Viện Giáo Lý
Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tìm Kiếm Mục Đích và Niềm Vui nơi Những Tạo Vật của Chúa


“Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tìm Kiếm Mục Đích và Niềm Vui nơi Các Tạo Vật của Chúa,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
hình ảnh thiên nhiên thanh bình

Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tìm Kiếm Mục Đích và Niềm Vui nơi Những Tạo Vật của Chúa

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Hãy nghĩ về điều sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta dành ra thời gian để xem xét kỹ những điều kỳ diệu của thiên nhiên quanh ta và dành hết tâm trí để tìm hiểu thêm về thế giới này mà Thượng Đế đã tạo ra cho chúng ta!” (“God’s Love for His Children,” Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 57). Khi anh chị em suy ngẫm về phép lạ của sự sáng tạo, hãy nghĩ điều mà anh chị em có thể học được về Đấng Sáng Tạo và các mục đích của Ngài dành cho chúng ta.

Phần 1

Làm thế nào mà việc hiểu được mục đích của Sự Sáng Tạo có thể làm cho cuộc sống của tôi thêm phần ý nghĩa?

Anh chị em đã có những suy nghĩ và cảm nhận gì khi nhìn các vì sao trên bầu trời đêm—có lẽ là lấy làm lạ, kinh ngạc, tôn kính, hoặc thậm chí là cảm thấy mình tầm thường?

Hình Ảnh
các vì sao trong đêm

Thiên văn học mang đến cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về kích thước đáng kinh ngạc của vũ trụ. Chỉ trong thiên hà của chúng ta, đã có “khoảng 200 đến 400 tỷ ngôi sao. Tuy nhiên, nó chỉ là một trong hàng tỷ thiên hà. … Tổng tất cả các thiên hà có thể nhìn thấy được trong vũ trụ chứa khoảng 30 ngàn tỷ tỷ ngôi sao. Tuy nhiên, con số đó có thể chỉ là một phần nhỏ so với tất cả các ngôi sao trong vũ trụ” (R. Val Johnson, “Worlds without Number,” Ensign, tháng Tám năm 2013, trang 45).

Trong một khải tượng phi thường về Sự Sáng Tạo, Môi Se đã nhìn thấy trái đất của chúng ta và dân cư của nó, và rồi ông biết về khoảng không rộng lớn của vũ trụ. Ông cũng đã học được rằng dưới sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô đã sáng tạo vạn vật (xin xem Môi Se 2:1, xin xem thêm Mô Si A 3:8; Giăng 1:1–3). Khi chứng kiến công việc của Thượng Đế, Môi Se “rất đỗi kinh ngạc và lấy làm lạ” (Môi Se 1:8) và hỏi: “Con cầu xin Ngài cho con biết tại sao những vật này là như vậy, và Ngài đã tạo dựng chúng bằng gì?” (Môi Se 1:30; xin xem thêm các câu 27–37).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Môi Se 1:33, 38–39, và tìm kiếm điều Môi Se đã học được về lý do tại sao Thượng Đế đã sáng tạo ra vũ trụ mênh mông này và mọi sự sống trong đó.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, lúc bấy giờ là thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói về mục đích của Thượng Đế đối với Sự Sáng Tạo:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Chính Thượng Đế đã phán rằng chúng ta là lý do để Ngài sáng tạo vũ trụ! Công việc và vinh quang của Ngài—mục đích dành cho vũ trụ vĩ đại này—là nhằm cứu rỗi và tôn cao loài người. … Cha Thiên Thượng sáng tạo vũ trụ để chúng ta có thể vươn tới tiềm năng của mình với tư cách là các con trai và con gái của Ngài.

Đây là nghịch lý của con người: khi so sánh với Thượng Đế, con người không có nghĩa gì cả; vậy mà chúng ta là quan trọng bậc nhất đối với Thượng Đế. (“Các Anh Chị Em Là Quan Trọng đối với Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 20)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em cảm thấy như thế nào khi biết rằng chúng ta là lý do mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã sáng tạo vũ trụ?

