2002
Tiền Thập Phân: Một Thử Thách của Đức Tin với Các Phước Lành Vĩnh Cửu
Tháng Mười Một Năm 2002


Tiền Thập Phân: Một Thử Thách của Đức Tin với Các Phước Lành Vĩnh Cửu

Hãy đóng tiền thập phân của mình. Hãy mở các cửa sổ trên trời ra. Các anh chị em sẽ được ban phước dồi dào vì sự vâng lời và sự trung tín của mình đối với các luật pháp và các giáo lệnh của Chúa.

Tiền thập phân là một thử thách của đức tin với các phước lành vĩnh cửu.1 Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Áp Ra Ham đã chứng tỏ đức tin của mình bằng cách đóng tiền thập phân cho thầy tư tế thượng phẩm cao trọng Mên Chi Xê Đéc.2 Cháu nội của Áp Ra Ham, là Gia Cốp, đã thề với Chúa: “Tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi.”3

Tiền thập phân được thiết lập trong những ngày sau này với tính cách là một luật pháp chính yếu cho các tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Chúa. Đó là một trong những cách thức cơ bản mà chúng ta chứng tỏ đức tin của mình nơi Ngài và sự vâng lời của chúng ta đối với các luật pháp và các giáo lệnh của Ngài. Tiền thập phân là một trong các giáo lệnh mà làm cho chúng ta hội đủ điều kiện, bởi đức tin của mình, bước vào đền thờ—ngôi nhà của Chúa.

Chỉ hơn ba tháng sau khi Sự Tuẫn Đạo của Tiên Tri Joseph Smith, vào lúc mà các Thánh Hữu đang xây cất Đền Thờ Nauvoo, Brigham Young thay mặt cho Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã viết: “Hãy tuân theo luật thập phân một cách kiên định, đều đặn và nghiêm chỉnh, rồi hãy đến Nhà của Chúa, và được giảng dạy trong các cách thức của Ngài và bước đi trong các lối Ngài.”4

Việc tuân theo luật thập phân một cách nghiêm chỉnh không những cho chúng ta đủ điều kiện để nhận được các giáo lễ cứu rỗi của đền thờ, mà còn cho phép chúng ta nhận được các giáo lễ đó thay cho các tổ tiên của mình. Khi được hỏi các tín hữu của Giáo Hội có thể chịu phép báp têm cho người chết không nếu họ không đóng tiền thập phân, Chủ Tịch John Taylor, lúc bấy giờ thuộc vào Nhóm Túc Số Mười Hai, đã đáp: “Một người mà không đóng tiền thập phân của mình thì không thích hợp để chịu phép báp têm cho những người thân đã qua đời của mình… . Nếu một người mà không có đủ đức tin để tham gia vào những việc nhỏ nhặt như thế, thì người ấy không có đủ đức tin để tự cứu mình và cứu bạn bè mình.”5

Tiền thập phân phát triển và thử thách đức tin của chúng ta. Bằng cách hy sinh cho Chúa những gì mà chúng ta có thể nghĩ là mình cần hoặc muốn cho bản thân mình, chúng ta học biết trông cậy vào Ngài. Đức tin của chúng ta nơi Ngài khiến cho chúng ta có thể tuân giữ các giao ước đền thờ và tiếp nhận các phước lành đền thờ vĩnh cửu. Người tiền phong Sarah Rich, vợ của Charles C. Rich, đã viết trong nhật ký của mình sau khi rời Nauvoo: “Chúng tôi đã nhận được nhiều phước lành trong Nhà của Chúa, điều đó [đã] tạo ra niềm vui và sự an ủi giữa lúc chúng tôi đang trải qua nỗi ưu phiền, và đã cho phép chúng tôi có đức tin nơi Thượng Đế, biết được rằng Ngài sẽ hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi trong cuộc hành trình vô định trước mắt chúng tôi.”6

Giống như những người tiền phong, việc ngoan ngoãn trả tiền thập phân củng cố đức tin của chúng ta, và đức tin giúp đỡ chúng ta vượt qua những thử thách, nỗi thống khổ và ưu phiền trong hành trình của cuộc sống mình.

Tiền thập phân cũng dạy chúng ta biết kiềm chế các ước muốn và đam mê của mình về những sự việc của thế gian này. Việc đóng tiền thập phân khuyến khích chúng ta lương thiện trong những giao dịch của mình với đồng bào của mình. Chúng ta học biết tin cậy rằng những gì mà chúng ta được ban cho, qua các phước lành của Chúa và những nỗ lực cần cù của mình, thì đủ cho các nhu cầu của mình.

