reo mừng và hy vọng trong phúc âm không? Sau một bài học Hội Thiếu Nhi về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, lớp học được yêu cầu vẽ hình để mang về nhà và chia sẻ với gia đình của các em. Các em được dạy về bóng tối mà Joseph đã trải qua trước khi Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hiện đến. Một bé gái sáu tuổi lấy một bút chì màu đen và bắt đầu vẽ. Em cố gắng tô đậm ở phần dưới và phần trên của một mặt trang giấy. Khi giảng viên của em hỏi em về tấm hình vẽ, thì em nói rằng em đang vẽ Joseph Smith trong bóng tối.

Giảng viên của em hỏi: “Em có biết rằng khi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su hiện đến, tất cả bóng tối phải rời đi không? Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su luôn có quyền năng lớn hơn Sa Tan, và Các Ngài sẽ bảo vệ em.” Đứa bé lật ngược tờ giấy của mình. Ở góc bên trên, em vẽ hai hình dáng; và rồi, đổi cây bút chì màu đen lấy cây bút chì màu vàng chói, em tô trọn phần còn lại của trang giấy với ánh sáng.

Chính là ánh sáng này, ánh sáng của phúc âm phục hồi—một “tiếng nói hoan hỷ ”—mà các bậc cha mẹ có thể giúp cho con cái mình bắt đầu biết được. Kẻ nghịch thù có thật, nhưng các trẻ em có thể cảm thấy được sự bình an và niềm vui mà có được khi chúng sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Các trẻ em của chúng ta sẽ không trải qua ánh sáng này trừ phi chúng ta giảng dạy phúc âm cho chúng.

Chúa đã ra lệnh cho các bậc cha mẹ phải “nuôi nấng con cái [họ] trong sự sáng và lẽ thật.”2 Ngài cũng chỉ thị chúng ta phải dạy cho con cái mình “biết cầu nguyện và biết bước đi ngay thẳng trước nhan Chúa,”3 và “biết giáo lý về sự hối cải và đức tin nơi Đấng Ky Tô,… về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh.”4 Chúng ta giúp chuẩn bị tai, tâm trí và tấm lòng của chúng để nhận biết “một tiếng nói hoan hỷ ” và ước muốn được xứng đáng để nhận được niềm vui vĩnh cửu khi chúng ta giảng dạy các lẽ thật của phúc âm.

Điều này được minh họa trong Sách Mặc Môn. Cha của Ê Nốt dạy ông “theo sự dưỡng dục và sự khuyến cáo của Chúa.” Phước lành lớn lao này khiến Ê Nốt phải thốt lên: “Phước thay danh Thượng Đế của tôi về vấn đề này.”5 Rồi Ê Nốt giải thích: “Những lời mà cha tôi thường nói về cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ in sâu vào tim tôi.”6

Một người bạn đã chia sẻ kinh nghiệm mà chị ấy đã có khi còn nhỏ trong một chi nhánh của Giáo Hội nơi mà chị là đứa trẻ duy nhất ở lứa tuổi Hội Thiếu Nhi. Tuần này qua tuần khác, mẹ của chị tổ chức Hội Thiếu Nhi ở nhà họ vào cùng một ngày và cùng một giờ. Chị hăng hái tham gia ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ với mẹ chị và học hỏi về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và cách thức sống theo phúc âm. Những biên bản mà Mẹ chị cẩn thận ghi vào một quyển sổ tay cho thấy các buổi họp Hội Thiếu Nhi luôn luôn gồm có những lời cầu nguyện, những bài ca và một bài học.

Ước muốn của tấm lòng người mẹ này cho đứa con gái nhỏ của mình là phát triển một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và cảm nhận được niềm vui của phúc âm. Bà đã cung ứng cho con gái mình những kinh nghiệm thật quan trọng đối với bà khi còn thơ ấu. Đứa bé gái này, giờ đây là một người phụ nữ có đức tin và đã lập giao ước với Chúa, nhìn lại thời thơ ấu của mình với lòng biết ơn sâu xa đối với sự nhiệt tình và cam kết của mẹ mình để dạy mình về Đấng Cứu Rỗi. Sự chuyên cần của người mẹ này trở thành sự hân hoan của đứa con gái của bà—và tôi nhấn mạnh điều đó với một dấu chấm than.