Phần 2

Làm thế nào tôi có thể tìm thấy niềm vui lớn lao hơn nơi những tạo vật của Chúa?

Sau khi trời và đất được tạo dựng, Thượng Đế nghỉ ngơi mọi công việc của Ngài vào ngày thứ bảy và phán: “tất cả mọi vật ta đã làm đều đã xong, và ta, Thượng Đế, thấy rằng những việc ấy đều tốt lành” (Môi Se 3:2). Rồi Ngài ban phước cho ngày thứ bảy. Anh chị em học được điều gì về Đấng Sáng Tạo từ việc Ngài dành thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Sự Sáng Tạo? Số tần suất mà anh chị em dành thời gian để sống chậm lại và thưởng ngoạn những tạo vật của Chúa trong tuần vừa qua là bao nhiêu?

Hình Ảnh
một người đang dạo bước trên con đường

Trong một điều mặc khải ban cho Tiên Tri Joseph Smith, Đấng Cứu Rỗi đã chỉ ra các phước lành vật chất và thuộc linh đến với những người giữ ngày Sa Bát được thánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:9–19). Các phước lành này gồm việc tận hưởng “trọn thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 59:16).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 59:16–20, và tìm kiếm những cách mà Chúa muốn chúng ta có được lợi ích từ những tạo vật của Ngài.

Trong số tất cả những điều kỳ diệu trên thế gian, chúng ta là sự sáng tạo vĩ đại nhất của Thượng Đế. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô “đi xuống làm nên loài người theo hình ảnh của [các Ngài] … người nam cùng người nữ” (Áp Ra Ham 4:26–27). Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã làm chứng:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley

Thể xác của chúng ta là thiêng liêng. Chúng được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Chúng thật kỳ diệu, là sự sáng tạo vinh quang của Chúa Trời. (“Be Ye Clean,” Ensign, tháng Năm năm 1996, trang 48)

Hình Ảnh
người mẹ đang bế con mình

Việc tiếp nhận một thể xác là trọng tâm trong sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:33–34). Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

Thể xác của chúng ta làm cho chúng ta có thể có được một loạt kinh nghiệm sâu rộng và mãnh liệt mà hoàn toàn không thể nào đạt được trong cuộc sống tiền dương thế. (“Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 41)

Trái ngược với Đấng Cứu Rỗi, Sa Tan bóp méo mục đích thiêng liêng của thể xác chúng ta và cám dỗ cho chúng ta lạm dụng chúng. Chủ Tịch Susan W. Tanner, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Susan W. Tanner

[Sa Tan] cám dỗ nhiều người làm mất tính chất thiêng liêng của ân tứ lớn lao về thể xác này qua sự không trinh khiết, tính không đoan trang, sự buông thả và nghiện ngập. Nó dụ dỗ một số người xem thường thân thể họ; nó cám dỗ những người khác thờ phượng thân thể họ. Trong cả hai trường hợp, nó đều lôi cuốn thế gian xem thân thể chỉ là một đồ vật. …

Thể xác của chúng ta là đền thờ của chúng ta. Chúng ta giống không kém mà còn có thể nói là giống Cha Thiên Thượng hơn vì chúng ta có thể xác. … Cầu xin cho chúng ta tôn trọng sự thiêng liêng của thể xác trong cuộc sống trần thế để Chúa có thể thánh hóa và tôn cao thể xác đó trong thời vĩnh cửu. (“Sự Thiêng Liêng của Thể Xác,” Ensign, tháng Mười Một năm 2005, trang 15)

Hình Ảnh
biểu tượng, hành động

Hành Động

Hãy dành ra ít nhất một vài phút ngày hôm nay để vui hưởng ân tứ về thể xác của anh chị em và vẻ đẹp của sự sáng tạo. Hãy đi dạo, nghe tiếng mưa rơi, ngửi một vài bông hoa tươi, ăn một ít trái cây tươi, ngắm mây trời, ngồi bên bờ suối, ngước nhìn các vì sao, nghe chim hót hoặc ôm ấp một em bé sơ sinh. hãy cân nhắc ghi lại cách mà sự ban cho thể xác của anh chị em và những tạo vật của thế gian này mang lại niềm vui cho anh chị em? Hãy chuẩn bị để chia sẻ kinh nghiệm của anh chị em trong lớp học.