Tiền thập phân có một mục đích đặc biệt với tư cách là luật pháp dự bị. Lúc khởi đầu trong gian kỳ này, Chúa đã truyền lệnh cho một số tín hữu của Giáo Hội sống theo luật dâng hiến cao —một luật pháp nhận được qua giao ước. Khi giao ước này không được tuân giữ, thì những nỗi khổ sở cùng cực đã đổ xuống các Thánh Hữu.7 Rồi luật dâng hiến bị thu hồi lại. Thay vào đó, Chúa đã mặc khải luật thập phân cho toàn thể Giáo Hội.8 Vào ngày 8 tháng Bảy năm 1838, Ngài đã phán: “Và đây là sự khởi đầu trong việc đóng góp tiền thập phân của dân ta.

“… Những người đã đóng tiền thập phân như vậy sẽ phải đóng góp một phần mười tổng số lợi tức của mình hàng năm; và đây sẽ là một luật pháp vĩnh viễn cho họ mãi mãi.”9

Luật thập phân chuẩn bị cho chúng ta để sống theo luật pháp dâng hiến cao hơn—để hiến dâng và ban phát tất cả thời giờ, tài năng và của cải cho công việc của Chúa. Cho đến ngày mà chúng ta được đòi hỏi sống theo luật pháp cao hơn này, thì chúng ta được truyền lệnh sống theo luật thập phân, tức là tự nguyện 10 dâng một phần mười lợi tức của mình hàng năm.

Đối với những người sống theo luật thập phân một cách trung tín và thành thật, Chúa hứa ban cho dồi dào các phước lành. Một số phước lành này thuộc vật chất, cũng giống như tiền thập phân là thuộc vật chất. Nhưng giống như các giáo lễ bên ngoài của phép báp têm và Tiệc Thánh, lệnh truyền đóng tiền thập phân đòi hỏi sự hy sinh vật chất, là điều mà cuối cùng sẽ mang lại các phước lành thuộc linh lớn lao.

Tôi biết một cặp vợ chồng nọ sống cách xa một ngôi đền thờ gần nhất cả hằng ngàn dặm. Mặc dù họ kiếm được rất ít tiền, nhưng họ đã đóng tiền thập phân của họ một cách trung tín và dành dụm tất cả những gì họ có thể dành dụm được để làm cuộc hành trình đến Nhà của Chúa. Sau một năm, người anh của người chồng—không phải là tín hữu của Giáo Hội—bất ngờ đến tặng cho họ hai vé máy bay. Phước lành vật chất này đã làm cho các phước lành thuộc linh của lễ thiên ân và lễ gắn bó của họ trong đền thờ trở thành hiện thực. Một phước lành thuộc linh khác nữa đã đến về sau này khi người anh đó, cảm động bởi lòng trung tín khiêm nhường của cặp vợ chồng ấy, đã gia nhập Giáo Hội.

Các phước lành vật chất và thuộc linh của tiền thập phân được đặc biệt làm cho thích ứng với chúng ta và gia đình của chúng ta đúng theo ý muốn của Chúa. Nhưng để nhận được các phước lành này, chúng ta phải tuân theo luật pháp mà các phước lành này được căn cứ vào.11 Trong trường hợp tiền thập phân, Chúa có phán: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều này mà thử ta, Đức Giê Hô Va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!”12

Có ai trong chúng ta sẽ từ chối các phước lành trút xuống từ Chúa không? Buồn thay, đây là điều mà chúng ta làm khi chúng ta không đóng tiền thập phân của mình. Chúng ta nói “không” với chính các phước lành mà chúng ta đang tìm kiếm và cầu xin nhận được. Nếu các anh chị em là người nghi ngờ về các phước lành của tiền thập phân, thì tôi khuyến khích các anh chị em hãy chấp nhận lời mời gọi của Chúa để “từ nay lấy điều này mà thử [Ngài].” Hãy đóng tiền thập phân của mình. Hãy mở các cửa sổ trên trời ra. Các anh chị em sẽ được ban phước dồi dào vì sự vâng lời và sự trung tín của mình đối với các luật pháp và các giáo lệnh của Chúa.

Hãy yên trí rằng các phước lành này được trút xuống một cách đồng đều trên những người giàu cũng như người nghèo. Như thánh thư đã chép, đó là “sự hy sinh mang lại các phước lành của thiên thượng,” không phải là bằng số tiền đóng góp của chúng ta.13 Các tín hữu tự nguyện hiến dâng trọn vẹn 10 phần trăm số lợi tức hàng năm của mình thì nhận được tất cả các phước lành đã được hứa về tiền thập phân, cho dù số tiền đó là số tiền ít ỏi của người góa phụ nghèo hay to lớn của một nhà vua.

