Viện Giáo Lý
Bài học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Trở Nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô Hơn


“Bài Học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Trở Nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô Hơn,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô phục sự một người hoạn nạn

Bài Học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Trở Nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô Hơn

Trong giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi, “Ngài khẩn thiết kêu gọi mọi người noi theo gương Ngài” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org). Việc cố gắng noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô và trở nên giống như Ngài hơn là một cuộc hành trình suốt đời. Chúng ta hoàn thành điều đó dần dần và chỉ với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Mô Rô Ni 10:32). Khi anh chị em học tài liệu trong bài học này, hãy suy ngẫm điều anh chị em có thể làm để có chủ ý hơn trong các nỗ lực của mình để được giống như Đấng Cứu Rỗi.

Phần 1

Chúa muốn tôi trở thành người như thế nào?

Ngay sau giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi ở giữa dân Nê Phi và dân La Man, Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng mười hai môn đồ mới được kêu gọi của Ngài. Ngài đã dạy họ nhiều hơn về phúc âm của Ngài và chỉ dẫn về trách nhiệm của họ (xin xem 3 Nê Phi 27:13–26). Rồi Đấng Cứu Rỗi phán: “Vậy nên, các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27).

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô và Ba Môn Đồ Người Nê Phi, tranh do Gary L. Kapp họa

Lời mời gọi “nên” giống như Đấng Cứu Rỗi được đưa ra cho tất cả các môn đồ. Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Dale G. Renlund

Khi chọn để chịu phép báp têm, chúng ta bắt đầu mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và chọn để được giống như Ngài. Chúng ta cam kết trở nên giống như Ngài và phát triển các thuộc tính của Ngài. (“Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 23)

Dành ra một phút để suy ngẫm một số thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi.

Lời cam kết để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta không chỉ biết về Ngài. Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Trái ngược với các thể chế của thế gian dạy chúng ta biết một điều gì đó, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thử thách chúng ta trở thành một điều gì đó. …

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là kế hoạch cho chúng ta thấy cách để trở thành con người mà Cha Thiên Thượng mong muốn chúng ta trở thành. (“The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 32)

Chủ Tịch Ezra Taft Benson nói về nỗ lực của chúng ta để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Ezra Taft Benson

“[Người nam hay người nữ] là cao quý nhất, được phước và vui vẻ nhất khi cuộc sống của người đó tiếp cận gần nhất với mẫu mực của Đấng Ky Tô. Việc này không liên quan gì đến sự giàu có, quyền lực hoặc uy thế của thế gian. Bài kiểm tra thật sự duy nhất về sự cao quý, phước lành, niềm vui là làm sao để có thể sống một cuộc sống gần giống như Đức Thầy, Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là con đường ngay chính, lẽ thật trọn vẹn, và cuộc sống dư dật. (“Jesus Christ—Gifts and Expectations,” Ensign, tháng Mười Hai năm 1988, trang 2)

Hình Ảnh
những người truyền giáo nói chuyện với một người lớn tuổi
Hình Ảnh
biểu tượng, thảo luận

Thảo Luận để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về tấm gương của một người giống như Đấng Ky Tô. Hãy cân nhắc việc tìm đến họ và hỏi xem họ đã được ban phước như thế nào qua việc cố gắng sống theo Đấng Cứu Rỗi.

Phần 2

Tôi có thể làm gì để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

Anh Cả Scott D. Whiting thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy về tiến trình trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn:

Hình Ảnh
Anh Cả Scott D. Whiting

Việc hiểu được lời khuyên để trở nên giống như Ngài là tốt, nhưng sự hiểu biết đó cần phải đi kèm với khao khát để tự thay đổi bản thân, từng bước một, vượt ra ngoài con người thiên nhiên. Để phát triển mong muốn đó, chúng ta phải biết được Chúa Giê Su Ky Tô là ai. Chúng ta phải biết một điều gì đó về phẩm chất của Ngài, và chúng ta phải tìm kiếm những thuộc tính của Ngài trong thánh thư, tại các buổi thờ phượng, và những nơi thánh thiện khác. Khi bắt đầu biết nhiều hơn về Ngài, chúng ta sẽ nhận thấy các thuộc tính của Ngài được phản ánh nơi người khác. Điều này sẽ khuyến khích chúng ta trong nỗ lực của riêng mình, vì nếu người khác có thể đạt được ở mức độ nào đó những thuộc tính của Ngài, thì chúng ta cũng có thể làm được. (“Trở Nên Giống như Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 13)