Phần 3

Làm thế nào tôi có thể gia tăng sự hiểu biết của mình về các tạo vật của Chúa qua việc nghiên cứu thánh thư và khoa học?

Một cách chúng ta học về những tạo vật của Thượng Đế là thông qua khoa học. Ví dụ, chúng ta đã học được nhiều về hoạt động của cơ thể con người qua những nghiên cứu y khoa, về sự đa dạng sinh học qua sinh thái học, về các quy luật thời tiết qua khí tượng học, và còn nhiều điều khác nữa.

Hình Ảnh
tia sét

Có thể có những lúc anh chị em học được một điều gì đó từ khoa học mà dường như mâu thuẫn với thánh thư. Khi anh chị em gặp phải những điều dường như mâu thuẫn, thì quan điểm sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson có thể hữu ích:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Không có sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Sự mâu thuẫn chỉ nảy sinh từ một sự hiểu biết chưa hoàn chỉnh về khoa học hoặc tôn giáo, hoặc cả hai. …

… Mọi lẽ thật đều là một phần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Cho dù lẽ thật đến từ phòng thí nghiệm khoa học hay sự mặc khải từ Chúa, chúng đều tương thích với nhau. (“Church Leaders Gather at BYU’s Life Sciences Building for Dedication,” Church News, ngày 17 tháng Tư năm 2015, ChurchofJesusChrist.org).

Hình Ảnh
một nhà khoa học sử dụng kính hiển vi

Trong khi khoa học có thể giúp chúng ta giải thích cách các quá trình tự nhiên xảy ra, thì phúc âm của Chúa tập trung vào lý do tại sao. Khoa học và tôn giáo thường đề cập đến các nhóm câu hỏi khác nhau. Các vị tiên tri trong thánh thư chủ yếu nhấn mạnh điều chúng ta cần phải hiểu về Đấng Sáng Tạo và các mục đích của Ngài. (Xin xem “Science and Our Search for Truth,” New Era, tháng Bảy năm 2016, trang 26–29.) Nói về các giới hạn của kiến thức khoa học, Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Các phương pháp khoa học dẫn chúng ta đến điều mà chúng ta gọi là chân lý khoa học. Nhưng ‘chân lý khoa học’ không phải là mục đích trọn vẹn của cuộc sống. Những người nào không học ‘bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin’ (Giáo Lý và Giao Ước 88:118) đều giới hạn sự hiểu biết của họ về lẽ thật với điều họ có thể chứng minh bằng phương pháp khoa học. …

Chúng ta tìm kiếm niềm vui thật sự và lâu dài bằng cách tiến đến việc biết và hành động theo lẽ thật về chúng ta là ai, ý nghĩa của cuộc sống trần thế, và chúng ta sẽ đi đâu sau khi chết. Các lẽ thật này không thể học được bằng những phương pháp khoa học hay thế tục. (“Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 25)

Khi chúng ta kết hợp việc học hỏi thuộc linh và khoa học của mình về Sự Sáng Tạo, thì nó có thể gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về Thượng Đế, ngay cả khi chúng ta vẫn còn có những câu hỏi chưa được giải đáp. Khi anh chị em nghĩ về những câu hỏi của riêng mình, hãy nhớ rằng trong Thời Kỳ Ngàn Năm tất cả mọi điều sẽ được tiết lộ, kể cả “những sự việc quý giá nhất, những sự việc ở bên trên cũng như những sự việc ở bên dưới, những sự việc ở trong thế gian, và trên thế gian, và trên trời” (Giáo Lý và Giao Ước 101:34).

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Làm thế nào những hiểu biết sâu sắc này có thể giúp gia tăng chứng ngôn của anh chị em về Đấng Sáng Tạo? (xin xem Môi Se 6:63; An Ma 30:44).