Các vị tiên tri tại thế đã nói rõ về bổn phận thiêng liêng của chúng ta để giảng dạy con cái của mình.7 Trong một bức thư do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn công bố, chúng ta được chỉ thị “phải dành ưu tiên cao nhất cho việc cầu nguyện chung gia đình, buổi họp tối gia đình, học hỏi và giảng dạy phúc âm và các sinh hoạt lành mạnh trong gia đình. Tuy nhiên, dù những đòi hỏi hay những sinh hoạt khác có thể đáng làm và thích đáng như thế nào đi nữa, chúng cũng không được thay thế các bổn phận đã được Chúa chỉ định mà chỉ các bậc cha mẹ và gia đình mới có thể thực hiện một cách thích đáng mà thôi.”8

Vâng, cuộc sống có thể đầy hối hả đối với cha mẹ và cũng đang trở thành như thế đối với con cái. Thật là điều dễ dàng để nói rằng không có đủ thời giờ để làm mọi điều. Khi nhìn lại thời gian mà đã trôi qua quá nhanh, giờ đây tôi có thể thấy rằng mỗi ngày được đong đầy những giây phút ngắn ngủi quý báu đầy dẫy cơ hội để giúp con cái chúng ta nghe được “một tiếng nói hoan hỷ ” trong phúc âm. Con cái luôn luôn học hỏi từ chúng ta. Chúng đang học hỏi những gì là quan trọng qua những gì mà chúng ta chọn để làm cũng như những gì mà chúng ta chọn để không làm. Những sự cầu nguyện trong gia đình, việc học hỏi thánh thư, và các buổi họp tối gia đình được thực hiện một cách tùy tiện, không thường xuyên thì sẽ không đủ để củng cố con cái chúng ta. Con cái sẽ học hỏi phúc âm và các tiêu chuẩn như sự trinh khiết, tính liêm chính và sự lương thiện ở đâu nếu không phải là tại nhà? Những giá trị này có thể được tái củng cố tại nhà thờ, nhưng các bậc cha mẹ là những người có khả năng nhất và hữu hiệu nhất trong việc giảng dạy những điều này cho con cái mình.

Việc hiểu biết những đứa trẻ này là ai và tiềm năng của chúng trong vương quốc của Thượng Đế có thể giúp chúng ta có được một ước muốn lớn lao hơn để đối phó với những thử thách một cách kiên nhẫn hơn—một cách nhân từ hơn. Chúa sẽ giúp chúng ta giảng dạy con cái mình nếu chúng ta chịu làm tất cả những điều đó với hết khả năng của mình. Gia đình là mãi mãi, và Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta thành công. Khi chúng ta tìm kiếm Thánh Linh, chúng ta có thể nhận được sự an ủi, sự hướng dẫn, sự yên tâm mà chúng ta cần để làm tròn các trách nhiệm và nhận được các phước lành của vai trò làm cha mẹ.

Các chương trình đầy soi dẫn thiêng liêng của Giáo Hội và những người được kêu gọi để phục sự con cái chúng ta có thể giúp chúng ta. Chồng tôi và tôi biết ơn các vị giám trợ, các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ và các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng mà đã giúp củng cố gia đình chúng tôi. Dù chúng ta có con cái trong nhà mình hay không, thì mỗi người chúng ta cũng có thể đóng góp một phần quan trọng trong việc phụ giúp các bậc cha mẹ.

Các trẻ em có khả năng học hỏi những sự việc quan trọng của vương quốc. Khi chúng ta lắng nghe chúng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn cách thức chúng đang áp dụng những gì chúng đang học hỏi về phúc âm. Một người cha giải thích cho đứa con gái bốn tuổi của mình rằng gia đình đã bỏ gần hết một ngày dọn dẹp nhà cửa và mọi căn phòng đều sạch sẽ trừ một căn phòng.

Ông hỏi đứa con gái: “Con có biết phòng nào không sạch sẽ không?”

Em ấy nhanh nhảu đáp: “Phòng của con.”

“Con có biết ai có thể giúp dọn dẹp phòng của con không?” ông hỏi, trông mong là nó sẽ trả lời là nó có thể làm được:

Thay vì thế nó lại trả lời: “Ôi, Cha ơi, con biết rằng bất cứ lúc nào cha sợ hãi, lo lắng hay cần giúp đỡ thì cha có thể quỳ xuống và cầu xin Cha Thiên Thượng giúp đỡ.”