Như Anh Cả Whiting đã dạy, chúng ta có thể tìm thấy các thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô trong khắp thánh thư (ví dụ, xin xem Ma Thi Ơ 5:3–11; An Ma 13:28; Giáo Lý và Giao Ước 4:5–7). Sứ Đồ Phi E Rơ cũng dạy rằng qua “quyền năng thiêng liêng” của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể nhận được “thiên tính” của Đấng Cứu Rỗi (2 Phi E Rơ 1:3, 4).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc 2 Phi E Rơ 1:4–8, và cân nhắc việc đánh dấu các thuộc tính thiêng liêng mà chúng ta có thể nhận được và phát triển với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi. (Xin xem phần “Muốn Thêm Thông Tin?” để có thêm ý tưởng.)

Đôi khi anh chị em có thể cảm thấy choáng ngợp hoặc chán nản khi so sánh mình với Đấng Cứu Rỗi. Vào những lúc như vậy, hãy nhớ rằng ngay cả Đấng Cứu Rỗi “không nhận được sự trọn vẹn vào lúc đầu mà nhận được từ ân điển này đến ân điển khác” (Giáo Lý và Giao Ước 93:12). Anh chị em có thể tìm thấy niềm vui với sự tiến triển dần dần.

Hãy nhớ rằng anh chị em không thể một mình làm điều này. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi còn phục vụ với tư cách là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là ân tứ từ Thượng Đế. Và không thể phát triển các thuộc tính này nếu không có sự giúp đỡ của Ngài.

Một sự giúp đỡ mà chúng ta đều cần được ban cho chúng ta một cách rộng rãi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài có nghĩa là hoàn toàn trông cậy nơi Ngài—tin tưởng nơi quyền năng vô hạn, trí tuệ và tình yêu thương của Ngài. … Trong khi cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta cần phải thường xuyên đánh giá lại cuộc sống của mình và, qua con đường chân thành hối cải, trông cậy vào công lao của Chúa Giê Su Ky Tô và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài. (“Developing Christlike Attributes,” Ensign, tháng Mười năm 2008, trang 8, 9)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em đã trải qua, hoặc có thể trải qua, những thử thách nào khi cố gắng phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô? Làm thế nào Chúa có thể giúp đỡ anh chị em, hoặc Ngài đã giúp đỡ anh chị em như thế nào để trở nên giống như Ngài hơn?

Phần 3

Chúa muốn tôi tập trung phát triển thuộc tính nào giống như Đấng Ky Tô?

Khi anh chị em nghĩ về các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà mình muốn phát triển, hãy nhận ra những điểm mạnh và yếu kém của mình. Anh chị em có thể sử dụng các sinh hoạt học tập sau đây để nhận ra thuộc tính mà anh chị em muốn tập trung vào ngay bây giờ.

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

  1. Nhận ra một thuộc tính để phát triển. Hãy thành tâm suy ngẫm một thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà Chúa muốn anh chị em phát triển thêm. Anh chị em có thể thấy hữu ích để hoàn tất “Sinh Hoạt Tìm Kiếm Thuộc Tính” được tìm thấy trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo ([năm 2019], trang 145).

  2. Học hỏi từ Đấng Cứu Rỗi. Hãy nghĩ về cách Chúa Giê Su Ky Tô nêu gương về thuộc tính mà anh chị em đã chọn để cố gắng phát triển. Anh chị em có thể tìm và đọc về một ví dụ về thuộc tính này trong thánh thư. Khi anh chị em suy ngẫm về tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, hãy ghi lại điều anh chị em học được.

  3. Nhận ra một ví dụ thời hiện đại. Hãy nghĩ về một người nào đó anh chị em biết đã nêu gương về thuộc tính mà anh chị em đã chọn để cố gắng phát triển. Cân nhắc việc nói chuyện với người đó và học hỏi điều gì đã giúp người đó trau dồi thuộc tính này. Ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng của anh chị em.

Hãy sẵn sàng chia sẻ một điều gì đó anh chị em học được từ kinh nghiệm này trong lớp học.

Khi anh chị em tiếp tục cố gắng phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô, hãy thường xuyên xem lại sự tiến triển của mình. Đừng so sánh bản thân mình với người khác. Hãy vui mừng với những thành công nhỏ. Học hỏi từ những lỗi lầm của mình. Tin cậy rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ mang đến sự giúp đỡ và sức mạnh khi anh chị em cố gắng trở nên giống như Ngài hơn.

Hình Ảnh
một thiếu niên mở cửa cho một người phụ nữ và một đứa trẻ