Cách đây mấy năm, tôi đã đi thăm một nhà hội từ một giáo phái khác. Bộ kính màu xinh đẹp mang về từ Âu Châu được khắc tên của nhà hảo tâm đã hiến tặng nó; bục giảng uy nghiêm làm bằng cây bá hương Li Ban được chạm tên của một ân nhân giàu có, những chiếc ghế dài đẹp tuyệt vời nhất được khắc tên những gia đình nổi tiếng mà đã hiến tặng nhiều nhất cho ngân quỹ xây cất giáo đường.

Trái lại, trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả những người đóng tiền thập phân trọn vẹn đều được Chúa công nhận và ban phước một cách đồng đều, mà chẳng nhận những vinh dự và phần thưởng đặc biệt công khai. Ngài là “Đấng chẳng hề vị nể ai.”14 Luật lợi tức của Ngài thật là công bằng.

Trong thời kỳ chúng ta, cách thức mà tiền thập phân được phân phát thực là có ý nghĩa. Như chúng ta nhìn thấy những tấm gương tham lam và ham tiền trong số những nhà quản trị xí nghiệp vô trách nhiệm, chúng ta có thể biết ơn là Chúa đã cung ứng một cách thức cho tiền thập phân được điều hành dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Theo như sự mặc khải, các giám trợ được sắc phong để “giữ nhà kho của Chúa; để nhận các ngân quỹ của giáo hội.”15 Cả các giám trợ lẫn những người thư ký được trông mong phải là những người đóng tiền thập phân trọn vẹn là những người đã học biết cách sống khôn ngoan với phương tiện họ có. Trong vòng vài giờ sau khi nhận được tiền thập phân từ các tín hữu của tiểu giáo khu và chi nhánh của họ, những vị lãnh đạo địa phương này chuyển ngân quỹ thẳng đến trụ sở trung ương của Giáo Hội.

Rồi, như đã được Chúa mặc khải, việc sử dụng tiền thập phân được xác định bởi một hội đồng gồm có Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa. Chúa đã phán một cách cụ thể rằng công việc của Hội Đồng phải được hướng dẫn “do chính tiếng nói của ta nói với họ.”16 Hội đồng này được gọi là “Hội Đồng Lo Việc Chi Dụng Tiền Thập Phân.”

Việc chứng kiến Hội Đồng này lưu tâm đến tiếng nói của Chúa thì thật là phi thường. Mỗi thành viên ý thức được và tham gia vào mọi quyết định của Hội Đồng. Không có quyết định nào được chọn cho đến khi nào Hội Đồng được nhất trí. Tất cả quỹ tiền thập phân được chi tiêu cho các mục đích của Giáo Hội, kể cả sự an sinh—chăm sóc người nghèo và túng thiếu, các đền thờ, các tòa nhà và bảo trì các nhà hội, giáo dục, chương trình giảng dạy—nói tóm lại—công việc của Chúa.

Chủ Tịch George Albert Smith đã kể về một người bạn mà đã quyết định dùng tiền thập phân của mình để giúp đỡ các tổ chức xứng đáng. Khi người bạn hỏi Chủ Tịch Smith nghĩ gì về kế hoạch của ông, Chủ Tịch Smith đáp:

“Tôi nghĩ anh là một người rất rộng rãi với tài sản của một người nào khác… .

“… Anh đã cho tôi biết những gì anh đã làm với tiền của Chúa nhưng anh đã không cho tôi biết rằng anh đã cho ai một đồng nào tiền của anh. Chúa là cộng sự viên tốt nhất mà anh có trên thế gian, Ngài ban cho anh mọi thứ mà anh có, kể cả không khí mà anh thở. Ngài đã phán rằng anh phải lấy một phần mười lợi nhuận của mình và dâng hiến cho Giáo Hội như Chúa đã hướng dẫn. Anh đã không làm điều đó, anh đã lấy tiền của cộng sự viên tốt nhất của mình và đem đi cho.”17

Tiền thập phân của các tín hữu của Giáo Hội thuộc về Chúa. Ngài quyết định, qua một hội đồng các tôi tớ của Ngài, cách thức nó được sử dụng như thế nào.

Tôi xin làm chứng cùng các tín hữu Giáo Hội và những người khác trên khắp thế gian về sự liêm chính của Hội Đồng Lo Việc Chi Dụng Tiền Thập Phân. Tôi đã là một thành viên của Hội Đồng này trong 17 năm, với tư cách là Giám Trợ Chủ Tọa của Giáo Hội và giờ đây với tư cách là thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Quỹ tiền thập phân của Giáo Hội này đã được sử dụng, không có ngoại lệ, cho các mục đích của Ngài.