Thật là điều thú vị để nhận thấy rằng khi chúng ta lắng nghe các con cái của mình, thì chúng cũng có thể giảng dạy cho chúng ta. Một người cha đã chia sẻ một kinh nghiệm mà ông có với đứa con gái tám tuổi của mình. Ông nói: “Trong khi tôi đang suy nghĩ về những lời nhận xét về bài nói chuyện của tôi trong lễ Tiệc Thánh về việc “Trở Nên như Các Trẻ Nhỏ,” thì tôi đã hỏi con gái tôi lý do tại sao chúng ta cần phải trở nên như các trẻ nhỏ. Con gái tôi đáp: ‘Bởi vì chúng ta đều là các trẻ nhỏ so với Chúa Giê Su, và bởi vì các trẻ nhỏ có óc tưởng tượng giỏi.’”

Ngạc nhiên bởi phần cuối của câu trả lời của con gái mình, người ấy hỏi lý do tại sao chúng ta cần một óc tưởng tượng giỏi. Đứa con gái đáp: “Để chúng ta có thể tưởng tượng ra Chúa Giê Su trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự, và khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh chúng ta có thể nghĩ về Ngài.”

Cũng như trong mọi điều, Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương cho chúng ta trong cách thức chúng ta phải yêu thương và giảng dạy con cái mình. Khi Ngài hiện đến cùng dân Nê Phi ở bán cầu này, thánh thư cho chúng ta biết rằng trong khi Ngài phán cùng dân chúng, “Ngài khóc,… rồi Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, cùng cầu nguyện Đức Chúa Cha cho chúng.”9

Khi nói đến sự kiện đặc biệt này, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Không có hình ảnh nào dịu dàng và xinh đẹp trong tất cả mọi bản văn thiêng liêng hơn lời giản dị này mà mô tả tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi đối với các trẻ nhỏ.”10

Bí quyết để hoàn thành việc giảng dạy hữu hiệu phúc âm trong nhà là mời gọi Thánh Linh của Chúa ở với chúng ta. Một số lời khuyên dạy tốt nhất mà chồng tôi và tôi đã nhận được trong những thời gian khó khăn nuôi dạy con cái của chúng tôi là làm hết sức mình có thể làm để mời gọi và giữ Thánh Linh trong nhà mình. Trẻ con không thể học hỏi những sự việc thuộc linh và có được những cảm giác thuộc linh mà không có được sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Là các bậc cha mẹ, chúng ta có thể thường xuyên chia sẻ chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô với con cái chúng ta. Việc chia sẻ chứng ngôn, dù trong buổi họp tối gia đình hay trong một giây phút giảng dạy, cũng sẽ mời gọi Thánh Linh. Chủ Tịch Boyd K. Packer cũng chỉ thị chúng ta phải “dạy cho những người trẻ của chúng ta biết chia sẻ chứng ngônọbiết làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, Sách Mặc Môn là chân chính.”11

Chủ Tịch Hinckley cam đoan với chúng ta: “Trong số tất cả các niềm vui của cuộc sống, không có điều gì sánh bằng niềm vui làm cha mẹ. Trong số tất cả các trách nhiệm mà chúng ta đang vất vả cố gắng, không có trách nhiệm nào khác mà nghiêm trọng như thế. Việc nuôi nấng con cái trong một bầu không khí yêu thương, an toàn và đức tin là phần đáng làm nhất trong tất cả các thử thách.”12

Tôi biếtọnhấn mạnh với một dấu chấm thanọrằng các trẻ nhỏ có thể nhận được sự làm chứng bởi Thánh Linh mà mang đến sự tin chắc và cam kết cho tâm hồn của chúng! Tôi làm chứng rằng đây là nhiệm vụ của chúng ta, đây là cơ hội của chúng ta để siêng năng giảng dạy và làm chứng cùng con cái của mình về lẽ thung thực của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, để chúng cũng có thể nghe được “một tiếng nói hoan hỷ .” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. GLGƯ 128:19, 23; xin xem thêm các câu 20õ22.

  2. GLGƯ 93:40.

  3. GLGƯ 68:28.

  4. GLGƯ 68:25.

  5. Ê Nốt 1:1.

  6. Ê Nốt 1:3.

  7. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 1998, 24.

  8. “A Letter to Church Members from the First Presidency,” Church News, ngày 27 tháng Hai năm 1999, 3.

  9. 3 Nê Phi 17:21.

  10. “Save the Children,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 54.

  11. Let Not Your Heart Be Troubled (1991), 154.

  12. Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 54.