Viện Giáo Lý
Bài Học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chấp Nhận Sự Hy Sinh Chuộc Tội Vĩ Đại của Đấng Cứu Rỗi


“Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chấp Nhận Sự Hy Sinh Chuộc Tội Vĩ Đại của Đấng Cứu Rỗi,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô Cầu Nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, tranh do Hermann Clementz họa

Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Chấp Nhận Sự Hy Sinh Chuộc Tội Vĩ Đại của Đấng Cứu Rỗi

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng: “Sự kiện vĩ đại nhất và thành tựu quan trọng nhất trong cả lịch sử nhân loại là sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô” (“Testify of the Restoration,” New Era, tháng Tư năm 2017, trang 3). Khi anh chị em học hỏi, hãy nghĩ về điều Chúa đã chịu để hoàn tất sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Cũng hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể cho thấy lòng biết ơn về điều Ngài đã làm cho anh chị em.

Phần 1

Tại sao tôi cần Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi?

Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va là một bước tiến cần thiết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng vì sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Sự sa ngã cho chúng ta cơ hội để đến thế gian, sử dụng quyền tự quyết, tạo ra các gia đình, có được niềm vui, cũng như học hỏi và tăng trưởng (xin xem 2 Nê Phi 2:19–25).

Hình Ảnh
Leaving the Garden of Eden (Rời Khỏi Vườn Ê Đen), tranh do Joseph Brickey họa

Nhưng bước tiến này cũng mang lại một bước lùi. Vì Sự Sa Ngã, mỗi người chúng ta thừa hưởng một tình trạng sa ngã và phải chịu cái chết thuộc linh và thể xác (xin xem An Ma 42:5–9, 14). Chúng ta không thể khắc phục những tình trạng này qua những nỗ lực hoặc công lao của mình (xin xem 2 Nê Phi 2:5, 8). Tiên tri Gia Cốp dạy rằng nếu không có “sự chuộc tội vô hạn” của Chúa thì chúng ta sẽ “không bao giờ trỗi dậy được nữa” và vĩnh viễn bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế (xin xem 2 Nê Phi 9:7–9).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 2 Nê Phi 9:10, 21, và tìm kiếm cách mà Chúa Giê Su Ky Tô cứu chúng ta khỏi cái chết thể xác và thuộc linh.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng về cách Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta khắc phục những hậu quả của Sự Sa Ngã:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Sự Cứu Chuộc của Đấng Cứu Rỗi có hai phần. Truớc hết, điều đó chuộc tội cho sự phạm giới của A Đam và hậu quả của Sự Sa Ngã của con người bằng cách khắc phục điều có thể được gọi là kết quả trực tiếp của Sự Sa Ngã—cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Cái chết thể xác được mọi người hiểu rõ; cái chết thuộc linh là sự tách rời con người ra khỏi Thượng Đế. … Sự cứu chuộc khỏi cái chết thể xác và thuộc linh này đều áp dụng cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi họ phải làm gì cả.

Khía cạnh thứ hai của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là sự cứu chuộc từ điều mà có thể được gọi là hậu quả gián tiếp của Sự Sa Ngã—tội lỗi của chúng ta trái với sự phạm giới của Adam. …

Vì chúng ta chịu trách nhiệm và chúng ta có những lựa chọn, nên sự cứu chuộc khỏi tội lỗi của chúng ta là có điều kiện—có điều kiện về việc thú nhận và từ bỏ tội lỗi cũng như chuyển sang một cuộc sống tin kính, hay nói cách khác, có điều kiện về sự hối cải [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:43]. (“Sự Cứu Chuộc,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 109–110)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em có suy nghĩ và cảm nhận gì về Chúa Giê Su Ky Tô, khi biết rằng Ngài là cách duy nhất để anh chị em có thể được cứu khỏi cái chết thuộc linh, cái chết thể xác, và những hậu quả của tội lỗi của chính mình? (Xin xem Mô Si A 3:17.)

Phần 2

Việc suy ngẫm về nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự có thể gia tăng lòng biết ơn của tôi đối với Ngài như thế nào?

Sau khi ăn Bữa Ăn Tối Cuối Cùng với Các Sứ Đồ của Ngài và giới thiệu Tiệc Thánh với họ, Chúa Giê Su đưa họ đến Vườn Ghết Sê Ma Nê. Ở đó Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện và chịu đau khổ cho tội lỗi của chúng ta.

Hình Ảnh
Christ in Gethsemane (Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê), tranh do Heinrich Hofmann họa
Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc kỹ và chậm rãi Mác 14:33–36, Lu Ca 22:43–44, và Giáo Lý và Giao Ước 19:18. Cố gắng hình dung ra cái giá mà Chúa Giê Su Ky Tô đã trả để chuộc tội lỗi của chúng ta.