Chúa mong muốn tất cả con cái của Ngài có được các phước lành từ việc đóng tiền thập phân. Rất thường chúng ta là các bậc cha mẹ không dạy dỗ và khuyến khích con cái mình sống theo luật pháp này bởi vì sự đóng góp của chúng chỉ là một số tiền rất nhỏ. Nhưng chúng sẽ bị yếu kém nếu không có một chứng ngôn về tiền thập phân. Trong thời niên thiếu của chúng, chúng thường bị lôi cuốn bởi áo quần, thú giải trí, và đồ đạc đắt tiền và có nguy cơ mất đi sự bảo vệ đặc biệt mà tiền thập phân cung ứng.

Những năm tháng trôi qua, có thể nào một người thiếu niên có thể được sắc phong làm một anh cả, phục vụ truyền giáo, và giảng dạy một cách hữu hiệu một luật pháp cho những người khác mà chính người ấy lại không sống theo chăng? Khi người ấy trở về nhà và chạm trán với những áp lực của trường học, việc lập gia đình và một nghề nghiệp, thì luật thập phân có trở nên dễ dàng hơn để sống theo không? Cũng tương tự như thế, một thiếu nữ trẻ sẽ xứng đáng để phục vụ Chúa và lập các giao ước hôn nhân thượng thiên mà chính mình không đạt được một chứng ngôn về tiền thập phân chăng? Người ấy sẽ chuẩn bị để dạy dỗ con cái mình một luật pháp mà mình đã không học biết được bằng kinh nghiệm của mình không? Ôi, có bao nhiêu đức tin được đòi hỏi nơi các bậc cha mẹ là những người sẽ cùng khẩn cầu các phước lành che chở của tiền thập phân cho gia đình mình! Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã nói: “Hãy dạy con cái đóng tiền thập phân, ngõ hầu luật pháp đó có thể được vĩnh viễn tuân thủ. Nếu chúng ta tuân thủ luật pháp này, thì bất luận các kẻ thù của chúng ta có thể làm gì đi nữa, Chúa cũng sẽ gìn giữ chúng ta.”18

Trong một vài tuần nữa, mỗi người chúng ta sẽ có cơ hội thiêng liêng để lại họp với vị giám trợ của mình và giải quyết tiền thập phân của chúng ta với Chúa. Vị giám trợ của các anh chị em sẽ hòa nhã và tử tế. Ông sẽ hiểu những thử thách mà các anh chị em đang trải qua. Nếu các anh chị em không thể đóng lại những gì các anh chị em đã thiếu trong quá khứ, thì hãy cứ tiếp tục. Bắt đầu từ hôm nay. Hãy chia sẻ với vị giám trợ của các anh chị em sự cam kết của mình để đóng trọn vẹn tiền thập phân trong tương lai và hoạch định một chương trình để quay trở về đền thờ càng sớm càng tốt. Ngay khi các anh chị em chứng tỏ đức tin của mình trong việc đóng tiền thập phân trong một thời gian và tuân giữ các giáo lệnh cần thiết khác, thì các anh chị em sẽ có thể vui hưởng các phước lành vĩnh cửu của đền thờ. Tôi nài xin các anh chị em, đừng để lỡ cơ hội này.

Thưa các bậc cha mẹ, khi các anh chị em chuẩn bị cho việc giải quyết tiền thập phân, tôi khuyến khích các anh chị em hãy họp các con trẻ của mình lại và giúp chúng tính tiền thập phân của chúng. Hãy giúp các thanh thiếu niên và thiếu nữ của các anh chị em tra cứu hồ sơ của chúng và kiểm kê lợi tức của chúng. Đây thật là một cơ hội tuyệt diệu để gieo trồng hạt giống đức tin vào lòng con cái của các anh chị em. Các anh chị em sẽ bắt đầu cho chúng đi trên con đường mà dẫn đến đền thờ. Thế hệ tổ tiên của các anh chị em trước đây và con cháu của các anh chị em sau này sẽ chỗi dậy và chúc các anh chị em được phước, bởi vì các anh chị em sẽ chuẩn bị cho con cái mình thực hiện các giáo lễ cứu rỗi thay cho họ. Thưa các anh chị em của tôi, không phải là sự ngẫu nhiên mà dưới sự hướng dẫn của vị tiên tri tại thế của Thượng Đế, là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, mà các đền thờ đang lan tràn khắp trên thế gian. Việc tuân giữ các giáo lệnh, kể cả việc đóng tiền thập phân của mình, sẽ cho chúng ta đủ điều kiện để bước vào các đền thờ đó, được làm lễ gắn bó với gia đình mình và tiếp nhận các phước lành vĩnh cửu.