Sau khi chịu nỗi đau đớn không thể tưởng tượng nổi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Chúa Giê Su đã bị phản bội. “Ngài bị bắt giữ và bị kết án theo những lời cáo gian” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Vị Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org). Trong khi bị những lãnh đạo tôn giáo của người Do Thái tạm giam, Đấng Cứu Rỗi đã bị nhạo báng, khạc nhổ, tát vào má, và vu cáo (xin xem Ma Thi Ơ 26:47–68).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su bị Tòa Công Luận xét xử

Vì họ thiếu thẩm quyền để giết Chúa Giê Su, nên những lãnh đạo Do Thái dẫn Ngài đến cho Phi Lát, quan cai trị người La Mã. Vì sợ dân chúng, Phi Lát kết án tử hình Chúa Giê Su bằng cách đóng đinh trên thập tự giá. Khi binh lính La Mã chuẩn bị để đóng đinh Đấng Ky Tô, chúng đã đánh Ngài bằng roi, rồi chế nhạo Ngài một cách cay nghiệt. Chúng đã đóng đinh vào tay chân Ngài và Ngài bị treo trên thập tự giá giữa hai tên tội phạm (xin xem Ma Thi Ơ 27:11–38).

Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng trong khi Chúa Giê Su bị treo trên thập tự giá, “tất cả những nỗi thống khổ vô hạn và đau đớn thương tâm của Vườn Ghết Sê Ma Nê đã tái diễn” (“The Purifying Power of Gethsemane,” Ensign, tháng Tư năm 2011, trang 58). Sau khoảng sáu tiếng đồng hồ, “Chúa Giê Su kêu lớn tiếng rằng: Ê Lô I, Ê Lô I, Lam Ma Sa Bách Ta Ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Giê Su tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mác 15:34).

Hình Ảnh
The Crucifixion (Bị Đóng Đinh trên Thập Tự Giá), tranh do Harry Anderson họa

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói như sau về tiếng kêu đau đớn này:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Để cho sự hy sinh tối thượng của Vị Nam Tử có thể được trọn vẹn nên Ngài phải tự nguyện và một mình thực hiện điều này, Đức Chúa Cha nhanh chóng rút khỏi Đấng Ky Tô sự an ủi cho linh hồn Ngài cùng sự hỗ trợ bằng sự hiện diện của Đức Chúa Cha. … Vì Sự Chuộc Tội của Ngài cần phải vô hạn và vĩnh cửu, nên [Chúa Giê Su Ky Tô] phải cảm thấy cái chết không những về phần thể xác mà còn về phần thuộc linh nữa, để cảm thấy việc Thánh Linh của Thượng Đế rút lui, để cho một người phải cảm thấy hoàn toàn cô đơn một cách khốn khổ và tuyệt vọng. …

… Nhờ vào Chúa Giê Su đã bước đi trên con đường dài và cô đơn chỉ có một mình Ngài nên chúng ta không phải làm điều đó. (“None Were With Him”, Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 87–88)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy suy ngẫm về cái giá mà Đấng Cứu Rỗi đã trả trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá để cứu chuộc anh chị em, và ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận của anh chị em. Cân nhắc dâng lên một lời cầu nguyện để bày tỏ lòng biết ơn của anh chị em lên Cha Thiên Thượng về sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho anh chị em.

Phần 3

Tôi có thể làm gì để chấp nhận sự hy sinh chuộc tội của Chúa?

Điều quan trọng là phải hiểu và bày tỏ lòng biết ơn về nỗi đau khổ mà Chúa chịu thay cho anh chị em. Nhưng anh chị em còn có thể làm nhiều hơn nữa để cho thấy đức tin của mình nơi tính chân thật của Sự Chuộc Tội của Ngài khi anh chị em chọn hối cải tội lỗi của mình. (Anh chị em có thể xem một ví dụ về điều này trong 3 Nê Phi 9:12–13, 21–22, khi Chúa mời dân Nê Phi và dân La Man hối cải trước khi Ngài viếng thăm họ.)

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 18:10–14, và tìm kiếm mối liên hệ giữa giá trị cá nhân của chúng ta, Sự Chuộc Tội của Chúa, và sự hối cải.

Chủ Tịch Russell M. Nelson nói về ân tứ hối cải của Chúa:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Có quá nhiều người coi sự hối cải là hình phạt—một điều gì đó nên tránh ngoại trừ trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. Nhưng cảm giác bị trừng phạt này là do Sa Tan gây ra. …

Không có gì là tự do, cao quý, hoặc quan trọng đối với sự tiến bộ của cá nhân chúng ta [cho bằng] một sự tập trung thường xuyên, hằng ngày vào sự hối cải. Sự hối cải không phải là một sự kiện mà là một tiến trình. Đó là bí quyết để có được hạnh phúc và sự an tâm. Khi được kết hợp với đức tin, sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. (“Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67)

Hình Ảnh
một người hạnh phúc
Hình Ảnh
biểu tượng, hành động

Hành Động

Thái độ của anh chị em đối với sự hối cải là gì? Anh chị em có thể làm gì để biến sự hối cải thành một kinh nghiệm tập trung hơn vào Đấng Ky Tô và đầy hân hoan trong cuộc sống của mình? Cân nhắc việc đặt ra và ghi lại một mục tiêu, và thường xuyên xem lại mục tiêu đó.