Tôi van nài rằng chúng ta sẽ không trì hoãn và chúng ta sẽ lưu ý đến giáo lệnh của Chúa để sống theo luật thập phân. Tôi có biết hai người truyền giáo đi thăm một gia đình rất nghèo. Nhà của gia đình đó được làm bằng vật liệu nghèo nàn, với sàn đất và không có điện hoặc giường nằm. Mỗi buổi tối, người cha, một người nông dân, dành hết tiền lương của một ngày làm việc của mình để mua đồ ăn tối. Khi rời khỏi căn nhà nghèo hèn của họ, người bạn đồng hành trưởng tự nghĩ: “Luật thập phân chắc hẳn sẽ là một trở ngại cho gia đình này. Có lẽ chúng ta không nên mang nó ra thảo luận trong một thời gian.” Một giây lát sau, người bạn đồng hành trẻ tuổi hơn bày tỏ ý nghĩ của mình ra lời: “Tôi biết nguyên tắc thập phân không được giảng dạy cho đến sau bốn cuộc thảo luận nữa, nhưng có thể nào chúng ta giảng dạy luật pháp này lần thăm viếng tới của chúng ta không? Họ cần biết về luật thập phân bây giờ bởi vì họ cần sự giúp đỡ của Ngài rất nhiều.”

Người truyền giáo này hiểu rằng “có một luật pháp ở trên trời, được lập ra và không thể hủy bỏ được trước khi có sự tạo dựng thế gian này, mà theo đó mọi phước lành đều được căn cứ vào—Và khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó.”19 Chúa muốn ban phước cho gia đình này và nóng lòng chờ đợi sự vâng lời của họ để Ngài có thể ban phước cho họ.

Thưa các anh chị em thân yêu của tôi, các phước lành vĩnh cửu của tiền thập phân là có thật. Tôi đã trải qua các phước lành này trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của gia đình mình. Thử thách của đức tin chúng ta là chúng ta sẽ sống theo luật thập phân bằng sự vâng lời và hy sinh của mình hay không. Bởi vì, theo lời của Tiên Tri Joseph Smith: “Một tôn giáo mà không đòi hỏi sự hy sinh mọi thứ thì không bao giờ có đủ quyền năng để tạo ra đức tin cần thiết cho cuộc sống và sự cứu rỗi.”20

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã hy sinh mạng sống của Ngài để mang lại sự cứu rỗi này cho mỗi người chúng ta. Là nhân chứng đặc biệt của Ngài, tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống. Nhân danh Ngài, tôi bày tỏ lòng biết ơn các anh chị em, các trẻ em, các góa phụ, giới trẻ, các gia đìnhọnhững người trung tínọvề tiền thập phân thiêng liêng của các anh chị em. “Những việc làm này sẽ được nhớ đến; chớ sợ, người đã làm những việc này cho ta.”21 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 225õ26.

  2. Xin xem Sáng Thế Ký 14:20.

  3. Sáng Thế Ký 28:22.

  4. History of the Church, 7:282.

  5. History of the Church, 7:292õ93.

  6. Nhật ký của Sarah De Armon Pea Rich, Văn Khố, Thư Viện Harold B. Lee, Trường Đại Học Brigham Young (bản đánh máy), 42.

  7. Xin xem Joseph Fielding Smith, Church History and Modern Revelation, (khóa học Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, các đợt đầu tiên, 1946), 196.

  8. Xin xem lời giới thiệu về lịch sử GLGƯ 119.

  9. GLGƯ 119:3õ4.

  10. Xin xem Church History and Modern Revelation (các đợt thứ ba, 1946), 120.

  11. Xin GLGƯ 130:20õ21.

  12. Ma La Chi 3:10.

  13. “Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50.

  14. GLGƯ 1:35; 38:16.

  15. GLGƯ 72:10.

  16. GLGƯ 120:1.

  17. Sharing the Gospel With Others, do Preston Nibley (1948) tuyển chọn, 46; xin xem thêm 44õ47.

  18. Được trích trong Church History and Modern Revelation (các đợt thứ ba), 122.

  19. GLGƯ 130:20õ21.

  20. Joseph Smith, Lectures on Faith (1985), 69.

  21. “A Poor Wayfaring Man of Grief,” Hymns, số 29.